Thôn nữ Ấn Độ khổ vì cảnh không nhà xí
Cập nhật: 12:49 GMT - thứ sáu, 27 tháng 6, 2014
Ở nông thôn Ấn Độ, mối họa cho phụ nữ khi đi vệ sinh ngoài trời được minh họa một cách đáng sợ vào tháng trước, khi hai cô gái bị mai phục, hiếp dâm tập thể, và treo xác lên cây. Nhưng khi việc đi vệ sinh ngoài đồng là rất phổ biến ở các ngôi làng tại đây, họ phải làm thế nào?
Cách thủ đô Delhi dưới 50 dặm, tại ngôi làng Kurmaali, phụ nữ thường đi ra đồng hai lần mỗi ngày vào lúc sớm hừng đông hoặc chạng vạng tối.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
‘Ra đồng’ hầu như là cách đi vệ sinh duy nhất mà phụ nữ ở đây biết. Chỉ có 30 hộ gia đình trên tổng số 300 nhà ở đây có nhà vệ sinh riêng, và không phải nhà nào cũng có hệ thống thoát nước.
Phụ nữ thường đi theo nhóm ‘ra đồng’ cho an toàn. Mỗi lần thường mất khoảng 15 phút. Sau đó họ tách nhau ra và tìm những khoảng không riêng.
Kailash, 38 tuổi, đánh thức ba cô con con gái dậy vào 4 giờ mỗi sáng. Mỗi người sẽ mang một chai nước và đi ra ngoài.
“Chúng tôi luôn đi theo nhóm. Tôi không bao giờ để con gái mình tự đi,” Kailash nói.
Cô bé ít tuổi nhất là Sonu, 18 tuổi, nói: “Chúng em luôn đi thẳng đến nhà vệ sinh rồi quay về. Không bao giờ đi lối khác. Không bao giờ đi một mình. Và nếu thấy con trai, em phải kêu lên.”
Điều hết sức quan trọng là phải đi đứng cẩn thận trên từng bước chân. Một khi mùa màng thu hoạch xong và cánh đồng trở nên trống trải, toàn bộ khu vực sẽ được dùng như một nhà vệ sinh ngoài trời.
Trong mùa thu hoạch, cánh đồng không sử dụng được. Vì thế họ sẽ phải đi thêm 15 phút nữa đến khu vực chưa được khai hoang.
Việc đi vệ sinh sẽ mất khoảng 45 phút đến một giờ đồng hồ, hoặc lâu hơn nữa.
Bóng tối bao phủ phụ nữ, cho họ thêm không gian riêng tư, nhưng cũng khiến họ trở nên dễ bị làm hại hơn. Vì vậy họ thường đi vệ sinh nhanh nhất có thể.
Luật bất thành văn ở đây là đàn ông chỉ đi vệ sinh vào rạng đông, nhưng thanh niên trẻ thường phá luật để quấy rối phụ nữ.
Họ kể chuyện những người đi vệ sinh bị trêu chọc và sờ mó, dù không ai thừa nhận là đã xảy ra với mình.
Chị gái của Sonu là Seema nói cô sẽ không ngần ngại tát vào mặt lũ con trai nếu chúng dám động vào chị em của mình.
Họ nói có một phụ nữ ở làng dám đi ra đồng một mình, và đột nhiên bị lộ ra giữa ánh đèn xe tải chạy qua.
Người lái xe dừng lại và nhảy ra khỏi xe, buộc cô phải chảy trốn.
Mẹ của một trong hai cô gái bị treo cổ ở Utta Pradesh nói với tôi rằng bà luôn đi cùng con gái ra đồng, nhưng lần đó bà lại để chúng đi một mình. Quyết định mà bà sẽ ân hận suốt đời.
Nước thay giấy vệ sinh
Giấy vệ sinh chưa bao giờ xuất hiện ở làng, họ chỉ dùng nước lã. Sau khi đi đồng về, họ thường rửa sạch với xà bông.
Và họ cũng phải đợi trong thời gian khá dài để đi vệ sinh lần nữa sau khi màn đêm buông xuống, tầm khoảng 14-15 tiếng đồng hồ.
Phụ nữ không còn cách nào khác là phải nhịn đi ngoài, thậm chí là hàng giờ liền.
Nhưng năm ngoái, Sonu bị đau bụng bất thường.
“Nó cần đi vệ sinh khẩn cấp, nên tôi đổ đầy chai nước và đưa nó ra đồng vào ban ngày,” bà Kailash nói. “Tôi ở với nó trong ba tiếng đồng hồ. Tôi trải tấm thảm dưới cây để nó nghỉ vài phút mỗi khi ngừng đi. Và chúng tôi phải ngồi đó cho đến khi nó không còn buồn đi ngoài nữa.”
Họ không muốn nói về chủ đề này, nhưng phụ nữ ở Kurmaali thừa nhận là trong trường hợp khẩn cấp, họ thường dùng bô đặt ở bên trong nhà.
Rất khó để khử trùng nó, vì vậy sau một vài ngày khi nó bốc mùi, họ phải vứt đi. Họ nói rõ với tôi là luôn thấy kinh tởm khi bàn về vấn đề này.
‘Cách tự nhiên’
Trên thực tế, nhiều người nghĩ rằng đi vệ sinh ngoài trời là cách tự nhiên để đi ngoài.
Seema, con gái cả của bà Kailash, sống vài năm ở trường nội trú mà có nhà vệ sinh riêng. Cô nhanh chóng quen với nó, nhưng cho rằng loại nhà vệ sinh này chỉ cần thiết trong cuộc sống hiện đại.
“Trường học và nhà nghỉ ở trong những tòa nhà lớn, nhưng lại không có đồng xung quanh, nên họ phải xây nhà vệ sinh,” cô nói.
Ở ngôi trường duy nhất tại Kumaali dành cho khoảng 300 học sinh, tôi thấy có hai nhà vệ sinh nhưng rõ ràng là không được sử dụng. Một cái thì không có cửa, cái còn lại đầy gạch và rác rưởi.
Khi tôi hỏi quản lý trường vì sao như vậy, ông ta hỏi ngược lại là tại sao lại cần có nhà vệ sinh. Ngôi trường ở ngay cạnh cánh đồng, ông chỉ tay, khiến cho những phụ nữ đi cùng tôi nổi giận. Họ nói con trai có thể đi vệ sinh ở cánh đồng vào ban ngày, nhưng con gái thì không.
Cái giá chết người
Hầu hết đàn ông trong làng là những người lao động chân tay hoặc lái xe. Một số làm việc đồng áng.
Trong số ít những người có nhà vệ sinh riêng là Santraj, làm nghề thợ xây, sống bên cạnh Kailash.
Ông xây nó tám năm trước, với chi phí 10 nghìn rupee (100 đô la), gấp đôi mức thu nhập trung bình hàng tháng của dân làng.
Nhà vệ sinh đặt trên hai hố sâu khoảng 3,5m, và ông nói không bị bốc mùi. Cái hố sẽ phải được dọn một lúc nào đó, nhưng thường kéo dài 10 năm.
Nhưng tại sao Santraj và một số có nhà vệ sinh, trong khi người khác thì không?
Ông nói đó là bởi ông có bốn đứa trẻ, trong khi hầu hết các gia đình khác có ít nhất là sáu đứa.
Thêm vào đó, thiếu nhà vệ sinh thường không ảnh hưởng đến nam giới.
“Con trai đi đâu cũng được, vào bất cứ lúc nào,” ông nói. “Chỉ có phụ nữ mới cần được bảo vệ và che chắn.”
Thậm chí ở trong thành phố, việc đàn ông tiểu tiện ở góc tường là khá phổ biến.
Ở Kumaali, rất thú vị khi xem các gia đình chi tiêu số thu nhập ít ỏi như thế nào.
Đường phố điểm xuyết một vài chiếc xe máy và một chiếc ô tô, những đồ vật đắt giá thường được dùng làm của hồi môn.
Của hồi môn của bà Kailash không có xe máy, nhưng chồng của bà mua một chiếc TV và chảo vệ tinh, dù điện chỉ có trong khoảng bốn tiếng mỗi ngày là nhiều nhất.
Ông ấy đã có thể xây một cái nhà vệ sinh, với quỹ hỗ trợ từ nhà nước. Nhưng dù ông đối xử với vợ rất tốt, không uống rượu hay đánh đập bà Kailash, nhà vệ sinh không phải là ưu tiên của ông.
“Nhà vệ sinh không quan trọng với đàn ông,” ông Kailash nói.
“Và phụ nữ cũng không thể tức giận vì điều này. Họ không làm như thế ở đây.”
No comments:
Post a Comment