Monday, November 27, 2017

Cháu gái Tổng thống Diệm kể lại năm 1963

Cháu gái Tổng thống Diệm kể lại năm 1963

Chương trình phát thanh Witness (Nhân chứng) của BBC World Service trở lại năm 1963, khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm bị lật đổ và ám sát trong cuộc đảo chính, có sự ủng hộ của chính phủ Mỹ.
Tổng thống Dwight Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles đón Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm tới Washington năm 1957Bản quyền hình ảnhUNIVERSAL HISTORY ARCHIVE/UIG VIA GETTY
Image captionTổng thống Dwight Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles đón Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm tới Washington năm 1957
Bà Elisabeth Nguyễn Thị Thu Hồng, con của bà Ngô Đình Thị Hiệp và là cháu ruột cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Bà nói với BBC: "Khi chúng tôi lớn, cậu tôi muốn dạy cho chúng tôi về lịch sử và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam."
Gia đình nhà Ngô khi đó đầy quyền lực ở miền Nam. Nhưng với những người cháu của ông Diệm, ý thức của ông về trách nhiệm với chủ nghĩa dân tộc có thể gây bực mình đôi chút.
Bà Thu Hồng kể: "Lúc còn bé, chúng tôi ghét ăn sáng lắm khi mà cậu ngồi đó cùng ăn, vì sẽ chỉ là cháo, cá hầm, còn chúng tôi lại muốn có bánh croissant, một vài thứ sang."
"Nhưng với cậu, ăn sáng chỉ giống như thời cậu lớn - người ở một nước nghèo cần hiểu đây là thức ăn mà người nông dân ăn ở nhà."
Bà Ngô Đình Thị Hiệp (đứng), chồng (đứng) cùng bố mẹ chồng trong ngày cưới năm 1925
Image captionBà Ngô Đình Thị Hiệp (bìa phải, đứng) cùng chồng (bìa trái, đứng) và cha mẹ chồng trong ngày cưới năm 1925
Trong giai đoạn đầu cầm quyền từ 1955, ông Diệm ban đầu được các chính phủ Tây phương ủng hộ.
Rufus Philips, người Mỹ, đến Nam Việt Nam lần đầu vào thập niên 1950, cùng với CIA. Sau đó, ông quay lại cho chương trình chống nổi dậy do Mỹ thực hiện năm 1962.
Ông nói với BBC: "Khi đó người ta nghĩ nếu toàn bộ Việt Nam rơi vào tay Cộng sản, sẽ tạo ra hiệu ứng domino ở Đông Nam Á."
"Nên chúng tôi phải nỗ lực không để Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản."
Ông nhớ lại: "Về phía Mỹ, có lỗ hổng lớn để hiểu tình hình và chính trị Việt Nam."
Còn bà Thu Hồng giải thích: "Cậu tôi biết, vì là nước nhỏ, chúng tôi phải hợp tác với đại cường để giành độc lập, thoát khỏi cộng sản."
"Chúng tôi biết ơn người Mỹ, nhưng cũng muốn duy trì tự chủ."
Ông Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòaBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionÔng Ngô Đình Diệm là Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa

Biến cố Phật giáo

Năm 1963, xảy ra biến cố Phật giáo với đỉnh điểm là 'ngọn đuốc Thích Quảng Đức' khiến truyền thông nước ngoài lên án chính quyền Ngô Đình Diệm.
Trong lúc tình hình rối loạn, các nữ tu ở trường dòng của Thu Hồng ở Pháp đưa cô quay về Huế để gần cha mẹ.
"Khi chúng tôi đến Huế, nhìn thấy sự tàn phá do các vụ hỗn loạn, chúng tôi bắt đầu hiểu cuộc sống mình gặp nguy hiểm," bà Thu Hồng nhớ lại.
Người Mỹ không hài lòng với cách ông Diệm đối phó với khủng hoảng Phật giáo, và Washington quy trách nhiệm cho người em trai, Ngô Đình Nhu.
Ông Rufus Philips đánh giá: "Ông Nhu kiểm soát hầu hết nguồn thông tin, và rất cứng rắn."
"Người ta thất vọng, và cho rằng ông Diệm không còn kiểm soát được chính phủ, rằng ông Nhu mới kiểm soát, và rằng phải làm một điều gì đó."
Các tướng lĩnh miền Nam bắt đầu tìm kiếm ủng hộ của Mỹ để làm đảo chính.
Tân đại sứ Mỹ, Henry Cabot Lodge, lạnh nhạt với ông Diệm, đồng tình rằng nếu Tổng thống không từ bỏ em trai, thì phải có sự ra đi.
Vào cuối tháng Mười 1963, ông Rufus Phillips đến thăm ông Diệm, thấy tổng thống mệt mỏi.
"Ông Diệm hỏi tôi, anh nghĩ có xảy ra đảo chính không? Tôi phải trả lời thật rằng tôi nghĩ rất có thể."
Cái chết của Tổng thống Kennedy đến nay vẫn còn nhiều bí ẩnBản quyền hình ảnhKEYSTONE
Image captionVụ ám sát Tổng thống Kennedy đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn

'Đồng minh tốt'

Vào đúng ngày xảy ra đảo chính 1/11, Đại sứ Lodge gặp Tổng thống Diệm vào buổi sáng.
Sau cuộc gặp, ông Lodge đánh điện về Washington: "Khi tôi đứng lên để ra đi, ông ấy bảo: Xin nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi là một đồng minh tốt và trung thực."
Bức điện về đến Bộ Ngoại giao Mỹ lúc 9:18 sáng giờ Washington, và đến Nhà Trắng lúc 9:37 sáng. Lúc đó, đảo chính tại Sài Gòn đã bắt đầu.
Đến sáng ngày 2/11, giờ Mỹ, khi Tổng thống Kennedy cùng các cố vấn họp, họ nhận tin từ CIA rằng phía miền Nam Việt Nam thông báo hai anh em Diệm - Nhu đã "tự sát". Thực tế, hai người đã bị quân đảo chính giết.
Bà Thu Hồng và gia đình vẫn còn ở Huế khi nghe tin.
"Các tờ báo khi đó đăng hình thi thể và nói họ tự sát, thật là dối trá. Và gia đình tôi bỗng nhận ra mình cũng có thể bị giết."
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cũng bị ám sát chỉ vài tuần sau đó.
Sau đảo chính 1963, miền Nam Việt Nam thay một loạt chính phủ trong vòng 18 tháng. Mỹ gửi thêm cố vấn và rồi là lính chiến đấu đến Nam Việt Nam.
Rufus Phillips nói: "Bỗng dưng chúng tôi dính trực tiếp vào việc quyết định kết quả công việc nội bộ của người Việt."
Xung đột còn tiếp tục thêm 12 năm, cho đến ngày 30/4/1975.
Bà Thu Hồng nay sống ở Canada. Còn ông Rufus Phillips sau này, ở tuổi 79, xuất bản hồi ký Why Vietnam Matters.
Chương trình Witness do Lucy Burns thực hiện, nói chuyện với bà Elisabeth Nguyễn Thị Thu Hồng và ông Rufus Phillips, phát thanh trên kênh BBC World Service tại Anh hôm 22/11/2017.
Xem thêm:

Chủ đề liên quan

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment