Bắc Kinh dập tắt các cuộc biểu tình chống Mỹ sau phán quyết Biển Đông
Biểu tình chống Mỹ bên ngoài lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông ngày 14/07/2016 sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực về Biển Đông.REUTERS/Bobby Yip
Les Echos hôm nay 21/07/2016 chú ý đến việc « Bắc Kinh dập tắt các cuộc biểu tình chống Mỹ » : sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực, nhiều cửa hàng thức ăn nhanh đã bị tấn công.
Tờ báo nhận xét, như thường lệ, mỗi lần căng thẳng với những nước khác, tại Trung Quốc lại xảy ra các vụ bạo động dưới chiêu bài « ái quốc », và đây là một minh chứng mới. Có điều lần này bạo động chưa kịp bùng lên đã phải lắng xuống. Chính quyền ban đầu cổ vũ tinh thần dân tộc chủ nghĩa nhưng sau lại phải dẹp bớt vì sợ phong trào này gây thiệt hại.
Khoảng mấy chục người biểu tình cáo buộc Mỹ đứng sau phán quyết bất lợi cho Trung Quốc đã tập hợp tại ít nhất 11 thành phố, trước các nhà hàng thức ăn nhanh KFC. Trên các biểu ngữ là dòng chữ « KFC và McDonald’s hãy cút khỏi Trung Quốc ! », một số người biểu tình còn tấn công các thực khách. Những hình ảnh khác trên internet cho thấy những người Trung Quốc mang các dải băng hô hào lòng yêu nước, đập vỡ những chiếc iPhone.
Những vụ « đấu tố » này khiến người ta nhớ lại các cuộc biểu tình chống Nhật hết sức bạo lực năm 2012, sau khi Tokyo « quốc hữu hóa » quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đám đông thậm chí còn đánh bị thương nặng một người Hoa lái một chiếc xe mang nhãn hiệu Nhật Bản.
Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này dường như đã quyết định làm dịu đi tình hình. Tờ China Daily hôm qua viết : « Những ai tổ chức các hoạt động như thế mà không tiến hành các thủ tục cần thiết, và những ai quấy nhiễu người khác nhân danh lòng ái quốc cần phải bị xét xử theo pháp luật ». Ngược lại với đợt biểu tình năm 2012, kéo dài trong nhiều ngày trước khi chuyển thành bạo động, nay thì vừa mới tung ra đã bị dập tắt.
Theo ông Jean-François Di Meglio, giám đốc Asia Centre thì điều này chẳng có gì là ngạc nhiên. Ông giải thích : « Thái độ của Bắc Kinh hoàn toàn phù hợp. Bình thường thì những cuộc biểu tình loại này diễn ra khi có một sự kiện bị cho là chống lại Trung Quốc, nhưng lần này thì khác. Chính quyền Trung Quốc coi như phán quyết của Tòa Trọng tài không hiện hữu, chẳng có giá trị gì ». Như vậy không có lý do gì để phản đối. Mỉa mai thay, Bắc Kinh cũng phải hạn chế phát biểu về sự kiện này, vì càng nói thì càng khiến phán quyết của Tòa Trọng tài càng thêm vững chắc.
Les Echos kết luận, khơi dậy lòng yêu nước đồng thời giữ yên trật tự xã hội, bằng cách khôn khéo biến mạng xã hội thành công cụ, đó thật sự là một trò chơi thăng bằng đối với đảng.
"Tổng bí thư " trẻ Hoàng Chi Phong của đảng Dù vàng
Liên quan đến châu Á, nhật báo Libération nói về « Đảng của những chiếc dù » với chân dung Hoàng Chi Phong, chàng thanh niên mới 17 tuổi đã tiến hành cuộc cách mạng ở Hồng Kông chống lại quyền lực Bắc Kinh. Lãnh tụ sinh viên giờ đây đã lao vào chính trường.
Hoàng Chi Phong sinh năm 1996 tại Hồng Kông, chỉ vài tháng trước khi cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc. Gia đình anh là một gia đình trung lưu, cha làm kinh doanh, mẹ nội trợ, cả hai đều ủng hộ các hoạt động của con trai.
Hoàng Chi Phong chỉ mới 15 tuổi khi thành lập phong trào Scholarism (Học Dân Tư Triều, tạm dịch : phong trào tư tưởng của những người học thức) tại trường tư thục Anh giáo United Christian ở Cửu Long (Kowloon). Phong trào huy động học sinh trung học Hồng Kông chống lại việc đưa « giáo dục ái quốc » vào nhà trường, với các bài học do đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo. Thành công vang dội đến bất ngờ.
Với khẩu hiệu « Chống tẩy não trẻ em chúng ta », có đến 120.000 trên lãnh thổ 7,8 triệu dân đã xuống đường phản đối, và chính quyền đã phải nhượng bộ. Cậu học trò năng động sau đó quay lại lớp học : « Tôi luôn thành công trong việc giữ thăng bằng với việc học. Bằng chứng là tôi đã vào được đại học trong khi tỉ lệ thi đậu chỉ có 18%, và tôi đã học xong năm thứ hai ngành khoa học chính trị ».
Năm 2013, Hoàng Chi Phong tham gia phong trào bất tuân dân sự Occupy Central (Chiếm đóng Trung Hoàn), đòi hỏi phổ thông đầu phiếu để bầu ra trưởng đại diện Hồng Kông. Một năm sau, trong suốt 9 tuần lễ, Hồng Kông trỗi dậy hòa bình đòi quyền tự quyết. Bắc Kinh không nhượng bộ một ly nào. Nhà đấu tranh trẻ tuổi bị cáo buộc là do Mỹ giựt dây, đã gây chú ý hơn hẳn các lãnh tụ khác. Anh kể : « Báo chí phương Tây mô tả tôi như một người hùng. Tôi thì không cảm thấy như vậy, nhưng nhân đó tôi tranh thủ gởi gấm những thông điệp của mình ».
Trông trẻ hơn tuổi 19, Hoàng Chi Phong dường như lớn lên quá nhanh, bộ áo sinh viên tỏ ra chật chội với anh. Tháng Tư năm nay, anh giải tán Scholarism và cùng với những đồng chí của mình lập ra một đảng dân chủ mới là Demosisto.
Giáo sư chính trị học Edmund W.Cheng cho biết : « Tôi không gặp Hoàng Chi Phong thường xuyên, cậu ấy quá bận rộn. Hoàng Chi Phong còn phải vượt qua nhiều thử thách, bị tấn công từ mọi phía từ khi thành lập Demosisto. Người ta chỉ trích cậu chưa đủ cực đoan, còn quá trẻ chưa biết gì. Hoàng Chi Phong nay không còn là một lãnh tụ sinh viên, mà còn những mong đợi khác ».
Mục tiêu của "tống bí thư" 21 tuổi, vốn không có quyền ra tranh cử vì chưa đủ tuổi đi bầu, là giành được vài ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng Chín tới. Chương trình hành động dự kiến tham gia phố thông đầu phiếu bầu trưởng đặc khu trong 10 năm tới và tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết từ nay đến năm 2047.
Chàng thanh niên nhìn nhận đôi khi trách nhiệm quá nặng nề đối với mình. « Tất cả thì giờ của tôi đều dành cho chính trị. Trong metro hay rạp chiếu phim, mọi người nói với tôi « Hãy tiếp tục chiến đấu », « Anh là tương lai của Hồng Kông ». Tôi không thể tự do mua những món đồ chơi ưa thích ».
Cách đây hai năm, Hoàng Chi Phong bị bắt vì leo qua hàng rào tòa nhà chính phủ trong một cuộc biểu tình, và có nguy cơ lãnh án đến 5 năm tù. Trả lời câu hỏi đây có phải là một phần của cuộc chơi, anh nói « Nhà tù không phải là một trò chơi, tuy nhiên tôi đã chuẩn bị sẵn sàng ».
Châu Âu từ chối quy chế kinh tế thị trường cho Bắc Kinh
Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nhận định « Liên Hiệp Châu Âu muốn giữ lại vũ khí để chống nạn bán phá giá của Bắc Kinh ».
Hôm qua Ủy ban Châu Âu đã có quyết định về một hồ sơ hết sức nhạy cảm. « Chúng ta sẽ không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc » - phó chủ tịch ủy ban, ông Jyrki Katainen cho biết sau cuộc họp. Bắc Kinh cho rằng sẽ tự động được hưởng quy chế này vào ngày 11/12 tới, nhưng như thế Liên Hiệp Châu Âu sẽ không còn vũ khí nào chống bán phá giá, chủ yếu là hàng rào thuế quan.
Theo ông Katainen, « cần phải thích ứng các công cụ tự vệ thương mại để đối phó với thực tế sản xuất thừa ». Trước hết là thép rồi đến pin mặt trời của Trung Quốc, được xuất khẩu ồ ạt với giá rẻ, bị cáo buộc là được Bắc Kinh trợ giá.
Chính phủ Pháp bị đả kích sau vụ khủng bố ở Nice
Tại nước Pháp, sau vụ khủng bố đẫm máu ở Nice, tranh luận về vấn đề an ninh lại dấy lên. Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa trang nhất « Nice : Những lỗ hổng và một lời nói dối ». Bộ Nội vụ khẳng định lối vào La Promenade des Anglais được cảnh sát quốc gia đảm bảo an ninh, nhưng tờ báo dẫn nguồn tin độc quyền chứng minh ngược lại : đêm 14 tháng Bảy không có nhân viên nào của lực lượng cảnh sát quốc gia hiện diện tại lối vào khu vực dành cho khách bộ hành của đại lộ, mà ở cách đó đến 370 mét.
Nhiều nhân chứng đều khẳng định, thêm vào đó là những hình ảnh chụp được vài phút, trước khi chiếc xe tải nặng do Mohamed Lahouiaej Bouhlel cầm lái chạy vào, chỉ có hai nhân viên cảnh sát địa phương mặc gilet phản quang, các lối vào khúc đường dành cho người đi bộ có đặt các barie bằng sắt, một chiếc xe cảnh sát đậu giữa đường. Không có bóng dáng cảnh sát quốc gia.
Theo tờ báo, vấn đề không phải là lực lượng được bố trí như thế nào, mà là sự thiếu vắng tính minh bạch. Không giấu diếm những sai lầm đã phạm phải để khỏi tái diễn trong tương lai, đó là nhiệm vụ và là sự cần thiết của một nền dân chủ.
Trang nhất Le Monde trích lời bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve trong bài trả lời phỏng vấn « Tình trạng khẩn cấp không thể trở thành thường xuyên », phản bác những chỉ trích đối với cách điều hành của ông, trước mối đe dọa khủng bố sau vụ tấn công ở Nice. Ở trang trong, tờ báo thuật lại sự căng thẳng trong cuộc tranh luận tại Quốc hội về triển hạn tình trạng khẩn cấp.
Trong phiên họp thông tầm kéo dài bảy tiếng rưỡi đồng hồ liên tục từ tối thứ Ba đến sáng thứ Tư 20/7, chính quyền phải vất vả chống đỡ những lời đả kích. Mãi đến 4 giờ 53 phút sáng, dự luật mới được thông qua với 489 phiếu thuận, 26 phiếu chống và 4 vắng mặt. Nếu hầu như toàn bộ dân biểu cánh hữu đều bỏ phiếu thuận, thì đổi lại, chính phủ đã có những nhượng bộ đáng kể. Chẳng hạn triển hạn sáu tháng thay vì ba tháng, lục soát hành lý và xe cộ không cần lệnh của tư pháp, bỏ chế độ tự động giảm án đối với tội khủng bố…
Độc tài hơn sau đảo chính, giấc mơ châu Âu đang rời xa Erdogan
Nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính hụt hôm 15/7, báo chí Pháp đều có chung nhận xét là tổng thống Erdogan đã trở nên độc đoán hơn, và như thế Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa rời châu Âu.
Le Figaro đăng ảnh tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang vẫy chào những người ủng hộ, với tựa lớn « Erdogan : Sự chuyển hướng toàn trị ». Sau vụ đảo chính, ông Erdogan đã tung ra cuộc thanh trừng đại quy mô, nhắm vào cả quân đội, tòa án lẫn giới công chức. Rất nhiều người đã bị bắt, theo La Croix là đến 60.000 người, và tối qua ông còn loan báo gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng.
Bài xã luận mang tựa đề « Người truy quét » của Le Figaro nhắc nhở, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã từng đe dọa « sẽ thả chó ra ». Đó là cách đây ba năm, vào lúc nổ ra các cuộc biểu tình ở Gezi. Giờ đây ông đã chứng minh « nói là làm ». Có điều ngược đời là những người đảo chính nhân danh bảo vệ Hiến pháp, nhân quyền và tự do ; còn vị tổng thống độc tài nay đóng vai nhà dân chủ phẫn nộ trước cuộc đảo chính bạo lực. Phương Tây buộc lòng phải lên án việc lật đổ một chính quyền được bầu lên một cách dân chủ, nhưng những lời ủng hộ ông Erdogan chỉ được miễn cưỡng thốt ra.
Cũng với ảnh tổng thống Erdogan trên nền cờ đỏ, La Croix nhấn mạnh « Thổ Nhĩ Kỳ rời xa châu Âu ». Theo La Croix, ông Recep Tayyip Erdogan mơ đến một chế độ mà tổng thống nắm trọn quyền, và cuộc đảo chính bất thành đã giúp cho ông cơ hội. Nhưng như vậy, chế độ toàn trị của ông đã xa dần các tiêu chuẩn châu Âu. Ông Erdogan sẽ gặp gỡ ông Vladimir Putin tại Matxcơva đầu tháng Tám, và tờ báo cho rằng đây là việc « ngưu tầm ngưu, mã tầm mã ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment