'Bắc Kinh không được phép áp đặt'
Cập nhật: 13:47 GMT - thứ năm, 26 tháng 6, 2014
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rằng Việt Nam ‘mang ơn’ Trung Quốc trong quá khứ thì sẽ trả theo cách của mình, chứ Bắc Kinh không được phép áp đặt, báo Dân Trí đưa tin.
Trong buổi tiếp xúc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, ông Sang nói đã đọc rất kỹ công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng và không thấy nó thừa nhận “Hoàng Sa-Trường Sa là của Trung Quốc”. Chủ tịch nước Việt Nam cũng cho rằng chủ quyền được “luật pháp quốc tế thừa nhận” thì “phải giữ gìn”.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
“Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy. Trước sau như một, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm,” Tuổi trẻ dẫn lời chủ tịch nước nói.
Đại biểu của TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Tấn Mẫm nói “hữu nghị là không còn” và đề nghị kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ông Mẫm cũng nói lấy làm tiếc vì Quốc hội không ra nghị quyết về biển Đông, báo Dân trí đưa tin.
Trong buổi gặp mặt, chuẩn đô đốc hải quân Việt Nam Lê Kế Lâm đặt nghi vấn là Trung Quốc “đưa ra chiêu bài đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt”, nhưng thực chất “không có cái gì tốt đối với chúng ta cả”.
‘20 tỷ đô ODA và 100 tỷ đô tín dụng?’
"Trước sau như một, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm."
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang
Thiếu tướng Lâm cũng đưa ra thông tin là Trung Quốc dùng 20 tỷ đô la Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) và 100 tỷ đô la tín dụng để “nhử mồi” Việt Nam. Hiện không rõ ông Lâm lấy số liệu ở đâu.
Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về nợ vay từ Bắc Kinh đầu tháng Sáu, bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng từng nói “số liệu này không ảnh hưởng lớn nhưng có tính nhạy cảm” và “xin được trả lời trực tiếp với đại biểu sau”.
Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, thuộc bộ Kế hoạch-Đầu tư, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc tại Việt Nam cho đến tháng 6/2014 là hơn bảy tỷ đô la, xếp thứ chín trong danh sách các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Báo Đất Việt trích nguồn báo cáo của bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết ODA của Trung Quốc vào Việt Nam là 380 triệu đô la trong vòng 10 năm.
Tuy vậy, VnExpress trích số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội tính đến năm 2010 nói 90% các dự án tổng thầu EPC (phương thức chìa khoá trao tay, tức bên thầu thực hiện tòa bộ dự án và ‘trao chìa khóa’ công trình cho đối tác khi hoàn thành) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó có 30 dự án trọng điểm quốc gia và nhiều dự án “tỷ đô” của ngành điện.
No comments:
Post a Comment