Wednesday, July 13, 2016

Đường lưỡi bò là bất hợp pháp : Đòn quá nặng cho Trung Quốc !

Đường lưỡi bò là bất hợp pháp : Đòn quá nặng cho Trung Quốc !

mediaNgười dân Manila vui mừng trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông, 12/07/2016.REUTERS/Romeo Ranoco
Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông được nhiều báo Pháp đề cập đến hôm nay 13/07/2016. Đề tài này cũng chiếm khá nhiều giấy mực trên các báo tiếng Anh ở châu Á hoặc Âu, Mỹ.
Thông tín viên Le Figaro trong bài « Tòa án Trọng tài Quốc tế bác yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông » nhận xét đây là một đòn đau cho Bắc Kinh. Les Echos qua bài viết « Đối với La Haye, Bắc Kinh chẳng có quyền gì tại Biển Đông » cho rằng đây là một sự lăng nhục mà Trung Quốc phải chịu đựng.
Le Figaro nhắc lại, Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua tuyên bố Trung Quốc « không có quyền lịch sử » trên hầu hết diện tích Biển Đông. PCA nhận định các hành động của Bắc Kinh trong khu vực này là « bất hợp pháp », khẳng định đã « làm trầm trọng thêm tranh chấp », và xâm hại đến môi trường. Trung Quốc bác bỏ phán quyết, tiếp tục nêu ra « quyền lịch sử » và chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Thông cáo của Tòa án Trọng tài Quốc tế nêu rõ : « Tòa nhận định rằng không có bất cứ cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử về các nguồn lợi trong các vùng biển bên trong ‘‘đường 9 đoạn’’. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế », tức khu vực 200 hải lý xung quanh, đặc biệt là việc ngăn trở hoạt động đánh cá và tìm kiếm dầu khí. Tòa án cũng không công nhận các thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền là « đảo », như vậy « không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế xung quanh ».
Trung Quốc không có « quyền lịch sử » tại Biển Đông
Bắc Kinh vốn tẩy chay phiên tòa, ngay lập tức cho rằng phán quyết là « vô giá trị », vi phạm luật quốc tế, « không chấp nhận cũng không nhìn nhận quyết định ». Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhai lại luận điệu là người Hoa đã hoạt động từ hơn hai ngàn năm qua trên Biển Đông, nên có quyền lịch sử trên 90% diện tích vùng biển chiến lược này. Nhưng Les Echos cho biết, đường lưỡi bò trải rộng trên 2.000 km kể từ miền nam Trung Quốc, liếm sát duyên hải Việt Nam, Philippines…đã bị tòa tuyên là « không có bằng chứng nào cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã kiểm soát vùng biển này ».
Manila hoan nghênh phán quyết, nhưng vẫn kêu gọi « kiềm chế và chừng mực ». Tuần trước, chính phủ của tân tổng thống Rodrigo Duterte cho biết hy vọng nhanh chóng mở đối thoại với Trung Quốc sau quyết định của Tòa án Trọng tài Quốc tế, và sẵn sàng chia sẻ các nguồn lợi thiên nhiên tại vùng biển tranh chấp.
Tuy vậy theo Le Figaro, còn phải xem có hội đủ các điều kiện cho một cuộc đối thoại như thế hay không. Bắc Kinh nhấn mạnh « sẵn sàng tiếp tục giải quyết một cách hòa bình những bất đồng thông qua thương lượng và tham vấn trực tiếp với các Nhà nước liên quan », không thông qua trung gian, và « tôn trọng các sự kiện lịch sử cũng như luật quốc tế ». Nhưng Manila khó thể bỏ qua phán quyết trọng tài theo đòi hỏi của Bắc Kinh, và bản án này còn mở ra cánh cửa cho các quốc gia ven biển khác đang lo sợ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc.
Bắc Kinh còn toan đối phó với sự hăng hái bảo vệ đồng minh của Washington, khi khẳng định « tôn trọng tự do hàng hải và hàng không » trong khu vực, nơi các chiến hạm của Hải quân Mỹ tuần tra với lý do nhằm bảo đảm các quyền trên. Hoa Kỳ hoan nghênh phán quyết của PCA như « một đóng góp quan trọng cho giải pháp », còn chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk có mặt tại Bắc Kinh hôm qua đã yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ quốc tế.
Tờ báo nhắc lại, để xác quyết các yêu sách, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhỏ và rạn san hô, thiết lập các phi đạo, hải cảng và các cơ sở khác mà mới nhất là bốn ngọn hải đăng trên một rạn san hô cộng với một hải đăng khác đang xây dựng. Tòa án Trọng tài Quốc tế nhận định Trung Quốc đã làm tranh chấp thêm gay gắt, đồng thời « gây ra những thiệt hại không thể hồi phục cho môi trường biển ». PCA khiển trách Bắc Kinh đã để các ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển khổng lồ và các sinh vật quý hiếm khác, bằng các phương tiện đã xâm hại nghiêm trọng các rạn san hô và hệ sinh thái.
Phán quyết của Tòa Trọng tài làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh
Trong bài « Tại Biển Đông, Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye tuyên bố Bắc Kinh đã sai trái », nhật báo La Croix ghi nhận không có gì là ngạc nhiên khi phán quyết thuận lợi cho Manila trong hầu hết các vấn đề bất đồng với Bắc Kinh về Biển Đông, bị chính quyền Trung Quốc bác bỏ.
Từ nhiều tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã phản đối thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Quốc tế trong vụ này, đặt dấu hỏi về tính độc lập và khách quan của tòa. Tất cả cho thấy tuy phán quyết mang tính ràng buộc, vẫn có thể không được thực thi.
Trong phán quyết dày đến 501 trang công bố hôm qua, Tòa án Trọng tài Quốc tế khẳng định« đường 9 đoạn » tự vẽ chỉ mới xuất hiện trên các bản đồ Trung Quốc từ năm 1940 « hoàn toàn không có căn cứ pháp lý ». Không có bất kỳ đảo nhỏ, đá, rạn san hô nào ở Trường Sa được công nhận là « đảo » để có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh, theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc có ký kết.
Theo La Croix, phán quyết của tòa đã làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh.
Dưới triều đại Tập Cận Bình, Trung Quốc theo đuổi chính sách hết sức hung hăng tại Biển Đông. Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo tại khoảng sáu thực thể, thiết lập các cơ sở hạ tầng quân sự như radar, phi đạo…và tuần duyên tăng cường hiện diện tại các vị trí chiến lược, gây căng thẳng với các láng giềng. Lâu nay đứng ngoài quan sát, rốt cuộc Hoa Kỳ đã phải phản ứng vào mùa thu năm 2015 bằng cách gởi các khu trục hạm đến. Từ nay cho đến 2019, 60% hạm đội Mỹ sẽ được bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Để tránh bị cô lập ngoại giao, Trung Quốc đã vận động được Nga và Ả Rập Xê Út ủng hộ, cùng với một số nước châu Phi như Niger, Lesotho, Togo, Angola, Madagascar, Papua-New Guinea. Ngược lại, khối G7 (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada) hỗ trợ Philippines bằng cách liên tục nhấn mạnh sự quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong an ninh hàng hải.
Khúc ca khải hoàn khiêm tốn của Manila
La Croix nhận xét, cho dù ngay sau phán quyết đã diễn ra một cuộc biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc, chính phủ Philippines vẫn tỏ ra thận trọng trong các tuyên bố chính thức. Phát ngôn viên chính phủ nói rằng mọi việc còn cần phải thảo luận, ngoại trưởng Perfecto Yasay hoan nghênh La Haye nhưng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Ngược lại, báo chí Philippines hân hoan nhấn mạnh « chiến thắng » trước Bắc Kinh và « phán quyết lịch sử » này.
Trang web china.org của Trung Quốc lại có cách diễn giải khác. Trong bài « Phán quyết La Haye : Ôn ào để chẳng đi đến đâu », trang mạng này khẳng định càng gần đến ngày phân xử, trước thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh, quan điểm của Manila bắt đầu lung lay, qua đề nghị chia sẻ nguồn lợi và thương thảo dù có thắng kiện. Ông Rodrigo Duterte dường như nay đã hối tiếc về quyết định kiện ra Tòa án Trọng tài của người tiền nhiệm Benigno Aquino.
Tờ báo đe dọa trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ ngày 06 đến 08/09/2016 tại Vientiane (Lào), sau thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) từ 04 đến 05/09, Bắc Kinh sẽ có dịp chất vấn Manila về những bất nhất trong quan hệ song phương từ thời bà Gloria Arroyo cho đến nay. Trung Quốc cũng sẽ giới thiệu một lộ trình hợp tác thực tiễn, và đặt lại vấn đề Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Và trước đó, ASEAN cần đưa ra thông điệp hòa giải rõ ràng trước Trung Quốc nhân hội nghị ngoại trưởng lần thứ 49 của khối này từ 21 đến 26/07.
Theo Le Monde, sự khiêm tốn của Philippines là do thực tế trước mắt : các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp không vì phán quyết mà biến mất, và lực lượng tàu quân sự hùng hậu của Trung Quốc vẫn tiếp tục nghênh ngang, tuy quyết định của La Haye sẽ khiến Hải quân các nước phương Tây sẽ tuần tra thường xuyên hơn tại Biển Đông.
Trung Quốc sẽ hùng hổ hay hòa dịu ?
Bài viết đăng trên trang mạng của Le Monde « Bắc Kinh tức giận sau khi thua cuộc ở Biển Đông » qua phán quyết của tòa trọng tài nhận định, tuy thất bại đã được đoán trước, nhưng năm vị trọng tài ở La Haye đã giáng cho Trung Quốc một đòn quá nặng về tính hợp pháp của« đường 9 đoạn ».
Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng sau cái tát này, Bắc Kinh sẽ ra chiêu trả đũa. Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế của trường đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh khẳng định : « Trung Quốc đã chuẩn bị cho một phán quyết bất lợi, nhưng giọng điệu bản án tệ hại hơn dự kiến. Phán quyết này sẽ được các thế lực nước ngoài sử dụng để đối phó với Trung Quốc, và như vậy Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực quốc phòng ».
Giả thiết được đưa ra nhiều nhất là thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông xung quanh các đảo nhân tạo, và quân đội Trung Quốc nhờ các phi đạo mới có thể cho các chiến đấu cơ xuất kích bất kỳ lúc nào. South China Morning Post cho rằng quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất trước ADIZ Biển Đông sẽ là Việt Nam.
Tuy Bắc Kinh chưa nêu ra một hành động phản công cụ thể nào, nhưng các nhà phân tích lo ngại cơn sốt sẽ tăng lên trong khu vực, nơi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự, nhất là xung quanh các đảo nhân tạo, để khẳng định quyết tâm không nhượng bộ. Reed Foster thuộc IHS Jane nhận xét : « Việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự giúp Trung Quốc kiểm soát trên thực tế nhiều mảng của Biển Đông ».
Theo Les Echos, về lâu về dài, phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua dù sao cũng khiến Bắc Kinh tỏ ra hòa hoãn hơn một chút với các nước láng giềng để tránh vô số các vụ kiện nhục nhã trước các tòa án quốc tế.
Ấn Độ hân hoan, Úc chuẩn bị vào cuộc
Trang mạng indiaexpress.com của Ấn Độ vui mừng nhận định, các chiến hạm Ấn từ nay có thể tự do di chuyển tại vùng biển này theo UNCLOS, không cần phải thông báo cho Bắc Kinh. Hồi tháng 7/2011, tàu chiến INS Airawat của Ấn Độ đã bị tàu hải quân Trung Quốc quấy nhiễu vì cho rằng tàu Ấn đã đi vào vùng biển Trung Quốc.
Phán quyết của PCA là cơ hội cho New Delhi để khẳng định vị thế với các nước bạn bè trong khu vực, như một cường quốc biển, phù hợp với thông báo chung Mỹ-Ấn năm 2014 về tự do hàng hải và hàng không. Thái độ phản đối của Bắc Kinh cũng tương phản với việc New Delhi chấp nhận phán quyết của PCA tháng 7/2014 trong vụ kiện ranh giới trên biển với Bangladesh, tuyên đến gần 4/5 diện tích biển tranh chấp thuộc về Bangladesh chứ không phải Ấn Độ.
Bài viết đăng trên trang mạng của Viện Chiến lược Úc nhận định, Bắc Kinh đã nỗ lực rất lớn và thành công trong việc phá hoại sự đoàn kết giữa các nước ASEAN trong hồ sơ Biển Đông. Nhìn từ phía Úc, phán quyết hôm qua khiến người ta nhớ lại tuyên bố trong Sách Trắng quốc phòng năm 2016 của Úc, khẳng định « lợi ích quốc phòng chiến lược thứ nhì trong một khu vực an ninh gần gũi, bao gồm vùng biển Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương ».
Nói cách khác, lợi ích chủ yếu của an ninh quốc gia lại nằm trong một khu vực hoàn toàn bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Tác giả nhắc nhở, đừng quên rằng Úc đang chi ra 89 tỉ đô la để chỉnh đốn Hải quân. Cho dù chưa phê chuẩn UNCLOS, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc hoành hành, và các đồng minh trong khu vực như Úc sắp tới sẽ được cầu viện đến nhằm đảm bảo tự do hàng hải.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment