Vì sao chính phủ sụp đổ? Cứu vãn cách nào?
Hầu hết các chính phủ ngày nay đều quá lỗi thời.
Họ được tổ chức theo kiểu của cuối Thế kỷ 19, là thời mà chi phí truyền thông thì tốn kém còn dữ liệu thì khó kiếm.
Do đó, các tổ chức chính phủ được phân cấp và kết cấu chặt chẽ với những chức năng cụ thể, chẳng hạn như an ninh và tư pháp.
Ngày nay, thế giới đang ngày càng kết nối chặt chẽ, di chuyển nhanh và rất phong phú về thông tin. Nhưng các chính phủ của chúng ta thì lại không.
Ông Geoff Mulgan, giám đốc điều hành của Quỹ Sáng kiến Nesta, và là đồng chủ tịch Hội đồng Tương lai Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Sáng kiến và Khởi nghiệp nói: “[Chính phủ ngày nay] rất lỗi thời về nhiều mặt. Thật xui xẻo khi các chính phủ hiện đại đã kết tinh ở một thời điểm đặc thù vốn ngày càng xa rời thực tế.”
Lấy việc tham gia chính trị làm ví dụ. Ngay cả khi công nghệ và truyền thông giúp công dân có nhiều cách được lắng nghe thì việc tham gia dân chủ phần lớn vẫn còn giới hạn trong việc bỏ phiếu giữa các đảng phái vài năm một lần.
Nhiều chuyên gia tin rằng một sự cải tổ tận gốc cho hệ thống này là rất cần thiết.
Nghiên cứu sinh Nayef Al-Rodhan của Đại học Oxford, người đứng đầu Chương trình Địa chính trị và Tương lai Toàn cầu tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva, nói: “Dân chủ là một sinh vật đang tiến hóa và cần tiến bộ theo thời gian. Nếu các chính phủ không thay đổi theo thời đại, họ càng ngày càng ít có khả năng giải quyết các nhu cầu của người dân”.
Điều này vốn đang xảy ra ở các nền dân chủ ổn định.
Chẳng hạn ở Mỹ, 43 triệu người sống trong nghèo khó – hoặc có thể nói là vào khoảng 14% dân số, so với chỉ 11% trong năm 1973.
Al-Rodhan nói: “Điều này không thể chấp nhận được cả về mặt đạo đức lẫn xã hội. Nó cũng có thể nguy hiểm. Sớm hay muộn thì những người này cũng sẽ nổi dậy và gây ra vấn đề, bởi vì họ không còn gì để mất."
Các hệ thống chính trị dựa trên bầu cử vốn hoạt động với tâm lý ngắn hạn, trong đó các quan chức có suy nghĩ đi trước thời đại chỉ một vài năm mà thôi.
Hiện giờ, khi những xã hội trên khắp thế giới trở nên phức tạp, đa dạng, đòi hỏi khắt khe và kết nối nhiều hơn, thì các chính phủ thành ra còn được khuyến khích thực hiện những biện pháp khắc phục từng phần mang tính hời hợt.
Nhưng hy sinh cái lâu dài cho cái ngắn hạn - ví dụ như việc để cho cơ sở hạ tầng xuống cấp như ở Đức; hay làm tăng thêm 1 tỷ đôla vào nợ quốc gia để cho phép cắt giảm thuế như ở Mỹ; hoặc chặt phá và đốt rừng già để đổi lấy nông trường như ở Indonesia – cuối cùng sẽ xảy đến với chúng ta.
"Bạn có thể tiếp tục như vậy trong một thời gian dài, nhưng khi hệ thống sụp đổ, đó sẽ là một sự sụp đổ ghê gớm,” Angela Wilkinson, giám đốc cao cấp của Hội đồng Năng lượng Thế giới cho biết.
Điều này không có nghĩa là chúng ta nên bãi bỏ chính phủ hoàn toàn. Mulgan chỉ ra rằng không có một xã hội với quy mô đáng kể nào vận hành tốt khi không có chính phủ.
Chúng ta cũng không nên phá bỏ các hệ thống hiện có và bắt đầu hoàn toàn từ đống đổ nát.
Nam Sudan gần đây đã thử làm và từ đó được gọi là quốc gia thất bại sớm nhất thế giới. “Như hầu hết bất kỳ nhiệm vụ phức tạp nào trong cuộc sống, chính phủ phụ thuộc vào năng suất, kinh nghiệm, kiến thức và năng lực - những thứ sẽ được bồi đắp qua nhiều năm,” Mulgan nói.
Định hình
Thay vào đó, mục tiêu cần đặt ra là tái tạo hình dạng chính phủ hiện nay thành những mô thức phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại: định hướng theo dữ liệu và toàn cầu hóa triệt để.
“Tuy nhiên, trong khi một số chính phủ bắt đầu áp dụng phương pháp đó thì số khác lại không làm tốt chút nào,” Wilkinson cho biết.
Những nét tương phản có thể khá nổi bật. Ví dụ như ở Thụy Điển, học sinh tiểu học được học cách mã hóa và phát hiện những tin tức giả mạo, trong khi tại Mỹ, tổng thống hiện nay thường tích cực ủng hộ những điều dối trá.
Đài Loan, Tây Ban Nha và Iceland đang nghiên cứu những cách thức dân chủ sử dụng thông tin tổng hợp, nhưng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến tới chế độ chuyên quyền và chủ nghĩa độc tài chuyên chế. Estonia đã tự mình mở ra cánh cửa chào đón các công dân toàn cầu như là “những cư dân điện tử”, trong khi Anh đã chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Nhưng mặc dù có một số ví dụ đầy hứa hẹn về tiến bộ, Al-Rodhan cũng cho biết thêm hầu hết các chính phủ ngày nay, bao gồm ở châu Âu và Bắc Mỹ, vẫn chưa đủ tốt.
"Bất chấp việc chính phủ một số nước đã đảm bảo tự do chính trị cho công dân của mình, nhiều người dân ở các nước này vẫn không được hưởng quyền lợi do sự bất bình đẳng không thể chấp nhận và khoảng cách bất bình đẳng ngày càng rộng," ông nói.
Ngay cả khi một nhà lãnh đạo nói riêng hoặc toàn thể xã hội muốn thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, họ thường không đạt được mục tiêu của mình.
Làn sóng cách mạng Mùa xuân Ả Rập đã thất bại trong việc phá vỡ tình trạng tắc nghẽn và tái cơ cấu chính phủ; di sản của Barack Obama về giảm nhẹ biến đổi khí hậu, cải cách chăm sóc sức khoẻ và nhập cư chi phí thấp đã bị hủy bỏ; và Nam Phi chưa bao giờ trở thành 'quốc gia cầu vồng' mà Nelson Mandela đã mường tượng.
Wilkinson cho biết cơ cấu của chính phủ có xu hướng trở thành trở ngại với việc đổi mới. Lĩnh vực tư nhân đã nổi lên một số ý tưởng về mặt làm thế nào điều này có thể thay đổi: Ví dụ như một cuộc thi do một tỷ phú Thụy Điển phát động để thiết kế một hệ thống tốt hơn dành cho việc quản trị thế giới.
Nhưng như Wilkinson chỉ ra, "Chúng ta cũng cần các nhà doanh nghiệp chính trị."
Tuy nhiên, các chính phủ có xu hướng không ưa thích đổi mới. Họ chờ đợi thị trường dẫn đường và sau đó tranh nhau bắt kịp. Khi quyết định được đưa ra, chúng được thực hiện trên toàn xã hội, mà không dùng thử hoặc kiểm nghiệm các ý tưởng trên những mật độ dân số nhỏ hơn trước.
"Bạn không thể dùng từ 'thử nghiệm' trong chính phủ: đó là một từ nguy hiểm, bởi vì nó có nghĩa là bạn có thể thất bại," Wilkinson nói.
"Nhưng chúng ta không thể chờ đợi mọi thứ trở nên hoàn hảo, và chúng ta không thể tiếp tục dùng những giải pháp của ngày hôm qua."
Quốc gia thử nghiệm
Một số quốc gia đang bắt đầu phá vỡ khuôn mẫu.
Ở Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đã công bố thử nghiệm sẽ là quy chuẩn cho việc ra quyết định dựa vào dữ liệu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cắt ra một phần ngân sách để tiến hành nghiên cứu cách điều hành chính phủ tốt hơn, và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cũng đã cam kết dành 1% tổng chi tiêu công dành cho cải tổ.
Mulgan nói: "Đây là một cách làm việc hoàn toàn khác với việc có người ở thủ đô soạn thảo luật sau đó áp dụng cho hàng triệu người. Cách này áp dụng cách thức khoa học cho toàn bộ chính phủ."
Tuy nhiên, Slovenia có thể sẽ dẫn đầu thế giới về phương pháp này nhờ vào chương trình Tầm nhìn Slovenia được phát động vào năm 2015. Bộ trưởng Alenka Smerkolj, chịu trách nhiệm về các dự án phát triển, chiến lược và mối liên kết, cho biết: "Thế giới kết nối với nhau, kỳ vọng của người dân đang tăng lên và việc lãnh đạo đất nước càng ngày càng khó khăn hơn. Cách làm như lâu nay không còn hiệu quả nữa, và chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần phải bắt đầu thay đổi mọi thứ."
Smerkolj và các đồng nghiệp của bà nhanh chóng nhận ra rằng đó không phải chỉ đơn giản là một dự án hay chính sách thực hiện một lần, mà nó còn đòi hỏi một kế hoạch dài hạn gồm nhiều bước và mục tiêu nhỏ. Họ định ra thời điểm - 2050 - và sau đó cố gắng xác định đích đến mà Slovenia muốn hướng tới lúc đó.
Thay vì tự xác định điều này, họ đã dành một năm khảo sát hơn 1.000 người Slovenia ở tất cả các tầng lớp xã hội và tổ chức nhiều hội thảo. Smerkolj nói: "Thật không dễ dàng, nhưng chúng tôi nhận thấy điều cốt yếu là bắt đầu nói chuyện với người dân và giành lại lòng tin của họ nếu bạn muốn thay đổi bất cứ điều gì trong chính phủ."
Kết hợp ý kiến phản hồi đó với những phân tích về các xu hướng rộng mở hơn và những dự báo dựa vào bằng chứng, Smerkolkj và các đồng nghiệp đã trình bày 12 mục tiêu phát triển ban đầu cho năm 2030.
Tất cả góp phần vào một mục tiêu cốt lõi: chất lượng cuộc sống cho mọi người. Những phương thức can thiệp trải rộng từ các cải tiến nhỏ về mặt lập pháp (ví dụ như khiến chủ sử dụng lao động dễ thuê lao động nước ngoài hơn) đến các giải pháp cho những vấn đề phức tạp, bao gồm cải cách cơ cấu và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Smerkolj cho biết: “Dự án này thúc đẩy mọi người bắt đầu nói chuyện với nhau, và nó buộc các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ về các chính sách linh hoạt hơn. Dĩ nhiên viễn cảnh rộng hơn là phương pháp này không chỉ phù hợp với Slovenia mà còn cho tất cả mọi người, cho tất cả các nước trên thế giới này."
Trật tự thế giới
Wilkinson và những người khác tại Govern-Mentality, một hiệp hội công chức, chuyên gia và doanh nhân, đang cố gắng hướng mọi người suy nghĩ về chính phủ của họ với cùng một tư duy sáng tạo. Bà nói: "Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một phong trào thay đổi từ bên trong chính phủ.”
Wilkinson cho biết việc chuyển đổi từ chính quyền nhà nước trung tâm sang chủ nghĩa đa trung tâm có thể là một cách để cải thiện việc quản trị chính phủ. Bà nói rằng điều đó đòi hỏi cần có các nguyên tắc hướng dẫn chung để đảm bảo tạo được môi trường hợp tác, ngăn ngừa tình trạng một thế lực nào đó sẽ chiếm ưu thế, và nỗ lực cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung như cắt giảm khí nhà kính hoặc chiến đấu chống nghèo đói.
Hệ thống có được sẽ là một hệ thống “sôi động, năng động, đa dạng và không hoàn hảo" - nhưng cuối cùng sẽ đoàn kết tất cả mọi người dưới một tầm nhìn chung, đa phần giống như những gì Slovenia đang cố thực hiện, Wilkinson phát biểu.
Theo Al-Rodhan, khi thiết kế một chính phủ lý tưởng, một giải pháp then chốt khác là phải đấu tranh sao cho lòng tự trọng trở nên một phần thiết yếu của quá trình cải cách.
Như ông mô tả trong cuốn sách của mình, Lịch sử Bền vững và Nhân phẩm Con người, điều này có nghĩa là cần đảm bảo sao cho cảm xúc con người và tính ích kỷ không bao giờ được coi trọng hơn chín tiêu chí cốt lõi: lẽ phải, an ninh, nhân quyền, tính chịu trách nhiệm, tính minh bạch, công lý, tạo cơ hội, đổi mới và không bỏ rơi nhóm người nào trong xã hội. Nếu trong tất cả những điều này có một vài cái thiếu đi thì hệ thống sẽ có thể hoạt động kém hoặc hoàn toàn thất bại.
Lý thuyết đó đã được chứng minh trong các nghiên cứu tình huống đời thực. Ví dụ, Phần Lan khá nổi tiếng về hệ thống phúc lợi vượt trội so với các nước khác. Nhưng việc thiếu cơ hội và đổi mới đã dẫn đến sự kiệt quệ chất xám kéo dài trong hàng thập kỷ.
Al-Rodhan nói: "Nếu ai đó có ý tưởng, thì hệ thống thể chế phải cho phép người đó hiện thực hóa ý tưởng đó, nếu không thì không có tăng trưởng và người dân sẽ không hài lòng. Đây đại loại giống như ‘Giấc mơ Mỹ’.”
Nhưng cũng còn có những giải pháp khác nữa.
Khởi phát vào đầu mùa đông này, Nesta đã tập hợp 30 chính phủ - trong đó có Singapore, Canada, Chile và Úc - thành một tập thể “nhà nước đổi mới” để giúp cải thiện quá trình đổi mới. Cùng với nhau, các chính trị gia, doanh nhân và các nhà lãnh đạo toàn cầu khác sẽ cân nhắc và thử nghiệm cách sử dụng dữ liệu và công nghệ mới để cải thiện đường lối lãnh đạo và tình trạng chung của thế giới.
"Có một cách tạo ra những chính phủ thực sự tinh tường trong việc học hỏi, cải tiến và tư tưởng," Mulgan nói. "Trong 20 hoặc 30 năm tới, những chính phủ ưu việt nhất sẽ thực hiện những điều mà bây giờ chúng ta không thể hình dung được.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Tin liên quan
- Chính quyền điện tử: lý thuyết và thực tế
- Mạng xã hội có khiến chúng ta căng thẳng?
- Càng dùng mạng xã hội càng tuyệt vọng?
- Nga đưa hạm đội tàu ngầm xuống lòng Bắc Cực để làm gì?
- Nói dối trở thành mốt thời thượng khắp thế giới?
- Somaliland, xứ sở tiền mặt không còn tồn tại
- Có tiền thì không gì là không thể?
- Đã tới lúc bỏ từ “thế hệ thiên niên kỷ”?
- Cuộc chơi 'phá hoại thời chiến' nơi công sở thời bình
No comments:
Post a Comment