Saturday, December 16, 2017

Bầu cử tổng thống 2018: Chưa phải lúc nước Nga thay đổi

Bầu cử tổng thống 2018: Chưa phải lúc nước Nga thay đổi

mediaTổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo thường niên ở Mátxcơva (Nga) ngày 15/12/2017. Bà Ksenia Sobchak, thuộc phe đối lập lắng nghe.Reuters/Sergei Karpukhin
Năm 2000, Vladimir Putin khi đó là tổng thống tạm quyền của Liên bang Nga, phát biểu về sự thất cử năm 1998 của thủ tướng Đức Helmut Kohl trước đối thủ Gerhard Schroeder : « Sau 16 năm, bất cứ dân tộc nào, kể cả ở quốc gia ổn định nhất như nước Đức, chắc đều mệt mỏi vì chỉ có một lãnh đạo duy nhất, cho dù có tài giỏi như ông Kohl. Họ chắc hẳn đã hiểu ra điều đó ». Ấy vậy mà, tại nước Nga, sau thuở Putin ban đầu, Putin I, II, III, giờ lại sắp đến Putin IV.
Ở trên đỉnh cao quyền lực từ 17 năm qua, ông Putin, 65 tuổi, là nhân vật lãnh đạo lâu nhất kể từ sau thời Stalin. Nếu đắc cử trong kỳ bầu cử tổng thống 2018, ông Putin sẽ lãnh đạo nước Nga đến năm 2024.
Cũng trong năm 2000, ông Putin phát biểu : « Nhà vua thì không lo ngại về việc liệu có tái đắc cử không. Nhà vua thì không cần các thủ đoạn chính trị nhỏ nhặt, cũng không cần tìm cách gây ảnh hưởng tới cử tri. Nhà vua có thể nghĩ tới số phận của dân tộc, mà không cần bận tâm tới những điều nhỏ nhặt ấy ». Trong bài viết « Chiến dịch thường trực của Vladimir Putin » trên chuyên mục Tranh luận và phân tích, thông tín viên báo Le Monde, Isabelle Mandraud, nhận định chiến dịch tranh cử lần này của ông Poutine có thể chỉ là « một điều nhỏ nhặt » đối với điện Kremlin.
Chủ nhân điện Kremlin đã đợi tới ngày 06/12/2017, tức là chỉ chưa đầy 4 tháng trước ngày bầu cử tổng thống Nga 18/03/2018, mới thông báo chính thức sẽ ra tranh cử chức tổng thống, và thông báo cũng rất ngắn gọn, chỉ trong một vài phút, ban đầu là ở giữa đám đông thanh niên ở sân trượt băng Megasport Arena ở Matxcơva, và sau đó là ở Nhà máy sản xuất xe hơi GAZ ở thành phố Nizhny Novgorod, khi ông đang gặp gỡ công nhân nhà máy.
Theo thông tín viên Isabelle Mandraud, ông Putin không cần làm gì hơn, vì ai cũng hiểu Vladimir Putin sẽ tái đắc cử. Putin cũng không cần chứng tỏ ông mong muốn tiếp tục nhiệm vụ lãnh đạo đất nước thế nào. Chỉ bằng vài từ : « Nước Nga tiếp tục tiến lên phía trước. Không ai và không bao giờ có ai chặn được bước tiến của nước Nga ». Không có tổng kết nhiệm kỳ, cũng không có chương trình tranh cử.
Câu hỏi duy nhất đặt ra cho các đối thủ của ông Putin : Làm thế nào để tồn tại khi phải đối đầu với Putin? Theo thông tín viên báo Le Monde, không ai biết và không ai có thể trả lời câu hỏi trên. Nhà đối lập chính của Putin là Alexei Navalny, người không có quyền ra tranh cử trước năm 2028 vì bị kết tội lạm tiêu công quỹ, đả kích : « Mọi suy nghĩ của Putin chỉ hướng về một mục đích : « làm vương, làm tướng » ở nước Nga lâu nhất có thể… rồi sau đó chuyển giao quyền lực cho một ai đó trong « gia đình » của ông ta. Putin đang công khai xây dựng chế độ phong kiến mới ».
Mặc dù là Navalny là nhà đối lập có tiếng nhất, nhưng thông tín viên báo Le Monde nhận định ngay cả nếu được quyền ra tranh cử năm 2018, chưa chắc Navalny sẽ thắng cử. Bởi vì Navalny chưa đủ tầm thay thế Putin. Sức mạnh của Navalny chỉ là thức tỉnh được trong xã hội Nga mong muốn làm chính trị mà người ta nghĩ rằng đã bị dập tắt.
Navalny là người duy nhất đi dọc ngang đất nước, tới những nơi chẳng ai muốn tới, lập cơ sở ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, thúc giục người Nga xuống đường tuần hành. Đó là những người chẳng tìm được lối thoát nào ngoài việc thể hiện sự bất mãn. Navalny thu hút được giới trẻ, và cả những người còn rất trẻ, thế hệ chỉ biết đến nhà lãnh đạo Putin và đang khát khao có sự thay đổi.
Nhưng nhiều người, kể cả phe đối lập, đều hiểu rằng kỳ bầu cử tổng thống 2018 sẽ không tạo nên sự đổi thay cho nước Nga, nhưng họ kêu gọi chuẩn bị cho « những trận chiến sau đó ». Trong suy nghĩ của mọi người, nhiệm kỳ tổng thống 6 năm tới đây chắc chắn thuộc về chủ nhân đương nhiệm của điện Kremlin. Đối với phủ tổng thống, giờ đây điều quan trọng là tỉ lệ cử tri đi bầu, còn đối với những người chỉ trích ông Putin, điều họ quan tâm là sau khi tái đắc cử, Putin sẽ chuẩn bị đưa ai lên kế nhiệm ông.
Vladimir Putin có thể khoe là đã đưa nước Nga lên vị trí cao trên trường quốc tế, không ai có thể phủ nhận điều này. Nhưng tình hình trong nước thì khác hẳn…
Nam giới nghĩ gì về quấy rối tình dục ?
Trong những ngày qua, quấy rối tình dục là đề tài được báo chí nhắc tới nhiều. Trong chuyên mục Sự kiện, báo công giáo La Croix giới thiệu bài phóng sự « Lời nói của nữ giới khiến nam giới mất phương hướng ».
Phản ứng trước việc nhiều phụ nữ trong thời gian qua chia sẻ họ là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục, một số người đàn ông đã thay đổi cách cư xử với phụ nữ. Một số khác cảm thấy bối rối, mất phương hướng, không biết nên cư xử thế nào cho phải. Và nhiều người lo ngại là trong cơn bão truyền thông, chuyện gì cũng sẽ bị thổi phồng lên.
Ông Alain, 63 tuổi và là diễn viên. Ông thấy việc phụ nữ dám đứng lên tố cáo kẻ quấy rối họ là tốt, nhưng ông cũng cảm thấy bối rối. Ông khẳng định chưa bao giờ có hành động thiếu đứng đắn với phụ nữ, và chưa bao giờ thiếu tôn trọng phụ nữ. Giờ đây, ông tự hỏi có nên tiếp tục có những cử chỉ ga lăng với phụ nữ, chẳng hạn mở cửa cho họ, thanh toán hóa đơn khi đi ăn cùng phụ nữ. Trước đây, khi ông gặp một người phụ nữ đẹp, ông thường dành cho họ một lời khen. Nhưng giờ ông ngại khen phụ nữ vì sợ bị nghi là có « ý đồ ». Thậm chí, ông còn tự hỏi có nên nói đùa nữa không, ông sợ là mọi việc đang bị thổi phồng lên.
Anh Hugues, 42 tuổi làm nông nghiệp. Anh lo ngại là giờ đặt tay lên vai một phụ nữ rất có thể cũng sẽ bị kiện ra tòa. Ông Karim, 52 tuổi cũng sợ là mọi điều ông nói đều có thể bị suy luận và hiểu sai. Ông chia sẻ là nếu ông có trêu đùa với phụ nữ thì cũng không phải là do ông thiếu tôn trọng họ, nhưng ông sẽ cẩn trọng hơn trong « lời ăn, tiếng nói » để tránh mọi sự ngờ vực.
Olivier, một bác sĩ nội trú, thừa nhận trong các bệnh viện, hành vi « cư xử không đúng mực »không phải là hiếm. Anh đã chứng kiến nhiều trưởng khoa sàm sỡ nữ đồng nghiệp. Chính anh là người đã đề nghị mở một cuộc điều tra về kỳ thị giới tính và quấy rối tình dục tại các bệnh viện, vài tuần trước khi báo chí phanh phui vụ Weinstein.
Sinh viên Alexandre, 23 tuổi, khá bất ngờ khi nhiều bạn gái kể rằng họ bị sàm sỡ, quấy rối ở cơ quan hay trên phố. Nhưng anh cho rằng cần hiểu là sự bình đẳng giới đang tiến triển theo chiều hướng tốt và không nên thổi phồng mọi chuyện theo hướng tiêu cực.
Ấn Độ : Hai tốc độ phát triển, hai bộ mặt
Chuyển sang châu Á, Libération giới thiệu bài viết của thông tín viên Sébastien Farcis : « Ấn Độ : Hai tốc độ, hai bộ mặt ».
Điển hình là sự đối lập giữa thành phố thương mại Gurgaon ở ngoại ô tây nam New Delhi và làng Hirmathla, cách đó 35 km. Một bên là thành phố đứng thứ ba Ấn Độ về thu nhập bình quân đầu người, với những văn phòng của các công ty lớn nhất thế giới, những căn hộ ốp kính và đá cẩm thạch, xa hoa, tiện nghi ; một bên là những căn nhà ở chuột tồi tàn, đường đi, lối lại đầy phân bò, nước sạch không phải ngày nào cũng có.
Đối với thông tín viên báo Libération, đó là một bức tranh khiến người xem cảm thấy đau buồn, bức tranh về một quốc gia ẩn chứa sự bất bình đẳng sâu sắc: 20% dân số sống dưới ngưỡng nghèo cùng cực. 10% số người giầu nhất Ấn Độ nắm giữ 55% khối tài sản của cả nước. Con số này tăng gấp đôi trong 25 năm qua, một tốc độ nhanh kỷ lục.
Ấn Độ là một trong những nước có khoảng cách giàu-nghèo lớn nhất toàn cầu, bằng Mêhicô, cao hơn cả Mỹ, Canada (47%), Trung Quốc (41%) và chỉ đứng sau các nước Trung Đông (61%). Ấn Độ đứng thứ 7 thế giới về PIB nhưng là « quốc gia giàu có với vô số người nghèo ».
Người Pháp chờ sát Noel mới đi mua đồ chơi cho trẻ em
Sắp đến Giáng Sinh, thị trường đồ chơi đang nóng dần lên. Lượng sản phẩm bán được trong hai tháng 11-12 chiếm hơn 50% lượng hàng bán được trong cả năm. Tuy nhiên, báo kinh tế Les Echos ghi nhận : « Người Pháp có xu hướng đợi sát đến Noel mới đi mua đồ chơi cho trẻ em ». Lượng đồ chơi bán ra hồi cuối tháng 11 giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng hiện tượng này không chỉ có ở Pháp mà còn phổ biến ở đa phần các nước châu Âu. Lý do chính, theo bà Frédérique Tutt, chuyên gia nhóm NPD, là ngày càng có nhiều người chọn mua hàng trên mạng internet, với tâm lý chỉ mất 1-2 ngày là nhận được hàng. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về quản lý kho hàng cho các hãng kinh doanh trên mạng.
Cũng theo dự đoán của các chuyên gia, doanh thu của thị trường đồ chơi năm 2017 sẽ tăng 2%, đạt tới hơn 3.4 tỉ đô la, tăng 1% so với năm 2016. Trung bình, phụ huynh chi 121 euro mua đồ chơi cho mỗi con.
Trang nhất các báo Pháp
Bất bình đẳng kinh tế là đề tài thời sự nóng bỏng được đưa lên trang nhất nhiều báo Pháp. Le Monde chạy tựa : « Bất bình đẳng : Cuộc điều tra về mối nguy hại tầm thế giới ». Khoảng 100 kinh tế gia đã cho công bố bản báo cáo đầu tiên về sự bất bình đẳng kinh tế thế giới giai đoạn 1980-2016. Khắp nơi trên Trái đất, khoảng cách giàu-nghèo ngày càng rộng : số người giàu nhất chiếm 1% nhưng lại nắm tới 27% khối tài sản toàn cầu. Theo các chuyên gia, khoảng cách giàu-nghèo giữa các quốc gia không giống nhau, phụ thuộc vào các định chế và chính sách công của từng nước.
Báo Libération lại đặc biệt quan tâm tới sự bất bình đẳng kinh tế ở châu Âu qua hàng tít lớn : « Bất bình đẳng : Châu Âu hạn chế ngân quỹ » và nhận định mặc dù khoảng cách giàu nghèo tăng ở mọi khu vực trên thế giới, nhưng tình hình ở châu Âu vẫn khả quan hơn. Vẫn liên quan tới châu Âu, báo kinh tế Les Echos lạc quan thông báo : « Kinh tế tăng tưởng mạnh khắp nơi ở châu Âu ».
Trong khi đó, báo công giáo La Croix lại đặt câu hỏi : « Quấy rối tình dục, đàn ông nghĩ gì về vấn đề này ? ». Còn báo Le Figaro quan tâm tới thời sự trong nước qua câu hỏi : « Thủ tướng Edouard Philippe tạo dấu ấn bằng cách nào ? » sau 7 tháng ở điện Matignon.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment