Ném bom Hà Nội: Nixon có đạt mục tiêu?
Chiến dịch đánh bom miền Bắc Việt Nam tháng 12/1972 diễn ra trong bối cảnh cuộc hòa đàm tại Paris dậm chân tại chỗ.
Trong 12 ngày đầu tháng 12 năm đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger và đại diện Bắc Việt, Lê Đức Thọ, tiến hành nhiều cuộc họp nhưng không đạt tiến bộ.
Ngày 13/12, ông Lê Đức Thọ nói cần quay về Hà Nội nhiều ngày để "tham vấn".
Ngày hôm sau, Nixon ra lệnh tiến hành chiến dịch LineBacker II, bắt đầu từ 18/12, đánh bom trở lại miền Bắc, sau khi chiến dịch ban đầu Linebacker đã ngừng vào ngày 23/10.
Một ngày trước khi cuộc đánh bom mùa Giáng sinh bắt đầu, Nixon nói với Đô đốc Thomas Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ: "Tôi không còn muốn thứ nhảm nhí là không được đánh mục tiêu này, mục tiêu kia."
"Đây là cơ hội cho anh dùng quân lực để thắng cuộc chiến này. Nếu làm không được, anh chịu trách nhiệm."
Khác biệt giữa Nixon và Kissinger
Ngày 3/2/1973, Tổng thống Richard Nixon kể lại với một thư ký về lý do ông ra lệnh đánh bom miền Bắc tháng 12/1972.
Cuộc nói chuyện chỉ được Thư viện Tổng thống Nixon công bố cuối năm 2010.
Trong đó, Nixon than thở rằng báo chí quy cho ông trách nhiệm, trong khi Henry Kissinger mới là người cổ vũ đánh bom.
Nixon nói với thư ký rằng chính ông ép Kissinger phải tiếp tục hòa đàm trong khi cố vấn an ninh chỉ muốn xóa đàm phán và tái tục đánh bom.
Năm năm sau, Nixon cũng nhắc lại quan điểm này trong hồi ký, rằng chính ông mới muốn tiếp tục đàm phán cho đến khi thấy rõ không còn lựa chọn nào khác. Và rằng chỉ sau khi kết thúc cuộc họp khó khăn giữa Kissinger và Bắc Việt hôm 13/12 mà Nixon mới miễn cưỡng ra quyết định đánh bom Hà Nội để buộc Bắc Việt chấp nhận "giải pháp công bằng".
Năm 1979, khi Kissinger công bố hồi ký của riêng mình, ông lại cho ra câu chuyện khác. Ông thừa nhận mình thường cổ vũ dùng vũ lực để ép Hà Nội thôi chiến thuật câu giờ tại Paris, nhưng lại nói rằng Nixon thường đồng tình.
"Ông ấy [Nixon] muốn ra lệnh tấn công bằng B-52 với khu vực Hà Nội - Hải Phòng ngay cả trước lúc cuộc họp của tôi tái tục hôm 6/12," Kissinger viết.
Dựa trên các băng ghi âm và điện tín giữa Nixon và các cố vấn được giải mật gần đây, Thư viện Nixon cho rằng chúng xác nhận câu chuyện của Tổng thống.
Theo đó, vào tháng 11 và 12/1972, Henry Kissinger liên tục đề xuất mở chiến dịch đánh bom Bắc Việt trong khi Nixon ngần ngừ.
Vào ngày 14/12, họp tại Phòng Bầu dục, Kissinger đề nghị đánh bom kéo dài sáu tháng. Mặc dù giờ đây đã bớt ngần ngừ, Nixon, lúc này vừa tái đắc cử, cho rằng phi thực tế khi nghĩ Quốc hội Mỹ khóa mới sẽ chi tiền cho chiến dịch sáu tháng.
Nixon cho rằng việc đánh bom sẽ phải tiến hành trước khi Quốc hội mới tái họp.
Đến cuối cuộc họp, Nixon nói việc đánh bom Bắc Việt là lựa chọn tốt nhất để thoát khỏi bế tắc đàm phán.
Nói với Tổng thống rằng "Bắc Việt sợ chết khiếp khi ngài tái tục đánh bom", Kissinger bảo đảm rằng nếu Mỹ không ném bom Hà Nội, tổng thống sẽ "bất lực".
Nhận định của giới sử gia
Cuốn The Vietnam War: An Intimate History (in năm 2017) của Geoffrey Ward nhận định Nixon có hai mục tiêu: buộc Bắc Việt quay lại đàm phán, và chứng tỏ cho miền Nam của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rằng Mỹ sẵn sàng dùng không lực đánh miền Bắc nếu Hà Nội vi phạm hiệp định mà Nixon đang đòi ông Thiệu phải ký.
Cuộc đánh bom kéo dài đến ngày 29/12, và theo số liệu của Geoffrey Ward, Mỹ đã đổ 36.000 tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam - nhiều hơn toàn bộ số bom sử dụng từ 1969 đến 1971.
Số liệu chính thức của Việt Nam nói Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc.
'Hạ gục' phòng không miền Bắc?
Đánh giá về sự kiện, tướng ba sao Phillip Davidson, trong cuốn sử Vietnam at War (1988), nói sau 12 ngày, "không còn mục tiêu quân sự nào tại miền Bắc để đánh nữa".
"Các cuộc không kích của Mỹ đã hủy diệt khả năng của Bắc Việt tự vệ trước các vụ không kích sau này."
Phillip Davidson đánh giá rằng khả năng phòng thủ của Hà Nội kiệt quệ tới mức trong ba ngày cuối, máy bay của Mỹ "gần như không còn bị bắn trả", và "kết quả quan trọng nhất là Hà Nội đã hiểu thông điệp của Nixon".
Tuy nhiên, một tác giả khác, Marshall Michel, trong một bài viết đã đăng trên trang 'Air & Space Magazine' tháng 1/2001, lại cho rằng lý do Hoa Kỳ giảm thiệt hại về B-52 ở giai đoạn sau của chiến dịch Linebacker 2 là vì thay đổi chiến thuật bay vào Hà Nội.
Theo ông, một tướng Mỹ đã phê phán cách bay đến mục tiêu và bay về theo một đường dọc nối đuổi nhau (single file) của các pháo đài bay B-52.
Sau sự thay đổi, từ đêm 26/12/1972 hơn 100 chiếc B-52 từ hai hướng, Lào, và Vịnh Bắc Bộ bay vào ném bom Hà Nội và Hải Phòng, nhưng không bay theo đường thẳng mà tiếp cận mục tiệu "từ mọi hướng" (nguyên văn: mọi góc độ của la bàn - attacking from all directions on the compass).
"Phòng không và radar của Bắc Việt tuyệt vọng không việc tìm các tuyến bay nhưng hệ thống điều khiển bằng tay của họ đã không thể bám theo kịp các mục tiêu.
"Nhiều chiếc B-52 sau khi ném bom đã không vòng về ngay như trước mà bay tiếp, hoặc một số bay về chậm hơn."
Tác giả này mô tả "đa số tên lửa đất đối không của Bắc Việt vẫn bắn lên nhưng cuối cùng chỉ có một B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Một chiếc nữa đâm xuống đất khi hạ cánh ở U-Tapao (Thái Lan)".
Trở lại đàm phán
Ngày 8/1/1973, vòng đàm phán thứ ba và cuối cùng mở màn ở Paris và sau đó được bốn bên - Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa - ký vào cuối tháng Giêng.
Trong quyển được xem là kinh điển về chiến lược dùng không lực, Bombing to Win: Air Power and Coercion in War (1996), Robert Pape cho rằng chiến dịch Linebacker II buộc Hà Nội trở lại đàm phán, nhưng "không tạo ra khác biệt đáng kể nào" đối với nội dung hiệp định.
Robert Pape chỉ ra rằng khi hội đàm tái tục tháng Giêng 1973, Hà Nội đồng ý để Mỹ "đưa vào những sửa đổi hời hợt để Mỹ có thể biện hộ trước cáo buộc ép đồng minh ký".
Tuy nhiên, Robert Pape cho rằng hai chiến dịch đánh bom Linebacker cũng tác động đến tính toán của Hà Nội không chỉ vào năm 1972. Một nguyên nhân khiến Hà Nội chưa "tổng tiến công" sau khi Mỹ rút năm 1973 là vì e ngại sức mạnh không quân của Mỹ.
Chỉ cho đến cuối năm 1974, sau khi Nixon phải từ chức vì vụ Watergate, và sau trận Phước Long tháng 12/1974 xác nhận Mỹ không can thiệp, Hà Nội mới tiến hành Chiến dịch Mùa Xuân 1975.
Ký kết hiệp định
Cuốn sử gần đây hơn, Hanoi's War (2012) của Nguyễn Liên Hằng, cho biết thêm mặc dù Liên Xô và Trung Quốc ra tuyên bố lên án vụ đánh bom, nhưng hai đồng minh, trong khi họp kín, đã "gây sức ép" buộc Hà Nội đàm phán với Washington.
Tác giả Nguyễn Liên Hằng cũng ghi nhận cuộc đánh bom 12 ngày đêm "đem lại sự phẫn nộ toàn cầu; thay vì bẻ gãy ý chí của Hà Nội, những quả bom của Mỹ đã khiến quốc tế lên án chính quyền Mỹ".
Ngày 23/12, Đại sứ Liên Xô Scherbakov nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng Hà Nội nên sẵn sàng họp với Mỹ và chỉ nên đòi Mỹ ngừng đánh bom.
Đến ngày 26/12, Bắc Việt gửi thư đề nghị tổ chức cuộc gặp giữa Kissinger và Lê Đức Thọ vào ngày 8/01/1973.
Cùng ngày trao đổi với Tổng thống Nixon qua phone, Kissinger đề xuất sẽ tiếp tục trao đổi thư từ với Bắc Việt để kéo dài đánh bom tới ngày 31/12. Đó cũng là khi Washington sẽ loan báo rằng sẽ tái tục đàm phán vào ngày 8/01/1973.
Đến hôm sau, cũng qua phone, Kissinger cho Nixon biết ông đã gửi thông điệp cho Hà Nội rằng nếu Bắc Việt xác nhận, Mỹ sẽ ngừng ném bom "trong vòng 36 tiếng".
Cuốn Hanoi's War của Nguyễn Thị Liên Hằng dẫn số liệu cho biết 27 máy bay Mỹ bị bắn rơi, gồm 15 máy bay B-52 (miền Bắc thì tuyên bố bắn rơi 81 chiếc, gồm 34 chiếc B-52).
Còn cuốn của Geoffrey Ward, cuốn sách chính thức đi kèm phim tài liệu vừa ra mắt năm 2017 của Ken Burns, nhận xét gần giống với Phillip Davidson khi nói: "B-52 hủy diệt toàn bộ hệ thống phòng không Bắc Việt."
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai nói với một quan chức Bắc Việt:
"Điều quan trọng nhất là để người Mỹ ra đi. Tình hình sẽ thay đổi trong sáu tháng, một năm."
Geoffrey Ward cho rằng nội dung hiệp định Paris rốt cuộc không khác mấy nội dung thương lượng hồi tháng 11, trước khi diễn ra chiến dịch đánh bom. Nói như John Negroponte, trợ lý của Kissinger, thì Mỹ "đánh bom buộc Bắc Việt chấp nhận những nhượng bộ của chúng tôi".
Rốt cuộc, chiến dịch đánh bom tháng 12/1972 đem lại điều mà Tổng thống Nixon muốn: một bản hiệp định mở đường cho Mỹ rời khỏi Việt Nam "trong danh dự".
Trước lúc hiệp định Paris được ký, Nixon gửi ba lá thư cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong đó, Nixon dọa nếu ông Thiệu không ký, ông đối diện "việc ngừng toàn bộ trợ giúp".
Nhưng Nixon cũng cam kết "Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ khi xảy ra vi phạm hiệp định" - điều mà đa số sử gia tin rằng Nixon sẽ thực hiện nếu không phải từ chức vì vụ Watergate.
Ngày 22/01/1973, Lyndon Baines Johnson, Tổng thống đã đưa quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, qua đời.
Ngày hôm sau, phát biểu trước quốc dân, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố đã đạt thỏa thuận "chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình với danh dự tại Việt Nam và Đông Nam Á".
Tổng thống Hoa Kỳ như thế đã nhận rằng ông "chiến thắng".
Nhưng Bắc Việt "cũng đã thấy họ chiến thắng", như nhận xét của Marshall Michel.
Đó là vì Hà Nội "nhấn mạnh rằng cuộc ném bom của Hoa Kỳ có mục tiêu buộc họ đầu hàng, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng Hòa đàm Paris cuối cùng thì đã đồng ý cho Bắc Việt để quân đội ở lại phía Nam, và vì thế họ có thể nói là chiến dịch Linebacker II đã thất bại", tác giả cuốn 'The Eleven Days of Christmas: America's Last Vietnam Battle' viết.
Xem thêm về chủ đề Chiến tranh:
Tin liên quan
- Bắc Hàn thử thách TT Nixon và Trump ngay đầu nhiệm kỳ
- Nixon đã cản trở hòa đàm ở Việt Nam như thế nào?
- Đường dẫn tới Cuộc chiến Đông Dương lần Ba
- Hồ sơ JFK: KGB, Johnson và Ngô Đình Diệm
- Pháo đài bay B-52 và sứ mệnh tìm đường lên Mặt Trăng
- Tàu vũ trụ dân dụng: Ước mơ không còn xa?
- Đọc lại: Hà Nội bắn rơi bao nhiêu B-52?
No comments:
Post a Comment