Wednesday, June 22, 2016

Brexit : Ảnh hưởng của Anh trong Liên Hiệp Châu Âu suy giảm

Brexit : Ảnh hưởng của Anh trong Liên Hiệp Châu Âu suy giảm

mediaCờ nước Anh và Liên Hiệp Châu Âu ở bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu, Bruxelles, BỉREUTERS/Francois Lenoir
Thứ Năm 23/6 Anh tổ chức trưng cầu dân ý về việc ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng theo báo Les Echos (21/06/2016): « Ảnh hưởng của Anh tại Bruxelles suy giảm rõ nét » và chính thủ tướng David Cameron là người phải chịu trách nhiệm nặng nề về sự suy tàn ảnh hưởng này.
Mở đầu bài viết, Les Echos nhận xét « Ngôi sao Luân Đôn đã trở nên nhợt nhạt tại Bruxelles ».Tờ báo nhắc lại vào tháng 6/2005, thủ tướng Anh vào lúc đó, ông Tony Blair đã có một bài phát biểu tại Nghị Viện châu Âu và đã được nhiệt liệt hoan nghênh. Theo lời một nghị sĩ Pháp thì đó là một trong những bài phát biểu hay nhất về châu Âu.
Thế nhưng, cái thời đó đã qua rồi, trong lúc Luân Đôn đang chuẩn bị tổ chức trưng cầu dân ý ra đi hay ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Mười năm sau, thủ tướng Anh David Cameron không dám đến phát biểu tại Nghị Viện châu Âu vì chắc chắn ông sẽ không được nghe thấy những tràng vỗ tay hoan nghênh mà sẽ bị ù tai vì những tiếng la ó phản đối.
Theo Ông Yves Bertoncini, giám đốc Học viện Jacques Delors, một số nước, nhất là Pháp, cho rằng Liên Hiệp Châu Âu chịu ảnh hưởng của Anh Quốc, nhưng thực ra từ 5 – 10 năm nay, ảnh hưởng của Anh đã suy giảm. Les Echos đưa ra hai ví dụ để chứng minh cho nhận định này.
Thứ nhất là việc bổ nhiệm ông Jean Claude Juncker vào chức chủ tịch Ủy ban châu Âu. Trong quá khứ, nếu như không có sự ủng hộ của Luân Đôn, thì bất kỳ ứng viên nào vào chức vụ này cũng nên tự nguyện từ bỏ tham vọng của mình. Thế nhưng, giờ đây mọi việc hoàn toàn khác. Cho dù không ưa thích ông Jean Claude Juncker, thủ tướng Anh David Cameron buộc phải chấp nhận, thậm chí được nhắc nhở là sẽ phải làm việc cùng với đương sự.
Một nguồn tin ngoại giao tại châu Âu cho Les Echos biết : « Trước đây, không thể làm được gì nếu không có Anh Quốc. Giờ đây, tất cả mọi người đều hiểu rằng chẳng có ích gì khi thuyết phục Anh và tốt nhất là nên tránh ».
Ví dụ thứ hai minh chứng rõ nét hơn. Vào cuối năm 2011, trong bối cảnh khủng hoảng nghiêm trọng, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã đồng ý lập một thỏa thuận bổ sung tạm thời, ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu, để thực hiện quy định thâm hụt ngân sách. Đây là cách thức tránh né Anh Quốc vì nếu không, Luân Đôn sẽ tìm cách bắt bí, đòi được hưởng thêm các quyền miễn trừ đối trong lĩnh vực tài chính.
Theo chuyên gia Yves Bertoncini, thì đó một sự thất bại đối với ông David Cameron, một sự thừa nhận là ảnh hưởng của Anh Quốc trong Liên Hiệp Châu Âu đã suy yếu.
Một tính toán sai lầm
Les Echos nhấn mạnh, hiển nhiên, ông Cameron phải chịu trách nhiệm về sự suy yếu này. Đúng là từ vài năm qua, châu Âu chỉ tập trung vào hai vấn đề : đồng euro và khu vực tự do đi lại Schengen. Nhưng điều này không xóa nhòa sai lầm nghiêm trọng của ông Cameron khi quyết định rút các dân biểu Anh ra khỏi nhóm các nghị sĩ cánh hữu châu Âu – PPE, tại Nghị Viện châu Âu, bị coi là quá ủng hộ tư tưởng thành lập liên bang.
Nghị sĩ châu Âu Alain Lamassour cho biết : Cho đến lúc đó, phe bảo thủ Anh đã có ảnh hưởng tương tự như phe bảo thủ thuộc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo – CDU của Đức. Từ khi rút ra, nhóm các dân biểu Anh này không còn ảnh hưởng gì nữa.
Một nhà ngoại giao châu Âu bổ sung : ngay bên trong Hội đồng châu Âu, ông Cameron cũng không làm gì để gia tăng ảnh hưởng của mình. Ông không vận động để có được đa số thuận trong các hồ sơ quan trọng. Điều mà thủ tướng Anh quan tâm là đưa ra những phát biểu gây sốc phục vụ mục đích đối nội.
Tuy vậy, Les Echos lưu ý là không nên vội « chôn vùi » nước Anh. Khi châu Âu muốn đưa ra các quy định mới trong lĩnh vực tài chính, thì nước Anh vẫn có ảnh hưởng. Cho dù suy yếu nhưng nước Anh vẫn có nhiều quan chức nắm giữ những vị trí quan trọng trong các định chế châu Âu.
Theo một nghiên cứu của viện Bruegel, được công bố vào năm ngoái, thì các quan chức Anh chiếm giữ 12% các chức vụ cao và quan trọng, chỉ sau nước Đức. Trong thời gian qua, Luân Đôn giữ thái độ chờ xem.
Nếu phe chống Brexit thắng thế thì số quan chức Anh trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ tăng lên và trong trường hợp này, ông David Cameron, với hào quang chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý, sẽ tạo được vị thế mạnh hơn trong Hội đồng châu Âu và ông đang rất háo hức với triển vọng này.
Ý : Sự trỗi dậy của làn sóng phản đối
Trên đây là nhận định của Le Monde về việc Phong trào Năm Sao thắng lớn tại hai thành phố lớn của Ý là Roma và Torino trong cuộc bầu cử địa phương.
Là một phong trào sinh sau nở muộn nhưng với thắng lợi này, Năm Sao đang bước vào giai đoạn trưởng thành. Một sự trỗi dậy quan trọng cho một đảng chính trị muốn cho thấy là họ chống tầng lớp chính trị truyền thống, một chút chống lại châu Âu và mang hơi hướm chủ nghĩa dân túy.
« Can đảm » là những gì Le Monde chúc cho cô Virginia Raggi, tân thị trưởng của Roma, do những thách thức đặt ra cho cô sẽ rất là lớn. Làm thế nào quản lý một thành phố với 3 triệu dân đang gánh một khoản nợ ngập đầu : 13,5 tỷ euro ? Làm thế nào trả lại cho thành phố này tầm quan trọng của nó với hơn 40% cơ sở hạ tầng cần được xây dựng lại ?
Một nơi mà tình trạng lưu thông của các phương tiện công cộng đã trở nên tồi tệ, rác thải đầy đường và công chức thì biếng nhác. Nhất là làm sao trả lại nét trang nghiêm cho thành phố đang bị mang tiếng xấu do các vụ tai tiếng « thủ đô của mafia ». Một vụ tai tiếng vỡ lỡ hồi năm 2014 có liên quan đến các dân biểu cánh hữu cũng như cánh tả, công chức và các băng đảng tội phạm.
Đối với Le Figaro, thắng lợi này của phong trào Năm Sao thật sự là « một cú tát đau điếng dành cho thủ tướng Matteo Renzi. Một viên thuốc đắng dành cho chủ tịch Hội đồng ». Thủ tướng Ý tuy đã nhìn nhận thất bại, nhưng cho rằng cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào tháng 10/2016 tới đây về việc hiệu chỉnh Hiến pháp mới chính là cuộc đấu thật sự.
Tuy nhiên, Libération cảnh báo trong trường hợp thất bại, thủ tướng Ý sẽ từ bỏ chính trường. Từ đây đến đấy, ông sẽ phải tìm được một hơi thở mới và đà hiện đại đất nước, vốn dĩ ghi đậm dấu ấn ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông.
Nhưng « đó mới chỉ là một sự khởi đầu », như tuyên bố của diễn viên hài Beppe Grillo, sáng lập viên phong trào Năm Sao được Libération trích dẫn. Các nữ tân thị trưởng và các dân biểu mới còn phải chứng tỏ năng lực. Dẫu sao thì hai thắng lợi lớn tại Roma và Torino sẽ là một phép thử quan trọng về khả năng phong trào thoát khỏi chiếc vỏ bọc làn sóng phản đối để có thể giữ vai trò lãnh đạo đất nước như khẳng định của nghị sĩ trẻ Luigi Di Maio.
Bắc Kinh : Chủ nợ lớn của châu Phi
Trung Quốc giờ là một đối tác kinh tế quan trọng nhất của Châu Phi, là « hầu bao » lớn cho nhiều dự án quan trọng của châu lục đen này. Nhưng đây lại là một sự lệ thuộc đáng quan ngại. Vì sao ? Les Echos trong bài viết đề tựa « Làm thế nào Bắc Kinh trở thành chủ nợ của châu Phi » phân tích các nguyên nhân.
« Nước Congo giờ gần như nằm trong tay Trung Quốc » là nhận xét của ông Benoit Koukebene, cựu bộ trưởng ngành dầu khí với nhật báo kinh tế. Ông chỉ trích « công tác quản lý bừa bãi »của chính phủ hiện nay, đem « thế chấp » nguồn tài nguyên đất nước là « dầu hỏa » để đối lấy những món tiền vay đắt đỏ từ Trung Quốc.
Đối với vị cựu bộ trưởng này, đây là một kiểu « hệ thống vay nguy hiểm » vì một phần sản xuất dầu khí được dùng để trả nợ cho Trung Quốc. Theo Les Echos, Congo không phải là trường hợp duy nhất tại Châu Phi. Trung Quốc cho vay tiền để tài trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nhưng do chính các doanh nghiệp của Trung Quốc thực hiện và được trả nợ bằng cách lấy lại các nguồn tài nguyên thiên nhiên của những nước đó.
Đương nhiên các nguồn tài trợ này hầu như công khai, nhưng theo nhận xét của ông Rémy Rioux, giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) thì « điều kiện vay từ Trung Quốc còn đắt hơn là đi vay từ các định chế đa phương khác » và « các điều khoản vay bị ràng buộc với những hợp đồng dài hạn trên phương diện khai thác nguyên nhiên liệu. Những điều khoản đôi khi cũng không mấy minh bạch ».
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa giải thích cho việc Trung Quốc có thể trở thành chủ nợ của nhiều nước châu Phi là do rủi ro tái nợ rất cao, nhất là đối với những quốc gia nào chuyên xuất khẩu dầu khí. Các nước này phải đối mặt với tình trạng kinh tế Trung Quốc trì trệ, tăng trưởng tại châu Âu thấp và giá nguyên nhiên liệu trên thị trường giảm. Và điều đó có nguy cơ tác động đến khả năng hoàn nợ của những nước này.
Tình trạng tái nợ nần còn được giải thích một phần do các nước đó phải chi ra một khoản chi phí lớn cho trang bị vũ khí để bảo vệ an ninh trong nước. Điều này cũng đè nặng lên ngân sách các nước, và cũng là một yếu tố khác dẫn đến rủi ro tái nợ nần cao. Nguyên nhân cuối cùng là tình trạng đồng nội mất giá.
Hậu quả là tăng trưởng của châu Phi đã giảm xuống ở mức 3% thay vì là 6,8% trong giai đoạn 2004-2008. Một triển vọng kinh tế quá yếu so với mức tăng trưởng dân số cao, mà theo ước tính đến năm 2020, dân số tại châu lục đen này sẽ vượt ngưỡng 2 tỷ dân so với con số 1,2 tỷ như hiện nay.
Trong bối cảnh này, có thể nói là Trung Quốc đang giữ một vai trò quan trọng. Với điều kiện là phải có những dự án tốt, tài trợ cho các nước này một cách minh bạch và góp phần tạo công ăn việc làm cho châu lục, Les Echos kết luận.
Bắc Kinh muốn tự chủ ngành công nghệ bán dẫn
Liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, Les Echos cho hay là « Trung Quốc đang thách thức Samsung và Toshiba trong cuộc chiến thẻ nhớ điện tử ».
Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn chỉ là công xưởng lắp ráp các mặt hàng công nghệ lớn nhất thế giới cho các thương hiệu như Apple, Samsung … Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu các linh kiện bán dẫn cho việc sản xuất các mặt hàng điện tử và công nghệ cao như máy tính bảng, điện thoại thông minh…
Một điều không làm cho Bắc Kinh cảm thấy hài lòng chút nào, vì cho rằng không xứng tầm với vị thế cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới. Trong bài xã luận đề tựa « Những đồng đô la của Trung Quốc », David Barroux cho rằng :
« Đối với nước này việc đi lên thành cường quốc trong công nghệ bán dẫn đã trở thành một chiến lược. Điều đó xuất phát từ lợi ích kinh tế tối cao và ngay tức thì của quốc gia. 
Không những cuộc đua các linh kiện sẽ lệ thuộc vào khả năng áp đặt trong mọi lĩnh vực, đi từ sản xuất ô tô cho đến viễn thông qua cả hàng không và vũ khí, mà ngày càng dựa trên cả hiệu năng tính toán.
Cố gắng kiểm soát công nghệ bán dẫn chính là tự trang bị cho mình các loại vũ khí để có thể gây sức ép cho « tiến bộ ». Đối với Trung Quốc, đó còn là vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên trong những điều kiện hiện nay, cho dù cuộc cược vẫn chưa thể thắng, nhưng chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng chi ra hàng chục tỷ đồng.
Phương Tây có thể la lối là cạnh tranh không lành mạnh, nhưng Mỹ và châu Âu, họ cũng vậy trong quá khứ cũng từng phải tài trợ cho việc thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng hay hàng không của họ ».
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment