Đàm phán biên giới Việt-Trung 1974-1978
Trong các cuốn sách nghiên cứu lịch sử, mối liên hệ Việt-Trung xấu đi sau năm 1975, thường được gán cho là hậu quả của việc Hà Nội nghiêng về phía Liên Xô.
Trong lúc các giải thích này phần nào đúng, thì các tài liệu từ văn khố Hungary đã hé lộ cho thấy nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột Việt Trung là một vấn đề mà Liên Bang Xô Viết chẳng có dính dáng gì tới: đó là cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Nhìn từ khía cạnh Trung Quốc, chuyện Hà Nội không chịu hùa với Bắc Kinh trong cuộc xung đột Nga-Trung chắc chắn là là một trong các nhân tố chính làm cho hai nước trước đây là đồng minh nhưng sau đó đã từng bước một không thuận thảo với nhau.
Trong và sau cuộc chiến Việt Nam, các chiến lược gia của Trung Quốc lo ngại rằng nếu như Liên Xô nắm được Mông Cổ, thì thế nào họ cũng nhảy vào Đông Dương, và do đó, sẽ khoanh vùng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc lại.
Để thuyết phục Việt Nam ngả về lập trường bài Liên Xô, giới lãnh đạo Trung Quốc áp dụng tùy theo thời cơ chiến thuật vừa o, vừa ép lân bang nhỏ của họ ở phía nam.
Và để ăn chắc, họ cũng tìm cách bành trướng thế lực của họ tại hai nước Đông Dương mà Hà Nội đã có ảnh hưởng: đó là Lào và Campuchia.
Nghịch lý thay, chính vì Trung Quốc cạnh tranh với Bắc Việt trong việc gây thanh thế lên Lào và Campuchia, nên đã giúp cho Liên Xô xích lại gần hơn với Bắc Việt vì Liên Xô - không như Trung Quốc - sẵn sàng chấp thuận thế thượng phong của Hà Nội lên cả Đông Dương.
Như một nhà ngoại giao Xô Viết đã nói hồi tháng Ba năm 1970: Việt Nam có thể trở thành viên đá tảng cho thể chế xã hội chủ nghĩa tại Lào và Campuchia.
Vào cuối mùa thu năm 1973, Thủ tướng Bắc Việt vào lúc đó là ông Phạm Văn Đồng, trong một chuyến thăm Đông Đức, đã nhất mực nói với nước chủ nhà rằng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cương quyết duy trì mối giao hảo với cả Liên Xô và Trung Quốc.
Vì muốn thống nhất đất nước bằng võ lực sau khi quân đội Mỹ triệt thoái, Hà Nội hoàn toàn không hài lòng khi điện Kremlin bắt đầu giảm viện trợ quân sự cho Bắc Việt sau Hiệp Định Paris.
Do đó, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam bắt buộc phải có lý do riêng để đối mặt với Trung Quốc.
Một lý do mà hầu như mọi người đều biết là Việt Nam cạnh tranh gây thế lực với Trung Quốc lên Đông Dương, tuy nhiên theo ý kiến cá nhân của tôi, một trong các lý do quan trọng là Hà Nội bất bình trước sự thể là Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bởi vì Bắc Việt chưa đồng ý về đường biên giới trên biển với Trung quốc và thứ đến là cuộc xung đột với Pol Pot.
Bước sang năm 1974, sự chằng chịt của hai vấn đề này rõ ràng đã làm cho giới lãnh đạo của đảng Lao Động Việt Nam nhức nhối.
Vào ngày 18 tháng Một cùng năm, nghĩa là đúng một ngày trước khi bùng ra Trận Đánh Hoàng Sa, chính phủ Trung Quốc để trả lời cho một thỉnh cầu trước đó của Bắc Việt, đã thông báo cho Hà Nội biết rằng họ sẵn sàng ngồi vào bàn để đàm phán về đường biên giới trên biển trong vùng Vịnh Bắc Việt.
Nguyên của vụ tranh chấp này bắt nguồn từ các thỏa ước Pháp-Trung hồi năm 1887 và 1895, trong đó có các điều khoản đặc biệt về các đảo trong vịnh này, chứ không phải về đường biên giới trên biển.
Trong lúc Hà Nội chọn giải pháp chia toàn bộ vịnh này theo đường kinh tuyến để phân biệt rạch ròi các đảo do Việt Nam chiếm giữ và các đảo do Trung Quốc chiếm giữ, thì phía Trung Quốc vạch ra rằng giải pháp có lợi cho Việt Nam hơn là Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán về đường biên giới Việt-Trung mới vừa bắt đầu tại Bắc Kinh hồi tháng Tám đến tháng 11, thì lại bị ngưng.
Trung Quốc đưa ra đề nghị sửa đổi đường biên giới trên biển - có lợi cho Bắc Kinh- và phía Việt Nam nhất mực yêu cầu phải giữ đường biên giới theo lịch sử, do đó, hai bên khó có thể đạt được thỏa thuận và công tác đàm phán lại càng khó hơn nhất là sau khi Trung Quốc chiếm đón quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc gây áp lực đòi Hà Nội phải chấp nhận sự kiện đã rồi, trong lúc ấy ban lãnh đạo đảng Lao Động Việt Nam lo sợ rằng nếu như chấp nhận đường biên giới trong vùng Vịnh Bắc Việt không theo đúng lịch sử phân định, thì điều hàm ý công nhận sự chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc và đồng thời tự tước bỏ chủ quyền của mình trên quần đảo này.
Sau vụ chiếm đóng này, ban lãnh đạo đảng Lao Động đã để lộ cho phía Trung Quốc biết rằng họ bất bình với hành động này, và sự bất bình này cộng thêm với sự thất bại của cuộc đàm phán về đường biên giới trên biển trong vùng Vịnh Bắc Bộ rất có thể đã khiến cho Bắc Kinh quyết định nêu lên một vấn đề đã bị sao lãng trong nhiều thập niên: đó là vấn đề đường biên giới trên đất liền giữa hai nước.
Ngay từ đầu năm 1974, phía Trung Quốc đã bắt đầu khiêu khích tại một số khu vực biên giới, mà hai bên đều đòi chủ quyền, và vào tháng Ba năm 1975, Trung Quốc chính thức đề nghị đàm phán về vấn đề này.
Các khu vực tranh chấp phần lớn có diện tích không đáng kể: hồi năm 1979, phía Việt Nam nói rằng tổng số diện tích mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp là 76 cây số vuông.
Do đó, đường như đảng Cộng Sản Trung Quốc dùng vấn đề đường biên giới trên đất liền như là một món hàng để mặc cả với chủ đích buộc Việt Nam phải ép mình trong các vụ tranh chấp phức tạp hơn nhiều về đường biên giới trên biển.
Vào tháng Chín năm 1975, nhật báo Nhân Dân đã đăng một bài thơ của Tố Hữu trong đó, ông tuyên bố công khai rằng quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc và một số nước cũng đòi chủ quyền, là một phần bất khả phân của nước Việt Nam mới vừa thống nhất.
Nhà thơ Tố Hữu, ủy viên trung ương đảng, đã thẳng thừng tuyến bố với một đoàn Đông Đức đến thăm rằng Nam Hải thực ra là Biển Đông của chúng tôi.
Chắc chắn những lời phát biểu của ông Tố Hữu đã được giới lãnh đạo cao nhất chấp thuận bởi vì cũng trong tháng này khi ông Lê Duẩn viếng thăm Trung Quốc, ông cũng đã chính thức khẳng định rằng Hoàng Sa là của Việt Nam.
Tuy nhiên, đảng Cộng Sản Trung Quốc từ chối tham gia các cuộc đàm phán dưới bất cứ hình thức gì về quần đảo này.
Trái lại, vào tháng 12, truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu nhấn mạnh theo lịch sử Trung Quốc là chủ quần đảo Hoàng Sa, và Việt Nam đã phản bác lại cùng một cung cách.
Vào tháng Hai năm 1976, hai nhật báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân đã đăng một loạt các bài về các lãnh thổ của Việt Nam trên biển, bao gồm không những Hoàng Sa và Trường Sa mà còn có cả hai đảo Phú Quốc và Thổ Châu, mà trong thời gian trước đó không lâu Việt Nam có đọ súng với binh sĩ Campuchia của Pol Pot trên đó.
Hồi tháng 10 năm 1977, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán tại Bắc Kinh về vấn đề biên giới.
Để tránh cho các cuộc đàm phán bị khựng lại ngay từ đầu, phía Việt Nam đề nghị chỉ nên bàn về đường biên giới trên biển khi nào đường biên giới trên đất liền kém quan trọng hơn, đã được giải quyết xong.
Đàm phán lâm vào bế tắc bởi vì Trung Quốc nhất mực cho rằng đường biên giới trên đất liền được sửa đổi sau năm 1895 có lợi cho Trung Quốc phải được công nhận phần nào.
Còn Việt Nam lo ngại rằng nếu chấp nhận như vậy thì chẳng khác nào hợp thức hóa sửa đổi đơn phương, kể cả sự chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa.
Các cuộc đàm phán về Vịnh Bắc Bộ thậm chí rất gay go vì phía Trung Quốc bác bỏ luận cứ của phía Việt Nam muốn rằng đường biên giới được ấn định trong các thỏa hiệp Pháp-Trung phải được áp dụng cho cả Vịnh Bắc Bộ chứ không riêng gì đối với một số đảo.
Ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ nhìn nhận đoạn biên giới nào do Pháp vẽ mà có lợi cho họ thôi như trường hợp biên giới Lào-Trung, do đó, vụ tranh chấp lãnh thổ Việt-Trung không những chỉ là một cuộc xung đột về pháp lý mà cũng còn về chiến lược và kinh tế nữa, vì tài nguyên dầu hỏa trong vùng Vịnh Bắc Bộ và tại quần đảo Hoàng Sa rất phong phú.
Vào mùa hè năm 1978, các cuộc đàm phán hoàn toàn tan vỡ.
Sự tan vỡ này cho thấy rằng Bắc Kinh và Hà Nội tất nhiên sẽ phải đụng độ với nhau, tuy nhiên, điểm đáng nói, là cuộc xung đột Trung-Việt không có dính líu gì tới liên hệ tay ba giữa Hà Nội, Bắc Kinh và Moscow vì Liên Xô không có hậu thuẫn việc Việt Nam đòi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Trái lại, vụ tranh cãi về lãnh thổ là một vấn đề đối với điện Kremlin bởi vì hồi năm 1958 toàn bộ khối Xô Viết đã nhìn nhận chủ quyền theo lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Việc Việt Nam liên kết với Liên Xô, và sự gia nhập của Việt Nam vào khối COMECON hồi tháng Sáu năm 1978 có thể là một hậu quả hơn là nguyên nhân chính làm cho liên hệ Việt-Trung xấu đi.
Bài viết từng đăng trên BBC Tiếng Việt năm 2010. Tác giả khi đó là một nhà nghiên cứu độc lập ở Hungary.
No comments:
Post a Comment