Friday, August 9, 2019

Biển Đông: 'Tam giác ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ sẽ còn căng'

Biển Đông: 'Tam giác ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ sẽ còn căng'

Theo giáo sư Carl Thayer tam giác ngoại giao giữa TQ, VN và Mỹ sẽ còn 'căng'Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES/ILLUSTRATION BY BBC
Image captionTheo giáo sư Carl Thayer tam giác ngoại giao giữa TQ, VN và Mỹ sẽ còn 'căng'
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 6/8, GS Carl Thayer không tiết lộ nguồn tin nói con số tàu bè của TQ tại Bãi Tư Chính có lúc đã lên đến 80 ở đỉnh điểm. Ông cũng nhận định rằng tam giác ngoại giao Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam có lẽ còn ''căng'' trong thời gian tới.
GS Carl Thayer: Vào ngày 1/8, tôi được một quan chức của chính phủ Việt Nam cấp cho một tài liệu dài sáu trang, viết rằng: ''Trung Quốc đang triển khai một đội tàu lớn của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, tàu đánh cá, vận chuyển và tàu kéo để hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8, số lượng tàu hộ tống ở mức cao nhất là 35.'' Nguồn tin thứ hai của tôi đưa ra con số cao hơn, 80 tàu thuộc mọi loại, nhưng nguồn tin này không muốn tiết lộ danh tính.
BBC: Kể từ trung tuần tháng Bảy,tình hình Bãi Tư Chính đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã cho phép truyền thông đưa tincông khai yêu cầu Trung Quốc ngừng vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hoa Kỳ lên tiếng phản đối Trung Quốc, và Việt Nam cũng vừa thảo luận việc thỏa thuận quốc phòng với EU. Ông nghĩ thế nào về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện giờ khi căng thẳng đã kéo dài gần một tháng?
GS Carl Thayer: Trong khi Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp vì bên này đòi bên kia tôn trọng quyền chủ quyền của mình, cả hai cùng đã đưa ra triển vọng giải quyết vấn đề qua đàm phán. Vào ngày 12/7, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: ''Tuy nhiên, chúng tôi cũng cam kết quản lý sự khác biệt qua các cuộc đàm phán với các nước liên quan.''
Một văn bản viết hôm 1/8 mà tôi nhận được viết: ''Việt Nam cho rằng mối quan hệ của ta và Trung Quốc ảnh hưởng đến việc duy trì môi trường hòa bình ổn định để phát triển quốc gia, và đó là điều quan trọng.''
Trong tháng Bảy, khi Trung Quốc khai mào cuộc đối đầu hiện nay, hai thành viên của Bộ Chính trị Việt Nam đang có mặt ở Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, và ông Võ Văn Thường, Trưởng Ban Truyền thông và Giáo dục Trung ương. Cả hai nêu ra vấn đề Biển Đông với các đối tác chủ nhà đồng cấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương.
Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã nêu vấn đề Biển Đông với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khi họ gặp nhau tại Bangkok cho cuộc họp thường niên của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam rõ ràng là đang căng thẳng nhưng hành động của cả hai bên tại Bãi Tư Chính dường như rất kiềm chế. Đồng thời, tranh chấp này đang được quốc tế hóa khi nhiều thành viên của cộng đồng quốc tế chỉ trích Trung Quốc và đề nghị hỗ trợ cho Việt Nam.
GS Carl ThayerBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionGS Carl Thayer: 'Tranh chấp hàng hải giữa VN-TQ đã được đưa vào vòng xoáy của cạnh tranh chiến lược lớn hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.'
BBC: Việt Nam cho đến nay đã tỏmột thái độ khá cứng rắntrong nỗ lực bảo vệ các quyền chủ quyền của mình ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc không nhúc nhích, ngược lại, họ dường như làm cho tình hình căng thẳng hơn bằng cách đưa thêm tàu vào khu vực tranh chấp. Ông nghĩ bế tắc này sẽ cókết cục ra sao?
GS Carl Thayer: Bế tắc này có thể sẽ được giải quyết bằng cách một bên gửi đặc phái viên đến phía bên kia để đưa ra một giải pháp thực tế.
Trung Quốc có thể bất ngờ rút tàu Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hộ tống để làm cho những người ở Việt Nam ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ thất bại, giống như Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu HD-981 khỏi Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam năm 2014 để làm ''im tiếng'' những lời kêu gọi Thoát trung, tiến gần hơn tới Mỹ của một số thành viên của đảng.
BBC: Hôm nay Mỹ đã gửi USS Ronald Reagan, một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất của họ vào vùng biển Philippines, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn cho Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tình hình có vẻ căng thẳng hơn bao giờ hết. Theo ông thì điều gì sẽ xẩy ra với tam giác quan hệ của Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ?
GS Carl Thayer: Tranh chấp hàng hải giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện đã được đưa vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh chiến lược lớn hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việt Nam kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, và Hoa Kỳ đáp trả bằng lời lên án sự bắt nạt cũng như mối đe dọa Trung Quốc với an ninh năng lượng khu vực. Những nhận xét này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khuếch đại tại các cuộc họp của ASEAN ở Bangkok, bao gồm đối thoại ba bên giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, và tại các cuộc hội đàm bộ trưởng Úc-Hoa Kỳ hàng năm ở Sydney.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về thuế quan, và bây giờ là thao túng tiền tệ, đã bị làm trầm trọng thêm bởi việc bán vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan và việc biểu dương lực lượng quân đội của Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông. Những căng thẳng này có thể sẽ còn kéo dài trong một thời gian.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam trong một lần đối đầu với tàu Cảnh sát biển Trung Quốc năm 2014Bản quyền hình ảnhSTR
Image captionTàu Cảnh sát biển Việt Nam trong một lần đối đầu với tàu Cảnh sát biển Trung Quốc năm 2014
BBC:Ông nghĩ gì vềý kiến cho rằng giờ là lúc Việt Nam nên thiết lập mối quan hệ chiến lược với Mỹ? Quan hệ chiến lược với Mỹ có lợi cho Việt Nam không? Và trong trường hợp Việt Nam muốn làm thế, thì điều đó sẽ ảnh hưởng chính sách quốc phòng ''Ba Không'' của Hà Nội như thế nào?
GS Carl Thayer: Chính quyền Trump nhận ra rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược tiềm năng trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng của Mỹ. Mục tiêu này đã được nhắc lại trong Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương gần đây.
Trong tháng Năm, tôi nhận được báo cáo riêng rằng Hoa Kỳ đã tiếp cận Việt Nam và yêu cầu xem xét việc nâng cao quan hệ song phương từ quan hệ đối tác toàn diện thành quan hệ đối tác chiến lược. Ý tưởng này không mới, nó đã được Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu ra khi bà còn tại chức. Cuối cùng, cả Hà Nội và Washington đều quyết định thời gian cho việc đó lúc ấy chưa chín muồi.
Việt Nam bắt đầu thiết lập quan hệ với những cường quốc qua các thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2001. Hiện Việt Nam có 16 đối tác chiến lược - Nga (2001), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Nhật Bản, Nam Hàn và Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức và Ý (2011), Singapore, Thái Lan, Indonesia và Pháp (2013), Malaysia và Philippines (2015) và Úc (2018) - và 12 đối tác toàn diện - Nam Phi (2004), Chile, Brazil và Venezuela (2007), New Zealand (2009), Argentina (2010), Ukraine (2011), Mỹ và Đan Mạch (2013), Myanmar (2017), Hungary (2018) và Brunei (2019).
Quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là các thỏa thuận hợp tác rộng rãi trong một số lĩnh vực như quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, lao động, các vấn đề xã hội, văn hóa, giao lưu nhân dân và hợp tác khu vực và quốc tế. Hợp tác quốc phòng, an ninh và tình báo chỉ là một phần của khuôn khổ lớn hơn này.
Khái niệm đối tác chiến lược của Hoa Kỳ tập trung hẹp hơn nhiều vào hợp tác quốc phòng và an ninh so với khái niệm mở rộng hơn về đối tác chiến lược của Việt Nam.
Hành động đe dọa và ép buộc của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính làm tăng triển vọng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nâng quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược. Tuy nhiên ngoài Trung Quốc còn có những vấn đề khác. Như việc Hoa Kỳ áp thuế lên những hàng xuất khẩu như cá da trơn, tôm và nhôm và thép của Việt Nam. Giới chức thương mại Hoa Kỳ từng đe dọa sẽ xác định Việt Nam là một nước thao túng tiền tệ. Việt Nam có thể phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Trừng phạt Đối thủ của Mỹ vì mua vũ khí từ Nga.
Vâng, Việt Nam sẽ có lợi trong nhiều phạm vi khi hợp tác trong quan hệ đối tác toàn diện được mở rộng thành quan hệ đối tác chiến lược. Một quan hệ đối tác chiến lược thường đòi hỏi phải lập một Kế hoạch Hành động nhiều năm. Việt Nam có thể nhận được hỗ trợ trong các lĩnh vực giúp cải cách thị trường. Nhưng điều này phải được cân bằng qua việc giải quyết một số vấn đề nổi bật (thuế quan, các biện pháp trừng phạt CAATSA tiềm năng) và vượt qua nỗi sợ "vướng mắc" của Việt Nam, nghĩa là, bị lôi kéo vào một vị trí chống Trung Quốc và giảm mất tự do trong hành xử với Bắc Kinh.
Chính sách phòng thủ "Ba không" đã công bố lâu đời của Việt Nam được nêu ra trong năm 2009 trong Sách trắng Quốc phòng gần đây nhất: "Việt Nam luôn ủng hộ việc không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào cũng như không cho phép bất kỳ quốc gia nào khác có căn cứ quân sự, hoặc sử dụng đất của mình thực hiện các hoạt động quân sự chống lại các nước khác." Chính sách "Ba không" không ngăn cản tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là nếu hợp tác đó được thiết lập để cải thiện năng lực tự vệ của Việt Nam.
BBC:Giáo sư bình luận gì về tầm quan trọng của việc Việt Nam ký kết hợp tác quốc phòng với EU?
GS Carl Thayer: Thỏa thuận quốc phòng EU-Việt Nam là một hệ quả hợp lý cho các hiệp định gần đây về thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam. Việt Nam là một lối vào Đông Nam Á thuận tiện. Việt Nam sẽ đảm nhận ghế Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm sau.
Thỏa thuận EU-Việt Nam cũng phản ánh sự hợp tác quốc phòng ngày càng tăng của Việt Nam với EU, bao gồm việc gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Năm thành viên EU đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Việt Nam, bốn trong số đó bao gồm hợp tác về an ninh và quốc phòng - Pháp, Đức, Ý và Vương quốc Anh. Năm ngoái Việt Nam đã tham dự cuộc họp của Ủy ban Quân sự EU lần đầu tiên.
Chuyện gì đang xảy ra ở khu vực Bãi Tư Chính?

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment