Tàu chiến Trung Quốc ngang nhiên tiến vào hải phận Nhật Bản
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một tàu do thám Type-815 của Hải quân Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng biển của Nhật Bản vào ngày 15/6.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc điều động tàu quân sự tới hải phận Nhật Bản kể từ năm 2004. Khi đó, một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đã bí mật tiến vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Sakishima, thuộc Okinawa, phía Nam Nhật Bản.
Tàu do thám Type-815 của Trung Quốc tại một cảng ở Thượng Hải. |
Theo tin tức của hãng thông tấn Kyodo News, một tàu do thám Trung Quốc “đã được phát hiện vào lúc 3 giờ 30 phút sáng ngày 15/6, phía Tây đảo Kuchinoerabu”. Con tàu sau đó “rời khỏi hải phận Trung Quốc khoảng vài giờ sau đó”. Đảo Kuchinoerabu nằm cách khu vực Kyushu của Nhật Bản 38 hải lý.
Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Quần đảo này hiện do Nhật Bản quản lý, song Trung Quốc lại coi đây là một phần lãnh thổ của mình. Tuần trước, lần đầu tiên một tàu chiến Trung Quốc đã tiến vào vùng biển giữa quân đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai nước trên biển Hoa Đông đang ngày càng lớn.
Hiện vẫn chưa rõ tàu do thám của Trung Quốc có hoạt động đúng với những điều luật ghi trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đã ký vào hay không. Theo điều 18 của UNCLOS, tàu chiến nước ngoài được phép đi qua hải phận của nước khác nếu họ đảm bảo “không gây hại” khi đi qua.
Một trong những hoạt động mà tàu quân sự không được thực hiện trong vùng biển của nước khác đó là không tiến hành thu thập thông tin quân sự. Việc Trung Quốc đưa tàu Type-815 đến Nhật Bản và hoạt động trong vòng vài giờ đồng hồ là lý do Nhật Bản tin rằng tàu Trung Quốc không tuân thủ những điều luật trong UNCLOS. Tuy nhiên, do những thông tin mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp là rất ít, khả năng này vẫn còn bỏ ngỏ.
Vụ việc ngày 15/6 một lần nữa cho thấy tình hình biển Hoa Đông đang dần nóng lên. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông với các nước trong khu vực. Mới đây các hoạt động triển khai khí tài quân sự của Trung Quốc, cũng như sự đối đầu giữa các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc cũng đã khiến căng thẳng trên Biển Đông vẫn chưa có hồi kết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
No comments:
Post a Comment