Thế hệ quan chức mới tại Mỹ không còn kiên nhẫn với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân một cuộc thảo luận bàn tròn về quốc phòng, cùng với thứ trưởng Quốc Phòng Patrick Shanahan (t) dân biểu Martha McSalley (p) tại Căn Cứ Không Quân Luke, Arizona, U.S., ngày 19/10/2018.REUTERS/Jonathan Ernst
Với những đòn tấn công dồn dập và hầu như là toàn diện nhắm vào Trung Quốc trong thời gian gần đây, Washington ngày càng bộc lộ quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh. Nhiều quan sát viên đã xem đấy là một điều bình thường vì tại Mỹ, cũng như ở nhiều nước khác, "đánh vào Trung Quốc" (tiếng Anh gọi là China bashing), là một chiêu bài ăn khách trong những cuộc vận động tranh cử, mà Hoa Kỳ lại đang sắp bầu cử giữa kỳ.
Tuy nhiên, trong một bài phân tích đăng trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 10 tháng 10, 2018, một chuyên gia Mỹ về Trung Quốc đã cho rằng chính sách quyết liệt của Washington đối với Bắc Kinh bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa và bền vững hơn : Đó là sự xuất hiện của một thế hệ quan chức mới trong chính quyền Mỹ, có quan điểm phê phán hơn thế hệ đàn anh về các hành động của Trung Quốc trong một thập niên qua, bị cho là thể hiện tham vọng muốn lật đổ Hoa Kỳ.
Trong bài phân tích mang tựa đề rất dài: « Tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về thương mại, Đài Loan và Biển Đông được thế hệ mới tại Washington thúc đẩy như thế nào - How US-China disputes on trade, Taiwan and the South China Sea are driven by Washington’s new generation », chuyên gia Douglas H. Paal, giám đốc chương trình châu Á thuộc trung tâm nghiên cứu Mỹ Carnegie Endowment for International Peace đã giải thích rằng : So với các đàn anh, đàn chị đã về hưu, lớp quan chức lên thay thế trong chính quyền Mỹ hiện nay có thái độ kiên quyết hơn rất nhiều trước các động thái thâu tóm quyền lực của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tham vọng lãnh thổ của ông.
Chính Trung Quốc đã gây nên căng thẳng Mỹ-Trung
Theo chuyên gia Douglas Paal, ngay khi chiến tranh thương mại bắt đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều nhà bình luận phương Tây đã cho rằng Bắc Kinh chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình về vô số các căng thẳng với Mỹ trong kinh tế và các lãnh vực khác.
Thái độ độc đoán trong nước, và hung hăng ở ngoài nước của Trung Quốc đã khiến cho những người Mỹ chủ trương lôi kéo và giúp Trung Quốc hội nhập vào thế giới bị mất uy tín, đồng thời nâng cao vị thế của phái ủng hộ một cuộc chiến tranh lạnh mới trên phạm vi chính trị rộng lớn.
Trong thời gian qua, trong chính quyền Mỹ, lớp quan chức còn ủng hộ chủ trương lôi kéo Trung Quốc đã dần dần về hưu, nhường chỗ cho giới sẵn sàng hành động để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh. Đối với chuyên gia Paal, đây là một quá trình chuyển đổi thế hệ quan trọng mà ít ai chú ý.
Trong mọi cơ quan của chính phủ Mỹ, không phân biệt đảng phái, những người có kinh nghiệm về Trung Quốc thời tiền cải cách đều đã nghỉ hưu và được thay thế bằng nhiều quan chức trẻ hơn, không có kinh nghiệm cá nhân về "ba thông cáo chung" vốn là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung. Thế hệ mới này không hề chứng kiến cách tiếp cận "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình trong lãnh vực đối ngoại. Họ chưa từng thấy cách người dân Trung Quốc thoát khỏi những hành vi quá đáng của Cách Mạng Văn Hóa ra sao.
Thế hệ quan chức mới ở Mỹ chỉ biết một Trung Quốc hung hăng
Đa số các quan chức Mỹ đang tại chức chỉ mới làm việc về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong khoảng 10 năm gần đây hoặc ít hơn. Trung Quốc mà họ biết bắt đầu với Thế Vận Hội Bắc Kinh hoành tráng vào năm 2008, chứ không phải là với chuyến đi táo bạo của Nixon để thiết lập quan hệ với một quốc gia còn nghèo khổ, lạc hậu. Bối cảnh địa chính trị không phải là thời cố tổng thống Nixon, khi Mỹ phải tìm cách chống lại Liên Xô và rút chân ra khỏi Việt Nam, mà là của một nước Trung Quốc đang vươn lên với tham vọng định hình lại châu Á, đánh bật Mỹ ra khỏi khu vực.
Trải nghiệm của thế hệ quan chức mới này trong 10 năm qua bao gồm những lời hứa bị nuốt về cải cách kinh tế tiếp tục ở Trung Quốc, những lời khiếu nại ngày càng nhiều từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ về việc họ bị gạt ra bên ngoài thị trường Trung Quốc, trong lúc tài sản trí tuệ của họ bị Bắc Kinh đánh cắp. Các liên minh doanh nghiệp lâu đời vốn liên tục vận động chính quyền và Quốc Hội Mỹ có quan hệ tích cực với Bắc Kinh trong nhiều thập niên, đã bị rệu rã, nhường chỗ cho những giới phê phán Trung Quốc mạnh mẽ hơn.
Thế hệ hiện tại của các quan chức Mỹ đã nhìn thấy hồ sơ của mình tại Cơ Quan Quản Lý Nhân Sự (Office of Personnel Management) bị tin tặc Trung Quốc đánh cắp vào năm 2015. Đối với họ, ngăn chặn hiểm họa từ Trung Quốc đã trở thành một vấn đề cá nhân, cụ thể.
Dung túng Bình Nhưỡng, chà đạp luật quốc tế ở Biển Đông, bức ép Đài Loan
Trong lãnh vực đối ngoại, theo chuyên gia Douglas Paal, thế hệ quan chức chính phủ mới tại Mỹ cũng có cái nhìn phê phán đối với cách làm của Trung Quốc, từ vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên cho đến Biển Đông hay Đài Loan.
Họ đã thấy việc Bắc Kinh dung dưỡng Bình Nhưỡng trong nhiều năm bất chấp việc Bắc Triều Tiên theo đuổi việc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Họ cũng thấy là khi Mỹ và Hàn Quốc trả lời bằng cách lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa, Trung Quốc đã phản pháo bằng quyết định trừng phạt Seoul chỉ vì một hành động tự vệ.
Bắc Kinh hô hào tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng chỉ khi nào luật quốc tế phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Bắc Kinh ủng hộ Luật Biển, nhưng đã phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài khi phán quyết này vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Quân đội Trung Quốc đã xây dựng căn cứ trên những hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nhưng khẳng định rằng không phải vì mục đích quân sự.
Thế hệ mới ở Mỹ cũng đã thấy một Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường, về danh nghĩa thì làm điều tốt, nhưng lại có dấu hiệu tác hại đến nền tài chính của các nước dễ bị tổn thương. Thế hệ này nghi ngờ rằng các dự án cơ sở hạ tầng trong Một Vành Đai, Một Con Đường chỉ nhằm phục vụ cho tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đang bóp nghẹt một Đài Loan đang có một nền dân chủ sôi động, về ngoại giao và quân sự. Trong thập kỷ vừa qua, ở Trung Quốc không thấy ai lặp lại các đề xuất trước đó, đồng ý cho Đài Loan tự trị khi thống nhất với Trung Quốc, và cam kết không triển khai quân đội tại Đài Loan. Những gì xẩy ra tại Hồng Kông trong 10 năm qua đã là tấm gương về việc Trung Quốc đã đổi thái độ.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment