Biển Đông : Dân biểu và ngư dân Đài Loan ra đảo Ba Bình
Tàu đánh cá Đài Loan chuẩn bị lên đường đến đảo Ba Bình. Ảnh ngày 20/07/2016.Reuters
Tám dân biểu Đài Loan và một số ngư dân hôm nay 20/07/2016 ra đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) để phản đối phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) La Haye, ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của Đài Bắc.
Tám dân biểu thuộc đảng Dân Tiến cầm quyền và Quốc dân đảng đối lập đã lên một chiếc máy bay quân sự đến đảo Ba Bình ở Trường Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Năm tàu cá treo cờ Đài Loan và các băng-rôn với dòng chữ « Bảo vệ quyền đánh cá, bảo vệ chủ quyền » từ thị trấn Bình Đông (Pingtung) cũng lên đường đến Ba Bình để phản đối điều mà họ gọi là mối đe dọa cho sinh kế của ngư dân. Cuộc hải hành mất khoảng năm, sáu ngày.
Tuần trước Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc dựa trên đường 9 đoạn tự vẽ, bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông. Điều quan trọng đối với Đài Loan là Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa cũng bị tòa án coi là « đá » chứ không phải là « đảo », và như vậy Đài Loan không có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh như mong muốn.
Sau phán quyết của PCA, Đài Bắc đã gởi ngay một chiến hạm ra Ba Bình để « bảo vệ chủ quyền trên biển ». Hôm nay các dân biểu Đài Loan xem trình diễn kỹ năng chiến đấu của lực lượng tuần duyên và thăm các cơ sở tự cung tự cấp, sau đó ra về trong buổi chiều. Còn các ngư dân khi đến nơi sẽ nhận được nước uống tại chỗ, như một bằng chứng cho thấy Ba Bình là đảo có thể sinh sống chứ không phải là đá.
Năm ngoái, Đài Loan đã khánh thành một hải đăng chạy bằng năng lượng mặt trời, mở rộng phi đạo và cầu tàu ở Ba Bình. Tại đây còn có một nông trại, giếng nước, bệnh viện và đền thờ ; hầu hết cư dân làm việc cho lực lượng tuần duyên, khoảng 160 người. Chính quyền Đài Bắc cũng nói sẽ tiếp tục gởi các máy bay, tàu đến tuần tra ; và trục xuất các tàu nước ngoài đi vào khu vực 200 hải lý xung quanh Ba Bình, bất chấp phán quyết.
Ba Bình (Itu Aba island) là đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa của Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc, và người Pháp có lập một trạm khí tượng được Tổ chức Khí tượng Quốc tế công nhận. Trong Đệ nhị Thế chiến, quân đội Nhật Bản chiếm đảo để làm căn cứ tàu ngầm, đến cuối năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc cho quân đổ bộ lên Ba Bình.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment