Rodrigo Duterte, tổng thống-kẻ sát nhân hàng loạt
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trên bìa nhật báo Libération ngày 07/10/2016.DR
Có lẽ hiếm khi có một nguyên thủ quốc gia nào lại lên trang nhất một nhật báo lớn của Pháp với cái tựa không mấy vinh dự như thế. Tờ Libération hôm nay 07/10/2016 đăng chân dung tổng thống Philippines trên bìa báo với dòng tựa « Rodrigo Duterte, tổng thống sát nhân hàng loạt ».
Nhật báo thiên tả dành thêm bốn trang lớn bên trong để nói về « Duterte, một sê-ríp chống ma túy không phân biệt », « Rối loạn lớn tại Philippines », và bài phóng sự mang tựa đề « Câm miệng, nếu không sẽ có thêm nhiều người chết ». Từ 100 ngày qua, tổng thống Philippines tiến hành cuộc chiến đẫm máu chống ma túy, với những tuyên bố quá khích, mà vẫn được lòng dân.
Đặc phái viên của Libération tại Manila và Davao cho biết, không cần phải nhọc công tìm kiếm, ông Duterte xuất hiện khắp nơi. Không phải đợi đến đúng ngày thứ 100, tức là hôm nay, vì hình ảnh tổng thống Philippines đầy dẫy trên các bức tường, trước các khách sạn, tên ông được nhắc đến thường xuyên trong các cuộc đối thoại.
« Bad boy » nguyên thủ
Một bad boy thô lỗ bỗng nhiên trở thành nguyên thủ của một đất nước 104 triệu dân, khiến người ta không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi. Bởi vì « Digong », biệt danh của người Philippines đặt cho ông, không đơn giản là một người điên bất trị như người ta cảm thấy, cũng không phải là người cha nhân từ của dân tộc, như những người ủng hộ ông ca ngợi.
Rodrigo Duterte là thị trưởng Davao trong suốt 22 năm, từ 1988 đến 2016. Mary Ann Arnado, tổng thư ký Mindanao Peoples Caucus, một mạng lưới liên tôn giáo vì hòa bình cho biết : « Trong thập niên 90, Davao là một bãi chiến trường. Phong trào nổi dậy cộng sản rất mạnh, những vụ bắn giết trên đường phố, nạn nghèo khó…nói chung là sự hỗn loạn. Ông Duterte xuất hiện và hòa bình được lập lại » - theo kiểu của ông.
Duterte lao vào chiến dịch thanh trừng nhằm đuổi sạch quân nổi dậy và các trùm ma túy ra khỏi thành phố. Biệt đội tử thần xuất hiện. « Những tên tội phạm được sử dụng để giết những kẻ tội phạm khác » - luật gia Mary Ann Arnado tóm tắt. Ít nhất 1.400 người đã bị Davao Death Squad (DDS) giết chết mà không một sát thủ nào bị đưa ra xét xử. Không một cuộc điều tra nào đưa ra được mối liên hệ trực tiếp giữa DDS và ông Duterte. Juvie Ann A.Gultiano, thuộc tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền TFDP ghi nhận « Thân nhân các nạn nhân vì quá sợ hãi nên giữ im lặng ».
Trong chiến dịch tranh cử, Duterte khoe rằng đã giết được 1.700 người khi làm thị trưởng, và hứa nếu được bầu làm tổng thống sẽ giết thêm 100.000 tay buôn ma túy nữa. Tuần trước ông lại còn tự so sánh với Hitler, « sẽ rất vui nếu tiêu diệt được 3 triệu con buôn và người nghiện ma túy ».
Tổng thống bình dân
Dù sinh tại Maasin ở miền trung, « Digong » lại là sản phẩm của Mindanao, vùng đất miền nam nghèo nàn, làm mồi cho nổi dậy và thánh chiến, nơi mà người ta dễ dàng to tiếng và đánh nhau. Từ thời trung học và đại học, Duterte vốn quậy phá, đôi khi còn sử dụng đến những cú đấm hoặc họng súng.
Một nhà báo có cảm tình với tổng thống đầu tiên xuất thân từ miền nam nhận định : « Cần phải hiểu rằng đối với người dân Philippines, các nguyên thủ trước đây đều là những người ngoài hành tinh, xa cách với cuộc sống của họ ». Tại Davao, có thể gặp tổng thống ở After Dark, một bar karaoke bình thường, nơi ông hẹn gặp những người thân thiết, hay đang điều khiển chiếc Harley Davidson. Một số còn thấy ông điều khiển giao thông khi bị kẹt xe. Người thì thích thú khi thấy Duterte, đã ly dị và có bốn con, chạy theo những bóng hồng.
Tổng biên tập báo Mindanao Times cho biết : « Bạn có thể ngạc nhiên, nhưng ở đây người ta rất thích ông ấy, dù có những vùng xám và những cái chết tàn bạo ». Một tài xế taxi nói ông Duterte đã « cấm hút thuốc trong thành phố, hạn chế tốc độ để giảm tử vong vì tai nạn, lập một hệ thống tin nhắn rất hiệu quả để tố cáo con buôn ma túy ».
Ai dám nói thẳng là hoàng để đang cởi truồng ?
Tuy nhiên theo Libération, không thể lãnh đạo một quần đảo rộng lớn như Philippines cùng một kiểu như lãnh đạo 1,5 triệu dân Davao. Cũng đáng ngạc nhiên khi biết rằng tổng thống trong bốn ngày cuối tuần sống ở thủ phủ miền nam của mình, bỏ lại « Manila đế vương » cho các đại gia.
Alfredo Robles, cựu giáo sư trường đại học La Salle ở Manila nhận xét : « Duterte lánh ở đó như một thành trì, nhưng ông ấy là nguyên thủ đất nước chứ không phải thị trưởng ». Những người đối lập thuộc giai cấp trung lưu và có học tố cáo những hạn chế trong các dự án của ông, sự thiếu chuẩn bị, thiếu vắng chiến lược tổng thể và những mâu thuẫn. Nhưng « Ai có thể đến nói với ông ta là nhà vua đang cởi truồng ? » - bà Arnado đặt câu hỏi.
Duterte dành nhiều thời gian đi thăm các căn cứ quân sự, nói chuyện với các quân nhân và cảnh sát, hứa hẹn tăng lương và cấp trang bị mới. Blogger Raissa Robles cho biết : « Ông ta tìm kiếm sự ủng hộ và lòng trung thành của quân đội và cảnh sát để họ đứng về phía mình trong những thời điểm quyết định ».
Hồi tháng Bảy, ông Duterte hứa rằng « sẽ về hưu với tiếng tăm của Idi Amin Dada » - nhà độc tài Ouganda đã làm 300.000 người chết trong thập niên 70, và theo Libération, tổng thống Rodrigo Duterte chỉ mới bắt đầu công việc.
Bầu cử Mỹ : Donald Trump bất lợi trong cuộc tranh luận sắp tới
Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Les Echos nhận định ông Donald Trump đang chịu áp lực, và ứng cử viên Cộng Hòa sẽ phải cố gắng hơn trong cuộc tranh luận truyền hình thứ hai sẽ diễn ra vào Chủ nhật tới.
Theo tờ báo, nhà tỉ phú đang trong giai đoạn tệ hại nhất. Ông Trump bị đánh giá là « dưới cơ » đối thủ trong cuộc tranh luận đầu tiên, và tiết lộ mới đây của tờ New York Times về việc ông không đóng thuế thu nhập trong suốt 18 năm có tác động như một quả bom.
Các cuộc thăm dò dư luận cho biết ông chỉ có 19% cơ hội thắng cử, so với cách đây hai tuần là 30%. Bà Hillary Clinton dẫn đầu tại hầu hết các « swing state », tức các tiểu bang không có truyền thống luôn bầu cho Dân Chủ hay Cộng Hòa, đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử. Chỉ riêng tiểu bang Ohio có vẻ nghiêng về ông Trump.
Chủ nhật tuần này, các nhà tổ chức dự kiến trao đổi trực tiếp với người dân Mỹ, một số người sẽ được mời đặt câu hỏi. Các cuộc « town hall » này rất quen thuộc với bà Hillary Clinton. Bà rất thích những cuộc đối thoại kiểu này, và ưu điểm của bà là biết lắng nghe, cũng như thích trả lời những câu hỏi cụ thể. Ngược lại ông Donald Trump rất ghét, càng tránh được loại hình này càng tốt. Ông chưa bao giờ thoải mái trong những cuộc mít-tinh hàng ngàn người. Trao đổi với cử tri cũng khiến ông ít có dịp tấn công trực tiếp vào bà Clinton.
Cuộc đấu Trump-Clinton tại hậu trường bóng đá Mỹ
« Trận đấu Trump-Clinton cũng diễn ra trong hậu trường bóng đá Hoa Kỳ » - Libération nhận xét. Chiến dịch tranh cử tổng thống gây chia rẽ trong xã hội Mỹ, và Liên đoàn Bóng đá Mỹ cũng không tránh khỏi.
Theo Bleacher Report, một trong những cơ quan truyền thông chính về thể thao ở Hoa Kỳ, thì trong số 43 cầu thủ được hỏi, có 23 người ủng hộ ông Donald Trump, 20 thiên về bà Hillary Clinton. Màu sắc chủng tộc hiện rõ ở đây, vì cả 21 cầu thủ da trắng đều ủng hộ nhà tỉ phú, trong khi 20/22 cầu thủ da đen được tham khảo cho biết ủng hộ ứng cử viên Dân Chủ. Một số tranh cãi đã diễn ra, và có những tình bạn đã tan vỡ. Đến nỗi một huấn luyện viên đã phải cấm các cầu thủ tranh luận về chủ đề Donald Trump.
Samsung có dập nổi « đám cháy » từ Note 7 ?
Trên lãnh vực công nghệ, Le Figaro nhận định « Samsung và điện thoại Note 7 không thể nào ra khỏi khủng hoảng ». Tập đoàn Hàn Quốc không dập tắt nổi đám cháy do điện thoại thông minh của mình gây ra.
Hôm thứ Tư 5/10, một máy bay ở Mỹ đã phải sơ tán khách vì một điện thoại Galaxy Note 7 của Samsung bốc cháy. Đây lại là model thế hệ thứ hai, được cho là không còn nguy cơ cháy nổ. Thêm một tin rất xấu cho tập đoàn Hàn Quốc, vì trước đó một ngày, Samsung vừa loan báo một triệu chiếc điện thoại thế hệ thứ hai là « tuyệt đối an toàn ».
Tại Pháp và Đức, bưu điện từ chối vận chuyển loại pin lithium sử dụng trong Note 7, còn tại Mỹ, UPS và FedEx cũng bắt đầu không nhận chuyển phát. Le Figaro dẫn hãng tin Bloomberg cho rằng Samsung đã quá vội vã khi muốn « đi trước, đón đầu », tung ra Note 7 trước khi đối thủ Apple trình làng iPhone 7 và 7 Plus.
90.000 tỉ đô la để cứu vãn hành tinh
Về môi trường, « Phải mất ít nhất 90.000 tỉ đô la mới cứu được hành tinh chúng ta ». Đó là số tiền phải đầu tư trong vòng 15 năm tới vào các cơ sở hạ tầng « bền vững » để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, phù hợp với mục tiêu đã đề ra là giới hạn hiện tượng trái đất nóng lên ở mức 2°C.
Trên đây là ước tính của Ủy ban Khí hậu Thế giới, tập hợp các nhà lãnh đạo chính trị, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, dưới sự chỉ đạo của cựu tổng thống Mêhicô Felipe Calderon.« Bền vững » có nghĩa là giao thông sạch, năng lượng tái tạo, xây dựng thải ít khí carbone. Nhu cầu tập trung vào châu Phi, châu Mỹ la-tinh và châu Á, chủ yếu ở các thành phố, trước tình trạng đô thị hóa tăng với tốc độ phi mã.
Theo báo cáo, cần phải thay đổi cách suy nghĩ, thôi sử dụng các loại năng lượng gây nhiều ô nhiễm như than đá. Một trong những giải pháp là giảm trợ giá cho các loại năng lượng hóa thạch, mà chỉ riêng trong năm 2014 đã lên đến 550 tỉ đô la. Một giải pháp khác là đánh thuế lên khí thải carbone, đưa ra các công cụ tài chính mới như là « nghĩa vụ xanh ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment