Tuesday, February 7, 2017

Trung Quốc : Siêu cường số 1 trên biển về mặt dân sự ?

Trung Quốc : Siêu cường số 1 trên biển về mặt dân sự ?

mediaẢnh minh họa : Cảnh cảng nước sâu Vương Sơn, khu tự do mậu dịch Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 24/09/2016. 6 trong số 10 thương cảng quan trọng nhất trên thế giới đều nằm ở Trung Quốc.Reuterss
Trong bài « Trung Quốc xây dựng đế chế trên biển như thế nào ? », tuần báo Pháp Courrier International ngày 02/02/2017 ghi nhận việc , Bắc Kinh đã bỏ ra hàng tỷ đô la để xây dựng mạng lưới cảng và bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải mà tàu thuyền Trung Quốc sử dụng trên thế giới. Courrier International đã giới thiệu một phóng sự điều tra của nhật báo Anh Financial Times cho thấy rõ chiến lược Trung Quốc áp dụng để trở thành một siêu cường trên biển qua hai bước : kiểm soát mặt biển bằng các phương tiện dân sự, trước khi áp đặt quyền thống trị bằng Hải Quân. Theo tờ báo, bước một của Trung Quốc coi như đã hoàn thành.
Bài viết lấy khởi điểm từ cảng Gwadar, Pakistan, bên bờ biển Ả Rập, sát các con đường vận chuyển dầu hỏa nhập khẩu của Trung Quốc : tuyến đường này mà bị tắc nghẽn thì kể như nền kinh tế thứ hai thế giới bị nghẹt thở. Cảng này được Trung Quốc tài trợ, xây dựng và chiếm hữu đã trở thành một địa điểm chiến lược. Islamabad và Bắc Kinh từng cực lực chối cãi là không hề theo đuổi mục tiêu quân sự nào liên quan đến cảng Gwadar, cho đấy chỉ nhằm mục tiêu thương mại, thế nhưng mặt nạ đã bắt đầu rơi xuống.
Một viên chức ngoại giao ở Islamabad, thủ đô Pakistan, đã giải thích : « Với sự phát triển của Gwadar, việc các tàu Trung Quốc qua lại, thương thuyền cũng như tàu chiến, sẽ gia tăng trong khu vực. Dù không có dự án xây dựng một căn cứ Hải Quân Trung Quốc thường trực, nhưng quan hệ hai bên đang mở rộng qua lãnh vực biển ».
Thật ra thì Gwadar nằm trong một mô hình to lớn mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thiết kế để biến Trung Quốc thành một siêu cường trên biển. Cảng Gwadar còn nối liền với miền tây Trung Quốc bằng nhiều con đường trên bộ, đồng thời cũng nằm trong đề án « con đường tơ lụa mới » của Bắc Kinh.
Trung Quốc : Nhà điều hành hải cảng hàng đầu trên thế giới
Theo điều tra của Financial Times, Trung Quốc đã có rất nhiều tiến bộ trong việc thực hiện đề án này trong vòng 6 năm gần đây và nước này đã trở thành nhà điều hành hải cảng hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Nhờ đầu tư vào các cảng trên khắp thế giới, Trung Quốc đã trở nên những nhà quản lý và điều hành số một thế giới trong lãnh vực này. Các hãng hàng hải Trung Quốc chuyên chở ngày càng nhiều hàng hóa hơn bất cứ nước nào trên thế giới : 6 trong số 10 thương cảng quan trọng nhất trên thế giới đều nằm ở Trung Quốc, không kể đến Hồng Kông. Tuần duyên Trung Quốc có đội cảnh sát biển lớn nhất thế giới, lực lượng hải quân tăng mạnh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, và đội tàu đánh cá của họ không dưới 200.000 chiếc tung hoành trên biển khơi.
Sự vươn lên của Trung Quốc như một siêu cường biển cả không ngoài mục tiêu đối chọi lại ý muốn của Hoa Kỳ đóng vai trò thống trị trên biển cả, yếu tố thiết yếu để duy trì hòa bình mà phương Tây thừa hưởng từ sau Thế chiến Thứ II.
Hai mục tiêu của « mô hình Gwadar »
Theo bài nghiên cứu, quan niệm của Trung Quốc về ảnh hưởng trên biển không khác bao nhiêu với suy nghĩ của Alfred Thayer Mahan, một chiến lược gia Mỹ thế kỷ XIX, đã từng cho rằng : « Kiểm soát biển cả nhờ thế thượng phong thương mại và quân sự trên biển cho phép gây ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, không có gì hơn biển trong việc tạo điều kiện trên những trao đổi cần thiết, cho dù sự phồn thịnh của một lãnh thổ có như thế nào đi chăng nữa ».
Đối với Trung Quốc, « mô hình Gwadar » là bắt đầu bằng việc thâu tóm một căn cứ thương mại chiến lược nhờ kinh nghiệm thương mại và sức mạnh tài chính, để rồi sau đó chuyển sang mục tiêu quân sự. Mô hình này đã được sản sinh ở nhiều nơi trọng yếu khác.
Chẳng hạn như ở Sri Lanka, Hy Lạp hay Djibouti tại vùng Sừng Phi Châu, đầu tư của Trung Quốc đổ vào các cảng dân sự, nhưng tiếp theo đó lại có những bước triển khai hay viếng cảng của tàu Hải Quân Trung Quốc và cứ đều đặn như thế, đôi khi lại có thông báo về những đề án quân sự khẩn cấp.
Financial Times cũng trích chuyên gia Abhijit Singh, thuộc viện nghiên cứu Observer Research Foundation tại New Delhi nhận định : « Những cơ sở mà Trung Quốc thiết lập ở các cảng nước ngoài về căn bản nhằm hai mục tiêu : Ngoài bề mặt là các chức năng thương mại, thì chúng có thể nhanh chóng được cải thiện để phục vụ các nhiệm vụ căn bản về quân sự ». Theo chuyên gia này : « Trung Quốc rất giỏi trong việc âm thầm triển khai “quyền lực cứng” của họ ! »
Dữ liệu nghiên cứu của Financial Times đã cho thấy quy mô to lớn của sự thống trị của Trung Quốc trên hầu hết các lãnh vực liên quan đến biển.
Trung Quốc đã thống trị thế giới trên mặt vận chuyển container
Trong lãnh vực vận tải biển, các công ty Trung Quốc đã vận chuyển một lượng container lớn hơn bất kỳ nước nào khác Trong năm 2015, năm hãng vận tải lớn nhất Trung Quốc một mình kiểm soát 18% tổng số hàng chuyển vận bằng container mà 20 công ty vận chuyển lớn nhất toàn cầu chia nhau. Trung Quốc như vậy đã vượt qua Đan Mạch, quê hương của Maersk Line, hãng tàu chở container lớn nhất trên thế giới.
Về cảng container, thì Trung Quốc đã trở thành nước ấn định các luật lệ. Theo khảo sát của Financial Times, trong năm 2015, trong số 50 cảng container lớn nhất trên thế giới, gần hai phần ba đã nhận đầu tư của Trung Quốc, so với vỏn vẹn một phần năm trong năm 2010.
Theo cơ quan Lloyd’s List Intelligence, chuyên cung cấp thông tin về thương mại hàng hải, các cảng đó đã xử lý 67% lượng container toàn cầu, tăng 42% so với năm 2010.
Đầu tư của Trung Quốc vào ít nhất 50 vị trí chiến lược khắp nơi
Trung Quốc không chỉ đầu tư vào các cảng lớn nhất thế giới. Hàng chục cảng khác nhỏ hơn, trong đó có một số giữ một vị trí chiến lược cũng thu hút đầu tư Trung Quốc.
Đó là trường hợp của Djibouti, Hambantota ở Sri Lanka, Darwin tại Úc, đảo Maday ở Miến Điện, và các dự án đang nghiên cứu liên quan đến quần đảo São Tomé và Principe ở Đại Tây Dương, hoặc Walvis Bay ở Namibia.
Theo một nghiên cứu của Sam Beatson và Jim Coke, Viện Đại Học Hoàng Gia Luân Đôn, phối hợp với Financial Times, từ năm 2010, các công ty Trung Quốc và Hồng Kông đã ký thoả thuận hoặc loan báo việc ký kết hợp đồng trên ít nhất là 40 dự án cảng, trị giá tổng cộng khoảng 45,6 tỷ đô la. Ngoài ra còn có một chục thỏa thuận khác, trong đó có đảo Carey tại Malaysia và Chongjin ở Bắc Triều Tiên, nhưng không có chi tiết tài chính.
Để hoàn thành bức tranh về sự thống trị của đội tàu thương mại Trung Quốc, phải tính đến đội tàu cá hiện đông đảo nhất trên thế giới, theo một bài viết gần đây của Michael McDevitt, một cựu phó đô đốc Hải Quân Mỹ, hiện nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu chiến lược CNA của Mỹ.
Theo chuyên gia McDevitt : « Sức mạnh trên biển của Trung Quốc bao gồm nhiều thứ hơn là sức mạnh hải quân đơn thuần. Sức mạnh này bao gồm một lực lượng tuần duyên quan trọng và hữu hiệu, một đội thương thuyền và một hạm đội tàu cá có đẳng cấp thế giới, một ngành đóng tàu được công nhận trên toàn cầu và cuối cùng là năng lực thu hoạch hoặc khai thác các nguồn tài nguyên biển có lợi ích kinh tế to lớn, đặc biệt là cá ».
Chiến lược chuyển từ phòng thủ trên bờ qua tung hoành trên biển
Theo nhận xét của Financial Times, từ hàng nghìn năm qua, các hoàng đế Trung Quốc đã đặc biệt tập trung vào việc bảo vệ Trung Quốc trên đất liền... Nhưng vào năm 2015, một quyển Sách Trắng về chiến lược quân sự đã xác định một bước ngoặt, cho thấy các chuyển biến trong mục tiêu trên biển.
Các tác giả của tài liệu chính thức cho rằng kể từ nay, « cần phải dành ưu tiên cao nhất cho việc quản lý của các vùng biển và đại dương, và bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải ». Nhiệm vụ của Hải Quân Trung Quốc do đó phải là bảo vệ « sự an toàn của các tuyến giao thông trên biển và lợi ích của Trung Quốc mình ở hải ngoại ».
Một số nhà phân tích khẳng định rằng chiến lược hải quân của Trung Quốc có mục tiêu chủ yếu là ngăn không cho Hải Quân Mỹ tiếp cận một chuỗi đảo trải dài từ bán đảo Kamchatka ở Nga xuống bán đảo Mã Lai ở phía nam, một rào cản tự nhiên trên biển được mệnh danh là « chuỗi đảo thứ nhất », ranh giới xác định vùng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc ở bên trong.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment