Tuesday, September 19, 2017

Tổng thống Thiệu qua lời kể cựu bí thư

Tổng thống Thiệu qua lời kể cựu bí thư

Bản quyền hình ảnhSAIGON
Image captionTrực thăng rời Sài Gòn ngày 30/4/75, đánh dấu giờ phút người Mỹ bỏ cuộc chiến
Mười năm sau ngày cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam Cộng hòa qua đời, cựu bí thư của ông nêu quan điểm rằng ông Thiệu không phải là người đơn phương quyết định về một loạt sự kiện trước biến cố 30/4 năm 1975.
Trước các ý kiến cho rằng ông Thiệu "phải chịu trách nhiệm" trong việc để mất cao nguyên Trung phần cũng như để mất Huế, Đà Nẵng "quá dễ dàng và bất ngờ", ông Hoàng Đức Nhã, cựu bí thư của tổng thống Thiệu nêu ra các lý do khác, và cho rằng thất bại của Miền Nam được "định đoạt bởi Hoa Kỳ".
Trả lời BBC trước ngày kỷ niệm 10 năm cố tổng thống Thiệu qua đời (29/9/2001-2011), ông Nhã nói:
"Trên phương diện quân sự, ngay cả những người viết sách ngay tới bây giờ ở Việt Nam hay là ngoại quốc, họ không hiểu rõ là trong nền Đệ nhị Cộng hòa của mình, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hay tổng thống tên gì cũng được là người lãnh đạo quốc gia, nghĩa là tư lệnh tối cao của quân đội.
"Dưới quyền tổng thống thì có một ông Tổng tham mưu trưởng và ông Thủ tướng thi hành. Cá nhân chúng tôi không bao giờ thấy cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lấy một quyết định đơn phương, một mình."
Theo giải thích của ông Nhã, có vẻ như ông Thiệu không phải là người duy nhất phải chịu trách nhiệm, vì theo ông Nhã, khi phải đưa ra một quyết định quân sự để xử lý, hay đối phó với tình hình, thì ngoài các nhân vật trên, cố Tổng thống Thiệu còn nghe và bàn thảo, thống nhất với các tư lệnh vùng, Phó Tổng thống.
Tổng thống Thiệu và Tổng thống Hoa Kỳ NixonBản quyền hình ảnhVIET TAN XA
Image captionTổng thống Thiệu liệu có đoán hết tất cả những gì mà người đồng minh Hoa Kỳ toan tính với Trung Quốc về Việt Nam?
Ông Nhã cho rằng thất bại của Sài Gòn vào mùa Xuân năm 1975 thực ra "đã được định đoạt" từ khi người đồng minh Hoa Kỳ không còn giữ cam kết hậu thuẫn cho chính quyền VNCH như đã hứa hẹn từ trước nữa:
"Lúc năm 1975, quân đội không còn phương tiện để chống Cộng sản Bắc Việt nữa là vì Hoa Kỳ không còn giữ lời hứa theo Hiệp định Paris là 'đổi một lấy một', tức là mình (VNCH) mất một cây súng thì Hoa Kỳ cho một cây súng, thiếu một viên đạn, Hoa Kỳ cấp một viên đạn."
Thế nhưng, cũng chính vị cựu bí thư này cho rằng, ông Thiệu đã lường trước được mọi diễn biến của việc đồng minh rút lui và chủ động tổ chức phòng thủ, cũng như xây dựng, phát triển miền Nam ra sao:
"Cố Tổng thống Thiệu đã vạch được con đường lúc đó mà Hoa Kỳ quyết tâm thi hành. Biết được con đường đó rồi, ông Thiệu nói bây giờ mình phải làm sao đáp ứng lại được;
"Khi mà người đồng mình quyết định ra đi như thế đó, thì Chính phủ VNCH, từ tổng thống Thiệu cho đến nội các hay quân đội phải làm thế nào. Những đường lối, chiến lược đó đã được vạch ra chứ không phải đùng một cái ký xong rồi thì không biết phải làm gì cả. Chuyện đó là hoàn toàn không có."
"Đã vạch địch ra rõ ràng là trong lúc quân đội tiếp tục giữ vững lãnh thổ, bên phía quân sự phải tiếp tục cải tiến bộ máy hành chánh, phát triển kinh tế, nhất là phát triển nông nghiệp. Đó là căn bản của nền kinh tế của VNCH. Tất cả cái đó đã được vạch ra trong một chiến lược phát triển đất nước thời kỳ hậu chiến."
'Trách Mỹ'
Trong cuộc trao đổi với BBC, ông Hoàng Đức Nhã đưa ra một cáo buộc đối với Chính quyền Hoa Kỳ liên quan tới việc Quần đảo Hoàng Sa do VNCH quản lý lúc đó bị mất vào tay Trung Quốc.
Trước tiên ông Nhã thuật lại phản ứng của cố Tổng thống Thiệu khi được biết Trung Quốc chiếm Hoàng Sa:
"Tổng thống Thiệu đã ra lệnh phải giữ vững lãnh thổ bằng bất cứ giá nào và đồng thời về phía chính trị, ông huy động toàn bộ bộ máy ngoại giao của chúng ta (VNCH) phản kháng. Đặc biệt hỏi thẳng Đại sứ Hoa Kỳ."
Ông Nhã thuật lại đã chất vấn Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó, Graham Martin, về điều mà ông cho là "khó tin" trong việc Hoa Kỳ "không biết" trước về động thái tấn công của Hạm đội hải quân Trung Quốc tấn công quần đảo này vào tháng 01 năm 1974:
"Chính tôi đã hỏi thẳng Đại sứ Hoa Kỳ: sao phía Hoa Kỳ thấy như vậy, với bao nhiêu phương tiện quan sát trên máy bay, từ biển, trên phương diện điện tử, có thể thấy rõ sự di chuyển của hạm đội Trung Quốc mà sao không cho phía VNCH biết," ông Nhã tiết lộ.
Quân Mỹ tại Nam Việt Nam hồi năm 1966Bản quyền hình ảnhUS SOLDIERS VIETNAM
Image captionHoa Kỳ đã can dự vào cuộc chiến Việt Nam nhiều năm rồi quyết định bỏ tất cả để rút đi
"Ông Đại sứ Martin nói với tôi 'cái chuyện đó chúng tôi không thể nào thấy được' thì tôi nhớ chỉ cười và nói 'khi các ông thấy được một người lính cộng sản di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh, mà không thấy được một hạm đội của Trung Quốc tiến về Hoàng Sa thì đó là một chuyện khó tin."
Ông Nhã cho rằng tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết vì sao Hoa Kỳ đã "làm ngơ," và Trung Quốc đã chiếm quần đảo này vào thời điểm đó:
"Có giả thuyết nói Hoa Kỳ phải nhượng bộ cái đó cho Trung Quốc để nhờ Trung Quốc áp lực cho cộng sản Bắc Việt thi hành Hiệp định Paris...Rồi có thể Trung Quốc thấy lúc đó Hoa Kỳ đã rút ra khỏi Việt Nam, đây là cơ hội để họ chiếm cái đảo mà theo họ có rất nhiều dự trữ dầu hỏa, khí đốt."
Hậu chiến
Ông Nhã tin rằng cố Tổng thống Thiệu là một nhà lãnh đạo chí công vô tư, không như một số cáo buộc đã được biết tới về tư cách cá nhân của ông:
"Tôi làm việc cho cố Tổng thống từ tháng 10/1967 cho tới những ngày cuối cùng (1975), chưa bao giờ tôi thấy cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có những hành động mà gọi là lợi ích cho cá nhân ông ta và không nghĩ đến đất nước, trên phương diện cá nhân, chúng tôi xác nhận như thế."
Về thời gian ông Thiệu ra nước ngoài định cư, hậu chiến, đặc biệt là thời gian sinh sống tại Hoa Kỳ, cựu bí thư của ông Thiệu bình luận:
"Khi sang đến Hoa Kỳ, Tổng thống có một cuộc sống rất bình thường, không bao giờ có những tuyên bố hay hành động lố lăng."
"Lúc đó ông muốn khuyến khích tất cả mọi người đoàn kết với nhau để có một khối liên minh thống nhất ở hải ngoại, làm hậu thuẫn cho những người còn kẹt lại ở Việt Nam lúc đó."
Ông Hoàng Đức Nhã
Image captionÔng Hoàng Đức Nhã khẳng định cố Tổng thống Thiệu là người trong sạch và ái quốc.
Ông Nhã cũng cho hay Tổng thống Thiệu đã có một "hoài bão" hay một dự định là để lại một hồi ký kể lại những gì chính ông Thiệu đã làm, để sau này "các sử gia" có thêm căn cứ để khảo cứu hoặc phán xét.
Cuối cùng, đánh giá toàn bộ thân thế, sự nghiệp của ông cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Nhã, người đang sinh sống tại Chicago, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ nhận xét:
“Tổng thống Thiệu là một người ái quốc, một người lãnh đạo quốc gia có đường hướng rất rõ ràng, theo quy định của Hiến pháp, không phải là một người lãnh đạo bất chấp Hiến pháp hay làm theo ý mình.”
“Tính cho đến hơi thở cuối cùng, cố Tổng thống vẫn còn có hoài bão làm thế nào, tuy không làm Tổng thống nữa, nhưng giúp tập thể Việt Nam hải ngoại hậu thuẫn cho đồng bào vẫn còn bất hạnh là sống trong chế độ không được dân chủ hiện nay ở Việt Nam.”
Bài phỏng vấn với Quốc Phương được giới thiệu trên trang BBC Tiếng Việt trong ba phần audio và một bài ngắn về Tổng thống Thiệu và trận mất Hoàng Sa.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment