Thursday, September 20, 2018

Ông Mao là gì với Trung Quốc hôm nay?

Ông Mao là gì với Trung Quốc hôm nay?

Giống như mọi thứ khác ở Trung Quốc, vai trò của Mao ngày nay mang nhiều nét đối nghịch. Ông vừa lớn hơn, lại vừa nhỏ hơn so với bức chân dung khổng lồ đặt tại Thiên An Môn—tấm hình chắc sẽ không dễ bị dỡ bỏ nay mai.
Lớn hơn, bởi Mao là một nhân vật kiểu George Washington.
Ông là người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thống nhất được một quốc gia giàu truyền thống nhưng có nhiều khác biệt và dàn trải trên một lãnh thổ rộng lớn.
Nhỏ hơn, bởi giới trẻ Trung Quốc hiện nay, gồm cả những đảng viên cộng sản, hầu như không biết gì về những bài viết, học thuyết, thành công và cả những sai lầm khủng khiếp của ông.
Tập Cận Bình và ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã cảnh báo rằng sự đi xuống của chủ nghĩa Mao, tương tự như ở Liên Xô, sẽ dẫn tới sự hỗn loạn và làm suy yếu chế độ hiện tại-chế độ vốn coi sự ổn định là yếu tố tiên quyết trên con đường cải cách đầy chông gai.
Tuy vậy, họ cũng không ngần ngại khi chỉ ra những thảm họa dưới thời Mao Trạch Đông như “Đại Nhảy Vọt” thời cuối thập niên 1950 và thời Cách Mạng Văn Hóa giai đoạn 1966-1976.
Những cuộc thử nghiệm xã hội đầy hoang tưởng đó đã cướp đi mạng sống của hàng chục triệu người vô tội.

Thử nghiệm xã hội

Không giống như Stalin, Mao không trừng phạt ai và chắc chắn không muốn tạo ra nạn đói khủng khiếp.
Nhưng ông không hiểu rằng mình đã bị cuốn theo những cuộc thử nghiệm xã hội-vốn làm rối loạn cuộc sống của vô số người dân- và cũng không biết những thí nghiệm kiểu vậy sẽ đi về đâu.
Mao đã thừa nhận điều này với nhà văn cánh tả người Mỹ Anna Louise Strong vào năm 1958, khi bà định viết một cuốn sách về chương trình “Đại Nhảy Vọt” của Mao.
“Hãy chờ 5 năm nữa rồi hẵng viết,” Mao nói và giải thích với Louise Strong rằng ông không chắc chắn về kết quả đạt được sẽ là gì.
Liệu ông Tập có định làm sống lại chủ nghĩa Mao hay không? Liệu cựu bí thư Trùng Khánh nay đã thất sủng, Bạc Hy Lai, đã từng muốn làm vậy? Câu trả là “không” cho cả hai trường hợp.
Ông Bạc đơn giản là lợi dụng những khẩu hiện mị dân để thu hút đám đông quần chúng nghèo khổ.
Thế còn chính sách cải cách của ông Tập đang trái ngược hoàn toàn với kinh tế kiểu Mao, nhưng ông đã khéo léo sử dụng logic biện chứng của chủ nghĩa Mao để phân tích các vấn đề của Trung Quốc, và từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp. Ông cũng thường ca ngợi những thành tựu tích cực của thời đại Mao Trạch Đông.
Điều này dẫn đến một quan điểm rất thú vị, vốn được hầu hết các học giả thừa nhận, ngoại trừ một số nhân vật như Peter Nolan của trường Đại học Cambridge: học thuyết phân tích và tổng hợp của Mao là vũ khí bí mật của Trung Quốc, dù nó đang bị bỏ quên tại thời điểm hiện tại, ngay cả ở chính Trung Quốc.
Hãy nhìn vào hoàn cảnh Trung Quốc lúc tôi đến đây hồi tháng 9, 1945.

Tư duy khoa học?

Hai phái kình chống nhau, Quốc Dân Đảng và Cộng sản, khi đó đang chuẩn bị lực lượng để tranh giành quyền lực trong một cuộc nội chiến đẫm máu.
Image captionRittenberg từng được Mao Trạch Đông ký tặng Mao tuyển tại Thiên An Môn
Quốc Dân Đảng được chuẩn bị tốt hơn, binh lính quy củ hơn, được hỗ trợ bằng máy bay, xe tăng, pháo hạng nặng, hệ thống vận chuyển được cơ giới hóa, và đông gấp nhiều lần so với phe Cộng sản.
Quốc Dân Đảng kiểm soát hầu hết những đường dây liên hệ chính, tất cả những thành phố lớn ở bên ngoài Mãn Châu. Họ cũng nhận được sự trợ giúp khổng lồ bằng cả tiền bạc lẫn vũ khí từ Hoa Kỳ. Họ thực sự vượt trội về mọi mặt.
Phe Cộng sản thì sao? Vào tháng 11, 1946, tôi đã đi bộ 40km từ Diên An để gặp lữ đoàn 359, mà vị chỉ huy Vương Chấn là bạn của tôi.
Lữ đoàn này từng trải qua cuộc Vạn lý Trường Chinh huyền thoại và đã mở con đường máu xuống phía nam Quảng Đông để giúp xây dựng căn cứ hàng không cho quân đội Hoa Kỳ trong Thế Chiến đệ nhị.
Gặp họ trên đường hành quân đến Diên An, tôi thấy kinh ngạc với những gì được chứng kiến. Một lữ đoàn ăn xin thì đúng hơn.
Hầu hết trông như thiếu niên, một số được đi giày khâu, còn hầu hết xỏ những đôi dép cỏ tự chế. Cứ một đội 10 người thì chừng 5 hay 6 người mang súng trường lấy của quân Nhật, còn lại mang trùy gỗ hay giáo mác buộc dây màu đỏ.
Tôi thấy tim mình chùng xuống: làm sao mà họ thắng được?
Nhưng rồi họ vẫn thắng, thắng dễ dàng là đằng khác.
Tại sao? Bởi vì họ có tư duy khoa học và vượt trội hơn, vốn dẫn tới những chính sách thông minh và được ủng hộ rộng rãi (như Cải cách Thổ địa), và họ thay đổi chiến thuật liên tục để đánh bại đội quân Quốc Đân Đảng có sức ỳ quá lớn.

Triết học kiểu Mao

Mao luôn tự gọi mình là “giáo viên tiểu học.” Trên thực tế, ông có lẽ là giáo viên triết học dạy nhiều học trò nhất trong lịch sử loài người.
Một trong những giáo lý quan trọng nhất của Mao là tìm ra sự thật từ thực tế. Tìm hiểu hoàn cảnh thực tế và đưa ra chính sách dựa trên điều đó.
Image captionMao đã vận động hàng triệu nông dân Trung Quốc tham gia kháng chiến
Không thể bắt đầu từ “sự thật hiển nhiên” và gom lại thực tế để chứng minh mình đúng, làm ngơ trước những thực tế đi ngược lại với kết luận của mình.
Vào năm 1947, tôi dịch một bộ 40 bài báo giải thích về cách thi hành Cải cách Ruộng đất. Bài số 40 được Mao đích thân viết bằng cây bút lông sói nổi tiếng của mình.
Bài báo nói rằng nếu bất cứ thành viên Cải cách Thổ địa nào bất đồng với điều 40 và muốn phá hoại nó, thì cách tốt nhất để phá hoại chính là thực hiện chính xác điều 40 đó tại làng quê của mình.
Không tìm hiểu tình hình địa phương, không ra các quyết đinh phù hợp với nhu cầu địa phương thì sẽ không thay đổi được gì cả, và tất yếu sẽ thất bại. “Không làm thì đừng có mà nói,” Mao tuyên bố.
“Một biến thành hai,” tất cả mọi thứ đều có nhiều mặt, đều nằm trong một dòng chảy, không có gì là đơn giản và thuần chất. Nếu không phân tích, không đặt ra câu hỏi, giả định rằng “cái anh nhìn thấy là cái anh nhận được” chính là nguyên do dẫn tới sự đơn giản hóa quá mức và thảm họa.
Một vị chỉ huy Quốc Dân Đảng có thể chống Cộng, nhưng cô con gái yêu của ông lại tham gia phong trào sinh viên và gây ảnh hưởng tới người cha; ông ta có thể bất đồng sâu sắc với Tưởng Giới Thạch, hay thư kí của ông ta có thể là một người cộng sản ngầm.
Con người luôn phức tạp và có nhiều mặt, phải tìm ra được nút thắt và tháo gỡ nó.
Kẻ thù vượt trội về lực lượng và vũ khí? Vậy thì hãy đánh bại chúng trong những chiến dịch nhỏ, ở những địa phương nơi mà mình có nhiều quân và nhiều lợi thế hơn; không bao giờ đánh khi không chắc thắng.
Vị trí chiến lược lúc đầu sẽ là phòng ngự, nhưng trong mỗi trận chiến riêng lẻ phải là thế tấn công, để thay đổi tương quan lực lượng và giành thắng lợi sau cùng.
Mao áp dụng tư tưởng Con đường Quần chúng “từ dân và vì dân.”
Giới lãnh đạo phải là một trạm xử lý, tổng hợp dữ liệu dựa trên nhu cầu và đòi hỏi của quần chúng, tạo ra những chính sách phù hợp với những nhu cầu đó, và đưa lại cho quần chúng quyền giám sát các quyết định, tạo ra những sửa đổi phù hợp.
Lãnh đạo phải là một quá trình “dưới lên-trên xuống-dưới lên” như vậy. Tái tạo lại lối suy nghĩ này là một trong những nỗ lực lớn của ông Tập Cận Bình.
Các sử gia Trung Quốc cũng như quốc tế sẽ tiếp tục tìm hiểu vai trò của Mao trong hàng thế kỉ tới, nhưng nhân vật đa tài này, với cả những điều thiện và điều ác khủng khiếp mà ông ta đưa ra, sẽ không dễ bị gạt ra bên lề trong xã hội Trung Quốc hiện đại.
Sidney Rittenberg là người Mỹ, năm nay 89 tuổi. Ông là đảng viên cộng sản với thời gian 35 năm sống ở Trung Quốc, từng đứng cạnh Chủ tịch Mao Trạch Đông và được Mao yêu mến. Bài này được ông viết cho BBC nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Mao, 26/12/2013.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment