Phần lớn người dân Châu Âu tin rằng EU nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế với Nga; ông Erdogan gửi công điện với nội dung mềm mỏng tới Moscow nhân dịp ngày Quốc khánh 12/6 của Nga; Trung Quốc ngang nhiên tiến vào hải phận Nhật Bản v.v...
Châu Âu
*Theo số liệu khảo sát của hãng thông tấn Sputnik, có đến 47% số người dân châu Âu được hỏi ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế của EU với Nga. Trong khi đó, theo báo The Moscow Times, một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho biết 51% số người châu Âu được hỏi không đồng tình với chính sách hiện tại của EU đối với Nga, và phần đông đều nói rằng EU nên đẩy mạnh hợp tác thương mại với Nga thay vì có thái độ cứng rắn với nước này.
Lệnh cấm vận của EU đối với Nga được áp đặt vào năm 2014, và quyết định cuối cùng về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt này sẽ được đưa ra vào cuối tháng này.
EU đang có những ý kiến phản đối lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
*Trong lúc NATO đang tăng cường sự hiện diện của mình tại Đông Âu,NATO đang kêu gọi các nước thành viên tiếp tục chi tiêu quốc phòng để hỗ trợ những hoạt động trên. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ngân sách quốc phòng của NATO sẽ tăng lên 1,5% so với năm ngoái và ông mong các nước tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu hơn nữa trong tương lai. Ngoải ra, NATO đang có kế hoạch kết nạp thêm thành viên mới, khi Thụy Điển bày tỏ ý muốn gia nhập NATO, còn Phần Lan thì muốn mua máy bay F-35 của Mỹ.

Nga
*Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin, Nga được coi là một trong 30 quốc gia có “quyền lực mềm” mạnh nhất. Đây là những quốc gia có tầm ảnh hưởng rất lớn, đạt được nhờ các giá trị xã hội chứ không phải bằng các biện pháp quân sự. Một trong những nguyên nhân là bởi tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine đã lắng xuống, cùng với những kết quả tích cực đạt được kể từ sau khi Nga can thiệp quân sự vào tình hình Syria.
Tổng thống Erdogan sẽ "xuống nước" với Nga?
*Mới đây Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi một công điện đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nội dung của bức điện bao gồm lời chúc của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tới người dân Nga nhân dịp ngày Quốc khánh Nga 12/6, ngoài ra ông Erdogan mong muốn “quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức độ xứng đáng”. Ngoài ra, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng gửi cho người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev rằng “chúc cho dân tộc và nhân dân Nga những điều tốt lành và thịnh vượng”.
Mỹ
*Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã phát biểu nhằm công kích những đề xuất của tỉ phú Donald Trump, hiện là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa. Ông Obama cho biết, ý tưởng của ông Trump đã vi phạm nguyên tắc dân chủ của nước Mỹ và khiến các phần tử cực đoan có cớ để tiến hành khủng bố. Ông Obama cũng chỉ trích đảng Cộng hòa vì họ đã có những chính sách khiến những người đạo Hồi ở Mỹ trở nên bất an và có thể gây ra những vụ việc nghiêm trọng.
Hung thủ Omar Mateen.
*Theo dòng diễn biến mới nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Orlando (Mỹ): Vợ của Omar Mateen, hung thủ gây ra vụ việc nghiêm trọng trên, đã khai báo với FBI rằng chồng của cô đã muốn thực hiện một vụ khủng bố vì mục đích tôn giáo. Mặc dù cô khẳng định rằng minh hoàn toàn không biết về kế hoạch tấn công cụ thể của Mateen, song các nhà chức trách đang xem xét khởi tố cô này vì hành vi bao che tội ác và không khai báo âm mưu khủng bố kịp thời.
Syria
*Mới đây theo tuyên bố của các quan chức Pháp, lực lượng đặc nhiệm của nước này sẽ cho xây dựng một căn cứ quân sự tại thị trấn Kobani, phía Bắc Syria, để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào thành phố chiến lược Manbij đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS chiếm đóng. Hiện vẫn chưa rõ số lượng cụ thể của binh lính Pháp sẽ là bao nhiều, tuy nhiên theo một số nguồn tin, họ sẽ không trực tiếp tham chiến mà chỉ tham gia xác định chính xác mục tiêu dưới đất và huấn luyện quân sự cho các lực lượng vũ trang bản địa.
IS đang mất dần lãnh thổ về tay Quân đội Iraq, Quân đội Syria và các lực lượng vũ trang khác.
*Ngoải ramột số thông tin đáng chú ý về tình hình Syria gồm có: Lực lượng người Kurd giành quyền kiểm soát một ngôi làng ở phía Bắc thành phố Manbij, Iraq chiếm được cứ điểm quan trọng gần thành phố Mosul, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi được cho là đã bị tiêu diệt, v.v…
Châu Á – Thái Bình Dương
*Theo hãng tin Kyodo News của Nhật Bản, rạng sáng này vào lúc 3 giờ 30 phút (giờ địa phương) một tàu do thám Type 815 của Trung Quốc đã xuất hiện trong khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Sakishima, thuộc Okinawa (Nhật Bản) và hoạt động vài tiếng đồng hồ trước khi rời khỏi đó. Chính phủ Nhật Bản cho rằng Trung Quốc có thể đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bởi theo luật, tàu quân sự của một quốc gia không được phép thu thập thông tin tình báo trên vùng biển của nước khác. Phía Trung Quốc vẫn chưa có bình luận nào về thông tin này.
Một tàu do thám Type-815 của Trung Quốc.
*Theo một quan chức Mỹ giấu tên, Đội tàu Số 3 của Hải quân Mỹ sẽcử thêm tàu chiến đến vùng Đông Á để cùng Đội tàu Số 7 phối hợp hoạt động trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu rạn nứt.
Trong khi đó, theo tờ Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Ngoại trưởng Vương Nghị đã lớn tiếng tuyên bố sẽ "bảo vệ" an ninh và ổn định trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời khẳng định sẽ không cho “các thế lực bên ngoài quấy nhiễu quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc”. 
Anh Tuấn (tổng hợp)