Mục tiêu 'thống nhất lãnh thổ' của Tập Cận Bình
Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức vào tháng 10 năm 2017. Ta có thể xem rằng từ thời điểm này trở đi là khoản thời gian "tiền đại hội".
Tập Cận Bình cần phải củng cố uy tín cá nhân để được ngồi lại thêm nhiệm kỳ nữa.
Các yếu điểm của họ Tập, để lộ ra trong thời gian ông này làm lãnh đạo, là kinh tế Trung Quốc không sáng sủa như các lãnh đạo tiền nhiệm. Công cuộc "đả hổ diệt ruồi" của họ Tập, mục đích chống tham nhũng làm sạch bộ máy nhà nước, đã gây chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng. Vì vậy người ta nghĩ rằng, từ nay trở đi, Tập Cận Bình sẽ cố gắng thực hiện một số điều để khẳng định lại uy tín của mình trong đảng.
Những điều mà họ Tập có thể làm là gì?
Một cái nhìn sơ lược về "hình mẫu lãnh đạo lý tưởng" của họ Tập là Đặng Tiểu Bình, ta có thể nhìn thấy những điểm "ưu tiên" ở các vấn đề mà Tập Cận Bình có thể sẽ thực hiện trong những ngày tới.
Có ba lý do mà đảng CSTQ vịn vào để biện hộ cho tính chính đáng để lãnh đạo đất nước. Thứ nhất là phát triển kinh tế. Thứ hai là công cuộc "thống nhất lãnh thổ". Thứ ba là giữ vững an ninh nội bộ.
'Thống nhất lãnh thổ'
Đặng Tiểu Bình nổi lên như một ngôi sao sáng trong hàng ngũ nhân sự cộng sản Trung Quốc, sau đó trở thành một "kiến trúc sư" xây dựng nên một nước Trung Quốc hiện đại, cuối cùng được người Trung Quốc tôn vinh như là một nhà lãnh đạo lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc. Họ Đặng là người duy nhất đã lần lượt thực hiện cả ba điều nói trên.
Về mục tiêu "thống nhất lãnh thổ", Đặng Tiểu Bình là người thể hiện quyết tâm dùng vũ lục đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Sau vụ này họ Đặng được phục hồi danh dự và chức vụ. Bởi vì ông đã bị "hạ tầng công tác" sau chiến dịch "cách mạng văn hóa" của Mao Trạch Đông thập niên 60.
Họ Đặng trở thành "nhà lãnh đạo lớn" của Trung Quốc, sau cuộc chiến "dạy cho Việt Nam một bài học" năm 1979. Quyết định dùng vũ lực "giải phóng" một số đảo đá của Việt Nam thuộc Trường Sa năm 1988 khiến họ Đặng tất yếu trở thành "hạt nhân" lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc.
Trên phương diện này, Tập Cận Bình đã đưa thành quả của Đặng Tiểu Bình, vốn chỉ có ý nghĩa tượng trưng về tình cảm, lên một tầm vóc lớn lao về chiến lược thông qua việc củng cố và xây dựng các căn cứ không quân, hải quân ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa; bồi đắp và xây dựng các bãi đá ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo; và sau đó xây dựng trên đây các căn cứ quân sự để làm bàn đạp cho các toan tính chiến lược sắp tới.
Trong chừng mực, Tập Cận Bình đã thực hiện (một phần) mục tiêu "thống nhất lãnh thổ".
Các mục tiêu khác
Về kinh tế, phải nhìn nhận rằng kinh tế của Trung Quốc đã không phát triển, trong suốt thời kỳ họ Tập lãnh đạo, như các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm. Nhưng nếu nhìn trên phương diện vĩ mô, ta thấy sách lược kinh tế về lâu dài của Trung Quốc có thể sẽ cạnh tranh với Mỹ, thống trị toàn cầu.
Thông qua các dự án "con đường tơ lụa trên biển", "ngân hàng phát triển hạ tầng Châu Á" đồng thời với những dự án hợp tác kinh tế đa phương... ta thấy tầm nhìn của Tập Cận Bình không hề kém "kiểu mẫu" Đặng Tiểu Bình. Vấn đề là họ Tập cần nhiều thời gian (hơn một nhiệm kỳ) để có thể khẳng định việc thành công hay thất bại.
Điều lo ngại của Tập Cận Bình là vấn đề "an ninh nội bộ". Công cuộc "đả hộ diệt ruồi" mục đích làm trong sạch guồng máy lãnh đạo, tuy rất cần thiết, nếu không nói là vấn đề cốt lõi để Trung Quốc trở thành "đại cường", đã gây ra những chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng CSTQ.
Đây là một điều cấm kỵ.
Đặng Tiểu Bình, vì muốn giữ an ninh nội chính, đã không ngần ngại ra lệnh thảm sát Thiên An Môn. Họ Tập cũng có cái gan to không kém, là loại cả một loạt hàng ngũ đảng viên cao cấp, mà những thành phần này đã tạo thành một thế lực "tiền-quyền" ghê gớm.
Vì "đập bể ổ ong vò vẽ", Tập Cận Bình có thể sẽ bị loại, do phản ứng đối kháng từ thế lực "tiền-quyền", nếu từ đây tới ngày đại hội ông này không làm được một điều gì "sáng chói".
Điều gì Tập Cận Bình có thể làm trong 10 tháng?
Điều họ Tập có thể làm là đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa hiện do Việt Nam (hay Philippines) kiểm soát.
Làm điều này "tình cảm dân tộc chủ nghĩa" ở lục địa sẽ được ve vuốt. Họ Tập sẽ trở thành "anh hùng dân tộc", như Đặng Tiểu Bình trước kia.
Theo tin tức báo chí loan tải, dựa tên các không ảnh chụp từ vệ tinh, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một loạt radar và các bãi chứa phi cơ chiến đấu trên các đảo nhân tạo như Chữ Thập, Vành Khăn và Subi.
Từ bãi Chữ Thập, không quân Trung Quốc có thể uy hiếp tất cả các đảo do Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa. Đá Châu Viên, ở sát bên cạnh đảo Trường Sa lớn của Việt Nam, cũng đã được Trung Quốc xây dựng, trở thành một "bến tàu", mà thực ra là căn cứ hải quân.
Hành vi Việt Nam cho xây dựng Đá Lát, vốn ở về phía tây đảo Trường Sa lớn, (thuộc khu vực Tư Chính-Vũng Mây), củng cố việc phòng thủ là hợp lý. Nhưng hành vi của Việt Nam bị Trung Quốc phản đối gay gắt.
Có hai điều cần suy nghĩ về "phương án" quân sự của Tập Cận Bình, nếu ông này muốn sử dụng mục tiêu "thống nhất lãnh thổ" để củng cố uy tín cá nhân: Một là "mở rộng vùng ảnh hưởng" và hai là "củng cố chủ quyền".
Khuynh hướng "củng cố chủ quyền", trong thời gian tới Trung Quốc có thể sẽ chiếm các cụm đảo Sinh Tồn và Nam Yết (Việt Nam kiểm soát). Làm điều này Trung Quốc thực hiện "lời hứa của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH)" thể hiện qua Công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, mà theo đó Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Trong trường hợp này Trung Quốc chỉ đối phó với Việt nam. Có thể Trung Quốc sẽ không đụng đến các đảo do Philippines kiểm soát (như đảo Thị Tứ, kế cận căn cứ Subi) vì lý do đụng chạm đến "đồng minh" của Mỹ cũng như do thái độ nhượng bộ của Tổng thống Duterte trước Trung Quốc về vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016.
Khuynh hướng "mở rộng vùng ảnh hưởng" sẽ là Trung Quốc có thể sẽ chiếm các bãi cạn của Việt Nam, như Đá Lát, hay cắm các giàn quan sát trên các bãi Tư Chính, Vũng Mây… trên thềm lục địa của Việt Nam. Làm việc này Trung Quốc cũng chỉ để đối phó với Việt Nam.
Cả hai phương án đều ở trong khả năng của Trung Quốc.
Báo chí cũng nhiều lần đăng tin là Việt Nam muốn dựa vào thực lực của mình để bảo vệ lãnh thổ. Điều này cho thấy, về quân sự, Việt Nam đứng một mình.
Nhưng cũng không quá lo ngại, nếu mình có lý do chính đáng để tự vệ. Vấn đề là Việt Nam cũng không có lý do chính đáng để tự vệ.
Trước dư luận quốc tế, nhà nước CSVN hiện nay được xem là nhà nước "tiếp nối" nhà nước VNDCCH. Tức là, theo tập quán quốc tế, Việt Nam hiện nay phải có nghĩa vụ đối với những cam kết, hứa hẹn… có giá trị pháp lý của nhà nước VNDCCH đối với các quốc gia khác.
Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng là điều không thể "quỵt".
Lối thoát cho Việt Nam hôm nay, để có danh chính ngôn thuận bảo vệ lãnh thổ, là "kế thừa danh nghĩa Việt Nam Cộng hòa", qua các chính sách "hòa giải quốc gia". Mà việc này, hơn 40 năm qua, CSVN vẫn không làm được. Chính sách của họ vẫn xem các thế hệ VNCH ngày trước là "thù địch", là phản động.
Trở lại vấn đề, để củng cố uy tín trong nội bộ, Tập Cận Bình trong những ngày tới có thể sẽ thực hiện các chiến dịch "thống nhất đất nước". Ngoại trừ Đài Loan có những thái độ mạo hiểm quá xa, như tuyên bố độc lập, Tập Cận Bình sẽ dồn nỗ lực để thực hiện phương án thực hiện mục tiêu trên Biển Đông.
Việt Nam đứng một mình, trong lúc kinh tế khó khăn, nội bộ tranh chấp quyền lực, lòng dân ly tán… chắn chắn sẽ không có thực lực để đối phó.
Bài phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, nhà nghiên cứu sống ở Pháp quốc.
No comments:
Post a Comment