Saturday, October 1, 2016

Trung Quốc háu ăn, Pháp bất cẩn

Trung Quốc háu ăn, Pháp bất cẩn

mediaLãnh đạo hai tập đoàn Đông Phong (Trung Quốc) và Peugeot (Pháp) ký kết "hợp tác" tại phủ tổng thống Pháp ngày 26/03/2014, dưới sự chứng kiến của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Pháp François Hollande.REUTERS/Benoit Tessier
Các khoản đầu tư của Pháp tại Trung Quốc lớn gấp sáu lần hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Pháp. Nếu ở Bắc Kinh, không ai lo ngại về một cuộc xâm lược của nước Pháp, thì các hoạt động thu mua của Trung Quốc tại Pháp lại khiến cho nhiều nhà bình luận ở Paris bực tức. Trong bài « Trung Quốc háu ăn, Pháp bất cẩn », nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng 10/2016 đã cho rằng người Pháp nên « tiên trách kỷ, hậu trách nhân » vì lẽ việc để cho vốn nước ngoài thâu tóm các công ty và tài sản công nghiệp Pháp chỉ có thể xẩy ra trong sự vắng mặt của một chính sách công nghiệp đầy cao vọng.
Bài phân tích của Martine Bulard mở đầu bằng một nhận xét đáng lo ngại : « Vốn rất kín đáo trong một thời gian dài trước đây, người Trung Quốc đã tiến vào thương trường Pháp một cách vừa lộ liễu, vừa gây tranh cãi ». Tiếp theo sau là một bảng liệt kê dài dằng dặc :
« Trong vòng vài tháng, họ đã chiếm phi trường lớn Toulouse-Blagnac ở miền Nam, các doanh nghiệp du lịch tên tuổi như Club Med và Pierre et Vacances, hệ thống khách sạn Campanile và Kyriad, câu lạc bộ bóng đá FC Sochaux, nhà thiết kế thời trang Sonia Rikyel, hãng quần áo Sandro Maje và Claudie Pierlot, chưa kể đến 1 700 ha đất nông nghiệp ở tỉnh Indre... »
Le Monde Diplomatique ghi nhận : Chỉ riêng trong năm 2015, trị giá các tài sản công nghiệp rơi vào tay người Trung Quốc đã lên đến 3,2 tỷ đô la (gần 2,9 tỷ euro), tăng gấp đôi so với năm 2013. Câu hỏi được nêu bật là « Có nên kết luận rằng nước Pháp đang bị nguy cơ (da vàng) thao túng hay không ? »
Theo nguyệt san Pháp, dĩ nhiên là thái độ thèm muốn con gà trống Gaulois của chú rồng Châu Á là điều không thể chối cãi. Nhưng trong thực tế lượng đầu tư Trung Quốc vào Pháp vẫn còn rất khiêm tốn.
Theo thống kê chính thức, tổng đầu tư Trung Quốc vào Pháp chỉ chiếm 2% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Pháp, thua xa người anh em thù địch của Bắc Kinh là Nhật Bản (6%). Nếu chiều hướng thu mua doanh nghiệp Pháp của Trung Quốc đang tăng, nước này vẫn chỉ là một chú lùn trước đại gia tuyệt đối trong lãnh vực này là Mỹ, chiếm một phần tư lượng FDI tại Pháp.
Nếu ai ai cũng bất bình trước việc hãng du lịch Club Med nổi tiếng rơi vào tay Trung Quốc, thì hầu như chẳng có ai xúc động trước việc tập đoàn Alstom đã bị tập đoàn điện máy Mỹ General Electric thu mua và đang bị chủ Mỹ cắt ra thành từng mảnh để chỉ lấy một phần công nghệ hạt nhân cao cấp của Pháp, với những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều cho sự độc lập quốc gia Pháp.
Tuy nhiên, đối với Le Monde Diplomatique, tham vọng của Trung Quốc không thể coi nhẹ.
Không đáng kể cách nay hai mươi năm, vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng gấp 40 lần để đạt 128 tỷ đô la vào năm 2016, thậm chí 249 tỷ đô la nếu gộp thêm vốn từ Hồng Kông. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai của thế giới, chỉ sau Mỹ (337 tỷ đô la).
Điểm đến phương Tây đầu tiên của vốn Trung Quốc vẫn là nước Mỹ, nhưng châu Âu hiện đang trở thành đối tượng thu mua được ưa thích của mình, chủ yếu là Anh, Pháp và Đức, bộ ba đứng đầu từ năm 2010 đến nay, cho dù đặc biệt trong năm 2015, Ý đã chen vào vị trí thứ hai với vụ thu tập đoàn công nghiệp hóa học Trung Quốc ChemChina mua lại hãng sản xuất bánh xe hơi khổng lồ Pirelli.
Từ nguyên liệu chuyển sang hàng hiệu rồi công nghệ cao cấp
Tiến trình xuất ngoại của vốn Trung Quốc, theo nguyệt san Pháp đã chuyển qua ba giai đoan : Từ việc thu mua các công ty sản xuất nguyên liệu, nhà nước và doanh nhân Trung Quốc đã chuyển sang thâu tóm các mác hàng hiệu và hiện đang tập trung vào lãnh vực công nghệ cao cấp
Thoạt đầu Bắc Kinh đã ào ạt tiến công vào châu Phi, thu mua các công ty trong lãnh vực sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là năng lượng và quặng mỏ, để bảo đảm nguồn cung ứng cho nền công nghiệp Trung Quốc, thế nhưng chẳng bao lâu sau đó, vốn Trung Quốc chuyển sự chú ý qua phương Tây, đúng theo chủ trương « quốc tế hóa các doanh nghiệp Trung Quốc » được đưa lên hàng ưu tiên quốc gia.
Riêng về trường hợp của Pháp, Le Monde Diplomatique ghi nhận ba động cơ chính đã thúc đẩy giới đầu tư Trung Quốc nhẩy vào thu mua doanh nghiệp Pháp : Giành thêm thị phần bằng cách sở hữu nguyên một mạng lưới phân phối, thâu tóm một thương hiệu nổi tiếng, chiếm dụng một công nghệ học hay một kỹ năng quản lý mà Trung Quốc không có.
Ngoài ra, như lời thừa nhận của tổng thư ký Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Trung Quốc, Pháp có « một lực lượng lao động có tay nghề rất cao và một chế độ trừ thuế cho các hoạt động nghiên cứu giành cho tất cả các doanh nghiệp. »
Một ví dụ được nêu lên là trường hợp của tập đoàn điện thoại Trung Quốc Hoa Vi (Huawei). Thành lập năm 1987, Hoa Vi đã thâm nhập thị trường Pháp vào năm 2003 và liên kết với hai tập đoàn viễn thông Pháp Bouygues và SFR để bán sản phẩm của mình. Ngày nay Hoa Vi đã trở thành một mác điện thoại được người Pháp biết đến.
Theo nguyệt san Pháp, tập đoàn Trung Quốc đã thành lập 4 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Pháp, tạo ra 734 công ăn việc làm. Có điều là không ai biết được Hoa Vi đã thu về được bao nhiêu tiền từ công quỹ Pháp dùng để « thưởng » cho hoạt động nghiên cứu và tạo thêm việc làm.
Động cơ thâu tóm hàng hiệu nổi tiếng là biểu hiện được nhiều người thấy rõ nhất. Biết rõ thói quen chuộng hàng hiệu và hàng ngoại của người Trung Quốc, đặc biệt là của tầng lớp khá giả ngày càng đông đảo, giới đầu tư Trung Quốc đã vung tiền mua lại các thương hiệu hàng may mặc cao cấp như Cerutti, Sonia Rykiel, Maje, vv, dây chuyền cửa hàng mỹ phẩm Marionnaud, và khoảng một trăm mác rượu vang Bordeaux loại Grand Cru nổi tiếng.
Thực phẩm Pháp rất được chú ý, đặc biệt là sữa bột, vốn chỉ cần được đóng dấu « made in France » là có thể bán với giá cắt cổ tại Trung Quốc. Và, tất nhiên, trong ngành du lịch hạng sang.
Hiểm họa số một : Tập đoàn công nghiệp rơi vào tay Trung Quốc
Tuy nhiên, đối với Le Monde Diplomatique, chính các vụ thu mua các tập đoàn hay công ty công nghiệp mới đặc biệt quan trọng vì chiếm đến 43,2% nguồn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Pháp, cho dù các thương vụ này hiếm khi làm dấy lên các tiếng còi báo động trong giới truyền thông.
Đà tiến công của vốn Trung Quốc rõ nhất trong ngành năng lượng : Quỹ đầu tư Nhà Nước Trung Quốc CIC chẳng hạn đã mua lấy 30% phần hùn của tập đoàn khí đốt GDF Suez (đã đổi tên thành Engie), qua đó Trung Quốc đã có được công nghệ chế biến khí hóa lỏng; tập đoàn Trung Quốc PetroChina thì đã mua lại nhà máy lọc dầu ở Lavera; Yên Đài Đài Hải (Yantai Daihai), một tập đoàn năng lượng hạt nhân dân sự hàng đầu của Trung Quốc thì đã thâu tóm hai công ty chuyên môn của Pháp trong lãnh vực chế tạo kim loại và nồi hơi cho ngành hạt nhân là Manoir Industries và ITC.
Đó là chưa nói đến sự hợp tác kỳ lạ giữa tập đoàn điện lực Pháp EDF với hai công ty Trung Quốc trong việc xây dựng các lò phản ứng EPR tại Hinkley Point, ở Anh Quốc.
Tập trung vào lãnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, hóa chất, không loại trừ các ngành nghề khác, Trung Quốc thường ra tay thâu tóm – một cách có chọn lọc - các tập đoàn Pháp khi các doanh nghiệp này gặp khó khăn.
Một ví dụ điển hình : Lợi dụng cơn khủng hoảng tài chính tại hãng xe hơi Pháp Peugeot, tập đoàn Đông Phong (Dongfeng) của Trung Quốc đã mua ngay 14% vốn của Peugeot, qua đó giành được quyền ghé mắt vào hoạt động của trung tâm nghiên cứu của Peugeot ở Thượng Hải. Tập đoàn Trung Quốc hiện đang nhòm ngó tiếp 14% vốn của Peugeot, hiện nằm trong tay Nhà Nước Pháp.
Lọt vào tay Trung Quốc cũng là số phận của Công ty sản xuất máy đào đường hầm lớn nhất của Pháp Neyrpic Framatome Mécanique (NFM), nhà sản xuất máy tàu lừng danh Baudoin, hoặc hãng chế tạo máy kéo McCormick…
Vấn đề được Le Monde Diplomatique nêu bật là vì thiếu tầm nhìn công nghiệp dài hạn, Pháp đã để cho tài sản công nghiệp và công nghệ của mình rơi vào tay Trung Quốc. Còn đối với Bắc Kinh, việc họ vung tiền thâu tóm các công ty phương Tây rất dễ hiểu vì điều đó cho phép Trung Quốc sở hữu công nghệ học tiên tiến nhanh hơn so với tự đầu tư trong nước để nghiên cứu. Điều đáng ngạc nhiên hơn là thái độ nhắm mắt làm ngơ của các nhà lãnh đạo Pháp (và châu Âu).
Bầu cử Mỹ : Donald Trump có khả năng thành tổng thống ?
Tựa lớn trang bìa nhiều tạp chí Pháp ra tuần này rất khác nhau, nhưng gần đến cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, và sau cuộc tranh luận tay đôi đầu tiên giữa hai ứng viên, ngày 26/09/2016 vừa qua, đương nhiên là tình hình tranh cử được xem là khác thường này của cường quốc số một thế giới đã được phân tích mổ xẻ, với câu hỏi dai dẳng về khả năng ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump có thể thắng.
Nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng 10, ghi nhận trong tựa bài trang nhất « Cử tri Mỹ mất phương hướng – Nước Mỹ bị ý hướng mạo hiểm cám dỗ », trong lúc L’Express dành cả 5 trang để giải mã sức thu hút của Donald Trump, qua tựa đề « Trump : những lý do của sự tức giận ». Về phần L’Obs, tuần báo này cũng đặt câu hỏi « Nước Mỹ đi về đâu ? » và đăng bài phỏng vấn ca sĩ nhạc Rock nổi tiếng người Mỹ Bruce Springteen...
Le Monde Diplomatique : Khi « người Mỹ bị bỏ quên » phẫn nộ
Trong phần dẫn nhập bài viết trên tờ Le Monde Diplomatique, tác giả Serge Halimi, tóm lược tình hình trong câu hỏi : Liệu một ứng viên già dặn kinh nghiệm và được nhiều hỗ trợ như bà Hillary Clinton có thể bị thua trước một người bạo tợn và gây tranh cãi ngay cả trong đảng của mình như Donald Trump hay không ? Đối với Halimi, tuy đó không phải là điều có nhiều khả năng xẩy ra nhất, nhưng kết cục đó sẽ tùy thuộc vào lá phiếu của giới gọi là « nước Mỹ bị bỏ quên », nhưng đã trở thành không thể gạt bỏ nữa.
Bài báo ghi nhận nỗi thất vọng to lớn – vượt qua các đảng phái, của người dân Mỹ nhất là những thấp cổ bé miệng, một sự tức giận đã được thể hiện qua cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ, với 12 triệu người đã ủng hộ đến cùng đối thủ của bà Clinton là thượng nghị sĩ 70 tuổi, Bernie Sanders, và bên phía đảng Cộng Hòa là hơn 13 triệu đã nhiệt liệt ủng hộ ứng viên thô lỗ Donald Trump.
Trong mắt những người này, chế độ hiện hành không ổn nữa, vì các lãnh đạo Cộng Hòa và Dân Chủ đã gây ra chiến tranh ở Trung Đông khiến nước Mỹ nghèo đi mà không mang lại thắng lợi. Không ổn nữa là vì đa số dân chúng tiếp tục gánh chịu hậu quả của khủng hoảng kinh tế trong lúc những người gây ra không hề phải trả giá.
Tổng thống Obama đã gây nhiều thất vọng sau những hy vọng thay đổi to lớn đã đặt vào ông, trong lúc đảng Cộng Hòa bị xem là chẳng có làm gì sau khi giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ. Tóm lại, không có gì thay đổi cả ở thượng tầng Nhà Nước là Washington, người dân Mỹ cảm thấy đất nước của họ bị tước đoạt, lọt vào tay một nhóm đầu sỏ xem thường họ, trong lúc bất công xã hội ngày càng rõ, tầng lớp trung lưu đang lo sợ.
Tất cả các cảm nhận này đã được thể hiện qua con đường tranh cử lúc đầu tưởng chừng dễ dàng của bà Hillary Clinton, nhưng đã trở nên gian nan ngay từ trong cuộc bầu sơ bộ mà ông Sanders đã có thể đối đầu đến cùng, không ngại vấn đề tài chính, nhờ hỗ trợ của hàng triệu người ủng hộ, một điều đã gây ngạc nhiên không ít. Còn trong đảng Cộng Hòa, thì mọi người đều đã thấy kết cục, với chiến thắng của ông Donald Trump mà lúc đầu ai cũng xem thường, cho là chỉ « đến góp vui » mà thôi.
Giờ đây đứng trước Donald Trump, tác giả bài viết nêu câu hỏi là trong bối cảnh hoang mang, tức giận, muốn đảo lộn mọi thứ như thế, bà Clinton – đại diện cho trật tự hiện hữu có thể thắng hay không ? Câu trả lời, theo tác giả bài báo, là « rất có thể » khi mà bà có một đối thủ còn bị ghét bỏ hơn bà.
L’Express : Vì sao Donald Trump lại có sức hút ?
Tạp chí L’Express đã dành 5 trang để tìm hiểu lý do tạo nên sức thu hút của Donald Trump, qua tựa đề « Trump : những lý do của sự tức giận. » Cũng như các đồng nghiệp, L’Express nêu câu hỏi : Liệu ứng viên khó lường của đảng Cộng Hòa có thể thắng Hillary Clinton hay không ? Tạp chí nêu ví dụ tại tiểu bang Bắc Carolina để nói rằng cũng như ở nơi khác, kịch bản khó tưởng tượng đã trở thành điều khả dĩ.
Phóng viên của L’Express đã đến tận thành phố Ashville ở Bắc Carolina, để theo dõi một cuộc mít tinh của ông Donald Trump. Nhà báo Pháp đã không tránh khỏi ngạc nhiên trước sự hồ hởi, nhiệt tình của những người đến ủng hộ, như bà Teresa Johnson, đã thức sớm để cùng chồng và người anh đến dự cuộc mít tinh chỉ bắt đầu vào lúc 18 giờ mà thôi. Nhờ đến sớm bà đã có chỗ ngay hàng đầu. Nét mặt mệt nhọc, nhưng cười tươi, bà giải thích : « Tôi ghét chính trị, nhưng với ông Donald Trump thì khác ! ».
Theo bà Teresa Johnson, ông Donald Trump « không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp, và điều đó rất tốt », vì tất cả các chính khách Mỹ, theo bà, đều là những người tham ô : « Họ không có chọn lựa nào khác vì vận động tranh cử tốn hàng triệu đô la. Donald Trump thì khác, ông sử dụng tiền của ông để vận động ».
Bà Teresa Johnson, nêu một loạt lý do làm bà tức giận : từ các hiệp định tự do mậu dịch làm mất việc làm người Mỹ, vấn đề nhập cư dù bà  không phải là một người có đầu óc kỳ thị… Bà muốn có lại nước Mỹ mà bà đã mất và tin tưởng vào ông Donald Trump. Những lời lẽ này theo bài báo, đã được người chung quanh bà Teresa tán đồng.
Có lẽ bà Teresa đã nói lên sự chán ngán đã khiến cho nhân vật kỳ quặc, thiếu kinh nghiệm chính trường như Donald Trump, có thể trở nên tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, trừ phi ông phạm sai lầm to lớn trong các cuộc tranh luận sắp tới với Hillary Clinton. Nhưng trước mắt, các cuộc thăm dò cho thấy ông không thua sút bà Hillary là bao.
L’Obs : Thắng lợi mong manh của bà Clinton trong thăm dò dư luận
Tạp chí L’Obs lập bảng so sánh « Hillary đối chọi với Trump », ghi nhận là sau cuộc tranh luận ngày 26/09, đối với 62% người Mỹ được CNN thăm dò thì Hillary đã thắng. Và trên hầu như mọi mặt, bà Clinton hầu như trội hơn đối thủ, từ các cuộc thăm dò dư luận cho đến phương tiện tài chính, quảng cáo. Bà chỉ có thua trên các mạng xã hội mà thôi.
Về khả năng chiến thắng : 55,5% nhìn thấy bà Hillary có cơ hội, chỉ 44,5% cho là Donald Trump. Về phương tiện tài chính, bà Clinton có 698,2 triệu đô la, ông Trump chỉ 432,5 triệu. Về quảng cáo trên truyền hình bà Clinton đã chi ra 109,4 triệu, ông Trump chỉ 18,7 triệu.
Phương tiện như thế, nhưng các cuộc thăm dò thì cho thấy kết quả rất xít xao : bà Clinton được 45%, nhưng bị Donald Trump bám sát với 42%.
Courrier International : Trump sa bẫy Hillary
Tạp chí Courrier International tuần này đã dành số đặc biệt cho « Những năm tháng Obama », tựa trên trang bìa. Dĩ nhiên, tờ báo cũng trở lại cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên, nhìn thấy rõ ràng là phần thắng nghiêng về bà Hillary, và « Trump đã rơi vào cái bẫy của Clinton », tựa bài báo.
Courrier International trích dịch bài báo trên tờ Los Angeles Times của Mỹ, cho là vào những phút đầu người ta cứ tưởng đây là cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên nghiêm túc, nhưng dần dà thì Donald Trump đã rơi vào cái bẫy mà đối phương đã giăng ra một cách khéo léo, phơi bày những cá tính cho thấy ông không phải là một sự chọn lựa ổn thỏa, ngay cả đối với những người trong phe phái của ông.
Ngoài việc ông không chấp nhận sai lầm, phơi bày sự thiếu hiểu biết các vấn đề mà ông phải xử lý khi làm tổng thống, Donald Trump còn cho thấy là ông vô cùng nhạy cảm, không biết tự kềm chế trước các lời chỉ trích, dễ nổi nóng, phản ứng dữ dằn trước người dám tranh luận với mình.
Theo bài báo, những điểm trên có thể không quan trọng đối với những người ủng hộ ông vô điều kiện, ầm ĩ vỗ tay khi ông lại nói về việc làm người Mỹ bị các hiệp định thương mại « đánh cắp » hay kêu gọi « vãn hồi trật tự công cộng », nhưng đối với những cử tri còn do dự, thì các yếu tố trên có lẽ khó thuyết phục họ.
Ngược lại bài báo hết lời khen bà Clinton đã cho thấy nắm vững các vấn đề từ đối ngoại đến đối nội.
Ba vết đen trong kết quả nhìn chung rất tốt của Obama
Như nói trên Courrier International dành số lần này – chính xác là 32 trang – để điểm lại « những năm tháng Obama », nhìn lại những thành bại trong 2 nhiệm kỳ của vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Tạp chí nhắc lại năm 2008, nước Mỹ đã bầu lên người tổng thống da đen đầu tiên và làm dấy lên hy vọng to lớn. 8 năm sau, nước Mỹ có vẻ chia rẽ hơn bao giờ hết, nhất là trên vấn đề chủng tộc. Nhưng hai tháng trước cuộc bầu cử, trong đó hai đối thủ ít được lòng dân nhất của lịch sử sẽ đọ sức, thì đối với nhiều người, Obama vẫn là một tổng thống gương mẫu (ít ra là không có những vụ xì căn đan như một số người tiền nhiệm).
Theo cuộc thăm dò dư luận vào tháng 9 này, tỷ lệ được lòng dân của ông Obama là 50,3%, người đánh giá tiêu cực là 47,2%.
Trong bài xã luận, tác giả Eric Chol, nhận định là Barack Obama dĩ nhiên có thể ngẩng cao đầu rời Nhà Trắng, các cuộc thăm dò luận rất tốt : sức khỏe nước Mỹ rõ ràng là tốt hơn vào năm 2008.
Nhưng có 3 vết đen trong bảng tổng kết của ông. Trước hết, trên phương diện đối ngoại, thái độ thụ động của Nhà Trắng trước thảm kịch Syria là một lỗi đạo đức.
Vết đen thứ hai là trên vấn đề chủng tộc : Theo viện thăm dò Rasmussen, 60% cử tri cho là quan hệ giữa người chủng tộc khác nhau ngày càng xấu đi trong vòng 8 năm nay. Hình ảnh các vụ bạo động ở các thành phố như Ferguson, Charlotte…, là những bằng chứng cụ thể hàng ngày.
Và thứ 3, là không thể chối bỏ trách nhiệm của đương kim tổng thống Mỹ trong trào lưu « dân túy » ở nước Mỹ ngày nay. Ngay từ năm 2008, ông Obama đã nhận thức ra « sự lo ngại » của một phần cộng đồng người da trắng và đã từng nói « họ lo ngại cho tương lai của họ và cảm nhận giấc mơ của họ đang vuột khỏi tầm tay, trong một thời đại mà lương hướng không tăng và cạnh tranh của thế giới ».
Tác giả bài xã luận cho là ông Obama đã nói đúng nhưng lại không có hành động cụ thể. Nếu Donald Trump thắng vào ngày 8/11 tới đây, đó dĩ nhiên là thất bại của Hillary Clinton nhưng cũng là thất bại của Obama. Nhưng kịch bản này vẫn còn có thể tránh.
Tựa trang bìa : Cựu cố vấn của cựu tổng thống Pháp Sarkozy tung bom
L’Express tuần này đã dành trang bìa giới thiệu một « Quyển sách quy tội ông Sarkozy ». Đây là quyển sách của Patrick Buisson, cố vấn của cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trước đây.
Sau nhiều năm yên lặng, giờ đây, ngay vào lúc cánh hữu Pháp tổ chức bầu sơ bộ, và ông Sarkozy ra tranh chức ứng viên tổng thống, ông Buisson cho ra quyển sách dầy gần 500 trang về những điều « mắt thấy tai nghe » với tựa đề mang tính khiêu khích : « Chính nghĩa của nhân dân - La Cause du peuple ».
Theo L’Express, đây thật ra, là một quả bom. Tạp chí nhắc lại là giữa ông Sarkozy và người mà năm 2007, ông đã dựa dẫm nhiều để vào điện Elysée, có mối hiềm khích rất sâu. Tạp chí cũng hóm hỉnh cho là chỉ cần nhắc đến tên Patrick Buisson là đã gợi lên đủ loại xì căn đan, từ vụ thăm dò dư luận gian dối, đến việc thu âm lén ông Sarkozy khiến ông Buisson phải bồi thường cho cặp vợ chồng cựu tổng thống Sarkozy và Carla Bruni 20.000 euros vì đã xâm phạm đời tư v.v.
Giờ đây theo tuần báo Pháp, phải chờ xem tác hại của quả bom mới này.
Cũng ở trang bìa, nhưng trong địa hạt hoàn toàn khác, tuần báo Le Point đã kêu gọi « Hãy giải phóng não của mình », nói về quyển sách của nhà nghiên cứu Idriss Aberkane, hướng dẫn cách bảo vệ bảo vệ bộ não chúng ta và tăng cường trí nhớ.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment