Tháng 11/1963: dòng họ Ngô Đình và Kennedy
Đúng 54 năm trước, vào ngày 1/11, Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa Việt Nam là Ngô Đình Diệm đã bị một nhóm tướng lãnh, dưới sự lãnh đạo của Trung tướng Dương Văn Minh, đảo chánh.
Sáng ngày hôm sau, ông Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu, cũng là bào đệ, đã bị bắn và đâm chết khi hai ông đang ở trong một xe thiết giáp của quân đội.
Khi đảo chánh thành công, báo chí lúc bấy giờ dưới sự kiểm soát của Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đã đưa tin anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm tự tử.
Sự thực là hai ông bị giết sau khi đã đầu hàng và đang được áp tải đưa về Bộ Tổng tham mưu là bản doanh của phe đảo chánh.
Theo sử gia Richard Reeves viết trong cuốn President Kennedy, xuất bản năm 1993, tân đại sứ Hoa Kỳ là Henry Cabot Lodge biết về âm mưu giết ông Diệm và ông Nhu của phe đảo chánh và phía Mỹ đã chần chừ không muốn cho hai ông đi ra nước ngoài, vì khi được yêu cầu một tướng Mỹ nói phải mất 24 tiếng đồng hồ mới có máy bay, trong khi căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Philippines chỉ cách Sài Gòn chừng 3 giờ bay.
Washington có muốn giết ông Diệm và Nhu hay không và ai đã trực tiếp ra lệnh giết anh em dòng họ Ngô-Đình?
Đại úy Nguyễn Văn Nhung, cận vệ riêng của Tướng Dương Văn Minh, là kẻ chủ mưu hay chỉ là kẻ thừa hành nhận lệnh từ cấp trên và cấp trên đó là Tướng Mai Hữu Xuân, người được Tướng Minh điều động đi đón hai ông từ nhà thờ Cha Tam, hay Đại úy Nhung trực tiếp nhận lệnh giết từ Tướng Minh?
Hai tháng sau khi đảo chánh thành công, khi Tướng Minh bị Tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý, tức là bị đảo chánh, thì Đại úy Nhung cũng chết trong trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám là nơi ông đang bị giam và thẩm vấn về vai trò liên quan đến cái chết của ông Diệm và Nhu. Cái chết của Đại úy Nhung nhiều người cho là bị thủ tiêu hơn là tự ý treo cổ tự tử.
Mấy tháng sau khi ông Diệm và Nhu bị giết, một người trong dòng họ Ngô-Đình còn ở lại Việt Nam là Ngô Đình Cẩn, từng giữ vai trò cố vấn chỉ đạo miền Trung cho chính phủ Diệm, cũng đã bị hành quyết
Sau khi đảo chính, ông Cẩn vào tòa lãnh sự Mỹ ở Huế để xin tị nạn trước sự căm hận nổi lên của dân chúng.
Ông yêu cầu được đưa ra nước ngoài, nhưng khi được đưa từ Huế vào Sài Gòn ông bị Sứ quán Mỹ giao lại cho phe đảo chánh.
Đầu năm 1964 ông bị đem ra toà và bị án tử hình. Ông bị xử bắn trong nhà giam Chí Hòa ngày 9 tháng 5-1964.
Ai là người quyết định?
Năm 2000, tại một hội nghị về Việt Nam ở Đại học Texas Tech, Lubbock, khi gặp Đại tướng Nguyễn Khánh tôi có hỏi ông về bản án dành cho Ngô Đình Cẩn.
Ông cho biết lúc đó tuy ông là lãnh đạo và muốn giảm án cho ông Cẩn, nhưng quyền ân xá nằm trong tay Tướng Dương Văn Minh, vì ông là quốc trưởng. Tướng Minh đã không ân xá cho ông Cẩn.
Về cái chết của anh em ông Diệm, theo cựu Đại tá Dương Hiếu Nghĩa viết trong loạt bài đăng trên báo Người Việt ở Nam California, từ ngày 30/3/1996, thì Đại úy Nhung trực tiếp nhận mật lệnh giết hai ông từ riêng Tướng Dương Văn Minh. Ông Nghĩa lúc đảo chánh là thiếu tá và có đi theo đoàn xe đón anh em ông Diệm, Nhu ở nhà thờ cha Tam.
Đầu năm 1996, khi tham dự một hội nghị về chiến tranh Việt Nam, giai đoạn 1954-65, tổ chức tại bảo tàng của Sư đoàn 1 (The Big Red One) ở ngoại ô Chicago, trong bữa ăn sáng đầu tiên, gặp cựu giám đốc CIA William Colby tôi có hỏi ông ai đã ra lệnh giết anh em ông Diệm, ông nói đó là lệnh của Tướng Dương Văn (Big) Minh.
Colby là người ủng hộ ông Diệm trong thời gian ông làm trưởng cơ quan CIA tại Sài Gòn cho đến năm 1962.
Trong bài diễn thuyết tại hội nghị, ông Colby nhận định là ông Diệm không phải là người của Mỹ đưa về Việt Nam, mà thực sự là do ý muốn của người Pháp và ông Diệm đã không coi Hoa Kỳ là đồng minh thực sự muốn giúp Nam Việt Nam.
Theo ông Colby, việc không tham gia tổ chức tổng tuyển cử năm 1956 là quyết định của riêng ông Diệm chứ người Mỹ không có ảnh hưởng hay thúc ép gì.
Tướng Minh tự quyết định hay nhận lệnh từ phía Mỹ để giết anh em ông Diệm thì đến nay chưa có tài liệu hay bằng chứng xác minh.
Các tài liệu đã được công bố cho thấy Tổng thống Kennedy đồng ý với kế hoạch đảo chánh, qua Công điện 243 gửi cho Đại sứ Henry Cabot Lodge ngày 24/8/1963, là quyết định của những nhà ngoại giao Mỹ gồm George Ball, W. Averell Harriman, Roger Hilsman và Michael V. Forrestal, phụ tá của Tổng thống Kennedy đồng ý muốn loại bỏ ông Nhu khỏi chính trường và nếu ông Diệm ngoan cố thì Hoa Kỳ cũng không thể bảo đảm an toàn cho bản thân ông.
Những vụ ám sát nhắm vào nhà Kennedy
Liên quan đến cuộc đảo chánh, từ nhiều thập niên qua đã có bằng chứng là Lucien Conein, nhân viên CIA làm con thoi giữa phe đảo chánh và Đại sứ Lodge, đã đưa cho các tướng đảo chánh nhiều triệu tiền Việt sau khi đảo chánh thành công.
Tổng thống Diệm có người anh là Giám mục Ngô Đình Thục, có em dâu là bà Ngô Đình Nhu. Nếu họ đã không rời Việt Nam trước đảo chánh, chắc cũng không thoát khỏi cái chết, vì chỉ trong vòng vài tháng ba người anh em dòng họ Ngô Đình đã bị giết chết.
Tại Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát năm 1963, đến năm 1968 thì người em là Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy cũng bị ám sát chết khi đang vận động tranh cử tổng thống ở Los Angeles, California.
Cái chết của Tổng thống Kennedy đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, từ âm mưu của Cuba, của Liên Xô, của các nhóm mafia, của tình báo CIA hay của giới lãnh đạo quân sự Mỹ muốn leo thang chiến tranh tại Việt Nam nên đã giết Kennedy.
Lee Harvey Osward, tay súng bắn chết Tổng thống Kennedy, đã hành động đơn phương hay có bàn tay nào đứng sau? Tại sao Jack Ruby, chủ một hộp đêm lại giết Osward ngay tại sở cảnh sát, trước ống kính truyền hình?
Tuần qua, nhiều hồ sơ liên quan đến cái chết của John F. Kennedy đã được giải mật, tuy nhiên cũng không có thêm bằng chứng mới để xác minh rõ hơn nguyên do đưa đến vụ ám sát.
Cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi về việc ai đã thực sự ra lệnh giết Tổng thống Diệm, cũng như vẫn còn nhiều bí ẩn đằng sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy ở Dallas trưa ngày 22/11/1963, chỉ 3 tuần sau khi ông Diệm bị giết.
Cách đây hơn một thập niên, trong một dịp thăm Bảo tàng Tổng thống Lyndon B. Johnson ở Austin, Texas tôi thấy có một tấm hình rất lớn với ông Diệm và ông Nhu nằm chết trong vũng máu trên sàn xe thiết giáp và cạnh đó có hình Tổng thống Diệm tiếp Phó Tổng thống Johnson trong một lần ông đến thăm Sài Gòn.
Theo các tài liệu mới được giải mật, với cái chết của John F. Kennedy chỉ ba tuần sau khi Ngô Đình Diệm bị giết, Tổng thống Lyndon B. Johnson, người kế vị lãnh đạo Hoa Kỳ, coi đó là quả báo.
Có tin vào quả báo hay không thì những cái chết của anh em dòng họ Ngô Đình và dòng họ Kennedy đã đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam vào một nghiệp chướng của lịch sử.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống ở vùng San Jose.
Tư liệu:
Xem thêm về VNCH:
No comments:
Post a Comment