Monday, September 9, 2019

Biển Đông: Vì sao Trung Quốc sẽ chọn đánh Việt Nam

Biển Đông: Vì sao Trung Quốc sẽ chọn đánh Việt Nam

Biển Đông: Vì sao Trung Quốc sẽ chọn đánh Việt Nam
 
Một lính hải quân Trung Quốc trước một biểu ngữ có hình chủ tịch Tập Cận Bình, tại một căn cứ ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 30/06/2019.Reuters

    Nếu căng thẳng hiện nay ở Biển Đông dẫn đến xung đột toàn diện, dường như ngày càng có khả năng mục tiêu mà Trung Quốc tấn công đầu tiên sẽ là Việt Nam.

    Căng thẳng vùng Biển Đông tiếp tục sự chú ý đặc biệt của báo chí quốc tế, đặc biệt là những tờ báo chuyên về thờ i sự châu Á, như trang mạng Asia Times.
    Ngày 05/09/2019, trang mạng này đã đăng tải một bài của nhà báo David Hutt với tựa đề « Vì sao Trung Quốc sẽ chọn đánh Việt Nam ». Theo các nhà phân tích mà David Hutt trích dẫn, Việt Nam sẽ được Trung Quốc chọn để đánh như là một cách để « khởi động - làm nóng » trước khi lao vào một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ trên vùng Biển Đông.
    Trong phần tạp chí hôm nay, RFI Việt ngữ xin giới thiệu bài báo này :
    Nếu căng thẳng hiện nay biến thành xung đột toàn diện, dường như ngày càng có khả năng là tiếng súng đầu tiên sẽ nổ ra giữa Trung Quốc và Việt Nam.
    Hai bên đã đối đầu với nhau tại khu vực Bãi Tư Chính giàu nguồn năng lượng, mà không bên nào có vẻ muốn lùi bước. Trung Quốc vẫn chống lại việc những bên tranh chấp khác khai thác các nguồn tài nguyên tại những các vùng biển đang tranh chấp, nhưng cuộc đối đầu hiện nay với Việt Nam có thể phục vụ mục đích chiến lược kép (cho Bắc Kinh).
    Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng của RAND, một nhóm tư vấn tại Washington, lập luận rằng nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Biển Đông, đối thủ được lựa chọn rất có thể sẽ là Việt Nam.
    Trong năm nay, trước khi diễn ra cuộc đối đầu tại Bãi Tư Chính, ông Grossman đã từng viết rằng Việt Nam là « cuộc chiến khởi động ưa thích » của Bắc Kinh, với lý do Việt Nam chỉ là một quốc gia có sức mạnh cỡ trung bình, nên quân đội Trung Quốc dễ dàng đánh bại.
    Mặc dù hiện giờ xung đột còn rất khó xảy ra, Bắc Kinh một lần nữa tăng cường xâm lấn và đẩy mạnh chính sách "ngoại giao pháo hạm", qua việc gây sức ép buộc Hà Nội chấm dứt hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp.
    Vào tháng 7, một tàu khảo sát của Trung Quốc, Hải Dương Địa Chất 8 , cùng với một đội tàu vũ trang, đã hoạt động suốt nhiều tuần tại khu vực gần Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
    Vào giữa tháng 8, sau khi dường như đã trở về Trung Quốc, tàu khảo sát này đã xuất hiện trở lại ở vùng biển Việt Nam nơi các công ty năng lượng Việt Nam và Nga đang cùng thăm dò dầu khí. Năm ngoái, áp lực tương tự từ Trung Quốc đã buộc Hà Nội phải hủy hợp đồng thăm dò dầu trị giá 200 triệu đôla đã ký với công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol.
    Ngày 03/09/2019, có tin là chiếc tàu cẩu lớn nhất thế giới Lam Kình (Lanjing) đã được Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc đưa vào vùng biển Việt Nam, một hành động chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng.
    Nếu đúng như thế, Trung Quốc và Việt Nam có thể sẽ tái diễn cuộc đối đầu gây cấn giữa hai bên năm 2014 , khi Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển mà Việt Nam khẳng định chủ quyền gần quần đảo Trường Sa.
    Trung Quốc đưa tàu cẩu Lam Kình vào vùng biển Việt Nam đúng vào lúc Việt Nam và chín thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia các cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên với Hoa Kỳ.
    Vụ này cũng diễn ra chỉ một tháng trước khi chủ tịch nước, kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dự kiến ​​sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Washington, và trong dịp này, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể nâng quan hệ song phương lên cấp « đối tác chiến lược ».
    Quân đội Trung Quốc và Việt Nam đã từng đụng độ với nhau vào cuối năm 1988 tại Đá Gạc Ma, Trường Sa, khiến 64 binh sĩ Việt Nam tử trận. Vụ đụng độ này xảy ra sau một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1979, mà trong đó cả hai bên đều mất hàng ngàn binh lính.
    Tình hình nay đã thay đổi kể từ những cuộc xung đột ngắn ngủi đó. Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) hiện là một trong những quân đội lớn nhất và được trang bị tốt nhất thế giới.
    Vào năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi quân đội nước này chuyển đổi hoàn toàn thành một lực lượng tầm cỡ thế giới vào năm 2050. Tuy nhiên, người ta tin rằng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh chưa an tâm về mức độ chuẩn bị của quân đội Trung Quốc để chiến đấu trong một cuộc xung đột quy mô lớn.
    Do sự luân chuyển quan chức cấp cao kể từ cuộc xung đột thực sự cuối cùng vào năm 1979, hầu hết những người hiện nay chưa bao giờ biết đến chiến tranh.
    Dennis Blasko, một nhà quan sát về quân đội Trung Quốc, vào tháng 2 đã lưu ý rằng, mặc dù đã đầu tư đáng kể vào vũ khí và công nghệ, và đã cải tổ sâu rộng về cơ cấu, nhưng vẫn có sự thiếu tin tưởng vào khả năng của quân đội Trung Quốc, trong khi đó các hệ thống giáo dục và huấn luyện của quân đội này đã thất bại trong việc đào tạo các viên chỉ huy và sĩ quan tham mưu cho các cuộc chiến tranh tương lai.
    Theo ông Blasko, chính vì vậy mà các lãnh đạo cấp cao quân đội Trung Quốc rất ít nhiệt tình hoặc không chút nhiệt tình trong việc đưa quân đội nước này vào một cuộc chiến thực sự chống lại một kẻ thù hiện đại. Họ thiên về một cuộc chiến tranh kết hợp các lực lượng dân sự, chính phủ, bán quân sự và quân đội.
    Cảm giác không an toàn này sẽ là yếu tố quyết định nước nào mà Trung Quốc coi là đối thủ « xứng đáng ». Theo nhận xét của ông Grossman, đánh Ấn Độ trên đất liền và trên núi cao trong dãy Hy Mã Lạp Sơn sẽ không có ích nhiều trong việc quân đội Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh trên không và trên biển. Xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ quá dữ dội và quá gần Trung Quốc. Còn nếu đánh Nhật Bản, Philippines hoặc Hàn Quốc, thì sẽ đụng với quân đội Mỹ, vì nước nào cũng đều có liên minh phòng thủ với Hoa Kỳ. Đạo luật Quan hệ Đài Loan thì dự trù là Washington phải bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp Trung Quốc đưa quân xâm lược.
    Theo cái nhìn của ông Grossman, Bắc Kinh có vẻ « thích một cuộc xung đột có thể thắng được » và Việt Nam về cơ bản yếu kém hơn Trung Quốc về khả năng, đào tạo và nhân lực.
    Các nhà phân tích đều nhận thấy rằng Hà Nội đang ngày càng xem các vấn đề quân sự là nghiêm trọng, trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang qua từng năm.
    Hãng tin Business Wire vào tháng 4 cho biết rằng chính phủ Việt Nam đã dành 5,1 tỷ đô la Mỹ cho chi tiêu quân sự trong ngân sách năm nay, khoảng một phần ba trong số đó sẽ dành cho việc mua sắm thiết bị quốc phòng. Một số nhà phân tích ước tính rằng chi tiêu quân sự của Hà Nội có thể tăng lên 7,9 tỷ đô la vào năm 2024.
    Vào tháng 6, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, do bộ Quốc Phòng Việt Nam điều hành, đã đăng một bài viết về đào tạo quân sự và nhân lực của Việt Nam.Tác giả bài viết cảnh báo : « Việc đào tạo cán bộ trong quân đội không đồng đều và cân đối; nội dung và chương trình đào tạo vẫn còn chậm để đổi mới; việc cập nhật kiến ​​thức và công nghệ quân sự mới trong đào tạo không cao hơn
    Rõ ràng, Việt Nam có quân đội yếu hơn nhiều so với Trung Quốc. Việt Nam chi khoảng 5 tỷ đô la một năm cho quân đội của mình, trong khi Trung Quốc chi đến 220 tỷ đô la. Trung Quốc có quân số nhiều gấp năm lần so với Việt Nam và có số lượng máy bay gấp mười lần (3.187 so với 318) và có gần gấp 11 lần số tàu hải quân (714 so với 65). Trung Quốc cũng có thiết bị tốt hơn nhiều; Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân có tàu sân bay và tàu khu trục, hai phương tiện mà Việt Nam chưa có.
    Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, do sự bất cân xứng này, chiến lược duy nhất mà Việt Nam có thể chọn đó là phòng thủ trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy nhiên, dường như không có sự đồng thuận về vấn đề này trong giới lãnh đạo Hà Nội.
    Trong một bài viết cho Tạp chí Quốc phòng Toàn dân ngày 30/08/2019, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên là một thiếu tướng trong quân đội Việt Nam và là cựu chủ tịch Viettel, một tập đoàn thuộc sở hữu của quân đội, đã viết : « Trong tương lai, nếu chiến tranh xảy ra với đất nước chúng ta, đó sẽ là một cuộc chiến của nhân dân để bảo vệ một đất nước phát triển chống lại sự xâm lược của kẻ thù. »
    Tuy nhiên, ông lưu ý : « Trong các cuộc chiến tranh chống lại tổ tiên ta trước đây và Đảng ta sau này, nước ta thường phải đối mặt với kẻ thù với sức mạnh quân sự vượt trội, nhưng chúng ta vẫn coi tấn công là tư tưởng chủ đạo, thay vì thụ động hay phòng thủ thụ động ».
    Ông Nguyễn Mạnh Hùng sử dụng cụm từ « phòng thủ tích cực » tương tự như cụm từ được sử dụng vào những năm 1980 bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình.
    Điều này chắc chắn cho thấy các quan chức cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam đang cân nhắc nghiêm túc khả năng xảy ra chiến tranh, và cách thức mà cuộc chiến này xảy ra. Do đó, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà đảng Cộng Sản đã dành cho các tờ báo nhiều thời gian hơn để viết về kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm nay.
    Những thông tin trước đó trong năm nay cho thấy Việt Nam đã âm thầm mở rộng lực lượng dân quân biển và trang bị thêm cho lực lượng cảnh sát biển để chuẩn bị đối phó với các lực lượng tương tự của Trung Quốc.
    Do sự chênh lệch về sức mạnh quân sự, khả năng răn đe lớn nhất của Việt Nam chính là thông qua các quan hệ đối tác quốc tế. Và Hà Nội đã rất bận rộn với việc kết bạn mới.
    Chẳng hạn, tháng trước, Việt Nam đã đồng ý mở rộng quan hệ quốc phòng với Nam Phi, trong khi thủ tướng Úc Scott Morrison vừa tái khẳng định hợp tác quân sự giữa hai nước trong chuyến thăm Hà Nội.
    Việt Nam cũng đã ký các thỏa thuận quốc phòng mới với Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản trong năm nay. Tuy nhiên, quan trọng nhất đối với Hà Nội đó là giành được nhiều bảo đảm chiến lược hơn từ kẻ thù cũ Hoa Kỳ.
    Chuyến thăm sắp tới của ông Trọng đến Washington vì vậy rất quan trọng. Quan hệ hiện nay giữa Mỹ với Việt Nam đã rất là tốt rồi, nhưng nếu hai bên đồng ý nâng cấp quan hệ chiến lược, thì đây sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ hơn cho thấy Mỹ đang yểm trợ Việt Nam, và đóng vai trò răn đe lâu dài đối với Trung Quốc.
    Gần như chắc chắn hai bên sẽ chỉ sẽ dừng lại ở một hiệp ước quốc phòng, vì chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam gọi là « Ba Không » cấm Hà Nội ký hiệp ước quân sự với các quốc gia khác.
    Tuy nhiên, một quan hệ đối tác không có điều kiện có thể cho phép có thêm nhiều chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ đến Việt Nam - điều mà Washington mong muốn - và có lẽ là một cam kết của Hà Nội để mua thêm vũ khí từ Mỹ.
    Việt Nam hiện mua khoảng bốn phần năm thiết bị quân sự từ Nga và một phần mười từ Israel. Đổi lại việc Hà Nội mua nhiều vũ khí hơn, Washington có thể sẽ làm rõ về việc liệu Việt Nam có sẽ bị xử phạt theo đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), dự trù trừng phạt các quốc gia mua vũ khí từ Nga, hay không.
    Việt Nam đã tạm thời được miễn CAATSA, và cựu bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đã tìm cách miễn hẳn cho Việt Nam. Nhưng để được miễn trừ lâu dài hơn, Hà Nội phải cho thấy rằng họ đang giảm sự phụ thuộc vào vũ khí nhập từ Nga. Cũng qua việc mua thêm vũ khí của Mỹ, Việt Nam sẽ giảm thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ, vẫn gây bực bội cho chính quyền Donald Trump.
    Washington đã kiên quyết chống lại các hành động mới nhất của Bắc Kinh ở Biển Đông, mà bộ Ngoại Giao Mỹ mô tả là « sự can thiệp mang tính cưỡng ép » đối với các hoạt động dầu khí từ lâu của Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Mỹ vào tháng trước cho rằng Trung Quốc đang tìm cách ngăn chận việc tiếp cận nguồn dầu khí chưa được khai thác ở vùng Biển Đông, được ước tính khoảng 2,5 nghìn tỷ đô la.
    Bộ Quốc Phòng Mỹ trong một báo cáo năm ngoái đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn thứ ba. Hơn nữa, sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu, chiếm 67% nhu cầu trong năm 2017, tỷ lệ này có thể tăng lên 80% vào năm 2035, cho nên các nguồn tài nguyên chưa được khai thác ở Biển Đông lại càng quan trọng đối với Trung Quốc.
    Hoa Kỳ sẽ cần phải chứng minh rằng họ nghiêm túc trong việc bảo đảm an ninh cho Việt Nam đối với Trung Quốc. Hà Nội chắc vẫn còn nhớ rằng tổng thống Barack Obama thời đó đã từ chối bảo vệ một đồng minh có hiệp ước với Mỹ, khi Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012. Obama cũng không hỗ trợ gì cho Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.
    Phần lớn chính sách của Trump cũng đi theo hướng đó, đưa ra những tuyên bố nghiêm khắc, nhưng không kèm theo hành động, khi Trung Quốc thành công buộc Việt Nam phải hủy bỏ các hợp đồng thăm dò dầu khí vào năm ngoái và năm 2017 tại các khu vực Biển Đông đang tranh chấp.
    Các hành động gây áp lực của Trung Quốc gần Bãi Tư Chính và việc điều tàu cẩu vào vùng biển Việt Nam càng nguy hiểm hơn, vì kể từ nay các tàu của họ có thể tiếp cận các cơ sở hải quân và không quân mới trên các các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở Biển Đông.
    Điều này có nghĩa là các tàu đó không còn cần phải quay trở lại Hoa lục để tiếp nhiên liệu và bảo trì trong các chuyến hành trình vào Biển Đông. Điều đó cũng có nghĩa là họ có thể tuần tra gần bờ biển Việt Nam hơn và trong thời gian dài hơn.
    Nếu cuộc đối đầu với Việt Nam leo thang thành một cuộc đối đầu vũ trang, thì đó có thể là cuộc trắc nghiệm về sự sẵn sàng của Trung Quốc cho một cuộc chiến tranh lớn hơn có thể xảy ra ở vùng biển tranh chấp này trong những năm tới.
    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.   
    • Việt Nam loại Hoa Vi khỏi mạng 5G vì lo ngại an ninh

      Việt Nam loại Hoa Vi khỏi mạng 5G vì lo ngại an ninh

      Sau khi thử thành công cuộc gọi qua mạng 5G ngày 10/05/2019, Việt Nam gia nhập câu lạc bộ những nước đầu tiên thử mạng điện thoại di động thế hệ mới nhất, mạnh nhất cùng …
    • Biển Đông : Việt Nam tìm ngoại lực để đối phó với Trung Quốc

      Biển Đông : Việt Nam tìm ngoại lực để đối phó với Trung Quốc

      Tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc hoành hành trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ đầu tháng 07 đến nay, sau khoảng một tuần gián đoạn (07-13/08/2019. …
    • Hồng Hiên Tự : Ngôi chùa trăm tuổi tại Pháp, cổ nhất châu Âu

      Hồng Hiên Tự : Ngôi chùa trăm tuổi tại Pháp, cổ nhất châu Âu

      Tròn 100 tuổi vào năm 2019, Hồng Hiên Tự là ngôi chùa cổ nhất châu Âu. Được những người lính Việt đóng quân tại Pháp trong Thế Chiến I xây dựng, ngôi chùa là nơi để những …
    • Độc đáo cà phê trứng Hà Nội

      Độc đáo cà phê trứng Hà Nội

      « Bún chả Obama », phở, bánh cuốn rồi cà phê trứng, có lẽ ẩm thực Hà Nội chưa bao giờ ngừng làm du khách hết ngạc nhiên. Riêng cà phê trứng, có lẽ chỉ Hà Nội mới nổi …
    • Căng thẳng Biển Đông càng đẩy Việt Nam về phía Mỹ

      Căng thẳng Biển Đông càng đẩy Việt Nam về phía Mỹ

      Gây áp lực để buộc Việt Nam phải lùi bước trong việc khai thác dầu khí, đó là chiến lược quen thuộc của Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến lược này đã có hiệu quả vào năm …
    • Hơn hai thế kỷ nhộn nhịp Chợ Lớn - Sài Gòn

      Hơn hai thế kỷ nhộn nhịp Chợ Lớn - Sài Gòn

      Chợ Lớn - quận 5 được coi là huyết mạnh của Sài Gòn, là nơi cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm hàng ngày của người dân. Chợ An Đông, chợ Kim Biên, chợ Bình Tây, chợ vải …
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    Các chương trình

    Wednesday, September 4, 2019

    Việt Nam đẩy mạnh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông

    Việt Nam đẩy mạnh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông

    mediaHoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) của Trung Quốc tại bãi Tư Chính của Việt Nam từ ngày 26 đến 30/08/2019. Ảnh chụp màn hình từ Twitter của GS Ryan Martinson.Ryan Martinson/Twitter
    Trước những hành động gây áp lực của Trung Quốc qua việc đưa tàu khảo sát vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đang buộc phải đẩy mạnh việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, kể cả những quốc gia ngoài vùng biển này.
    Việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với nhiều tàu hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang đặt Hà Nội vào thế rất khó xử. Một mặt, Việt Nam không thể nào đối đầu trực diện với một lực lượng áp đảo, không thể nào ngăn chận các tàu của Trung Quốc, mà trong những ngày qua chỉ có thể lên tiếng phản đối với Bắc Kinh. Nhưng mặt khác, Hà Nội cũng không thể trông chờ vào bất cứ quốc gia nào khác trong việc bảo vệ vùng biển của mình, bởi lẽ đối với quốc tế, kể cả đối với Hoa Kỳ, Biển Đông là khu vực đang tranh chấp và các nước bên ngoài không muốn đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp này.
    Để giải tỏa áp lực của Trung Quốc, Việt Nam chỉ còn cách vận động quốc tế lên án những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và cản trở quyền tự do hàng hải trên vùng Biển Đông. Trong chiều hướng đó, hôm qua, trong bức thư trả lời báo chí quốc tế về tuyên bố của ba nước châu Âu Pháp, Anh, Đức đưa ra hôm thứ Năm tuần trước, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, đã nhấn mạnh : « Biển Đông có những tác động quan trọng đối với những nước bên trong cũng như bên ngoài khu vực, về mặt kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ».
    Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao tuyên bố : « Việt Nam hoan nghênh và mong muốn các nước khác và cộng đồng quốc tế tham gia vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực ».
    Hà Nội đã có phản ứng như trên, sau khi ba nước châu Âu và cũng là ba nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại rằng các căng thẳng trên Biển Đông có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh và bất ổn định tại khu vực này. Pháp, Anh và Đức còn nhấn mạnh là chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, quyền chủ quyền của các nước tranh chấp phải được bảo đảm.
    Thật ra thì ngay từ khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại vùng biển Việt Nam ngày 13/08, lần đầu tiên Hà Nội công khai kêu gọi quốc tế tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông. Trong cuộc họp báo ngày 16/08, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố : « Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông ».
    Nỗ lực của Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông cũng đã được thể hiện rõ qua chuyến thăm của thủ tướng Úc Scott Morrison. Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa ông Morrison với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/08, lãnh đạo chính phủ hai nước, tuy không nêu đích danh Trung Quốc, đã bày tỏ quan ngại trước « các hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông ». Hai vị thủ tướng còn nhấn mạnh « tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ ».
    Bản tuyên bố chung nói trên có ý nghĩa đặc biệt, vì Úc là một quốc gia bên ngoài vùng Biển Đông và là một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Ngay chính Hoa Kỳ, tuy vẫn không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, cũng đã thẳng thừng lên án việc Trung Quốc hù dọa các nước tranh chấp khác để ngăn cản họ phát triển các nguồn tài nguyên trong vùng biển của họ.
    Nhưng Hà Nội cũng thừa biết kêu gọi sự tham gia của quốc tế vào vấn đề Biển Đông là một ván bài khá liều lĩnh, bởi vì cho tới nay, Trung Quốc dứt khoát không muốn quốc tế hóa hồ sơ này và đã nhiều lần lên án sự can thiệp của các nước ngoài khu vực là chỉ « làm gia tăng căng thẳng ».
    Mặt khác, nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông rốt cuộc chỉ làm nỗi rõ một điều, đó là trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Việt Nam không có một đồng minh thân thiết nào, không thể dựa vào một liên minh nào, thậm chí không thể trông chờ vào khối ASEAN, mà trong đó gần như chỉ có Hà Nội tỏ ra kiên quyết nhất với Bắc Kinh.

    Biển Đông: Cần tăng sức ép để Bắc Kinh dừng hành vi phi pháp

    Biển Đông: Cần tăng sức ép để Bắc Kinh dừng hành vi phi pháp

    mediaVị trí bãi Tư Chính, ở Biển ĐôngNguồn : Google Map.
    Các hành vi coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi cho tàu vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như của Malaysia và Philippines càng lúc càng bị công luận thế giới tố cáo.
    Chuyên san trên mạng Eurasia Review trong một bài xã luận ngày 03/09/2019 đã vạch trần tính chất phi pháp trong các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là tại khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, để cho rằng cần phải tiếp tục lên án các hoạt động đó, đồng thời gia tăng sức ép, buộc Bắc Kinh phải cho rút tàu của mình ra khỏi vùng biển của các nước láng giềng.
    Bài viết mang tựa đề: “Tôn trọng luật pháp: Hòa bình là ưu tiên hàng đầu tại Biển Đông - Respect For Rule Of Law: Peace Top Priority In South China Sea Conundrum”, trước hết cho rằng các diễn biến gần đây ở Biển Đông không chỉ đáng ngại, mà còn có nguy cơ trở thành một cuộc chiến thật sự, phá vỡ hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
    Diễn biến đáng lo ngại là những vụ việc xẩy ra từ đầu tháng 7, khi tàu khảo sát của Trung Quốc, được tàu võ trang hộ tống, đã thâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Philippines và Malaysia cũng bị Trung Quốc hù dọa.
    Thủ phạm gây rối là Trung Quốc
    Đối với Veeramalla Anjaiah, một nhà báo Indonesia kỳ cựu, tác giả bài phân tích, Bắc Kinh là nguyên nhân làm cho tình hình xấu đi khi chà đạp lên bản Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà chính Trung Quốc đã ký kết.
    Theo Eurasia Review, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thông qua năm 1982, quy định là các quốc gia ven biển được có một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, và một vùng biển hay thềm lục địa 12 hải lý. Ngoại trừ Đài Loan, tất cả những quốc gia tranh chấp ở Biển Đông – Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei đều đã ký kết và phê chuẩn công ước này, vốn nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp về biển.
    Thế nhưng, trong một động thái vi phạm rõ ràng quy định của Công Ước, Trung Quốc đòi chủ quyền trên hơn 90% Biển Đông với một đường 9 đoạn mập mờ, căn cứ vào “quyền lịch sử” không được công nhận trong luật biển quốc tế, chồng lấn với đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei và cả Indonesia, một nước không tranh chấp.
    Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc dựa trên “Đường 9 Đoạn” và quyền lịch sử. Và một lần nữa, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết quốc tế và tiếp tục áp đặt chủ quyền của họ bằng các hành động đơn phương, bất hợp pháp và mang tính cưỡng bức.
    Trung Quốc cũng bồi đắp một cách phi pháp các đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự trên đó, và cũng đã cố ngăn chặn việc đánh bắt cá, khai thác tài nguyên của các nước tranh chấp khác, ngay trong vùng biển mà các láng giềng được hưởng một cách hợp pháp.
    Xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
    Đối với Eurasia Review, bản chất phi pháp trong các hành động của Trung Quốc được thấy một cách rõ rệt trong sự cố mới nhất tại Bãi Tư Chính ở phía nam Biển Đông.
    Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam không đến 200 hải lý, nhưng cách ranh giới trên biển của Trung Quốc đến 600 hải lý. Tuy nhiên, dựa trên đường 9 đoạn, Bắc Kinh cho là Tư Chính là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
    Việt Nam vừa ký hợp đồng với tập đoàn nhà nước Nga Rosneft để thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính. Để cản phá không cho Việt Nam thăm dò, Trung Quốc đã cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hải cảnh trang bị vũ khí nặng tiến vào khu vực.
    Một cách dũng cảm, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu của họ ra khỏi khu vực bãi Tư Chính.
    Eurasia Review nhắc lại: Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc bức hiếp Việt Nam. Trong năm 2017 rồi 2018, Trung Quốc đã ép Việt Nam và tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol chấm dứt hành động thăm dò trong khu vực.
    Và Việt Nam cũng không phải là nạn nhân duy nhất của Trung Quốc. Một tàu Trung Quốc gần đây đã đâm chìm một tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong, cách đảo Palawan 160 cây số. Hàng trăm tàu Trung Quốc có võ trang cũng thường xuyên hoạt động một cách trái phép ở vùng biển chung quanh đảo Thị Tứ ở Trường Sa và đe dọa hoạt động của ngư dân Philippines. Manila cũng ra công hàm phản đối chiến hạm Trung Quốc và tàu sân bay Liêu Ninh đi qua vùng biển Philippines mà không xin phép.
    Tháng 5/2019, tàu hải cảnh Trung Quốc cũng tuần tra chung quanh vùng bãi cạn Luconia Shoals nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
    Cộng đồng quốc tế lần lượt lên án Trung Quốc
    Theo ghi nhận của Eurasia Review, hành vi phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị cả các quốc gia lẫn tổ chức phi chính phủ tố cáo.
    Hoa Kỳ đã cực lực đả kích các hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ mới đây, hòa bình và ổn định của khu vực đã bị tác hại do việc “Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các tiền đồn trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông cùng với nỗ lực áp đặt chủ quyền phi pháp về Biển Đông, dùng dân quân biển để hù dọa, cưỡng ép, đe dọa các nước khác”.
    Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu, Pháp, Đức, Anh, Canada, Úc và những quốc gia khác cũng tố cáo các hành động đơn phương ở Biển Đông và kêu gọi bảo vệ một trật tự dựa trên luật pháp.
    Hội Luật Gia Dân Chủ Quốc Tế IADL (International Association of Democratic Lawyers) rất được kính trọng, cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính.
    Trong một thông cáo mới đây (06/08/2019), Hội IADL khẳng định rằng các hành vi của Trung Quốc đã vi phạm rõ rệt các quyền của Việt Nam được ghi trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và “yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngừng các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan và tập trung vào việc xây dựng lòng tin để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung
    Được thành lập từ năm 1946, IADL là một tổ chức phi chính phủ có quy chế tham vấn tại Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội Liên Hiệp Quốc – ECOSOC.
    Quốc tế phải lên án Trung Quốc và tăng sức ép
    Theo Eurasia Review, bất chấp sự lên án của quốc tế, nước Trung Quốc hiếu chiến vẫn tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động phi pháp, cưỡng chế và khiêu khích tại Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là ASEAN và cộng đồng quốc tế có thể làm gì đê ngăn chặn Trung Quốc?
    Điều đầu tiên và quan trọng nhất là lên án các hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước Đông Nam Á.
    Cộng đồng quốc tế cần phải gây áp lực với Trung Quốc để nước này rút ngay tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu khác khỏi Bãi Tư Chính để giảm căng thẳng…
    Về phần ASEAN, do không có sự thống nhất giữa các thành viên về vấn đề Biển Đông, các nước như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines phải cố tạo ra một nhận thức chung giữa các quốc gia ASEAN. Vì ASEAN là một cộng đồng, cho nên cần phải đoàn kết trên vấn đề phức tạp này…
    Dù có hành vi bắt nạt các nước nhỏ, nhưng Trung Quốc lại là đối tác quan trọng đối với ASEAN trên nhiều phương diện. Do vậy, cần phải cấp thiết thực hiện đầy đủ Bản Tuyên Bố Ứng Xử Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc để giảm căng thẳng và tránh xung đột, đồng thời nhanh chóng tiến đến môt Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) hiệu quả, ràng buộc về mặt pháp lý, dựa trên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và các quy tắc quốc tế khác.
    Cùng chủ đề