Friday, June 29, 2012

Hoa Kỳ thúc đẩy việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Hoa Kỳ thúc đẩy việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Bản đồ Biển Đông (DR)
Bản đồ Biển Đông (DR)

Thanh Phương
Biển Đông chắc chắn sẽ là chủ đề nổi cộm trong chuyến viếng thăm Cam Bốt của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào tháng 7/2012 để dự cuộc họp giữa ASEAN với các cường quốc khu vực châu Á, trong đó có Trung Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đang gia tăng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines, Washington muốn thúc đẩy việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý sẽ đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, có tính chất ràng buộc hơn, để thay thế cho Bản tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông. Thế nhưng cho tới nay, đàm phán giữa hai bên tiến triển rất chậm, do Bắc Kinh vẫn muốn thương lượng song phương với từng nước hơn là giải quyết vấn đề trên cơ sở đa phương với toàn khối ASEAN. Tại cuộc họp ở Phnom Penh vào tháng 4/2012, các Ngoại trưởng ASEAN đã tỏ ý hy vọng sẽ thu hẹp cách biệt quan điểm với Trung Quốc và sẽ ký với Bắc Kinh Bộ quy tắc ứng xử trước cuối năm nay.
Tuyên bố hôm qua 27/06/2012 tại một hội nghị về an ninh hàng hải trên Biển Đông, do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tổ chức ở Washington, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết Hoa Kỳ nhận thấy đang có sự gia tăng hoạt động ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN về mọi phương diện liên quan đến một bộ quy tắc ứng xử. Ông Campbell không đưa ra chi tiết về bản dự thảo bộ quy tắc, nhưng nhìn nhận các tranh chấp ở Biển Đông là « đầy khó khăn ». Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, các tranh chấp nói trên đã kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở cả khu vực và giải quyết những tranh chấp đó đòi hỏi phải rất là khéo léo.
Nói chung, nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông hiện vẫn chưa rõ ràng. Phát biểu tại hội nghị an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 02/06/2012,  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã cho rằng bộ quy tắc ứng xử đó phải tạo ra một « khung pháp lý » có tính chất ràng buộc để ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp.
Tại cuộc họp thường niên của ASEAN tại Việt Nam vào năm 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố tự do lưu thông hàng hải ở vùng Biển Đông là một vấn đề « lợi ích quốc gia » đối với Mỹ. Các nước Đông Nam Á lúc đó đã hoan nghênh tuyên bố của bà Clinton, nhưng Trung Quốc đã chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ là can thiệp vào chuyện khu vực và tìm cách quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Tuy vậy, Washington đã nhiều lần nói rõ là Mỹ không đứng về phe nào trong các tranh tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Mặc dù chính quyền tổng thống Obama đang tăng cường trở lại sự hiện diện ở châu Á và thắt chặt quan hệ với những nước như Philippines và Việt Nam, Washington vẫn cố tránh đối đầu trực diện với Bắc Kinh. Tại hội nghị Washington ngày 27/06/2012, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell đã tuyên bố : Hoa Kỳ phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc « vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực ». Ông Campbell nói : « Một trong những điều quan trọng nhất đối với chúng ta ở Diễn đàn khu vực ASEAN đó là khẳng định rõ, đặc biệt là với các đồng nhiệm ASEAN, rằng chúng ta cố duy trì một mối quan hệ mạnh, ổn định và bền vững với Trung Quốc ». Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết là tại diễn đàn này, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ công bố những sáng kiến hợp tác mới trong lĩnh vực cứu trợ thiên tai và bảo vệ động vật hoang dã.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - HOA KỲ (MỸ) - PHÂN TÍCH - VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment