Monday, October 22, 2012

Trung Quốc chưa biết tự do kinh doanh : Trường hợp Hoa Vi


Trung Quốc chưa biết tự do kinh doanh : Trường hợp Hoa Vi

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi
Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi
REUTERS

Tú Anh
Bị xem là cánh tay « gián điệp » của Bắc Kinh, tham vọng phát triển của hai tập đoàn linh kiện viễn thông hàng đầu của Trung Quốc chạm phải chướng ngại tại Hoa Kỳ. Theo các nhà phân tích, vấn nạn của Hoa Vi và Trung Hưng ZTE phản ánh cuộc «chạm trán » giữa hai truyền thống thương mại xung khắc, mà về lâu về dài sẽ gây tổn hại cho chính Trung Quốc.

Giấc mơ của mọi công ty kỹ nghệ trên thế giới là làm sao vươn lên ngôi vị hàng đầu. Hai tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử và điện thoại di động của Trung Quốc là Hoa Vi (Huawei) và Trung Hưng Thông tấn ZTE không nằm ngoại lệ.
Tuy nhiên, tham vọng phải nói là chính đáng của họ đã bị một bản báo cáo sơ bộ của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ chận lại với lý do « có khả năng đe dọa an ninh Hoa Kỳ ». Bản đúc kết cuộc điều tra kéo dài một năm đề nghị cấm hai tập đoàn điện tử viễn thông Trung Quốc tham gia vào các cuộc đấu thầu tại Mỹ.
Hoa Vi do một cựu sĩ quan Trung Quốc thành lập và Trung Hưng Thông Tấn khẳng định là Nhà nước Trung Quốc chỉ giữ có 16% phần vốn và do vậy không thể chỉ đạo công ty có hành vi xâm hại an ninh của Mỹ.
Theo AFP, vấn đề là rất nhiều tập đoàn xí nghiệp Trung Quốc nằm trong tay Nhà nước hoặc có « quan hệ chặt chẽ » như tiết lộ của David Dai Shu, một phát ngôn viên của Trung Hưng Thông tấn ZTE. Theo người này, nếu đặt trên cơ sở bản báo cáo của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ thì phải áp dụng cho tất cả các công ty hoạt động tại Trung Quốc.
Do lối tư duy của chế độ độc tôn, đảng Cộng sản Trung Quốc hầu như thiết lập một « chi bộ Đảng » trong mọi ngành nghề. Do vậy, khi các doanh nghiệp Trung Quốc muốn vươn ra thị trường bên ngoài thì cách tổ chức ban điều hành xí nghiệp, có đại diện của đảng Cộng sản, sẽ trở thành chướng ngại. Nguy cơ xung khắc này sẽ càng gia tăng, gây bất lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc, trong bối cảnh cường quốc Á châu này đang bị xem là « đối thủ chiến lược » của Mỹ.
Giáo sư kinh tế Patrick Chovanec, đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, nhận định là trong lịch sử «chưa bao giờ xảy ra trường hợp (như Trung Quốc hiện nay), một quốc gia do một đảng duy nhất cầm quyền, nắm trong tay lãnh vực kinh tế quốc doanh to lớn, lại đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế thế giới mà lại có khả năng đầu tư trên toàn cầu ».
Mối lo ngại về vai trò « mặt tối » của doanh nghiệp của Trung Quốc đã làm cho Hoa Kỳ phải phản ứng như vụ chận tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC mua lại công ty dầu hỏa của Mỹ Unocal vào năm 2005.
Cũng nhân danh lý do an ninh, tháng 9 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh cấm một công ty điện gió của Trung Quốc đầu tư vào khu vực gần một căn cứ hải quân Mỹ.
Theo giới quân sự Mỹ, tâm lý hoài nghi Trung Quốc bắt nguồn từ sự kiện Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự và cải tiến phương tiện chiến tranh tin học, tấn công hệ thống vi tính của chính phủ Hoa Kỳ để đánh cắp tài liệu.
Trung Quốc thường xuyên bị lên án là thủ phạm các vụ tin tặc xâm nhập máy điện toán của nhiều quốc gia Tây phương và Nhật Bản.
Theo AFP, trong ngắn hạn, hệ quả của bản báo cáo của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ chưa lớn lắm vì thương vụ mà Hoa Vi và Trung Hưng Thông Tấn thực hiện tại Mỹ chỉ giới hạn ở 5% doanh số.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm định Fitch, về lâu về dài, thiệt hại cho doanh nghiệp Trung Quốc sẽ rất lớn, nếu có thêm nhiều nước nhân danh « an ninh quốc phòng » tẩy chay sản phẩm «nhạy cảm » của Trung Quốc.
Canada đã nhanh chóng cấm Hoa Vi tham gia vào một dự án « mạng liên lạc » của chính phủ. Chính phủ Úc đã quyết định tương tự từ tháng Ba năm nay.
Phía Trung Quốc sẽ còn bị thiệt hại nghiêm trọng hơn vì các quốc gia Tây phương bên cạnh lý do chính đáng bảo vệ an ninh quốc gia, họ sẽ mở rộng lệnh cấm sản phẩm Made in China qua nhiều lãnh vực khác.
Giáo sư John Lee, chuyên gia Trung Quốc tại đại học Sydney dự báo là nhiều nước Tây phương sẽ « dựa » vào báo cáo của Hạ viện Mỹ để bảo vệ thị trường nội địa, chống hàng Trung Quốc một cách danh chính ngôn thuận, do nhu cầu an ninh quốc gia.
Cuối cùng, doanh nghiệp Trung Quốc còn bị chính lề thói kinh doanh của họ gây ác cảm tại thị trường Mỹ . Scott Harold, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Rand Corporation cảnh báo : Doanh nghiệp Trung Quốc phải lựa chọn, hoặc là ở Trung Quốc làm ăn theo kiểu Trung Quốc, nếu không thì phải theo nguyên tắc luật lệ của Hoa Kỳ, chứ không thể cả hai cùng một lúc. Nói cách khác, doanh nhân Trung Quốc phải « nhập gia tùy tục » chứ không thể chơi cờ tướng trên sân cờ vua.
TAGS: CHÂU Á - KINH TẾ - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

No comments:

Post a Comment