Vinh danh liệt sỹ Hoàng Sa
Cập nhật: 16:00 GMT - thứ năm, 17 tháng 1, 2013
Cách đây 39 năm, hải quân Việt Nam Cộng hòa đã có trận giao tranh ác liệt với hải quân Trung Quốc tại một số đảo thuộc Hoàng Sa, khi đó do chính quyền Sài Gòn nắm giữ.
Sau trận hải chiến ngày 19/1/1974, Trung Quốc chiếm hoàn toàn Hoàng Sa.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Trên 70 chiến sỹ hải quân của VNCH đã tử trận, trong đó có Trung tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng tàu Nhật Tảo, người đã cùng chìm với chiến hạm của mình.
Cựu phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, nguyên Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải là một trong các chỉ huy trận hải chiến, nói chuyện với BBC nhân dịp kỷ niệm này.
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Mỗi năm cứ sắp đến Tết thì tôi lại rất buồn, không thể nào quên các anh em đã mất tại Hoàng Sa.
Lúc đó hải quân Việt Nam Cộng hòa đã làm nhiệm vụ cần làm. Cường quốc kia thì bất chấp luật lệ quốc tế cũng như toàn vẹn lãnh thổ của nước khác nên gây ra sự kiện rất đau buồn này.
BBC: Năm nay bên California có tổ chức hoạt động gì để kỷ niệm ngày này không, thưa ông?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Hầu hết các thành phố lớn, đông người VNCH đều có tổ chức, và đặc biệt hải quân VNCH cũng tổ chức. Những nơi như San Jose hay Nam California, rồi Washington DC và Houston , Texas,... đều có tổ chức cá clễ tưởng niệm và vinh danh các chiến sỹ hải quân đã hy sinh ngày 19/1/1974.
Lần nói chuyện trước với BBC tôi có ước mong một điều [là các liệt sỹ VNCH hy sinh ở Hoàng Sa cũng được vinh danh ở trong nước].
Sau đó tôi có được nghe rằng các báo cũng nói thêm vào, và chính quyền Hà Nội có định làm một tượng đài ở Đà Nẵng.
Thế nhưng tới nay tôi chưa nhìn thấy chứng cứ hay hình ảnh nào cho việc này.
Rồi có người hỏi xin danh sách, tôi cũng chuyển cho họ danh sách anh em đã hy sinh trong trận đánh đó. Nhưng cũng chưa thấy có việc gì được xúc tiến.
Tôi nghĩ đây là việc nên làm, vì đây là sự hy sinh của người công dân Việt Nam. Cần xúc tiến càng sớm càng tốt, để đỡ sự buồn tủi cho gia đình các chiến sỹ ̣đã hy sinh.
BBC: Đã gần 40 năm, số nhân chứng của sự kiện này chắc cũng đang dần mai một, và thời gian chẳng còn nhiều ạ...
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Đúng là như vậy. Ở bất cứ quốc gia nào người ta cũng phải có hành động ghi nhận sự thật, sự hy sinh này. Rất buồn nếu như chính quyền không để ý tới điều đó.
Tôi có được xem hình ảnh, thì ở trong nước họ chỉ tổ chức một số buổi kỷ niệm rất nhỏ, trong căn phòng nhỏ, chỉ là tượng trưng chứ không phải sự ghi ơn.
BBC: Thưa ông có nghe tin tức gì từ bà quả phụ Ngụy Văn Thà không ạ? (Trung tá Ngụy Văn Thà là hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo, người đã hy sinh anh dũng khi chiếc tàu của ông bị Trung Quốc bắn chìm)
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Có, chúng tôi ở tổng đội hải quân bên này mỗi năm đều có thăm hỏi và gửi tiền về giúp, nói chuyện đều đều với bà Ngụy Văn Thà. Anh em hải quân ỡ khắp năm châu cũng cố gắng giúp, không nhiều thì it́.
Và không chỉ bà Ngụy Văn Thà, chúng tôi còn cố gắng giúp gia đình thiếu tá Nguyễn Thành Trí, là người hạm phó nữa.
BBC: Gần đây chắc ông theo dõi truyền thông cũng biết về các hoạt động cấp tập mới đây của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Không hiểu ông suy nghĩ thế nào?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Thông thường thì bao giờ cũng có việc các nước lớn chèn ép các nước nhỏ hơn, bất chấp luật lệ quốc tế, các hiệp định hiệp ước quốc tế, luôn luôn là như vậy.
Các quốc gia nhỏ hơn thông thường thì phải chịu thôi.
Nhưng có một điều tôi không hiểu được, là khi một nước lớn xâm lược, đưa hải quân chiếm đảo, lấy đất của một quốc gia nhỏ bé, rồi sát hại thủy thủ, bắt giết ngư dân ngoài khơi, mà họ đưa chiến hạm vào, vẫn được tiếp đón.
Vừa rồi ba chiến hạm của Trung Cộng vào được đón tiếp bằng thảm đỏ, rồi sỹ quan bên này bắt tay sỹ quan bên kia... tôi thật không hiểu làm sao. Và quốc tế nhìn vào, tôi cũng nghĩ họ không hiểu được.
BBC: Vậy theo ông, [Việt Nam] phải làm gì ạ?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Bây giờ thì chỉ cầu mong làm sao quốc tế nỗ lực để các quốc gia tuân thủ các hiệp ước, hiệp định, không để nước lớn tự đàn áp các nước nhỏ hơn.
Tình hình như thế này thì các nước nhỏ như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan... sẽ đều phải chịu những sự chèn ép cục bộ, gây đe dọa an ninh cho các vùng biển, kể cả các vùng biển quốc tế chứ không chỉ riêng Biển Đông.
BBC: Thế còn sự can thiệp của các nước lớn thì sao thưa ông? Chính ông cũng từng chứng kiến thời kỳ cuộc hải chiến 1974, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ cũng chỉ đứng nhìn chứ không chịu tham chiến ạ.
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Thì cũng chỉ trông mong vậy thôi, chứ nước lớn họ có chiến lược của họ, chứ không phải thấy sự bất công thì họ vào giúp mình đâu.
Chỉ khi đụng vào quyền lợi của họ thì họ mới xen vô mà giải quyết.
Thực ra bây giờ [trong khu vực] chỉ có hai cường quốc là Trung Cộng và Hoa Kỳ. Chừng nào Hoa Kỳ thấy có quyền lợi ở trong đó thì họ mới xía vào. Mấy năm trước, bà Hillary Clinton có tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có quan hệ tới quyền lợi của nước Mỹ.
Nhưng cũng chưa thấy có hành động gì tiếp theo cả.
BBC: Vậy thì vào lúc này, có nên đặt vấn đề lấy lại quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam từng nắm kiểm soát không ạ?
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại: Có lẽ phải chờ các nỗ lực ngoại giao, và phải có Hoa Kỳ tham gia trực tiếp, thì hy vọng Trung Quốc mới thay đổi thái độ.
Thường thường trong lịch sử tôi thấy điều này rất khó khăn, mất thời gian, trừ khi có một cuộc đại chiến thì mới có một sự trao đổi lãnh thổ.
Chứ bình thường, nhất là khi có một cường quốc ăn ngang nói ngược như Trung Quốc, thì khó xoay chuyển tình thế lắm. Đặc biệt là họ đã xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố trên đó rồi thì không dễ gì mà họ buông ra đâu.
No comments:
Post a Comment