Tuesday, June 24, 2014

Dân chủ Hồng Kông, cái gai trong chân Bắc Kinh

Dân chủ Hồng Kông, cái gai trong chân Bắc Kinh

Cử tri Hồng Kông xếp hàng đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý về dân chủ - REUTERS /Bobby Yip
Cử tri Hồng Kông xếp hàng đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý về dân chủ - REUTERS /Bobby Yip

Mai Vân
Sự kiện các nhà dân chủ Hồng Kông tổ chức trưng cầu ý về thể thức bầu cử lãnh đạo rất được báo Pháp ngày đầu tuần này theo dõi bên cạnh những hồ sơ Irak, kinh tế Pháp hay Cúp bóng đá thế giới.

Le Figaro và Les Echos hầu như chạy cùng một dòng tựa : Tại Hồng Kông một cuộc trưng cầu bán chính thức để thách thức Bắc Kinh, tít của Les Echos, Le Figaro nêu cụ thể hơn : Hồng Kông : Các nhà dân chủ thách thức Bắc Kinh.
Điều mà các báo Pháp nêu bật trước tiên là thành công cuộc trưng cầu được dân chúng hưởng ứng nồng nhiệt, như ghi nhận của Le Figaro bên dưới dòng tựa.
Tờ báo nhìn thấy như "một cái gai trong chân của chàng khổng lồ Trung Quốc ", phe đối lập, các nhà dân chủ công khai thách thức Bắc Kinh. Tờ báo mô tả cảnh hàng ngàn người xếp hàng rồng rắn trước các phòng phiếu mở ra hôm qua.
Thành công này theo Le Figaro là do Bắc Kinh kiểm soát đời sống chính trị Hồng Kông, và người dân đặc khu hành chính này, trên nguyên tắc hưởng quyền tự trị và tự do, đã lo ngại khi thấy quyền của họ bị gặm nhắm và có nguy cơ biến mất dần.
Ngược lại thì Bắc Kinh không thể đáp ứng nguyện vọng dân chủ của người Hồng Kông, vì e ngại ảnh hưởng ở Trung Quốc, và đe dọa sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Còn mở đầu bài viết thông tín viên Les Echos nhìn thấy có một cái gì đấy khiêu khích trong việc tổ chức trung cầu ý kiến này, thể như để chế nhạo Bắc Kinh.
Tờ báo cũng ghi nhận trưng cầu thành công ngoài sức tưởng tượng của các nhà tổ chức, vượt xa ước mơ của họ : ở mức hiện tại đã có hơn 700 000 người tham gia trong lúc khi tung ra chiến dịch, họ chỉ hy vọng có được 300 000 người hưởng ứng.
Nhìn sang phía Bắc Kinh, Les Echos ghi nhận dấu hiệu bực dọc không ít trước sự kiện ở Hồng Kông. Tờ báo nêu một bằng chứng là thông báo của Trung Quốc : "cuộc trưng cầu dân ý trên thể thức bầu cử không có cơ sở pháp lý do đó bất hợp pháp và không có giá trị".
Les Echos có vẻ thích thú trước phản ứng của giới dân chủ Hồng Kông : Benny Tai, một người trong ban tổ chức, đã phản bác : đó là do "không hiểu biết về luật pháp và nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông".
Les Echos nhắc lại sự kiện trang web cuộc trưng cầu trên mạng và báo Hồng Kông bị tin tặc tấn công, cho là sự việc này đã có tác động ngược lại với mong muốn của Bắc Kinh, vì tạo cho người Hồng Kông cảm giác là họ phải hành động khẩn cấp trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên các chủ đề này.
Les Echos còn nhắc đến tác đông của "bạch thư " mà Trung Quốc công bố cách đây 2 tuần, trong đó khẳng định quyền lực của Bắc Kinh đối với Hồng Kông và cảnh báo giới dân chủ Hồng Kông. Điều này theo Les Echos đã không làm cho đầu óc người Hồng Kông " bớt sôi sục ".
Le Monde cũng chú ý đến sự kiện ở Hồng Kông, nhưng chỉ nói đến "cuộc trưng cầu ảo ở Hồng Kông ", tựa trang quốc tế.
Tờ báo cũng nhấn mạnh trên thành công cuộc trưng cầu ảo này mà theo tờ báo đã " vượt xa những ước mơ điên rồ nhất " của các nhà tổ chức. Cũng như đồng nghiệp Les Echos, Le Monde nhìn thấy một yếu tố của sự thành công đó là chiến dịch tấn công tin tặc đã mang lại " tính chính đáng đạo đức " cho sáng kiến các nhà dân chủ Hồng Kông.
Trung Quốc : Đàn áp gia tăng từ ngày ông Tập Cận Bình nắm quyền
Báo Le Figaro và La Croix hôm nay trở lại vụ luật sư Đường Kinh Lăng bị bắt và bị khép vào tội danh " khuynh đảo chế độ " như vợ của ông thông báo trên trang mạng thứ 7, 21/06 vừa qua.
Le Figaro nhìn thấy " cuộc săn lùng luật sư đòi phục hồi đất đai " mở ra rầm rộ ở Trung Quốc. Tờ báo chạy tựa như trên vì luật sư Đường Kinh Lăng là người chuyên bảo vệ nạn nhân đất đai bị chiếm đoạt, trưng thu và các nhà bảo vệ nhân quyền bị cầm tù.
Báo La Croix dưới tựa đề ngắn gọn " một luật sư Trung Quốc bị bắt về khuynh đảo Nhà nước  " ghi nhận trước tiên là từ ngày ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cuối năm 2012, thi những vụ bắt bớ, hù dọa tăng cao.
Theo La Croix luật sư Đường Kinh Lăng đang bị giam ở Quảng Châu. Tờ báo cũng nhắc lại lai lịch của vị luật sư 43 tuổi, nổi tiếng vì bảo vệ những người tố cáo tham nhũng bị hạch sách, nạn nhân thuốc giả, những người đất đai bị trưng thu và không được bồi thường, do đó chính quyền đã không ưa thích gì ông , và ông đã nhiều lần bị kẻ lạ mặt chận đánh.
Ngay từ 2006, ông Đường Kinh Lăng đã mất giấy phép hành nghề, và như thế đã chuyển thành một trong những người vận đông bất phục tùng dân sự, không bạo động ở Trung Quốc, và càng bị lực lượng an ninh truy bức.
La Croix nhắc lại việc luật sư Đường Kinh Lăng bị bắt vào tháng 5 cùng với nhiều nhà hoạt động, người trí thức, luật sư, nhà báo v.v.. trước kỷ niệm 25 năm thảm sát Thiên an môn, ông đã bị kết tội "gây rối trật tự" nhưng bây giờ vấn đề trở nên nghiêm trọng, vì ông bị kết vào một tội chính trị.
Kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào sự hà hơi tiếp sức của Nhà nước
Nếu bình diện nhân quyền không tiến bộ, thì trên bình diện kinh tế, tình hình kinh tế Trung Quốc cũng không tươi sáng như nhận định của hai tờ Les Echos và Le Figaro.
Trong bài tựa đề kinh tế Trung Quốc được " tiêm truyền ", Les Echos nhận thấy là kinh tế Trung Quốc có vẻ ổn định nếu nhìn chỉ số mua sắm mà ngân hàng HSBC công bố cho tháng 6, đạt trên 50 (50, 8). Tuy nhiên đây là do chính quyền đã ra sức hổ trợ hoạt động kinh tế bằng cách đầu tư ồ ạt vào hạ tầng cơ sở, các ngân hàng được kuyến khích cho vây và các địa phương được kêu gọi chi tiêu một cách nhanh chóng ngân sách của họ.
Les Echos nhìn thấy là sự hổ trợ này sẽ có hệ quả : kinh tế Trung Quốc trong hai quý cuối 2014 sẽ vững chắc hơn hai quý đầu, tăng trưởng Trung Quốc sẽ hơn 7%.
Nhưng một số nhà quan sát không tỏ vẻ phấn khởi : kết quả đạt được do sự hỗ trợ, hà hơi tiếp sức của chính phủ và chứng minh là Bắc Kinh đã đi ngược lại những gì đã hứa tức là thiên về cải cách dài hạn hơn là chạy theo tăng trưởng trước mắt. Bắc Kinh vẫn tiếp tục chính sách chạy theo tăng trưởng tức thời bất chấp nguy cơ tăng thêm mất cân bằng nguy hiểm làm kinh tế Trung quốc suy yếu..
Dưới tựa đề khi Trung Quốc hoạt động chậm lại, ở trang kinh tế, Le Figaro nêu lên những yếu tố đang đe dọa nền kinh tế thứ nhì của hành tinh. Bài báo trích dẫn giáo sư Dominique Jolly, một người am tường tình hình Trung Quốc.
Trong những yếu tố nguy hiểm, bài báo mở đầu với nạn ô nhiễm, ví dụ Bắc Kinh với chỉ số ô nhiễm cao gấp 40 lần mực định của tổ chức y tế thế giới. Kế đến là Trung Quốc thường xuyên đói mặt với các vụ tai tiếng lương thực.
Mối nguy hiểm khác là tham nhũng đã trở nên một phương thức hoạt động, trong khi bất công xã hội tăng một cách ngọan mục với hố sâu giàu nghèo làm cho người ta kinh ngạc. Đây là một số điểm đen cho tương lai của Trung Quốc.
Trên bình diện kinh tế, tăng trưởng 10% trước đây, làm bao nhiêu nước thèm khác, đã thuộc về quá khứ. Hoạt động kinh tế chậm lại này có thể gây bất ổn định, vì dân chúng gặp khó khăn. Theo Dominique Jolly, tính chính đáng của giới lãnh đạo Trung Quốc nằm ở khả năng phát triển kinh tế của họ, mang lại sự trù phú, nâng cao đời sống người dân.
Bài báo nhìn thấy là Trung Quốc vẵn dựa vào gia công, xuất khẩu, nhưng lương hướng nhân công tăng cao hiện nạy là một khó khăn không nhỏ cho " xưởng gia công của thế giới ".
Hệ quả chính sách một con cũng được phân tích như một yếu tố nguy hiểm : những người trên 65 tuổi, hiện là 155 triệu sẽ tăng lên 260 triệu năm 2020 và 340 triệu năm 2050, và sẽ đặt ra nhiều vấn đề, y tế, bảo hiểm xã hội, trong lúc mà lục lượng lao động, sức mạnh của Trung Quốc hiện nay, sẽ cạn bớt đi.
Trên mặt chính trị, tờ báo nhận thấy sự thiếu vắng dân chủ cững sẽ là một nhược điểm của Trung Quốc.
Trong phần kết luận, bài báo hy vọng là lãnh đạo Trung Quốc tìm được cách đối phó, vì phần còn lại của thế giới sẽ gặp phiền toái khi Trung Quốc suy yếu đi.
Thái Lan, tai tiếng trong ngành hải sản
Báo Le Monde hôm nay, bên cạnh Hồng Kông còn nhìn xuống Đông Nam Á, chú ý đến " số phận hàng ngàn nô lệ bán cho chủ nhân thuyền đánh bắt tôm ở Thái Lan đang gây xì căn đan. "
Những người nô lệ này là người Miến Điện và Cam Bốt. Le Monde trích báo Anh, The Guardian, tả lại hành trình của họ : Myint Thein, một người Miến Điện cho biết đã trả tiền cho trung gian ở Miến Điện để họ tìm việc làm cho ông ở Thái lan. Khi đến nơi, đến cảng Kantan, thì mới biết là ông đã bị bán cho chủ thuyền đánh bắt tôm.
Myint Thein tìm cách chạy thoát nhưng đã bị bắt lại và bị đánh gẫy hết răng. Thế còn may vì có người bị chết.
Le Monde giải thích ngành tôm, một ngành quan trọng trong kinh tế Thái, với 4 triệu tấn hải sản/năm, và doanh số khoảng 500 triệu euro. 90% sản xuất được xuất khẩu. Trên danh sách chính thức có 33 000 ngư phủ, nhưng ngành không thể hoạt động như hiện nay nếu không có những người nô lệ này.
Quy trách nhiệm tệ nạn này cho Thái lan, nhưng tờ The Guardian cũng kết tội các tập đoàn siêu thị mua tôm Thái Lan, từ Walmart ở Mỹ đến Carrefour của Pháp.., biết rõ tình hình nhưng không làm gì cả, như thế gián tiếp "ủng hộ nạn nô lệ ".
Theo Le Monde sau tiết lộ của The Guardian, tập đoàn Carrefour cho biết đã cắt quan hệ với tập đoàn Chaoren Pokphand Foods, một trong những nhà sản xuất lớn tôm ở Thái Lan.
TAGS: CHÂU Á - ĐIỂM BÁO - HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC - ĐỐI LẬP - DÂN CHỦ

No comments:

Post a Comment