Thursday, September 28, 2017

TT Philippines đổi giọng, khen ‘đồng minh Mỹ’

TT Philippines đổi giọng, khen ‘đồng minh Mỹ’

28/09/2017

Tổng thống Philippine Duterte tại lễ kỷ niệm 70 năm Không quân (ảnh tư liệu, 7/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 28/9 dành lời khen ngợi hiếm hoi cho Hoa Kỳ, gọi nước này là một đồng minh an ninh quan trọng, và xí xóa rằng những sự đối nghịch trong lịch sử cũng như những phát ngôn đầy giận dữ của ông chống lại Washington trong thời gian gần đây là "nước trôi qua cầu".
Ông Duterte lên tiếng nhân kỷ niệm lần thứ 116 của một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong chiến tranh giữa Mỹ và Philippines trên đảo Samar, nơi 39 thường dân Philippin bị giết hại để trả đũa cho vụ 48 quân nhân bị phiến quân giết.
Ông Duterte phát biểu tại Balangiga, một thị trấn bị quân Mỹ đốt trụi vào năm 1901.
Ông Duterte nói hôm 28/9 rằng Bộ Ngoại giao đã cố vấn ông nên giảm những lời lẽ lên gân chống Mỹ, và ông nên có những từ ngữ tích cực về quân đội Mỹ.
"Tôi không nói họ là những vị cứu tinh của chúng ta, mà là đồng minh và đã giúp chúng ta. Thậm chí ngày hôm nay, họ cung cấp trang bị thiết yếu cho binh sĩ của chúng ta ở Marawi để chống lại bọn khủng bố" khi đề cập đến thành phố nơi những kẻ trung thành với Nhà nước Hồi giáo bị vây hãm trong bốn tháng.
Kể từ khi ông Donald Trump thay thế ông Obama trong cương vị tổng thống Mỹ, các công kích của ông Duterte nhằm vào Hoa Kỳ đã giảm.
Ông Duterte đã gây bất ngờ hồi tháng trước khi đón tiếp nồng hậu Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, khi Tổng thống Philippines tự gọi mình là một "người bạn khiêm tốn" của Hoa Kỳ.
Một số nhà bình luận cho rằng ông Duterte đã dịu giọng vì chính quyền ông Trump tránh chỉ trích cuộc chiến chống ma túy mang đậm dấu ấn của ông Duterte.
Bộ trưởng Ngoại giao của ông Duterte, ông Alan Peter Cayetano, nói Philippines sẵn sàng tiếp các nhà quan sát nước ngoài kiểm tra hồ sơ nhân quyền và cuộc chiến chống ma túy đã làm hàng ngàn người thiệt mạng.

    Diễn đàn Facebook

    TQ hoãn chiếu phim 'về chiến tranh với VN'

    TQ hoãn chiếu phim 'về chiến tranh với VN'

    Cảnh trong phim Phương HoaBản quyền hình ảnhXINHUA
    Image captionCảnh trong phim Phương Hoa
    Bộ phim 'Phương Hoa', có chi tiết về cuộc chiến biên giới Việt - Trung 1979, bị tạm hoãn vào phút chót, chưa cho chiếu tại Trung Quốc.
    Phim 'Phương Hoa' (tên tiếng Anh: Youth) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, kể về một nhóm văn công quân đội, đi từ Cách mạng Văn hóa 1966 đến thập niên 1990.
    Phim cũng đề cập cuộc chiến ngắn ngày năm 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc.
    Thông tin chính thức nói rằng cục điện ảnh Trung Quốc và các cơ quan liên quan kiến nghị thay đổi lịch chiếu.
    Bộ phim ban đầu dự kiến ra mắt ngày 29/9.
    Báo South China Morning Post dẫn một nguồn tin cho rằng giới chức không muốn phim ra mắt trước khi Đại hội Đảng khai mạc.
    PhimBản quyền hình ảnhCHINA NEWS AGENCY
    Image captionPhim Phương Hoa đã ra mắt lần đầu ở Liên hoan phim quốc tế Toronto đầu tháng Chín
    Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra năm năm một lần, sẽ khai mạc hôm 18/10.
    Phim Phương Hoa đã ra mắt lần đầu ở Liên hoan phim quốc tế Toronto đầu tháng Chín.
    Bộ phim kể về số phận một nhóm văn công quân đội vào cuối thời kỳ Cách mạng Văn hóa, tham gia cuộc chiến biên giới chống Việt Nam và bộ phim kéo dài đến thập niên 1990.
    Phùng Tiểu Cương là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất Trung Quốc.
    Đường Sơn đại địa chấn, do ông làm năm 2010 về trận động đất năm 1976, khi đó lập kỷ lục phim ăn khách nhất Trung Quốc với doanh thu 101 triệu đôla.

    Tin liên quan

    Đánh Bắc Triều Tiên : "Chậm lắm là trong sáu tháng ?"

    Đánh Bắc Triều Tiên : "Chậm lắm là trong sáu tháng ?"

    mediaLãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un đáp trả phát biểu hiếu chiến của tổng thống Mỹ nhằm vào Bắc Triều Tiên, ngày 22/09/2017.KCNA via REUTERS
    Báo chí Pháp hôm nay tập trung vào hai chủ đề quốc tế : Tổng thống Macron và đề án cải cách sâu rộng Châu Âu, giải pháp quân sự của Mỹ trừng phạt Kim Jong Un trước khi Bắc Triều Tiên xua quân nam tiến.
    Nguy cơ chiến tranh Mỹ-Bắc Triều Tiên được Le Figaro trình bày dưới hai góc cạnh : Nhìn từ Washington, xu hướng dùng vũ lực đang được củng cố tại Nhà Trắng. Nhìn từ bán đảo Triều Tiên, Kim Jong Un đùa với lửa.
    Thái độ cường điệu của tổng thống Mỹ là phản hồi của xu hướng đồng điệu ủng hộ giải pháp tấn công phòng ngừa. Cho dù phát ngôn viên Nhà Trắng bác bỏ quy buộc của Bình Nhưỡng « Mỹ tuyên chiến với Bắc Triều Tiên », cho dù khẳng định « ưu tiên cho biện pháp áp lực tối đa về kinh tế và ngoại giao » nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng nghiêng về  « quân sự ».
    Trước hết là cố vấn an ninh quốc gia, tướng H.R McMaster  nói: "Chúng tôi hy vọng tránh chiến tranh với Bắc Triều Tiên nhưng không thể loại trừ khả năng này". Một tướng lĩnh khác, bộ trưởng quốc phòng James Mattis tiết lộ, trong số các kế hoạch quân sự, có phương án « đánh Bắc Bắc Triều Tiên mà không đặt Seoul vào tình trạng hiểm nguy ».
    Giới doanh nghiệp như Christopher Ruddy, lãnh đạo tập đoàn truyền thông bảo thủ Newsmax, nhận định « Trump rất bình tĩnh vì nghĩ rằng Kim Jong Un là một thằng điên. Tuy tổng thống Mỹ phản ứng chiến thuật nhiều hơn là chiến lược, nhưng tại Nhà Trắng, xu hướng chung là tấn công phòng ngừa ».
    Chủ nhân tập đoàn truyền thông Newsmax dự báo là « Donald Trump sẽ đánh trong vòng sáu tháng tới để giải quyết cuộc khủng hoảng này ». Lý do thứ hai buộc Trump phải hành động. Đó là để khuyến cáo Iran, và bất kỳ một nước nào khác, không nên thách thức Mỹ.
    Kim Jong Un đùa với lửa
    Trong bài « Kim Jong Un đùa với lửa », từ Seoul, đặc phái viên Sebastien Falletti của Le Figaro cho biết một nguyên nhân khác có thể làm Donald Trump không thể nhượng bộ như người tiền nhiệm Richard Nixon vào năm 1969. Vào thời điểm đó, một máy bay trinh sát của Mỹ bị bắn hạ làm 31 quân nhân Mỹ tử vong khi áp sát lãnh thổ Bắc Triều Tiên, như trường hợp chiếc oanh tạc cơ B-1 hồi tuần trước.
    Lần này, tình thế đã đổi khác. Ra-đa của Bắc Triều Tiên không phát hiện được máy bay tàng hình của Mỹ. Theo phân tích của chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong Chang, bên cạnh thực lực quân sự quá yếu kém so với Mỹ, Kim Jong Un còn tính toán sai lầm khi đùa với lửa.
    Biết rõ không thể chiến thắng, Kim Jong Un chạy đua trang bị tên lửa và hạt nhân để « đẩy Mỹ ra xa » bán đảo Triều Tiên. Để làm gì ? Để thực hiện mục tiêu sau cùng là xua quân tấn công Hàn Quốc, thống nhất bán đảo. Lo ngại Mỹ đặt Hàn Quốc trước chuyện đã rồi với hệ quả tái diễn chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cho dù đắc cử với cương lĩnh đối thoại, cũng phải tăng cường hệ thống tên lửa và lá chắn chống tên lửa. Thái độ bốc đồng của Trump và Kim đều nguy hiểm như nhau, đối với Seoul.
    Cùng nhận định, nhật báo kinh tế Les Echos « bắt mạch » khủng hoảng Washington-Bình Nhưỡng qua phản ứng thị trường chứng khoán châu Á. Giới đầu tư trong khu vực « tương đối hóa » những tuyên bố bốc lửa của Bình Nhưỡng, bởi vì chế độ họ Kim từ mấy chục năm nay vẫn lớn lối như thế và lần nào tổng thống Mỹ cũng nhượng bộ, kể cả khi bị bắn hạ máy bay trinh sát vào năm 1969.
    Tuy nhiên, Les Echos cảnh báo : Tổng thống Mỹ hiện nay dường như « nghe sao hiểu vậy ». Bình Nhưỡng coi chừng. Donald Trump đã hăm dọa : Kim Jong Un sẽ không còn quanh quẩn trong xóm được bao lâu nữa đâu.
    Điều thay đổi làm giới chuyên gia lo ngại nhất không phải là lời đe dọa quá trớn của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên « giành quyền bắn hạ máy bay Mỹ », mà là cách tiếp cận của Nhà Trắng như thế nào. Trong vòng mấy thập kỷ, nhà họ Kim liên tục lên gân rồi xoa dịu và được Mỹ nhượng bộ. Nhưng lần này, đụng một tổng thống thích trò leo thang. Nếu cảm thấy bị đe dọa, Trump có thể ra tay trước với hệ quả tai hại cho Bắc Triều Tiên lẫn toàn khu vực.
    Cứu rỗi châu Âu theo…Macron
    Về thời sự Châu Âu, an ninh và chính trị vẫn là hai vấn đề nổi bật nhất. Le Figaro dành hai trang để báo động : Trước mối đe dọa của khủng bố, các thành phố lớn kêu gọi châu Âu trợ giúp tài chính. Berlin, Luân Đôn, Barcelona, Nice, Liège… vào thứ sáu tới, hơn 30 thị trưởng kéo về Nice để ký một dự án hợp tác chống khủng bố Hồi giáo. 57 % dân Pháp còn tỏ ra ủng hộ những biện pháp an ninh tăng cường, tức là giới hạn bớt tự do, hiện đang được quốc hội bàn thảo.
    Trái lại, dự án cải cách châu Âu của tổng thống Pháp long trọng thông báo hôm qua tại đại học Sorbonne gây tranh luận mạnh mẽ. Tỏ ý đồng thuận, nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn : Kế hoạch đầy cao vọng của Emmanuel Macron để cải cách Châu Âu, trong đó Pháp và Đức tiếp tục đóng vai trò trung tâm. Tổng thống Pháp không quên « dành một chổ đứng quan trọng cho Anh Quốc và các nước Balkan ».
    Trong bài xã luận « cuộc tranh luận về tương lai châu Âu đã được Pháp khởi động », nhật báo cánh hữu nhắc lại lập trường thiếu dứt khoát của một loạt tổng thống Pháp từ J.Chirac cho đến F.Hollande trên các hồ sơ nhiều tham vọng từ quốc phòng cho đến di dân nhập cư, nông nghiệp. Các đề nghị không đủ mạnh để thu hút công luận ủng hộ. Từ nay, Macron « đảo ngược » tình thế này, đưa ra một mô hình phát triển nhiều vận tốc, trong đó ai cũng có chổ đứng.
    Trong khi đó, Le Monde thận trọng hơn, nhấn mạnh đến những khác biệt quan điểm và ưu tiên của Pháp và Đức. Tổng thống Pháp muốn củng cố đồng tiền chung, lập ngân sách chung với một bộ trưởng tài chính và một nghị viện. Trái lại Berlin đang ưu tư về vấn đề di dân nhập cư, mới làm cho bà Angela Merkel mất một số cử tri, và chuyện Anh Quốc ra đi.
    Nhật báo Libération, đưa lên trang bìa chân dung tổng thống Macron và chơi chữ : "Người hùng của nhà giàu, sứ thần của châu Âu". Tuy nhiên, trung thành với vai trò của nhật báo độc lập, Libération dành hai cột báo để phân tích « 5 hướng để kích thích châu Âu đang hụt hơi ».
    Nhật báo La Croix, mượn ý kinh thánh, chạy tựa dí dỏm : "Châu Âu theo thánh Macron". Vấn đề nghiêm trọng nhất, đáng chăm lo nhất, theo La Croix, là số phận di dân và thuyền nhân : Vì sao Đức Giáo hoàng khăng khăng ủng hộ và kêu gọi ủng hộ đón tiếp di dân tị nạn một cách nhân đạo ?
    Bài xã luận « Những khuôn mặt » giải thích : Tín đồ Thiên Chúa Giáo biết rõ, một mình họ đóng góp thì không thể nào đủ sức đối phó với thảm nạn quy mô này. Chiến dịch toàn cầu của tổ chức thiện nguyện Công giáo Caritas đang được phát động, đi đúng hướng đánh thức lương tâm nhân loại, giúp đỡ cho di dân hai lần bất hạnh, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, người già, phụ nữ , trẻ em, vừa thoát thảm cảnh chiến tranh, áp bức lại rơi vào nghịch cảnh phân biệt đối xử.
    Trong lĩnh vực kinh tế, hai thông tin được báo chí Pháp tường thuật và bình luận nhiều là chuyện hai tập đoàn công nghệ cao cấp Alstom của Pháp và Siemens của Đức sáp nhập và do Đức lãnh đạo. Nguyên nhân chính là để đối phó với cạnh tranh của Trung Quốc nhưng thêm một ngôi sao kỹ nghệ Pháp lọt vào tay nước ngoài. Tin thứ hai phấn khởi hơn : Chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân Pháp, hướng dẫn một phái đoàn doanh nhân hùng hậu, sang Ấn Độ chinh phục thị trường.
    Con người có thể thoát khỏi tình trạng hôn mê sâu ?
    Một thông tin phấn khởi khác là một nhóm nghiên cứu Y khoa Pháp, đại học Lyon, thành công vực dậy một bệnh nhân từ trạng thái hôn mê thực vật suốt 15 năm nay trở về trạng thái ý thức tối thiểu. Phương pháp này là dùng điện kích thích thần kinh phế vị từ một máy phát tín hiệu gắn trong thân thể.

    Trung Quốc và tham vọng bá chủ chính trị thế giới

    Trung Quốc và tham vọng bá chủ chính trị thế giới

    mediaNgoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) phát biểu tại Đại Hội Đồng LHQ, New York, 21/09/2017.REUTERS
    Một Trung Quốc tham vọng trở thành siêu cường thế giới của Trung Quốc không phải là điều gì mới mẻ đối với dư luận báo chí quốc tế. Tuy nhiên, nhật báo Le Monde số ra hôm nay đề cập đến tham vọng bành trướng chính trị của Bắc Kinh trên thế giới với bài viết mang tựa đề « Trung Quốc, người khổng lồ chính trị phàm ăn ».
    Mở đầu bài viết tác giả dẫn một chuyện đã được tạp chí The Economist nhắc đến trong số ra tuần này. Đó là hồi cuối tháng 8 đầu tháng 9, các cán bộ viên chức Trung Quốc được yêu cầu phải xem một chương trình của truyền hình Nhà nước mang tiêu đề : « Trung Quốc và chính sách ngoại giao đại cường ». Theo Le Monde, đó chính là một mệnh lệnh của đảng để người dân nước này làm quen với thực tế mới : « Đất nước họ đang trở thành người khổng lồ của chính trị thế giới ».
    Để làm được như vậy Trung Quốc phải tỏ cho thấy có sức nặng trong mọi lĩnh vực và ở khắp mọi nơi. Bắc Kinh tự nghĩ rằng việc họ là tác nhân chiến lược toàn cầu sẽ giúp họ tạo dựng một thế giới thuận lợi cho việc bảo vệ lợi ích của họ. « Đã qua rồi cái thời kỳ chỉ chú tâm vào phục hưng kinh tế nên phải nhún nhường trong đối ngoại, giờ đây, Trung Quốc muốn trở lại như một siêu cường toàn cầu », bài viết nhận định.
    Theo Le Monde, chỉ còn 1 tháng nữa đến Đại hội 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây sẽ là dịp để ông Tập Cận Bình thâu tóm toàn bộ quyền lực lãnh đạo. Điều ông ta muốn là đất nước Trung Quốc tìm lại vị thế thống trị ở bên ngoài khơi xa. Tác giả bài viết liệt kêm một loạt việc làm của Trung Quốc để phục vụ cho tham vọng này : « Ngân sách quân sự ưu tiên hải quân. Bồi đắp, quân sự hóa các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông, Bắc Kinh dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền đối với các láng giềng ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc dùng áp lực kinh tế đối với Malaysia, Philippines, Việt Nam và nhiều nước khác nữa để cuối cùng khiến họ từ bỏ chủ quyền trên biển của mình » và Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành bá chủ khu vực Đông Nam Á.
    Chiến lược bành trướng kinh tế và ngoại giao siêu cường
    Trong kinh tế, Trung Quốc đặt mục tiêu từ nay đến 2025 cũng sẽ trở thành « thủ lĩnh toàn cầu » trong các công nghệ tương lai, bán dẫn, trí thông minh nhân tạo…. Để đạt được mục tiêu này, họ đã và đang làm gì ?
    Theo bài viết, đó là một chính sách đầu tư tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm ở châu Âu. Sau một thời gian mở rộng đón tiếp các nhà đầu tư có túi tiền vô biên, Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu lo ngại, nay đang tính chuyện kiểm soát chặt hơn các đầu tư Trung Quốc trên lãnh thổ của mình.
    Về đối ngoại, Le Monde nhận thấy, Bắc Kinh theo đuổi đường lối ngoại giao siêu cường mang đặc thù Trung Hoa. Trước hết, từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đến với vùng « ngoại ô nghèo của hành tinh » như châu Phi chẳng hạn. Đổi lại những tài nguyên vơ vét, Trung Quốc đổ tiền đầu tư hạ tầng cơ sở ở lục địa đen, nhưng cũng để cắm rễ sâu sự hiện diện.
    Tiếp đó đến chiến lược « Con Đường Tơ Lụa » cả trên biển cũng như trên đất liền cùng hàng nghìn tỷ đô la đầu tư từ Trung Á đến Ấn Độ Dương qua tới tận Địa Trung Hải. Tất cả cũng chỉ nhằm phục vụ cho sự bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bài viết đặt câu hỏi : Liệu chiến lược này của Trung Quốc có thực sự tôn trọng tuyệt đối chủ quyền của các nước liên quan hay không ?
    Le Monde ghi nhận, nhiều nước, như Cam Bốt bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đã đi theo lập trường của Bắc Kinh. Tương tự như Iran, đất nước được gọi là trục chính trong « Con Đường Tơ Lụa » cũng ngả theo Trung Quốc. Hy Lạp, được Trung Quốc đổ tiền đầu tư cho các hải cảng trong lúc khốn quẫn, trước Liên Hiệp Quốc đã ngăn cản EU lên án Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương hay Tây Tạng. Rồi đến dự án « con đường mới » nhằm vào các quốc gia nhỏ trên dãy Himalaya cũng đang làm Ấn Độ lo ngại. Trong khi Hoa Kỳ ve vãn Ấn Độ và bỏ rơi đồng minh Pakistan. Washington tố cáo Islamabad thông đồng với Taliban gây rối ở Afghanistan. Trong hoàn cảnh như vậy Islamabad nhận ngay được sự ủng hộ của Bắc Kinh. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư số 1 ở Pakistan…
    Đường lối đối ngoại như vậy của Trung Quốc đang làm các quan hệ quốc tế trở nên rối tung và bài viết kết luận : « Siêu cường Trung Quốc đang làm đảo lộn thế giới. Đây mới chỉ là bước khởi đầu .»
    Mập mờ với Bắc Triều Tiên
    Tiếp tục với Le Monde, vẫn liên quan đến đường lối đối ngoại của Trung Quốc nhưng cụ thể trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tờ báo có bài phân tích thái độ « Mập mờ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng » trong việc thực thi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa.
    Bắc Kinh vẫn bị nghi ngờ không áp dụng đầy đủ nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua hôm 11/09. Theo bài báo, cũng giống như Nga, Trung Quốc cho rằng trừng phạt càng nặng thì Bắc Triều Tiên càng kháng cự quyết liệt. « Bắc Kinh vẫn giằng xé giữa chuyện không khoan nhượng chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng đồng thời vẫn lo chế độ này sụp đổ ».
    Le Monde nhận thấy, lập trường hai mặt của Trung Quốc phần nào có thể giải thích bằng nhu cầu kinh tế của hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm, có đường biên giới dài 1400 km với Bắc Triều Tiên. Kinh tế của hai tỉnh này từ nhiều thập kỷ qua đã phụ thuộc nặng vào việc làm ăn buôn bán với Bắc Triều Tiên. Nếu áp dụng triệt để lệnh cấm của trung ương thì kinh tế của hai tỉnh có nguy cơ phá sản. Dân làm ăn ở địa phương này buộc phải quay sang tìm cách luồn lách và như vậy sẽ tạo điều kiện cho kinh tế ngầm phát triển.
    Bên cạnh đó các vùng đông bắc Trung Quốc đang chuẩn bị rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với Bắc Triều Tiên. Đó là các tuyến đường sắt cao tốc, đường xe hơi, nối các đô thị lớn Trung Quốc đến sát biên giới từ đó có thể thông thương với Bắc Triều Tiên nhờ các công trình cầu lớn qua sông Áp Lục. Các công trình này sẽ giúp Trung Quốc đi trước đón đầu, trong trường hợp mở cửa với bắc Triều Tiên hay thống nhất bán đảo này thì Trung Quốc vẫn có thể chiếm lĩnh vị trí. Vì thế mà Bắc Kinh vẫn không muốn vô hiệu hóa hoàn toàn mạng lưới trao đổi với người láng giềng phương bắc này.
    Bầu cử Đức : Chiến thắng trong tầm tay của Angela Merkel
    Liên quan đến châu Âu, nhiều báo dành trang nhất cho cuộc bầu cử lập pháp của Đức vào ngày Chủ nhật (24/09) mà hầu hết các dự báo đều cho rằng nhiều khả năng thủ tướng Đức Angela Merkel có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4. Với Libération đây là sự kiện đặc biệt. Trang nhất tờ báo đặt câu hỏi : « Cuối cùng thì Angela Merkel thắng ? »
    Nhật báo Pháp dành tới 5 trang bài để khai thác các góc độ của cuộc bầu cử, của cá nhân bà thủ tướng Đức. Trong bài viết chạy tựa : Angela Merkel : « Một tầm cỡ không thể hạ bệ », Libération ghi nhận : « Thủ tướng Đức, 63 tuổi, đã khẳng định mình trong chính trị khá muộn và đã thành công gần 12 năm giữ vững quyền lực, bất chấp các cuộc khủng hoảng và chỉ trích ».
    Tờ báo trở lại sự nghiệp chính trị của người phục nữ, sinh ra và lớn lên ở phần đông nước Đức Cộng Sản, thành công rực rỡ ở nước Đức thống nhất.
    Libération cho hay, Angela Merkel bước chân vào con đường chính trị ở tuổi 35, khi vừa tốt nghiệp tiến sĩ vật lý lượng tử. Chỉ sau khi bức tường Berlin bị phá bỏ đưa nước Đức tới thống nhất năm1990, thì Angela Merkel mới chính thức quyết định dấn thân vào sự nghiệp chính trị và sau đó không lâu bà đã thành công.
    Bà là người phụ nữ Đông Đức đầu tiên và duy nhất đến lúc này trở thành thủ tướng của nước Đức, cường quốc phương Tây hàng đầu thế giới. Không những thế bà còn chèo lái suốt 3 nhiệm kỳ đưa nước Đức vượt qua nhiều thử thách, khủng hoảng.
    Chỉ còn 2 ngày nữa đến cuộc bầu cử, thắng lợi được dự báo đang trong tầm tay của Angela Merkel. Xã luận Libération viết : Sau 12 năm cầm quyền, Angela Merkel chắc sẽ tái thắng cử. Điều đó không có nghĩa là bà là một thủ tướng hoàn hảo, vẫn còn nhiều vấn đề kinh tế, bất bình đẳng giữa phần đông và tây đất nước vẫn còn đó…. Nhưng bà đã thành công kéo nạn thất nghiệp xuống tới mức tối thiểu, công nghiệp phát triển vững vàng, thặng dư thương mại lớn, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt...
    Libération kết luận là có thể rút ra một « bài học đơn giản : Khi một nữ hay nam lãnh đạo, trong nhiệm kỳ của mình đạt được mục tiêu đề ra, nhân dân sẽ thuận lòng ủng hộ ».
    Người phụ nữ giàu nhất thế giới qua đời
    Cuối cùng của mục điểm báo hôm nay xin dành cho một tin buồn và cũng là một trong những tựa lớn của nhiều tờ báo. Bà Liliane Betancourt, chủ tập đoàn hóa mỹ phẩm hàng đầu thế giới l’Oreal đã qua đời ngày hôm qua ở tuổi 94. Bà là người phụ nữ giàu nhất thế giới hiện nay với khối tài sản định giá khoảng 40 tỷ đô la, theo tạp chí Mỹ Forbes.
    Là người kết thừa di sản của cha Eugène Schueller, người sáng lập ra tập đoàn l’Oreal, nhưng ở Pháp, bà tỷ phú Liliane Betancourt được đánh giá là người đã có nhiều đóng góp vào sự thành đạt của thương hiệu l’Oreal và phát triển doanh nghiệp Pháp trên thế giới. Về cuối đời Liliane Bétancourt cũng được dư luận báo chí Pháp chú ý nhiều đến những vụ kiện tụng ồn ào trong gia đình, liên quan đến tài sản và tài trợ cho các đảng phái chính trị một cách mờ ám.
    Cùng chủ đề