'Lực lượng thứ Ba mong có hòa bình cho Việt Nam'
Tác giả cuốn "Hồ Chí Minh - Những năm chưa biết đến" vừa cho ra mắt nghiên cứu mới nhất về Lực lượng thứ Ba ở Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam.
Tiến sĩ Sophie Quinn-Judge được biết đến qua nghiên cứu về Hồ Chí Minh.
Năm 2017, bà vừa ra mắt cuốn "The Third Force in the Vietnam War: The Elusive Search for Peace 1954-75".
Trọng tâm của sách nói về những nhóm tại miền Nam Việt Nam, thường được gọi là Lực lượng thứ Ba, hy vọng mở đàm phán giữa hai miền.
BBC có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Sophie Quinn-Judge về nội dung trong sách.
Sophie Quinn-Judge: Tôi từng làm việc với Ủy ban hỗ trợ bè bạn Hoa Kỳ (American Friends Service Committee) tại miền Nam Việt Nam từ 1973-1975.
Vì vậy tôi hiểu rõ tầm quan trọng dành cho "Thành phần thứ Ba" trong khuôn khổ Hiệp định Hòa bình Paris tháng Giêng 1973.
Trong thời gian tôi ở Sài Gòn, tôi quen một số người chiến đấu đòi chính thức công nhận "bên thứ ba". Trong nhiều năm tôi bắt đầu cảm nhận rằng các thế hệ tương lai cần biết về nhóm này.
BBC:Một số kết luận của bà trong sách về "Lực lượng thứ ba"?
Như tôi viết trong sách, lúc đó không ai thực sự tin rằng một Lực lượng thứ Ba có vũ trang sẽ hình thành. Nhưng những nhà tư tưởng về cuộc chiến thường bàn về khả năng tìm ra giải pháp "thứ Ba" cho xung đột bắt đầu từ đầu thập niên 1960.
Thực sự thì việc suy nghĩ về Con đường thứ Ba cũng chẳng khác mấy so với một giải pháp chính trị được hình dung trong quá trình Geneva 1954.
Trọng tâm câu hỏi là liệu nhân dân Việt Nam có cơ hội được ngồi xuống, nói chuyện với nhau về các cách thức giải quyết xung đột.
Thật buồn, bất kỳ khi nào khả năng này mới chớm, như 1954 hay 1973, những người cực đoan lại từ chối đàm phán, hay công nhận tính chính danh của "phe kia". Sự từ chối này chủ yếu đến từ chính quyền Sài Gòn và những người bảo trợ phương Tây ở Washington DC.
Rốt cuộc, đa số người Việt sợ hãi đàn áp và không dám công khai nhận mình liên quan phe thứ Ba. Thế là các lãnh đạo tôn giáo và những người có tiếng khác đã đảm đương vai trò này, trong đó có Tướng Dương Văn Minh vào giờ phút sau này.
BBC: Khi bà gặp những người theo quan điểm này cho việc nghiên cứu, bà có ấn tượng thế nào?
Từ trước 1975, tôi đã gặp nhiều người của nhóm thứ Ba, nên tôi biết họ là những con người dũng cảm, có động cơ phục vụ đất nước.
Trong chiến tranh, một số người bị tù như bà Ngô Bá Thành, các sinh viên Nguyễn Hữu Thái, Cao Thị Quế Hương.
Sau chiến tranh, một số người khác bị tù như Cha Stêphanô Chân Tín, linh mục Nguyễn Ngọc Lan.
Nhiều người như nhà báo Hồ Ngọc Nhuận và Lý Quý Chung đã làm việc với cả chính phủ Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ cộng sản sau 1975.
Không ai trong số này phản đối lý tưởng xã hội của chính phủ cộng sản, mặc dù họ phản đối sự đối xử ngặt nghèo với bên thua cuộc sau 1975.
Một số rời Việt Nam trong thập niên 1980 và sau này quay về làm việc ở Việt Nam.
Trong số những người tôi nhắc đến trong sách, tất cả đều trung thực và có lòng hy sinh.
BBC: Bà có nghĩ nhiều người ở Việt Nam sẽ đồng tình với các kết luận trong sách?
Tôi không chắc chắn, vì không thể nói thay cho mọi người đã chịu khổ đau trong cuộc chiến này.
Tôi biết rằng vẫn còn cảm giác khinh ghét mạnh mẽ chống những người đi hợp tác với phe kia, dù là cộng sản hay Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng khi có thời gian nhìn lại, tôi hy vọng đa số người Việt sẽ thấy rằng đó là lựa chọn đạo đức và logic, với cố gắng muốn hòa giải hai phía vì hòa bình.
BBC:Vậy còn quá trình làm nghiên cứu tại Việt Nam? Nó đã dễ dàng hơn không?
Thực ra tôi hoàn tất phần lớn nghiên cứu ở Việt Nam ba năm trước, tuy cuốn sách mới ra mắt năm 2017.
Theo trải nghiệm của tôi, ở Việt Nam có những lúc rất cởi mở và những lúc căng thẳng.
Là một sử gia, tôi có niềm vui khi được làm việc trong Trung tâm lưu trữ ở TP. HCM, cũng như nhiều thư viện quốc gia nơi tôi đọc báo.
Một số hồi ký như của ông Lý Quý Chung và Hồ Ngọc Nhuận rất có giá trị. Tôi mừng là họ đã có thể viết ra chuyện của mình, mặc dù trong trường hợp ông Hồ Ngọc Nhuận, ông ấy phải tự in.
Xem thêm:
No comments:
Post a Comment