Radar của Thaad 'bao trùm cả Trung Quốc'?
- 3 giờ trước
Một trong những lý do Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao (Thaad) tại Nam Hàn là lý do tầm phủ sóng của radar của Thaad "xâm nhập sâu vào lãnh thổ Trung Quốc".
Phóng viên chuyên về quân sự và ngoại giao của BBC, Jonathan Marcus viết rằng:
"Điều làm Bắc Kinh lo ngại và mạng radar X-band cực mạnh của Thaad có thể vươn sâu vào lãnh thổ Trung Quốc.
Giới quân sự Trung Quốc lo lắng rằng giàn radar này có thể dùng vào việc định vị những bệ phóng tên lửa của Trung Quốc và gửi thông số về cho hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ, chẳng hạn như loại hỏa tiễn tìm diệt đóng tại Mỹ, và như thế sẽ làm suy yếu năng lực răn đe của Trung Quốc."
Vậy tầm phủ sóng của radar mà hệ thống Thaad sử dụng tại Nam Hàn rộng đến đâu, BBC Tiếng Việt tìm hiểu từ các báo Hàn Quốc và tài liệu quân sự Hoa Kỳ:
Tầm dò tìm và định vị của Thaad
600 km: Nếu được triển khai vào tháng 4/2017 tại Seongju, để bảo vệ được tỉnh Gyeonggi nằm quanh Seoul, hệ thống Thaad sẽ chỉ dùng radar đặt ở chế độ hạn chế nhất: TPY-2, phủ sóng được 600 km, theo Chosun (2/2015). Nhưng theo báo Shinmum (bản 04/2015) thì đây cũng là tầm truy tìm hiệu quả nhất của radar này.
870 km: Theo một ước tính của các tác giả George Lewis và Theodore Postol từ 2012 về chế độ radar của Thaad.
1500 km: Tài liệu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia NAS năm 2013 cho rằng Thaad có tầm định vị từ 1500 đến 1732 km.
1800-2000 km: Báo chí Hàn Quốc cho rằng chế độ viễn xạ của radar X-band có thể tăng lên tới 2000 km, chỉ nhờ vào cách điều chỉnh nhu liệu của TPY-2.
2900-3000 km: Báo Hàn trích lời tướng Patrick O'Reilly hồi 2008 cho rằng TPY-2 có tầm trên 1800 dặm, bằng 2900 km.
Giới khoa học Mỹ tin rằng hệ thống phòng thủ có thể vươn ra trên 3000 km nếu cần.
Máy điện toán điều khiển radar cho Thaad dễ dàng thay đổi chế độ từ TPY-2 sang loại dò tìm xa hơn trong vòng 8 tiếng.
Sẽ gây nhiễu Thaad?
Và theo Jonathan Marcus của BBC, hiện cũng khó xác định tại sao Trung Quốc không phản đối hệ thống Thaad đã có tại Nhật Bản và tại Guam, Hoa Kỳ vì về mặt kỹ thuật, các radar này cũng có thể vươn vào đất Trung Quốc.
Tuy nhiên, cảm giác bị một giàn tên lửa kéo vào rất gần thủ đô - khoảng cách từ Seoul sang Bắc Kinh chỉ là 953 km - hoàn toàn nằm trong 'vùng phủ sóng' tầm trung bình của Thaad, hẳn khiến Trung Quốc không hài lòng.
Theo trang South China Morning Post ở Hong Kong (13/03), một tướng TQ đã về hưu, Vương Hồng Quang, nói với báo chí rằng Quân Giải phóng có năng lực làm nhiễu loạn radar của hệ thống Thaad.
Hiện chưa rõ điều này có thực hay không nhưng chắc chắn là, radar phục vụ hệ thống Thaad có thừa tầm vươn tới toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, tới cả Thành Đô ở phía Tây Nam, chỉ cách Seoul 2337 km.
Được biết Nga cũng phản đối Hoa Kỳ triển khai Thaad tại Nam Hàn.
Nhìn vào khoảng cách rất gần giữa Seoul và Vladivostok, chỉ có trên 700 km, người ta có thể hiểu vì sao Nga phản đối.
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu tan rã, Nga đã phản đối không thành việc Hoa Kỳ đưa các giàn tên lửa Patriot sang Romania và Ba Lan mà Hoa Kỳ nói là để phòng ngừa Iran.
Nay tại Đông Bắc Á, các báo Hàn Quốc cho hay hệ thống Thaad sẽ phối hợp với giàn hỏa tiễn Patriot PAC-2 mà Seoul đã mua về từ Hoa Kỳ để phòng thủ trước Bắc Hàn.
No comments:
Post a Comment