Tranh Vua Hàm Nghi vẫn lưu lạc tha hương
Tôi gặp lại Amandine Dabat, cháu gái đời thứ năm vua Hàm Nghi vào ngày khai mạc triển lãm ‘Anywhere but here’ tại Bétonsalon- Trung tâm Nghệ Thuật và Nghiên cứu Đại Học Paris Didero.
Triển lãm mở cửa từ 13/09/2016 tới 05/11/2016.
Amandine vẫn vậy, cởi mở, sôi nổi. Nụ cười Amandine làm tan đi cái nóng ngột ngạt của Paris. Amandine mang giới thiệu ở đây những tác phẩm của vua Hàm Nghi:
‘Chân dung tự họa vẽ năm 1896’, ‘Vách đá Port-Blanc’ (1912), ‘Cây olive già’ (1905), ‘Mầu xanh’ (1920) và pho tượng ‘Eve’ (1925).
Một khởi đầu tìm lại khuôn mặt nghệ thuật của ‘Hoàng tử An Nam’, tên chính thức của vua Hàm Nghi trong hộ chiếu Pháp.
Năm 1926, ông vua mất ngôi Hàm Nghi đã lần đầu ra mắt công chúng với 38 bức tranh sơn dầu, 12 bức tranh pastels và 8 tượng.
Từ 15 đến 27/11/1926 Galerie Mantelet ở một Paris xóa mờ lằn ranh thù hằn, nghi kỵ, đã nhập sản phẩm trí tuệ của một người tù giam lỏng đến từ Việt Nam vào dòng chảy nghệ thuật thủ đô .
Hàng năm vào hè, nhà vua bị quản chế mới được giấy phép vào nước Pháp lục địa. Dù Algeria lúc đó vẫn còn là một tỉnh lỵ Pháp bên biển Địa Trung Hải. Nhiều là ba tháng, ghé Paris hay xuôi xuống Vichy, vùng suối khoáng chữa bệnh. Vãn mùa, lại quay về Alger, nơi lưu đầy từ năm 1889.
Vang bóng nghệ thuật 90 năm trước về của nhà vua, mà tên tuổi gắn liền với phong trào Cần Vương của nước Việt xa xôi đã phủ dầy lớp bụi thời gian. Tất cả như chìm sâu vào bóng tối giấc ngủ thế kỷ, thưa thớt thành viên gia tộc Hoàng đế lưu đầy lưu giữ những hoài niệm.
Phiêu lưu ‘Công chúa ngủ trong rừng’ có thêm một cô gái duyên dáng kể chuyện cổ tích.
Amadine vượt gập nghềnh và năm tháng nhọc nhằn đã đánh thức giấc ngủ của ‘Hoàng tử An Nam’. Và như hồi kết luôn luôn đẹp của các câu chuyện cổ, cô gái mảnh mai, dũng cảm mang về cho chúng ta một món quà thú vị.
Mây trời bến nước vấn vương
Đó là ‘Hoàng tử An Nam’ với mây trời, bến nước qua khung vải. Đó là vân tay tài hoa ngày nào còn đọng trên bờ vai bức tượng đồng khỏa thân, với sóng tình người nghệ sĩ trong chao đảo đất trời trăm năm về trước.
Đẹp, cảm động, vì đó hình hài nguyên vẹn người nghệ sĩ. Vật thể hiếm hoi trên đất nước đầy giao tranh, máu lửa, nơi những người đàn bà chỉ còn sinh ra anh hùng và kẻ ác độc.
Vấn vương, cay đắng cách đây 5 năm vẫn nguyên vẹn. Khi bức tranh như cái tên định mệnh ' Chiều tà - Déclin du jour' của người nghệ sĩ tái hiện công chúng, cũng ở Pháp, sau lại biến vào bí ẩn của một sưu tập tư nhân.
Một người vô danh đã có nhã ý trong năm kỷ niệm 140 ngày sinh của ông (1871-2011) mang bức tranh đến nhà đấu giá Drouot, tôi nghĩ vậy. Như một lời chào các bảo tàng Việt hay lời chào đến Huế?
Một gợi ý tế nhị có ai hiểu?
Để rồi Việt Nam, cũng như Huế buông trôi đi chút hồn gửi gấm của người nghệ sĩ mất tự do vào ánh chiều tắt nắng u buồn nét cọ.
‘Hoàng tử An Nam’ không rao bán 'những đứa con tinh thần' và cơ hội ra mắt công chúng những hoạ phẩm, điêu khắc chỉ có một, duy nhất, xa xôi.
Ai hiểu tranh ông và ai biết ông, một nghệ sĩ?
'Déclin du jour', sau 5 phút rao giá ngày 24/11/2011, lại bẽ bàng bể dâu không hẹn ngày về, với giá 8800 euro.
Số tiền người Pháp nôm na ‘để mua một mẩu bánh’. Xe Renault mạt, bán nửa cho nửa, chèo kéo kẻ khó, mua trả góp, không lấy lãi, còn cao hơn giá ấy.
Ngân quỹ văn hóa quốc gia hay cố đô Huế vẫn chỉ than và thở, vẫn giọng ‘vác rá’, 'hy vọng hảo tâm', 'đánh thức tình đơn, tình kép'.
Kiến thức là một tài sản. Nỗi buồn còn đó. Những người giữ trọng trách văn hóa chẳng đi săn, chẳng đi buôn. Đến Paris như du khách. Na ná người Hoa rủng rỉnh chút tiền, ngây ngây, ghé Paris ẵm chiếc giỏ Louis Vuiton, Lancel, hay đùn đẩy ngó suông những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ trong tủ kính ở Quảng trường Vendôme.
Bức tranh hiện định giá 100.000 euro. Não nề ra sao bây giờ? 'Déclin du jour'cũng là một trong số 38 bức ra mắt lần đầu năm 1926.
Cây đa, cây đề nghệ thuật, bạn danh họa Pablo Picasso, Henri Martisse, Amedeo Modigliani là họa sĩ Nhật bản Tsunguharu Foujita (1886-1968), cũng đã đến xem phòng tranh và chụp ảnh chung với ‘Hoàng tử An Nam’.
Foujita cũng là hoạ sĩ năm 1911 được mời vẽ chân dung cho Hoàng Hậu Nhật Sunjeong (1894-1966).
Tranh vẽ của những danh họa cùng thời với Hàm Nghi như Foujita, Cocteau, Buffet, Modigliani, Monet đều là niềm hãnh diện của những nhà bảo tàng nghệ thuật tên tuổi.
Nghệ sĩ Hàm Nghi thể hiện những tìm tòi của nhiều trường phái hội họa từ ‘cận ấn tượng’, Nabi hay Pont-Aven một thế giới nội tâm ưu sầu sâu thẳm, không thiếu nghẹn ngào.
Tranh ông vắng bóng hơi thở con người, vắng bóng nhân vật, thảng thốt ‘mảnh đất lắm người nhiều ma’. Phảng phất cây gạo, cây đa, cây đại trơ trọi giữa cánh đồng hoang, mà vài nét chấm phá về một mái đình sẽ ôm trọn một vòng tay Việt?
Dư vị đọng lại từ những năm tháng trai trẻ trôi dạt trên đại ngàn?
Mầu sắc và hình khối trong tranh vua Hàm Nghi gợi những mảng mầu tranh Paul Gauguin, rất gần. Gauguin cũng ‘nổi loạn’, cũng bị sách nhiễu.
Ở Marquis, các viên chức thuộc địa thậm chí còn tìm cách phạt Gauguin vì chạy chiếc xe hỏng một đèn chiếu hậu. Dù ở đảođó là chiếc xe duy nhất.
Ngày 11/09/2001, tháp đôi Trung tâm giao dịch World Trade Centrer New York bị khủng bố đánh sập. 2750 người chết, thế giới bước vào khúc ngoặt chiến tranh.
Giữa hai triệu tấn gạch vữa đổ nát và hơi thở Thần Chết ‘sức hút nghệ thuật’ vẫn sống. Bức tượng ‘Người trầm tư’ của Auguste Rodin bị đánh cắp. Hai tác phẩm còn lại của Rodin, dù hư hại, biến dạng vẫn được lưu giữ trong bảo tàng mới khánh thành.
Nóng nảy, có một cuộc đời sóng gió, song Auguste Rodin là khuôn mặt nghệ thuật Pháp trên thế giới. Tác phẩm Rodin có mặt ở Lâu đài Westminster nước Anh, bảo tàng Hoa Kỳ Metropolitan có phòng riêng về tác phẩm của Rodin.
Hàm Nghi là học trò của Auguste Rodin. Một câu chuyện cổ tích ly kỳ nữa.
Amandine chỉ cho tôi xem bức tượng ‘Eve’, như tên người đàn bà ăn trái cấm và dòng chữ khắc chìm '1925', năm đúc tác phẩm và chữ ký bằng Hán tự 春子 ‘Tử Xuân’ (Nghệ danh của vua Hàm Nghi).
Sinh thời, nghệ sĩ vẫn phong cách của các nghệ nhân Á Đông, là không ký tên cho những tác phẩm của mình. Chỉ khi nào thật bằng lòng, Hàm Nghi mới làm việc đó.
Loại hình nghệ thuật điêu khắc, với sự nhào nặn của người thầy được coi là ‘cha đẻ tạo hình hiện đại’ Auguste Rodin bắc cầu cho ‘Hoàng tử An Nam’ một bến bờ khoáng đạt.
Nghệ sĩ như đoạn tuyệt vấn vương một ‘Tống biệt hành’ (Tâm Thâm) như trong các họa phẩm, đoạn tuyệt u uẩn, chia tay sắc mầu nặng của nham thạch trào trên khung vải.
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầmTiếng Đời, tiến vọng, tiếng hờn câm...
Một thế giới ngược lại với cay đắng cõi thực, bỏ lại sau âm thanh nặng nề, âm vực trầm của tiếng contrebass.
Tác phẩm điêu khắc của ông là tình yêu con người, sự nhạy cảm, quyến luyến với nguyên mẫu.
Ở đó cuộc đời với hơi thở nồng nàn, với vẻ đẹp thân thể người thiếu nữ e ấp hay những người thân bao bọc, chia sẻ với ông trên biển sóng cuộc đời. Cất cánh với không gian ba chiều là một Hàm Nghi mạnh mẽ.
Định mệnh bi ai
Định mệnh bi ai và cả bóng mát, những giằng xé ăn sâu thân xác và may mắn gặp được người sĩ quan mang dòng máu quý tộc de Viala mà Hàm Nghi trở thành bất tử? Những người cao cả vốn tử tế, nhân đạo. Họ không mang cái tôi và chức quyền áp đảo người khác. Cả Auguste Rodin.
Họ đã ôm lấy ‘Hoàng tử An nam’ cô độc, tuyệt vọng và cho chúng ta hôm nay một người nghệ sĩ. Một nghệ sĩ hiếm hoi trên mảnh đất có nhiều nhà cách mạng, vắng thi ca, quạnh hưu điêu khắc, hội họa tử tế.
Amandine thổ lộ có danh sách và hình chụp trên một trăm tác phẩm của nghệ sĩ Hàm Nghi.
Lần gặp trước, tôi đã nói đùa rằng khối lượng đồ sộ tư liệu của chị có thể viết thành ba quyển sách. Amandine cười, tán thành. Lần này Amandine cho biết, khoảng một năm nữa hy vọng sẽ ra mắt công trình đầu tiên.
"Còn những họa phẩm và điêu khắc, chắc Amandine không nỡ giam cầm lâu hơn nữa với công chúng mong muốn được chiêm ngưỡng những tác phẩm của vua Hàm Nghi?".
Amandine gật đầu, nở một nụ cười. Amandin hy vọng có những tổ chức hay địa điểm xứng đáng nào đó cùng làm việc đó.
Gặp lại Amandine lần này tôi cũng muốn kết thúc những sai sót mà hai bản Wikipedia tiếng Anh, tiếng Việt viết về ngày mất của vua Hàm Nghi.
Amandine Dabat nói với tôi, phía gia đình vẫn giữ những chứng chỉ liên quan đến ngày mất, cũng như dòng chữ được khắc trên bia mộ ông tại làng Thonac là một bằng chứng. Năm mất chính xác của ngài phải là 1944, ở tuổi 72.
Wikipedia bản tiếng Pháp ghi đúng, hai bản kia đều ghi sai là năm 1943. Phần lớn các tư liệu tiếng Việt đều mắc sai sót này.
Hôm nay Amadine đeo chiếc khánh đá ngọc bích, một trong những kỷ vật cá nhân ít ỏi Hoàng đế bị phế truất mang theo trên tàu ‘Sao chổi’ rời đất Việt đến nơi lưu đầy. Chiếc khánh nặng, chứa cả một thế kỷ lịch sử biến động, huyền ảo.
Tôi như gặp lại 'Hoàng tử An Nam' trong bức tự họa ngài vẽ năm 1896.
Kỹ thuật minh họa với hàng nghìn nét bút nhỏ đan quyện vào nhau này chiếm lĩnh hầu hết các tạp chí, sách tranh những thế kỷ trước. Kỹ thuật truyền thụ, sao chép sự kiện bằng tranh này vốn là tiền đề nhiếp ảnh phóng sự.
Những hải trình đi tìm miền đất mới hay các cuộc chiến tranh không thiếu đóng góp của những người họa sĩ với những bức tranh chân thực phong cách như vậy.
Nghệ sĩ Hàm Nghi thật đặc sắc với kiểu vẽ này. Những nét chì thể hiện còn sống động và bí ẩn hơn bức ảnh do nhiếp ảnh gia Geiser chụp tại Alger năm 1891.
Ông bước ra từ mầu vàng của thời gian, nét xước của bức họa.
Không xa phòng tranh là dòng sông Seine. Hàm Nghi gầy gò, vùng vằng không chịu học bài đang xé giấy gập một chiếc thuyền thả xuống dòng nước tinh nghịch trong ánh mắt trời lấp lánh. Chàng sĩ quan Viala nhảy lên bẻ một cành cây, đẩy chiếc thuyền giấy xuôi theo dòng chảy.
Chòm sao ‘Gấu nhỏ’ hình cánh diều đưa ước mơ người nghệ sĩ nước Nam cùng chiếc thuyền mỏng manh vượt lên những ngọn sóng đổ ra biển.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả hiện sống tại Paris, Pháp.
No comments:
Post a Comment