Mỹ-Australia thử thành công tên lửa Mach 10
Theo Defense News, Mỹ và Australia vừa thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh hoàn toàn mới có thể đạt vận tốc tối đa lên tới Mach 10.
Đột phá mới
Theo nguồn tin này, vụ phóng được thực hiện tại bãi phóng tên lửa ở Woomera, phía Nam Australia. Thử nghiệm đã thành công ngoài mong đợi. Phát biểu sau sự kiện này, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, bà Marise Payne, vụ phóng thử trên nằm trong chương trình HiFIRE và được thực hiện hôm 12/7.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Australia không công bố thông tin chi tiết liên quan tới tên lửa được phóng thử. Tuy nhiên, chỉ sau vụ phóng ít giờ, Kiến trúc và Công nghệ thông tin thuộc Đại học Queensland đã công bố đoạn clip phóng thử nguyên mẫu tên lửa HiFIRE 4.
Nguồn tin này cho biết, dòng tên lửa siêu thanh mới này được thiết kế để có thể hoạt động với tốc độ tối đa lên tới Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh). Sau sau khi tách khỏi tên lửa đẩy có khả năng cơ động trước khi quay lại bầu khí quyển Trái Đất và tung ra đòn đánh không thể chống đỡ.
Vị chuyên gia này ước tính, để thực hiện chương trình HiFIRE, Bộ Quốc phòng Australia và Không quân Mỹ phải bỏ ra số tiền lên tới 54 triệu USD với sự tham gia của các hãng chế tạo Mỹ Boeing, BAE Systems và Đại học Queensland (Australia).
Khoảnh khắc tên lửa siêu thanh HiFIRE 4 rời bệ phóng.
Trong khi đó, đánh giá về thành công của vụ phóng thử tên lửa vừa diễn ra, đại diện hãng chế tạo BAE Systems chi nhánh Australia cho biết: "Vụ phóng thử thành công là bước ngoặt lớn đối với chương trình HiFIRE".
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Mỹ và Australia hợp tác thử tên lửa siêu thanh là hoạt động mở rộng hợp tác và năng lực phát triển công nghệ mới. Điều này giúp cả hai nước tích lũy thêm công nghệ có thể áp dụng trên các dòng vũ khí siêu thanh tương lai và đối phó với những nguy cơ đang ngày càng hiện hữu trên Thái Bình Dường.
Xuyên thủng A2/AD Trung Quốc
Quân đội Mỹ xác định, trong vài chục năm tới, sự uy hiếp chủ yếu trong các hình thái tác chiến trên thế giới đến từ chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” (A2/AD), đặc biệt là sự tích hợp các hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và “hệ thống phòng không tổng hợp” (IADS).
Các đối thủ áp dụng lí luận và chiến lược A2/AD dùng các loại tên lửa để tấn công các căn cứ quân sự trên lãnh thổ đối thủ và ngăn chặn lực lượng hải quân viễn chinh của đối thủ tiến vào khu vực tác chiến, sau đó dùng hệ thống ADS đánh bại các đợt tập kích đường không của không quân địch.
Mỹ coi mối đe dọa lớn nhất của chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” đến từ Tây Thái Bình Dương, mà thách thức lớn nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, một số quốc gia khác như Iran và Syria cũng đã triển khai hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm xa và đang xây dựng hệ thống IADS.
Bắc Kinh không chỉ triển khai hàng trăm quả tên lửa đạn đạo tạo thành nhiều tầng lớp tấn công và phòng thủ, mà còn đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ thống IADS cực mạnh, trên cơ sở kết hợp tên lửa đất đối không 2 lớp và 3 lớp với các biên đội máy bay chiến đấu khổng lồ.
Vì thế, hiện quân đội Mỹ đang rất coi trọng nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp khắc chế và đánh bại chiến lược A2/AD. Tuy khả năng Mỹ và Trung Quốc phát sinh xung đột quân sự là không cao nhưng Mỹ cũng không thể mất cảnh giác, một khi để Trung Quốc xây dựng hoàn chỉnh chiến lược A2/AD thì Mỹ sẽ rất khó xuyên phá.
Hiện nay, quân đội Mỹ đang hình thành ý tưởng về khái niệm “tác chiến xuyên phá liên hợp” là biện pháp tấn công thọc sâu, trực tiếp phá hủy hệ thống mạng lưới C4ISR chỉ huy và điều khiển A2/AD. Thế nhưng, nếu Mỹ sử dụng biện pháp này họ sẽ vấp phải sự phản kích từ trên không, trên biển và trên mặt đất, lại còn phải bay vào khu vực phòng không của IADS.
Vì vậy, người Mỹ nhận thấy, trong tương lai gần, các loại máy bay chiến đấu tàng hình B-2, F-35, F-22 và hệ thống tấn công tầm xa khác sẽ trở thành một trong các phương án được tính đến; máy bay gây nhiễu ngoài khu vực phòng không; máy bay giám sát và tấn công không người lái trên tàu sân bay (UCLASS) và tên lửa hành trình tầm xa cũng đóng vai trò tương tự.
Nhưng về lâu dài, không có loại vũ khí nào sánh được với các thiết bị bay siêu thanh có khả năng tấn công các điểm phóng tên lửa đạn đạo và hệ thống IADS. Tốc độ siêu thanh là khái niệm dùng để chỉ một vật thể có khả năng bay với vận tốc tối thiểu là gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên.
Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, một khi xuất hiện vũ khí tốc độ siêu thanh, nó có thể phá vỡ tất cả mạng lưới phòng không được bố trí dày đặc và hiện đại nhất. Được các phương tiện mẹ mang đến gần khu vực phòng không của địch, khi được phóng ra, vũ khí siêu thanh sẽ không cho bất kỳ hệ thống đánh chặn nào có cơ hội bắn hạ được nó.
Vì vậy, nhiều quốc gia đã đưa vũ khí siêu thanh trở thành lĩnh vực cạnh tranh đỉnh cao về khoa học kỹ thuật quân sự với các cường quốc khác. Chưa thể nói trước là nước nào sẽ thành công, chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang giai đoạn sử dụng công nghệ trên chiến trường, nhưng chắc chắn là ai làm chủ được lĩnh vực này, thì có thể chiếm lĩnh được vị trí số một thế giới về sức mạnh quân sự.
No comments:
Post a Comment