Tuesday, March 20, 2012

Thảm sát Thiên An Môn 1989 qua hồi ký của Triệu Tử Dương

Thảm sát Thiên An Môn 1989 qua hồi ký của Triệu Tử Dương


Ông Bào Đồng với cuốn sách mang hình Triệu Tử Dương
Ông Bào Đồng với cuốn sách mang hình Triệu Tử Dương
DR

Le Monde 5/10/2011, với bài viết «Tháng Năm 1989, khi xe tăng nghiền nát Thiên An Môn », chú ý đến cuốn hồi ký của cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, vừa được phát hành tại Pháp. Cuốn «Hồi ký của một nhà cải cách ở cương vị đứng đầu Nhà nước Trung Quốc» kể lại với độc giả về những diễn biến chưa từng được công bố.

Các diễn biến xảy ra ở thượng đỉnh bộ máy quyền lực Trung Quốc, vào thời điểm lãnh đạo Trung Quốc đưa ra quyết định thảm sát phong trào đòi dân chủ của sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989, được tác giả mô tả chi tiết. Cuốn hồi ký cũng đồng thời cho thấy quan điểm của cựu lãnh đạo Trung Quốc, khẳng định chế độ cộng sản Trung Quốc cần phải tiến hành một cải cách chính trị thực sự - chủ đề cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Cuốn hồi ký là kết quả của 30 giờ độc thoại, trong thời gian ông Triệu Tử Dương bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh, được ghi lại và được dấu vào các băng âm thanh kể chuyện trẻ em. Các bản ghi lời kể được bí mật chuyển sang Hồng Kông. Nhờ con trai của ông Bào Đồng, cộng sự thân tín của Triệu Tử Dương, cuốn hồi ký đã được xuất bản vào đầu năm 2009, đúng vào dịp 20 năm vụ thảm sát.
Đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, vào thời điểm phong trào đòi dân chủ của sinh viên bùng nổ, ông Triệu Tử Dương mô tả sự khởi đầu rất có trật tự của phong trào sinh viên, nhân dịp lễ tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, nguyên Tổng bí thư và nhà lãnh đạo cải cách rất được người Trung Quốc yêu mến, vào ngày 22 tháng Tư năm 1989. Chính ông Triệu Tử Dương đã cho đưa loa ra quảng trường Thiên An Môn, để truyền trực tiếp buổi tưởng niệm Hồ Diệu Bang đến hàng chục ngàn sinh viên được cho phép có mặt tại đó.
Đặt câu hỏi, tại sao các sinh viên lại có thái độ nồng nhiệt như vậy trong buổi tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương đưa ra ba lý do. Thứ nhất là, Hồ Diệu Bang đã phục hồi cho rất nhiều nạn nhân, bị chế độ kết án oan, bản thân ông là người cổ vũ cho cải cách và mở cửa, và đặc biệt không tham nhũng. Thứ hai là, dư luận hết sức bất bình, vì việc ông bị phế truất một cách bất công khỏi cương vị Tổng bí thư vào năm 1987. Và lý do thứ ba là, chính sách cải cách và cởi mở đã bị trì hoãn, cải cách chính trị bị ngăn chặn, cải cách kinh tế không tiến lên. Ông Triệu Tử Dương nhận định : « Các sinh viên bất bình vì tình trạng này, đã nhân dịp lễ tưởng niệm, biểu thị hy vọng cải cách tiếp tục ».
Triệu Tử Dương kể lại, sau khi Nhân dân Nhật báo số ra ngày 26/4 đăng một bài xã luận, thể hiện quan điểm của phái cứng rắn trong đảng Cộng sản Trung Quốc, lên án các cuộc biểu tình của sinh viên, ngày 17/5 ông đã gọi điện yêu cầu gặp mặt trực tiếp Đặng Tiểu Bình – nhân vật đầy quyền uy chi phối chế độ cộng sản Trung Quốc từ trong hậu trường – để bày tỏ quan điểm về bài xã luận này. Triệu Tử Dương đã nhận được sự chuẩn thuận của Đặng Tiểu Bình. Nhưng ông đã không gặp được Đặng Tiểu Bình để nói chuyện trực tiếp, mà đối mặt với ông là gần như toàn bộ ê kíp lãnh đạo. Để trả lời cho đề nghị của Triệu Tử Dương, xem xét lại bài xã luận và không nên gây thêm căng thẳng với phong trào phản kháng, thủ tướng Lý Bằng và phó thủ tướng thứ nhất Diêu Y Lâm (Yao Yilin) – hai trong số các trụ cột của chế độ - đã quy cho Triệu Tử Dương trách nhiệm kích động phong trào sinh viên, với bài diễn văn tại Ngân hàng Phát triển Châu Á ngày 4/5. Đây là lần đầu tiên, nguyên Tổng bí thư Triệu Tử Dương bị chỉ trích trực diện, và thái độ chỉ trích quyết liệt này đã khiến ông bị bất ngờ.
Triệu Tử Dương hiểu rằng, chính Đặng Tiểu Bình đã ngầm bật đèn xanh cho cuộc phản công này. Triệu Tử Dương kể lại, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra quyết định cuối cùng, khẳng định tính đúng đắn của bài xã luận 26/4 và tuyên bố, chế độ không còn đường nào khác hơn là phải dùng quân đội để ngăn chặn phong trào. Cũng trong buổi họp không chính thức này, Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh cho thủ tướng Lí Bằng, chủ tịch nước Dương Thượng Côn và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Kiều Thạch (Qiao Shi) thực hiện quyết định này.
Rời khỏi cuộc họp, với suy nghĩ, trên cương vị Tổng bí thư tự bản thân không thể nào ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên, Triệu Tử Dương quyết định yêu cầu thư ký thảo đơn đề nghị từ nhiệm chức vụ đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong cuộc họp Ban chấp hành Trung ương tiếp theo cuộc thảm sát, ông Triệu Tử Dương rất ghi nhớ, việc ông bị quy tội tiếp tay cho các lực lượng phản cách mạng nhằm lật đổ đảng Cộng sản và lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Văn bản lên án ông được gửi đến tất cả các cử tọa, trong khi đó, bản thân ông lại không được trình bày quan điểm.
Để kết thúc bài giới thiệu cuốn hồi ký của cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, Le Monde đưa ra trích đoạn một số quan điểm của Triệu Tử Dương, về các cải cách chính trị cần phải thực hiện tại Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc cần phải học tập các kinh nghiệm quá độ của các xã hội đã có những chuyển biến, từ một chế độ mang tính truyền thống sang một nền dân chủ nghị viện, như Đài Loan hay Hàn Quốc. Để cải cách, đảng cầm quyền Trung Quốc phải thực hiện hai điều cốt yếu.
Thứ nhất là, bãi bỏ lệnh cấm các đảng phái chính trị và báo chí độc lập. Thứ hai là, thực hiện dân chủ hóa trong nội bộ đảng. Triệu Tử Dương khẳng định, « sự chuyển hóa từ một đảng cách mạng sang một đảng điều hành đất nước, và sự chuyển hóa sang một chế độ dân chủ nghị viện, không thể nào thực hiện được, nếu như không có sự dân chủ hóa trong đảng. Dân chủ hóa trong đảng, nói một cách khác, là việc bảo đảm về mặt pháp lý cho sự tồn tại các quan điểm khác nhau trong nội bộ đảng ».
Kế hoạch giải cứu Hy Lạp của Châu Âu được xem xét lại
Với hàng tựa « Kế hoạch giải cứu Hy Lạp của Châu Âu bị xem xét lại », Les Echos cho hay, cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng nghiêm trọng tại Châu Âu kể từ mùa hè này làm cho các kế hoạch hỗ trợ phải thay đổi hoàn toàn. Chương trình cứu viện Hy Lạp được đưa ra ngày 21/7, như là một giải pháp duy nhất, nay đã ngày càng tỏ ra không còn phù hợp nữa. Hiện tại, tất cả hoặc gần như tất cả các biện pháp trong kế hoạch này đang được đưa ra để xem xét lại.
Theo Les Echos, có ba lý do như sau khiến giới lãnh đạo Châu Âu đang bắt đầu thay đổi quan điểm trong kế hoạch trợ giúp Hy Lạp. Thứ nhất là nỗi lo ngại của Hoa Kỳ và Quỹ tiền tệ Quốc tế về nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới sẽ tăng lên, nếu khủng hoảng khu vực đồng euro lan rộng. Thứ hai là, suy thoái kinh tế tại Hy Lạp đòi hỏi nhiều tiền hỗ trợ hơn dự kiến. Và thứ ba là, áp lực của các thị trường, vốn không tin vào các biện pháp, được thông qua vào giữa hè qua.
Các biện pháp hiện đang được giới lãnh đạo Châu Âu xem xét lại bao gồm : thứ nhất, việc tăng phần đóng góp của khối tư nhân vào việc cho Hy Lạp mượn tiền để thanh toán nợ, thứ hai, việc sử dụng một cách hiệu quả nhất Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu 440 tỷ đô la, thứ ba là việc thúc đẩy sự hình thành Cơ chế bình ổn Châu Âu, để thay thế cho Quỹ Bình ổn Tài chính vào giữa năm 2013 và cuối cùng là, việc tăng vốn cho các ngân hàng, để có thể chống chọi lại nguy cơ tan vỡ, trong trường hợp Hy Lạp không hoàn được nợ.
Les Echos cho biết, khả năng Châu Âu phối hợp đưa ra kế hoạch tăng vốn cho các ngân hàng ngày hôm qua tại Bruxelles, được các thị trường chứng khoán hưởng ứng đồng loạt. Tất cả các chỉ số chứng khoán lớn của Châu Âu đều tăng giá.
Cũng về kế hoạch trợ giúp các ngân hàng của Châu Âu, Libération đưa ra một số quan sát, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc kế hoạch này còn chưa đưa ra những ràng buộc đối với các ngân hàng. Libération dẫn lời giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu – Jean-Claude Trichet sắp mãn nhiệm, « các nền dân chủ của chúng ta sẽ không thể chấp nhận một kế hoạch trợ giúp các ngân hàng », với mức tương tự như năm 2008, mà không đòi hỏi các cam kết tương xứng từ phía các ngân hàng.
« Băng đảng buôn ma túy, vũ khí bí mật của chính quyền Mêhicô ? »
Cũng trên Libération có bài viết « Băng đảng buôn ma túy, vũ khí bí mật của chính quyền Mêhicô ? ». Phóng sự gửi về từ Mêhicô mô tả các cuộc thanh trừng mới đây do băng đảng buôn ma túy Zetas tiến hành và sự xuất hiện một nhóm bán quân sự mới có mục tiêu duy nhất là tiêu diệt Zetas, tổ chức bất hợp pháp gieo rắc kinh hoàng hơn chục năm nay tại tiểu bang miền đông Veracruz.
Biến cố đẫm máu nhất gần đây là vào ngày 20 tháng 9, khi tổ chức bán quân sự Matazetas (tức « những người tiêu diệt Zetas ») chính thức hành động. 35 thi thể, có dấu vết tra tấn, bị ném ra giữa đường xa lộ. Hai ngày sau, thêm 14 người khác bị giết chết tại tiểu bang này. Tất cả các nạn nhân đều là thành viên của băng đảng buôn ma túy Zetas.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây Zetas đã gây ra một loạt vụ giết người kinh khủng : 52 người chết trong đám cháy tại sòng bạc thuộc thành phố Monterrey vào tháng Tám, ngày 13/9, 2 người dùng Internet bị giết hại dã man, rồi treo lên cầu, vì đã công bố trên mạng các thông tin về băng đảng Zetas, …
Libération nhận xét, hai cuộc giết người hàng loạt kể trên cho thấy các hành động bạo lực của Zetas đã vượt quá mức chịu đựng của xã hội. Lực lượng bán quân sự kể trên đã ra đời có mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn băng nhóm này. Tuy nhiên, Libération dẫn lời một chuyên gia về tội phạm có tổ chức, khẳng định : lực lượng bán quân sự kể trên cũng là thành viên của một nhóm buôn ma túy khác, đối thủ của băng đảng Zetas. Mặc dù, khẳng định các hành động báo thù kể trên là nằm ngoài vòng pháp luật và cần phải được truy tố, trên thực tế nhà nước Mêhicô không kiểm soát nổi các băng đảng tội phạm có tổ chức. Bản thân băng Zetas đã được hình thành từ một nhóm binh sĩ thuộc lực lượng tinh nhuệ của quân đội Mêhicô. Nhóm này sử dụng các chiến thuật quân sự trong việc thực hiện các hoạt động phi pháp.
Năm 2025 : số người ở độ tuổi lao động tại Nga giảm đi 10 triệu
Bên cạnh vấn đề tình trạng nhà nước pháp quyền tại Nga rất kém cỏi, tờ Les Echos còn quan tâm tới nước Nga từ góc độ dân số học, với bài viết mang tựa đề « Quả bom nổ chậm dân số tại Nga », cho biết nước Nga sẽ thiếu lao động một cách trầm trọng trong mươi, mười lăm năm tới. Đến năm 2025, số người ở độ tuổi lao động tại Nga giảm đi 10 triệu, cho đến năm 2030, con số này có thể lên đến 18 triệu.
Cùng với việc độ tuổi trung bình của dân cư Nga ngày càng cao lên, nước Nga sẽ lâm vào tình trạng thiếu nhân công. Bên cạnh đó, một chuyên gia dân số học ghi nhận, nạn nghiện rượu tại Nga là nghiêm trọng, cho thấy những đau khổ trong đời sống tinh thần của nhiều người Nga, rất nhiều người Nga không muốn sống tại quê hương.
Theo giám đốc văn phòng của công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s tại Matxcơva, giải pháp duy nhất cho vấn đề này là Nga phải thu hút được các lao động có chất lượng trên toàn thế giới và kiên quyết chống nạn bài ngoại.
Trang nhất các nhật báo Pháp
Khủng hoảng tài chính Châu Âu với các diễn biến mới tiếp tục chiếm trang nhất nhiều báo Pháp hôm nay. « Dexia, ngân hàng đầu tiên là nạn nhân của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro» là tựa đề chính trang nhất Le Monde. Libération chạy tựa « Khủng hoảng tài chính. Các quốc gia chi viện », với thông báo, các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm kiếm một sự hỗ trợ « phối hợp» đối với các ngân hàng mong manh nhất của Liên Hiệp. « Giải cứu đồng euro : làm lại từ đầu» là hàng tựa chính của nhật báo kinh tế Les Echos. Le Figaro theo dõi các biến động tại Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng với bài phóng sự từ Rhodes, thành phố đảo Hy Lạp, mang tên : « Hy Lạp trên đường tan vỡ ».
La Croix tiếp tục quan tâm đến Syria với cuộc phản kháng chống lại chế độ độc đoán qua bài «Tại Syria, nơi luật im lặng ngự trị ». Tờ báo Công báo cũng lưu ý đến việc trợ giúp các trẻ em mồ côi. Trong khi đó, L’Humanité quan tâm đến khó khăn của giới về hưu tại Pháp qua tường trình « Những người về hưu cũng phẫn nộ ».
Nhìn sang Châu Mỹ, Le Figaro chú ý đến « Mitt Romney, ứng cử viên đảng Cộng hòa muốn tranh cử chống lại Barack Obama ». Le Figaro ghi nhận, ông Mitt Romney, cựu thống đốc bang Massachusetts, tỏ ra là một trong các ứng cử viên vào chức tổng thống sáng giá nhất của đảng Cộng hòa đối mặt với đương kim tổng thống Mỹ Obama.


No comments:

Post a Comment