Người Việt ở Ba Lan 'đón tiếp' Tập Cận Bình
- 5 giờ trước
Khoảng 500 người Việt đang sinh sống tại Ba Lan đã biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Warsaw hôm 19/6, nhân dịp ông Tập Cận Bình tới thăm nước này.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong 3 ngày 19, 20 và 21 tháng 6. Theo thông báo của văn phòng Tổng thống Ba Lan, trọng tâm chính của chuyến thăm là vấn đề kinh tế.
Ba Lan muốn mở rộng xuất khẩu tới quốc gia với hơn một tỉ dân này, nhất là sau những bế tắc với thị trường Nga. Trung Quốc muốn xây dựng và hiện đại hóa tuyến đường bộ và tăng cường giao thương đường biển tới châu Âu. Đây được coi như con đường tơ lụa mới của Trung Hoa.
Ngoài ra, những người đứng đầu hai quốc gia cũng bàn thảo tới giáo dục, trao đổi kỹ thuật và xuất nhập khẩu khoáng sản. Dự tính sẽ có khoảng 40 hợp đồng được ký kết.
Vừa làm ăn, vừa biểu tình
Với cộng đồng người Việt, chuyến viếng thăm này của ông Tập là cơ hội để họ bày tỏ sự phẫn uất của mình.
Đây là lần thứ ba cộng đồng người Việt ở Ba Lan biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc. Khác với hai lần trước, cuộc biểu tình lần này diễn ra ở cổng phụ, phía bên hông tòa đại sứ.
Góp mặt trong cuộc biểu tình chủ yếu là những người Việt sinh sống tại Warsaw và các vùng phụ cận. Họ làm ăn, buôn bán trong các khu trung tâm thương mại và không ít trong số đó, có mối quan hệ bạn hàng thân thiết với những kiều dân Trung Quốc ở đây; với các xí nghiệp nhà máy sản xuất đồ may mặc, đồ gia dụng ở Hoa lục.
Mặc dù có những lo ngại, ảnh hưởng tới quan hệ làm ăn, nhưng đa số đều xác định, chuyện nào ra chuyện nấy. Không thiếu những chủ hàng thường xuyên qua lại Trung Quốc để nhập khẩu hàng hóa vẫn hăng hái tham dự.
'Trả lại biển đảo cho chúng tôi'
Công việc chuẩn bị của nhóm chủ trương chủ yếu diễn ra trên... Facebook. Từ phân công công việc, lên chương trình biểu tình, tới nội dung của các câu khẩu hiệu đều diễn ra công khai, minh bạch và dân chủ. Các Facebooker tùy theo khả năng, tự nhận phần việc của mình. Cách làm này cũng áp dụng với hai cuộc biểu tình diễn ra năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, cuộc biểu tình lần đầu, theo đánh giá của cảnh sát, đã thu hút tới hơn 4000 người.
Mở đầu chương trình, đoàn biểu tình đã dành 1 phút mặc niệm cho những ngư dân vô danh bị sát hại trên biển, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1988 và cho những người vừa mất trong tai nạn máy bay tuần rồi.
Với ba dàn loa cỡ lớn chĩa thẳng vào Đại sứ quán Trung Quốc, những người biểu tình, trong ba tiếng đồng hồ từ 12h tới 15h đã hô vang các khẩu hiệu bằng bốn thứ tiếng: Việt Nam, Ba Lan, tiếng Anh và tiếng Hoa.
Những câu "Hoàng Sa- Việt Nam, "Trường Sa- Việt Nam", "Đả đảo Tập Cận Bình", "Trả lại đảo cho chúng tôi", "Tự do hàng hải ở Biển Đông", "Chấm dứt gây hấn", "Hòa bình cho Biển Đông"... vang lên không mệt mỏi.
Vào 30 phút cuối của chương trình, theo đề nghị của nhóm tổ chức, cảnh sát đã cho phép đoàn biểu tình tới hò hét nơi cổng chính.
Một nhóm Trung Quốc đứng lặng lẽ quan sát, chỉ trỏ, quay phim, chụp ảnh, nhưng họ không có phản ứng quá khích nào.
Nét mới trong sinh hoạt cộng đồng
Có thể nói, biểu tình là hoạt động mới mẻ với cộng đồng người Việt ở đây. Hầu như mọi hoạt động cộng đồng, từ trước tới những năm gần đây đều tập trung trong tay một số hội đoàn như Hội người Việt, Hội Phụ nữ, các hội đồng hương.v.v. và đều có sự góp mặt hoặc trợ giúp hay ủng hộ từ phía Đại sứ quán Việt Nam.
Nhưng những hoạt động mang tính dân sự gần đây đã bứt ra khỏi sự kiểm soát của tòa đại sứ và các tổ chức ngoại vi của họ. Và điều quan trọng hơn, nó tạo ra được hình ảnh mới của cộng đồng trong con mắt của người dân bản xứ.
Nhiều người Ba Lan vốn nhìn cộng đồng người Việt như một sắc dân khép kín, lặng lẽ, ít hòa nhập, chăm chỉ kiếm tiền như những con kiến. Giờ đây có dịp thấy một hình ảnh khác - một cộng đồng người Việt sôi động, phản kháng mãnh liệt và hòa nhập với thế giới văn minh diễn ra ngay trước mặt họ.
Mới đây, liên quan tới cuộc biểu tình vì môi trường trước Đại sứ quán Việt Nam, một bài báo Ba Lan đã hết lời ca ngợi hoạt động biểu tình của người Việt và họ hết sức ngạc nhiên, khi những người Việt ở đây vừa hô khẩu hiệu vừa xin lỗi dân cư xung quanh vì sự ồn ào mà những người dân phải gánh chịu.
Khi kết thúc biểu tình, những người Việt Nam đã cám ơn cảnh sát đã bảo vệ họ, cám ơn sự kiên nhẫn của những dân chúng xung quanh. Và điều đặc biệt, những người Việt Nam đã dọn dẹp không còn một cọng rác.
Ở lần biểu tình này, nhiều đài truyền hình của Ba Lan cũng có mặt, trong đó kênh TVN24 đã có ít phút truyền hình trực tiếp.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
No comments:
Post a Comment