Euro 2016-Pháp : Hooligan hỗn chiến tại Marseille, mối họa bị xem nhẹ
Cổ động viên Anh-Nga đánh nhau trên khán đài sau trận đấu giữa hai đội tại sân Vélodrome, Marseille, Pháp, ngày 11/06/2016REUTERS
Cuộc hỗn chiến gây đổ máu giữa cổ động viên Anh và Nga tại Marseille hôm thứ Bảy, 11/06/2016, một ngày sau khi Euro 2016 khai cuộc đã gây phẫn nộ trong dư luận và các nhà quản lý giải đấu. Vụ bạo lực cũng đã lộ ra nhiều kẽ hở trong việc phòng chống nạn cổ động viên côn đồ, từng đã không ít lần phá hỏng ngày hội bóng đá như thế này.
Vụ ẩu đả kinh hoàng giữa cổ động viên Anh và Nga trên khu phố cảng Marseille hôm thứ Bảy vừa qua làm ít nhất hơn ba chục người bị thương, trong đó có 3 người trong tình trạng thập tử nhất sinh. Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu UEFA và nước chủ nhà tổ chức Euro 2016 vốn đã quá căng thẳng với nỗi lo trước các đe dọa khủng bố phải giật mình với vấn nạn hooligan nổi lên ngay khi giải đấu vừa bắt đầu.
Ngay lập tức, Ban chấp hành UEFA đã lên án mạnh mẽ vụ bạo lực đồng thời cảnh báo Liên Đoàn Bóng Đá Anh ( FA) và Nga ( RFS) rằng đội tuyển của họ có thể sẽ bị loại khỏi giải đấu nếu các cổ động viên hai đội tái diễn những vụ bạo lực. UEFA cũng yêu cầu FA và RFS kêu gọi các cổ động viên của mình hành xử có trách nhiệm và tôn trọng an ninh trật tự.
Bộ tưởng Nội Vụ Pháp Bernard Cazeneuve cũng tỏ phẫn nộ, đánh giá vụ bạo lực tại Marselle là « không thể chấp nhận đối với chính quyền, đối với xã hội và đối với người hâm mộ bóng đá… ». Ông Cazeneuve cũng thông báo một loạt các biện pháp nhằm đối phó với các vụ bạo lực hooligan như cấm bán rượu bia trước và trong ngày thi đấu « trong phạm vi nhạy cảm » gần sân vận động hay khu fan zone ở một số địa điểm thi đấu có nguy cơ bùng phát bạo lực cao.
Trước khi Euro 2016 khai mạc, dựa trên cơ sở tính chất đua tranh cũng như yếu tố xung khắc địa chính trị, các nhà tổ chức đã xếp một số trận đấu vào tầm ngắm có nguy cơ bạo lực cao, như các trận Nga –Anh, Thổ Nhĩ Kỳ -Croatia, Đức – Ba Lan hay Ukraina –Ba Lan. Thế nhưng vụ hỗn chiến đẫm máu giữa các hooligan Anh và Nga vẫn cứ xảy ra. Chính quyền và các nhà tổ chức lại cuống cuồng chạy theo sự kiện, bổ sung biện pháp.
Phải chăng các biện pháp an ninh đối phó với hooligan còn những kẽ hở hay mối nguy hiểm này bị xem thường ? Theo giới quan sát thì là cả hai.
Các hooligan Anh và Nga trong quá khứ vốn đã quá nổi tiếng với nhiều vụ bạo lực, phá phách trong các sự kiện bóng đá lớn. Nhưng rất khó có thể tách bạch rõ ràng đâu là cổ động viên nhiệt thành của bóng đá và đâu là các hooligan thực sự.
Trong vụ hỗn chiến ở Marseille, lực lượng an ninh đã không thể kiểm soát được làn sóng hàng chục ngàn cổ động viên của hai đội ùn ùn đổ về thành phố từ trước đó một hôm, và chính quyền cũng không thể cách ly được hai pha cổ động viên.
Theo ông Olivier Reverdy, một quan chức cảnh sát Pháp thì chỉ có thể quản lý được các cổ động viên đi tập trung bằng xe bus tới sân vận động. Còn những người đi bằng phương tiện riêng rồi phân tán khắp nơi trong thành phố, họ uống bia rượu say bí tỉ, khiêu khích nhau dẫn đến đụng độ là điều khó có thể lường trước được.
Tại Marseille, kết thúc trận đấu giữa Anh và Nga trên sân Vélodrome, hàng chục cổ động viên Nga vẫn dễ dàng vượt rào trên khán đài sân vận động để tấn công các cổ động viên Anh.
UEFA thừa nhận việc cách ly các cổ động viên có vấn đề và hứa sẽ có biện pháp tăng cường cho các trận đấu tới, trong đó có khả năng điều lực lượng cảnh sát can thiệp trực tiếp trên khán đài nếu có sự cố xảy ra.
Chưa hết, trong trận đấu được cho là « nhạy cảm » giữa Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ, một cổ động viên Croatia đã trèo vào cả sân cỏ ăn mừng bàn thắng của đội nhà. Sự việc này một lần nữa lại đặt ra cho lực lượng giữ gìn trật tự vấn đề bảo đảm an ninh bên trong sân vận động.
Cho đến giờ các biện pháp chính của nước chủ nhà vẫn chỉ là tăng cường, theo dõi các nhóm cổ động viên có nguy cơ cao, can thiệp nhanh khi có sự cố. Hôm qua, chính quyền Pháp thông báo từ đầu giải đến nay đã tiến hành 116 vụ câu lưu và trục xuất ba trường hợp cổ động viên nước ngoài có hành vi bạo lực. Không ai có thể bảo đảm các hooligan đã được kiểm soát và bị loại bỏ hoàn toàn. Dư luận Pháp cho rằng có thể vì quá lo với những đe dọa khủng bố mà các nhà tổ chức có phần nào lơ là mối họa luôn tiềm ẩn trong các giải bóng đá lớn là nạn hooligan.
Euro 2016 chưa qua tuần đầu, nhưng ngày hội bóng đá đã bị vấn nạn hooligan đe dọa phá hỏng. Bước vào giải đấu, toàn bộ hệ thống an ninh của nước chủ nhà Pháp đã căng lên hết mức bởi nỗi ám ảnh khủng bố. Các biện pháp bảo vệ đã được siết chặt ở khắp nơi khiến cho bầu không khí lễ hội trở nên ngột ngạt, kém vui hơn rất nhiều.
Những ngày tới đây ở Euro 2016, các nhà tổ chức sẽ còn phải đau đầu với vấn nạn bạo lực khó lường, có thể bùng phát bất cứ lúc nào từ một vài nhóm người tự cho là fan cuồng của môn bóng tròn nhưng lại sẵn sàng phá hỏng ngày hội bóng đá.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment