‘Nam Tiến’ và cái bẫy địa lý của người Việt
"Nam tiến", quá trình các nhóm người Việt tiến về phía nam, mở mang lãnh thổ từ Quảng Bình đến Hà Tiên giữa các thế kỷ XIV-XIX được coi là một trang sử lớn và quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Chính quá trình xác lập nhà nước, xây dựng xóm làng, cảng thị, dinh trấn, thúc đẩy tương tác văn hóa, pha trộn tộc người… đưa lãnh thổ của Việt Nam năm 1840 ít nhất gấp ba lần so với năm 1400.
Bài viết này không thách thức diễn ngôn trên, mà chỉ đưa ra một góc nhìn khác của "Nam Tiến" đối với lịch sử người Việt, và lập luận rằng: việc di cư về phía nam quá nhanh, trong những khung cảnh tự nhiên biệt lập chính là một cái bẫy địa lý mà người Việt gặp phải. Cái bẫy này là nguyên nhân giải thích cho tình trạng hỗn loạn của lịch sử Việt Nam ở các thế kỷ XVII-XIX. Cụ thể là lãnh thổ lan ra quá nhanh, "nhà nước" chạy theo không kịp, vì thế gây ra tình trạng phân tán, hỗn loạn, vô chính phủ tại các vùng biên, nơi các nhóm địa phương xây dựng lực lượng, nổi dậy, và dùng chính sức mạnh của vùng biên để lật đổ quyền lực "già cỗi" và suy yếu của vùng trung tâm. Tất cả nội chiến, xung đột vùng miền, cát cứ đều từ cái bẫy này mà ra.
Nam tiến "nhử" người Việt vào các khung cảnh xa lạ và biệt lập
Nam Tiến đã "dẫn dụ" người Việt vào các khung cảnh tự nhiên mới, không gian văn hóa, kinh tế mới, tách họ ra khỏi các mối quan hệ quyền lực cũ, và sau đó đẩy các các nhóm này vào cuộc xung đột lẫn nhau. Mỗi khi một nhóm người Việt nào đó vượt qua những chướng ngại địa hình, và đi sâu về phía Nam, thì đồng thời họ bị "cắt rời" ra khỏi trung tâm quyền lực cũ của nhà nước ở phía Bắc. Với các nhóm đi sau và vào xa hơn thì hầu như nhà nước không thể làm được gì khác là "đứng nhìn một cách bất lực" những người này tự tổ chức ra các xã hội mới, và thậm chí là tạo dựng ra hạt nhân của nhà nước mới. Điều này thúc đẩy sức mạnh của các vùng biên trong việc thách thức các trung tâm nhà nước "cũ" ở phía bắc.
Khi bạn vượt qua đèo Ngang, từ Hà Tĩnh sang Quảng Bình, ngay lập tức gặp sông Gianh (cách 25 km về phía nam), bờ nam của con sông được "gia cố" bởi phần kéo dài ra biển của hệ thống núi Phong Nha Kẻ Bàng. Qua khỏi các chướng ngại này là khi bạn bước vào một thế giới khác, xa khỏi tầm tay của Thăng Long. Đó chính là ý tưởng địa chính trị mà Nguyễn Bình Khiêm tuyên bố, "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dải Hoàng Sơn dung thân muôn đời) vào giữa thế kỷ XVI. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đúng. Từ 1627 đến 1672, sau bảy cuộc chiến tranh, nhà Lê-Trịnh với lực lượng áp đảo và súng của người Hà Lan đã không thể gây ra một thất bại đáng kể nào cho chúa Nguyễn.
Tương tự, từ Huế đến Quy Nhơn, từ Quy Nhơn đến Gia Định, từ Gia Định tới Hà Tiên, từ Châu Đốc đến Phnom Penh là cả một câu chuyện dài. Mỗi bước đi kéo dài 50-70 năm. Mỗi trở ngại địa lý là "điểm cuối của một thế giới" để mở ra một thế giới khác. Mỗi khi một nhóm Việt nào đó bước qua cánh cổng vào thế giới mới, họ không có đường quay trở lại (và cũng không có nhu cầu quay trở lại). Điều này ngay lập tức làm xáo trộn các trật tự quyền hiện hành, và gây ra xung đột vì sau 50 năm xác lập ở một vùng, một nhóm tiếp theo sẽ vượt qua vùng đất cũ để đến với không gian mới, và tạo ra một cấu trúc kinh tế-chính trị mới, sau đó quay lại đe dọa trật tự của hệ thống quyền lực cũ.
Các trở ngại địa lý làm cho việc liên hệ/ kiểm soát của nhà nước với đường biên mới khai mở không hề dễ dàng. Nhà Tây Sơn có thể áp đảo trong các chiến dịch quân sự vào hạ lưu Mekong, nhưng không thể kiểm soát vùng biên này một cách hữu hiệu. Vào thế kỷ XVIII, di chuyển đường bộ từ Quy Nhơn vào đến Gia Định là điều không tưởng, trong khi thủy quân Tây Sơn bắt đầu bị Nguyễn Ánh áp đảo từ đầu những năm 1790s (Vũ Đức Liêm 2017). Chính điều này làm nên thất bại của họ.
Mặt tích cực của quá trình này là tạo ra các không gian Việt khác nhau, tạo ra các cách thức khác nhau để trở thành Việt Nam. Sự đa dạng này là một thành quả của Nam Tiến. Tuy nhiên, trước khi hưởng thành quả này là ba thế kỷ mà người Việt trở thành "nạn nhân" của cái bẫy địa lý và dịch chuyển vùng miền. Nguyễn Hữu Chỉnh là một ví dụ. Ông là một người tài năng, nhưng mắc kẹt giữa các không gian địa lý, chính trị, và quyền lực vương triều. Ông sinh ra ở Nghệ An, "đầu quân" cho Bắc Hà, sau đó rời bỏ để theo Tây Sơn, cuối cùng trở thành "nạn nhân" của Bắc Hà và Tây Sơn. Sau đó, cũng chính Tây Sơn và nhà Nguyễn lúng túng trong quản trị không gian "Việt Nam", và bị tổn thương bởi bẫy địa lý này.
Thay đổi cấu trúc địa chính trị và quyền lực ở Việt Nam
Sự mở rộng đất đai và lãnh thổ để lộ ra những thay đổi "chết người" của cấu trúc quyền lực theo phân vùng địa lý ở Việt Nam. Nó làm đứt gãy trật tự truyền thống của không gian "Đại Việt" để thai nghén không gian "Việt Nam". Sự thai nghén này kéo dài ba thế kỷ với những cơn đau dữ dội, mà điển hình là các cuộc chiến tranh kéo dài giữa vùng biên mới nổi, năng động và các vùng trung tâm "già cả".
Bắc Hà, vùng đất trải qua khai thác hàng nghìn năm. Các con đê làm đất đai nghèo dinh dưỡng, sức ép dân cư làm cho không gian cư trú trở nên chặt chội, và nhà nước quy củ làm xã hội "ngột ngạt". Các học giả Pháp và Nhật tính toán đã có 3,12 triệu người chạy khỏi miền bắc Việt Nam đầu thế kỷ XV. Điều này còn tiếp diễn với nạn mất mát nông dân vào thế kỷ XVIII và XIX (Yumio Sakurai 1997), và giải thích cho sự sụp đổ không thể phục hồi của của nhà Lê-Trịnh.
Đối lập với nó là tính năng động của các vùng biên mà càng vào trong thì sự đa dạng tộc người, khả năng tiếp thu kỹ thuật và sôi động kinh tế càng lớn hơn. Cuộc hành quân của Tây Sơn năm 1786, chỉ một tháng, với hạm thuyền, súng đại bác mới, và thuốc súng đã hạ bệ di sản 300 năm của vua Lê-chúa Trịnh. Trong trận đánh ở Huế, quân Trịnh sau hai giờ giao chiến đã hết thuốc súng, và bị đánh tan. Trong trận thủy chiến trên sông Luộc (6/1786), pháo của của quân Trịnh khai hỏa, nhưng không thể nào đến được phía thuyền Tây Sơn. Đổi lại, một phát đại bác của Tây Sơn có "tiếng nổ như sét, làm nứt đôi ngọn cây" bên bờ sông, quân Trịnh bỏ lên bờ tháo chạy (Hoàng Lê Nhất Thống Chí). Cửa ngõ Bắc Hà mở toang.
Theo những cách tương tự mà Thuận-Quảng thách thức Bắc Hà. Quy Nhơn thách thức Thuận-Quảng, và cuối cùng hạ lưu Mekong cho thấy sức mạnh của vùng biên giàu có và đa dạng này, vùng đất đến tận ngày nay vẫn là khu vực trù phú nhất nước.
Chính cái bẫy địa lý đã làm trật tự không gian "Đại Việt" đã bị thách thức. Quyền lực của châu thổ sông Hồng đã không thể kiểm soát được các vùng đất xa cách cả nghìn km. Các vùng này sau đó trải qua chiến tranh gần 300 năm để xác lập nên trật tự quyền lực lãnh thổ mới của "Việt Nam". Sự xáo trộn và chuyển dịch từ "Đại Việt" thành "Việt Nam" chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất của lịch sử người Việt sơ kỳ hiện đại.
Nam tiến thách thức quản trị nhà nước của người Việt
Bằng cách kéo dài một thực thể chính trị 550 km (Lạng Sơn-Hà Tĩnh) ra một không gian dài 2000 km (đến Hà Tiên), người Việt đã bị địa lý "nhử" để tham gia vào một cuộc hành hương "hỗn loạn". Vì đoạn đường quá dài, khi tốp dẫn đầu đến nơi, thì những nhóm sau đã bị "thất lạc", tản mát, chia ra thành những phân vùng khác nhau. Cai trị một đoàn người như thế là nỗi ám ảnh của nhà nước vì quyền lực trung tâm "chạy theo" các nhóm người này không kịp, và không có khả năng kiểm soát các xã hội vùng biên.
Hệ thống thông tin liên lạc dọc theo 2000 km này là một thách thức. Di chuyển từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào đến Quảng Bình là một thách thức giữa các thế kỷ XI-XVII. Các cuộc hành quân từ Lê Hoàn đến Lê Thánh Tông vào vùng đất của Champa là không hề dễ dàng. Bản thân cuộc hành quân vào nam của Nguyễn Hoàng cũng phải kết hợp cả đường thủy và đường bộ, men theo các cửa sông và đồng bằng duyên hải hẹp bị núi chia cắt.
Việc Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn loay hoay trong nhiều thập kỷ mới tìm được đất đặt trị sở lâu dài ở Phú Xuân/ Huế chính là một phép thử của sự phức tạp địa lý. Thực tế, càng đi sâu về phía nam, người Việt càng gặp phải những thách thức mới. Nam tiến "dẫn dụ" người Việt vào các khung cảnh xa lạ, nơi mà kinh nghiệm thực hành văn hóa và cai trị của người Việt hạn chế.
Paul Mus, học giả Pháp nói rằng người Việt đi dọc theo bán đảo Đông Dương như một cơn lũ, mang theo lúa nước và xác lập bất cứ đâu có thể lập làng xóm (Paul Mus 1952). Tuy nhiên, thực tế trải nghiệm của người Việt là "phũ phàng" hơn nhiều. Nam tiến biến một "Việt Nam" làng xóm thành các "Việt Nam" khác nhau: lên núi, vào thung lũng, buôn bán thương mại theo cửa sông, lênh đênh theo con nước lũ… Chính điều này làm các nhà nước phải một phen "lao đao" để tìm cách quản lí dân cư, nhân khẩu, thuế khóa, bởi đơn giản là ở vùng biên, các nhà nước không ra đời, xác lập một cách dễ dàng. Minh Mệnh than phiền rằng sao dân Nam Kỳ không ở một chỗ, làm nông nghiệp mà đi lại khắp nơi theo mùa? Phải mất hơn ba thập kỷ, hai triều vua nhà Nguyễn mới tiến hành xong thống kê địa bạ.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là màn dạo đầu. Theo sau đó là buôn lậu lúa gạo, di cư bất hợp pháp, các hội kín, xung đột sắc tộc, thổ phỉ, nổi loạn… - những nỗi ám ảnh khác mà nhà nước phải đối mặt với các vùng biên. Nổi dậy Đá Vách của cư dân vùng cao Quãng Ngãi là một ví dụ cho thấy nỗi ám ảnh vùng biên đã rình rập nhà Nguyễn trong gần hai thế kỷ: từ Nguyễn Cư Trinh đến Lê Văn Duyệt, Nguyễn Tấn với bình định, đàn áp, đến xây Trường Lũy.
Quản lí lãnh thổ và đặt kinh đô cũng là một vấn đề đau đầu khác mà Nam Tiến thách thức nền quản trị của người Việt. Khi các vùng lãnh thổ cách nhau quá xa mà thông tin liên lạc gặp bất lợi do địa hình khó khăn, cai trị hành chính không hề dễ dàng. Đến tận 1748 mới có các tuyến giao thương liên lạc đường bộ kết nối Gia Định với các khu vực xung quanh. Liên lạc giữa Gia Định và Hà Tiên còn phải tiến hành bằng thuyền, dọc theo duyên hải, mất nhiều ngày. Tận 1804, nhà Nguyễn mới bắt đầu kết nối các hệ thống liên lạc và giao thông bắc nam, được biết đến là đường Thiên Lý, hay đường Cái Quan. Tuy nhiên, đến tận những năm 1830, Đại Nam Thực lục vẫn chép về việc hổ đi lang thang hay thổ phỉ khắp nơi, dọc theo các tuyến đường này. Phải mất nhiều thập kỷ để đường xá, kênh đào, hệ thống liên lạc được xác lập, nhằm giải thoát các nhóm người Việt khỏi cái bẫy địa hình.
Việc Tây Sơn chia ba Việt Nam, một phần từ những xung đột quyền lợi, nhưng một phần khác do lần đầu tiên có một chính quyền "thống nhất" ở Việt Nam, mà họ gặp trở ngại lớn về thông tin liên lạc, và đặc biệt là đã trở thành nạn nhân của chính dự án lãnh thổ mà họ triển khai. Khi nghe tin Nguyễn Huệ ra bắc, Nguyễn Nhạc đã phải cưỡi ngựa chạy ra theo:
"Khi ở dọc đường, không dám ngủ ở nhà dân, tới đâu dương màn ra giữa cánh đồng mà nằm ở đó, quân sĩ đều ngủ lộ thiên. Bời vậy, khi tới kinh sư [Thăng Long], đám quân chỉ là đoàn người mặt mũi hốc hác, coi không ra bộ quân của vua chúa." (Hoàng Lê Nhất Thống chí, 1969: 113).
Sau sự kiện này, chiến tranh giữa hai anh em đã nổ ra. Việc chia hạ lưu Mekong cho Nguyễn Lữ cũng là một dấu hiệu khác của việc bế tắc tổ chức hệ thống cai trị. Sau 1786, cả Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ hoàn toàn không có "phương án B" cho Gia Định trong trường hợp vùng này bị đe dọa, và chính điều này là "tử huyệt" của Tây Sơn khi Nguyễn Ánh xác lập tại đây. Chính Nguyễn Ánh đã dùng sự giàu có của một vùng biên mới để đánh lại sự lúng túng về địa lý, cai trị lãnh thổ và nhà nước của Tây Sơn. Thất bại lớn nhất của Tây Sơn không phải là chiến thuật quân sự, vũ khí, hay chia rẽ mà là chưa có một "bản đồ tác chiến" và "bản đồ hành chính" cho Việt Nam, vì thế hoàn toàn lúng túng trước việc triển khai quân đội, yểm trợ, hậu cần, vận tải trên khu vực hành chính mới này.
Nguyễn Ánh cũng không thể làm hơn, dù ông là người chiến thắng. Ông biết tình thế nan giải về địa chính trị của mình, và dung hòa bằng cách cử hai vị tướng giỏi nhất án ngữ hai vùng châu thổ đông dân, giàu có, còn bản thân ông cai trị một khu vực nghèo nàn ở miền Trung. Di sản này buộc con trai ông, Minh Mệnh phải trả giá 15 năm để tìm cách thống nhất, theo sau một thập kỷ của biến loạn và xung đột khắp cả nước, từ Nông Văn Vân ở Cao Bằng đến Lê Văn Khôi ở Gia Định (1826-1836). Cũng chính việc Nguyễn Ánh lựa chọn Huế làm kinh đô là một điểm yếu khác khi vùng đất nhỏ hẹp, ít dân này luôn phải tìm cách tạo thế cận bằng và hoạch định chính sách cho hai đồng bằng lớn. Riêng việc vận tải lúa gạo, lương thực, quân lính, tiền đúc… hàng năm giữa Gia Định, Huế, Hà Nội đã là một công việc khổng lồ so với nhân lực thời bấy giờ.
Sẽ mất ít nhất ba thế kỷ để người Việt giải quyết xong các vấn đề về mở rộng lãnh thổ và xung đột phe nhóm gây ra. Họ đã "dấn thân" vào cái bẫy của địa lý và phải tìm cách hóa giải nó bằng việc tái định hình lại cấu trúc quyền lực vùng, đặc biệt là phát triển bản sắc chung Việt Nam, củng cố thông tin liên lạc, giao thương, và tạo ra một trung tâm quyền lực có khả năng vừa giữ được quyền kiểm soát, nhưng cũng vừa phải tạo ra sự cân bằng ở cả hai đầu đất nước.
Cuối cùng, những điều trên đây không phải nói rằng việc mở rộng đất đai về phía nam là một "tai họa" đối với người Việt, hay người Việt là nạn nhân bị động của quá trình này. Những đóng góp của diễn trình này vào lịch sử Việt Nam, sự đa dạng văn hóa, vùng miền, tộc người, giàu có kinh tế mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Người Việt chắc chắn cũng không phải là nhóm cư dân duy nhất chịu thách thức trước tự nhiên và mở rộng lãnh thổ. Cũng không nên quên rằng có những nhóm cư dân, tộc người, nền văn minh bản địa mà số phận của họ gắn liền với công cuộc Nam tiến của người Việt.
Bài viết chỉ đơn giản lưu ý rằng để có một hình hài Việt Nam như ngày nay, đã có những lúc mà quá trình mở rộng lãnh thổ và thay đổi cấu trúc địa chính trị đã làm người Việt phải trả giá với xung đột, chiến tranh, nội chiến, và nổi loạn. Cái giá của mấy thế kỷ bạo lực đó là không hề nhỏ.
Tham khảo
- Ngô gia văn phái. Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Sài Gòn: PhongTrào Văn Hóa Tái Bản, 1969.
- Paul Mus, Socioloie d''une Guerre (Paris: Éditions du Seuil, 1952).
- Sakurai. Yumio, "Peasant Drain and Abandoned Villages in the Red River Delta between 1750 and 1850," in The Last Stand of Asian Autonomies: Responses to Modernity in the Diverse States of Southeast Asia and Korea, 1750-1900, ed. Anthony Reid (Basingstoke: Macmillan, 1997), 133-52.
- Taylor, Keith Weller. "Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region." The Journal of Asian Studies 57, no. 4 (1998): 949-78. doi:10.2307/2659300.
- Vũ Đức Liêm. "Các Dự Án Nhà Nước 'Thiết Kế' Vùng Hạ Lưu Mekong." Tia Sáng, 2018. http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Cac-du-an-nha-nuoc-"thiet-ke"--vung-ha-luu-Mekong-11061.
- ———. "The Age of Sea Falcons: Naval Warfare in Vietnam, 1771-1802." In Warring Societies of Pre-Colonial Southeast Asia: Local Cultures of Conflict Within a Regional Context, edited by Kathryn Wellen and Michael Charney, 103-29. Copenhagen: Nordic Institute of Asian Studies, 2017.
- ———. "Việt Nam: Lịch Sử Một dân Tộc 'Dễ Bị Tổn Thương.'" Tia Sáng, 2018. http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Viet-Nam-Lich-su-mot-dan-toc-"de-bi-ton-thuong"-12721.
- ----------. "Borderlands (Border Making in Vietnamese-Cambodian Frontier, 1802-1847)." Mekong Review 2, no. 2 (2017): 13-14.
- ----------. "Lịch Sử Khai Thác Tự Nhiên ở Châu Thổ Sông Hồng." Tia Sáng, Http://Tiasang.Com.vn/-Khoa-Hoc-Cong-Nghe/Lich-Su-Khai-Thac-Tu-Nhien-o-Chau-Tho-Song-Hong-11118, 2018.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang là Nghiên cứu sinh ngành Lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á tại Đại học Hamburg (CHLB Đức).