Công ty mua điện từ đập Xayaburi bị kiện
Cập nhật: 13:44 GMT - thứ ba, 24 tháng 6, 2014
Tòa án Hành chính Tối cao Thái Lan đảo ngược phán quyết của tòa cấp dưới, và chấp nhận đơn kiện của dân làng chống lại Tổng công ty phát điện Thái Lan (EGAT) và bốn tổ chức nhà nước khác vì đồng ý mua điện từ nhà máy thủy điện trị giá 3.5 tỷ đôla từ nước láng giềng Lào, Reuters đưa tin.
Xayaburi, một trong những đập thủy điện đầu tiên trên dòng chính của sông Mekong, là dự án trung tâm trong tham vọng của Lào nhằm cung cấp điện cho cả khu vực.
Chủ đề liên quan
Thái Lan đã đồng ý mua 95% điện sản xuất từ nơi này.
Các nhà hoạt động nói rằng dự án đe dọa môi trường sống của hàng chục triệu người sống dựa vào những nguồn lợi của sông Mekong.
Dân làng từ những tỉnh lân cận sông Mekong ở Thái Lan đã gửi đơn lên Tòa án Hành chính Thái Lan vào năm 2012, đề nghị ngừng thỏa thuận mua điện ký bởi EGAT và Công ty Năng lượng Xayaburi của Lào.
Tuy vậy, lúc đó tòa cho rằng họ không có thẩm quyền xử lý vụ việc.
Quyết định đó được thay đổi vào thứ Ba, khi Tòa án Hành chính Tối cao đứng về phía dân làng, những người yêu cầu phải có các đánh giá tác động môi trường và sức khỏe toàn diện.
Cổ phiếu của công ty xây dựng Thái Lan Kamchang, nhà thầu chính cho dự án Xayaburi, giảm 3,1% vào 8.10 sáng (GMT) sau quyết định trên.
“Người dân hy vọng tòa án sẽ tạm ngưng thỏa thuận mua điện, đồng thời tiến hành đánh giá ảnh hưởng xuyên quốc gia của dự án cũng như có thêm các tham vấn,” Ame Trandem, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, nói với Reuters.
“Nếu tòa án cho rằng thỏa thuận mua điện này là phi pháp, họ có thể ra quyết định hủy bỏ.”
Vào năm 2011, các nước thuộc Ủy hội Sông Mekong đồng ý thực hiện thêm các đánh giá tác động môi trường trước khi dự án được tiến hành. Tuy vậy Lào làm lễ khởi công xây dựng đập Xayaburi vào tháng 11/2012, chính thức hóa triển khai dự án.
Lào, Thái Lan, Việt Nam, và Cambodia cùng chung đoạn hạ nguồn của dòng Mekong dài 4.000km. Hà Nội và Phnom Penh đã thúc giục Lào tạm hoãn xây dựng đập Xayaburi để tiên hành thêm các nghiên cứu đánh giá tác động.
No comments:
Post a Comment