Kinh tế Việt – Trung sẽ chuyển trục hiệu quả?
Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong lãnh hải Việt Nam, kéo theo những căng thẳng trên nhiều lĩnh vực quan hệ song phương… nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đây là thời điểm để Việt Nam xoay chuyển cục diện quan hệ kinh tế hai nước, nhưng liệu cơ hội trên có thể trở thành hiện thực?
Quan hệ hai nước xuống thấp
Quan hệ nhiều mặt Việt – Trung đang được đánh giá là xuống thấp nhất trong nhiều năm qua sau vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN ngoài biển Đông. Nhiều chuyên gia khẳng định với hệ lụy trên, Việt Nam cần phải có cái nhìn sâu hơn, tổng hợp hơn và gắn các sự việc lại với nhau hơn để thấy rõ một bức tranh tương phản trong quan hệ kinh tế 2 chiều, khi mà Trung Quốc luôn giành lấy những ưu thế cho họ.
Nhưng đồng thời, các nhà phân tích cũng khách quan nhận định Việt Nam cần “tận dụng tốt hơn kinh tế của Trung Quốc” chứ không đơn giản chỉ là “giảm phụ thuộc,” “thoát hiểm,” suy cho cùng dù là căng thẳng 2 quốc gia đang leo thang hay không, thì Việt Nam vẫn luôn cần phải thay đổi nhận thức với bài toán: tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro khi làm ăn với người láng giềng khó chơi này.
Tuy nhiên, trước khi đi vào tìm hiểu các đối sách của Việt Nam hiện nay liệu có phù hợp và hiệu quả hay không, chúng ta cùng nhìn lại bức tranh thương mại và đầu tư 2 chiều trong thời gian qua để có một cái nhìn tổng hợp.
Thực chất đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay rất ít, về đầu tư trực tiếp, vốn đăng ký chỉ vào khoảng 7,6 tỷ đô la nhưng vốn thực hiện chỉ là khoảng 4,3 tỷ đô la.
-TS Ngô Trí Long
Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chừng 13 tỉ đô la và nhập khẩu trở lại gần gấp 3 lần ở con số 37 tỉ đô la và sự chênh lệch này được dự tính sẽ nới rộng hơn trong tương lai. Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Trung Quốc hiện đang đứng thứ 9 trong số các nhà đầu tư và chiếm khoảng 3% tổng số vốn đầu tư đăng ký tính đến cuối năm ngoái.
Trong một bài phân tích mới đây có tên Chiến Lược Xoay Trục Kinh Tế Việt Trung được giáo sư Trần Văn Thọ của trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản phổ biến, tại đây, giáo sư Trần Văn Thọ đã chỉ ra những hiện tượng bất bình đẳng trong quan hệ hai chiều để từ đó tìm ra bản chất thực sự của quan hệ kinh tế Việt Trung.
Về mặt FDI, Trung Quốc chỉ nhắm đến những lĩnh vực nhạy cảm, theo G.S Thọ thì điều bất thường là các quan chức địa phương của Việt Nam quá ngây thơ, thiếu cảnh giác trước các dự án, đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc lại trúng thầu hầu hết các dự án trọng điểm trong các ngành quan trọng của Việt Nam với tiêu chí là “giá rẻ” nhưng thực chất cho thấy, sau khi thắng thầu, phía Trung Quốc thường điều chỉnh giá và thương lượng lại.
Đồng quan điểm với G.S Trần Văn Thọ, T.S Ngô Trí Long, một nhà kinh tế độc lập tại Hà Nội đưa ra quan điểm của ông về vấn đề này:
“Thực chất đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay rất ít, về đầu tư trực tiếp, vốn đăng ký chỉ vào khoảng 7,6 tỷ đô la nhưng vốn thực hiện chỉ là khoảng 4,3 tỷ đô la. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam không nhiều, đặc biệt, họ đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Thường thường họ bỏ thầu giá thấp, mà Việt Nam trong giai đoạn đầu lại chủ yếu coi trọng về giá, hơn nữa thủ đoạn của Trung Quốc làm ăn, theo cách hối lộ, mua chuộc “có nghề” của họ. Thường tiền lệ của nhà thầu Trung Quốc đối với Việt Nam là: bỏ giá thấp, thi công chậm trễ, kéo dài, rồi yêu cầu đội vốn lên, đưa công nghệ lạc hậu vào, đưa lao động phổ thông vào nhiều, gây bất lợi cho Việt Nam.”
Thứ hai, điều lo lắng của nhiều vị chuyên gia là hiện tại kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn từ Trung Quốc. Trong bài viết của G.S Trần Văn Thọ thì nhập siêu của VN ngày càng tăng lên một cách bất thường và cơ cấu cũng có sự chênh lệch theo kiểu một nước chưa phát triển và một nước đã phát triển, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng nguyên liệu thô, sơ chế trong khi nhập hàng công nghiệp, máy móc. G.S Thọ phân tích hiện tại VN đang thiếu một tầm nhìn chiến lược trong quan hệ với một nước láng giềng khổng lồ, Việt Nam chủ trương trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 nhưng lại không có chiến lược đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Làm sao để tối đa hóa lợi ích?
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí trong nước, ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh tế (VEPR) cho rằng thực chất của việc nhập siêu với Trung Quốc là nhập khẩu từ nước này đang trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất thường ngày của các doanh nghiệp trong nước. Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp bản địa, rất có khả năng VN rơi vào hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm khi chỉ xuất khẩu được sang họ các hàng hóa dựa vào tài nguyên và nhập khẩu hàng công nghiệp chế tạo thành phẩm.
Vậy hiện tại quan hệ vĩ mô giữa 2 nước đang diễn ra thế nào, từ Hà Nội, chuyên gia tài chính độc lập Bùi Kiến Thành cho biết quan điểm của ông:
Đối với nhà nước thì vấn đề “láng giềng gần” thì phải quan hệ tốt, thế nhưng “tốt” đến mức nào cho hợp lý và lúc nào là phạm vào vấn đề độc lập chủ quyền.
-Bùi Kiến Thành
“Đối với nhà nước thì vấn đề “láng giềng gần” thì phải quan hệ tốt, thế nhưng “tốt” đến mức nào cho hợp lý và lúc nào là phạm vào vấn đề độc lập chủ quyền. Việc này thì lãnh đạo nhà nước cũng có cơ hội nhân việc giàn khoan này để mình định hướng lại việc giao bang với Trung Quốc sao cho phù hợp. Từ đó, mình mở rộng quan hệ của mình với thế giới, sao cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập thế giới một cách hợp lý. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tốt cho lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp nghiên cứu tình hình phát triển của mình ra sao để khỏi lệ thuộc vào vấn đề kinh tế đối với Trung Quốc.”
Trong bài viết Chiến Lược Xoay Trục Quan Hệ Kinh Tế Việt Trung, G.S Thọ tổng hợp 3 điểm chính mà Việt Nam cần làm là: chỉnh đốn các hiện tượng bất thường bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn phổ quát nhằm loại bỏ những dự án kém chất lượng, lao động nước ngoài không cần thiết; VN trước khi ban hành các chính sách kinh tế đối ngoại phải ý thức sự tồn tại và lường trước những hậu quả từ Trung Quốc và cuối cùng là phải thực hiện ngay cuộc cải cách thể chế toàn diện theo hướng dân chủ hóa và trọng dụng nhân tài.
Chúng tôi đặt câu hỏi liệu Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn cần những chính sách như thế nào để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro trong khi vẫn phát huy nội lực, ông Bùi Kiến Thành phân tích:
“Từ trước đến giờ mang ra những chính sách này chính sách nọ, theo tôi đó chỉ là những biện pháp nhất thời để “chữa lửa” thôi, nếu một nền kinh tế mà chỉ có các biện pháp “chữa lửa” thì không thể nào phát triển bền vững ổn định được. Vì thế, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần suy nghĩ dài hạn hơn nữa, những vấn đề căn bản hơn nữa, trong đó phải thấy là Việt Nam có phải là một nền kinh tế thị trường hay không? Nếu quyết tâm như vậy thì phải làm những gì để nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Ngoài ra, muốn nền kinh tế phát triển phải có chính sách tiền tệ phù hợp, hiện tại, chúng ta chưa có một chính sách tiền tệ nào phù hợp cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững cả.”
Với những gì ghi nhận thì có lẽ chính sách kinh tế xoay trục của Việt Nam đối với Trung Quốc vẫn còn là một đường xa, bởi xưa cổ nhân có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” hẳn khi bản chất của một nền kinh tế độc lập tự chủ, thị trường đúng nghĩa chưa được thiết lập thực sự thì các biện pháp đối phó với người Trung Quốc khó chơi vẫn còn “khó” gấp nhiều lần.
No comments:
Post a Comment