Monday, December 30, 2013

Bản đồ chủ quyền: Báo Trung Quốc khai thác sơ hở trong giáo dục của Việt Nam

Bản đồ chủ quyền: Báo Trung Quốc khai thác sơ hở trong giáo dục của Việt Nam

Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
eia.doe.gov

Trọng Nghĩa
Từ một tuần lễ nay, dư luận báo chí tại Việt Nam đã sôi nổi hẳn lên sau phát hiện của báo Thanh Niên, theo đó, Bộ Giáo Dục Việt Nam, từ năm 2007, đã bắt học sinh phải sử dụng một phần mềm tin học bản đồ công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau khi vụ việc bùng lên, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm, nhưng vụ này đã lập tức bị báo Trung Quốc khai thác để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong một bản tin công bố vào hôm nay, 29/12/2013, ấn bản trên mạng của tờ báo Đài Loan Want China Times đã loan tin về quyết định của chính quyền Việt Nam, yêu cầu trường học trên toàn quốc đình chỉ việc dùng một tấm bản đồ điện tử, theo đó, Biển Đông và các quần đảo trong vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Tờ báo Đài Loan đã trích dẫn một bản tin ngày 27/12 trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho biết là Bộ Giáo dục Việt Nam đã ban hành lệnh cấm nói trên vào ngày 24/12, yêu cầu các trường trung học không được sử dụng phần mềm tin học bản đồ đó trong chương trình địa lý.
Tuy nhiên, nhân sự kiện diễn ra tại Việt Nam, tờ Hoàn cầu Thời báo đã khẳng định rằng chính Việt Nam đã công nhận là vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc trước năm 1975, vì vào năm 1974, bản đồ và sách vở tại Việt Nam, trong phần giới thiệu về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đều nói rằng các hòn đảo ở Biển Đông đã tạo thành một bức tường lớn bảo vệ lục địa Trung Quốc.
Cũng theo Hoàn cầu Thời báo, từ năm 1975, Việt Nam thay đổi quan điểm và bắt đầu đòi chủ quyền trên một phần của Biển Đông, và cho quân đội chiếm đóng một số đảo.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc như vậy là đã khéo lợi dụng một kẽ hở tại Việt Nam để quảng bá cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng Biển Đông và đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Vấn đề là ngay tại Việt Nam, nhận thức về nhu cầu quảng bá và giáo dục nhận thức về chủ quyền biển đảo vẫn chưa cao, và vụ phần mềm tin học bản đồ lần này nằm trong một chuỗi những vụ tương tự, như bản đồ in trên giấy, bản đồ trên các quả địa cầu thể hiện lập trường Trung Quốc về Biển Đông đã từng được lưu hành tự do trên thị trường Việt Nam.
Tuy vậy, vụ việc lần này được cho là nghiêm trọng hơn vì phần mềm tin học xác định chủ quyền của Trung Quốc bên trong đường lưỡi bò ở Biển Đông lại được giảng dạy chính thức trong trường học, trong chương trình tin học và địa lý của lớp 7, và từ năm 2007 đến nay.
Theo các nguồn tin báo chí trong nước, phần mềm đó mang tên là Earth Explorer, do Trung Quốc sản xuất và được Bộ Giáo dục Việt Nam cho nhập và đưa vào bắt buộc sử dụng trong nhà trường.
Về phần mềm này, báo Người Lao Động ở Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận : « Trong chương trình tin học lớp 7, bài học Học địa lý thế giới với Earth Explorer, học sinh vừa mở phần mềm Earth Explorer, vừa quan sát, vừa làm bài tập theo yêu cầu. Điều lạ là cũng trong phần mềm này, khi học sinh thao tác xem đường biên giới các nước, hình ảnh “đường lưỡi bò” cũng hiện ra rõ nét…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ hệ thống các trường trung học cơ sở đều dạy tin học theo quyển sách này từ năm 2007. Thông tin từ các giáo viên tin học một số trường trung học cơ sở ở quận 5, quận Tân Bình, quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) và một số chuyên viên công nghệ thông tin các phòng giáo dục đều xác nhận có “đường lưỡi bò” trong phần mềm ».
Sau khi vụ việc bị tiết lộ, ngày 24/12 vừa qua, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm dùng phần mềm này, và yêu cầu nhà xuất bản sửa đổi các sai sót.
Các quyết định trên được cho là hợp lý, nhưng vấn đề đặt ra là giới chức chịu trách nhiệm cho lưu hành các tài liệu sai lạc kể trên đã có nhận thức ra sao về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam vì tranh chấp với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông đã xẩy ra từ lâu.
Dẫu sao thì trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, sơ suất từ phía Việt Nam đã nhanh chóng bị Trung Quốc khai thác. Bài báo trên tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 27/12/2013 là một ví dụ điển hình.
TAGS: BẢN ĐỒ - BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - CHỦ QUYỀN - GIÁO DỤC - HOÀNG SA - PHÂN TÍCH - TRANH CHẤP - TRUNG QUỐC -TRƯỜNG SA - VIỆT NAM - ĐƯỜNG LƯỠI BÒ

Sự im lặng khó hiểu của ASEAN về vùng phòng không Trung Quốc

Sự im lặng khó hiểu của ASEAN về vùng phòng không Trung Quốc

Hai hãng hàng không dân sự trong khối ASEAN là Singapore Airlines và Thai Airways cho biết tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc - AFP
Hai hãng hàng không dân sự trong khối ASEAN là Singapore Airlines và Thai Airways cho biết tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc - AFP

Đức Tâm
Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Úc. Các nước này bày tỏ sự bất bình hoặc chỉ trích Bắc Kinh làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng. Nhưng cho đến nay, Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN vẫn im hơi lặng tiếng một cách khó hiểu.

Khi lập vùng phòng không, Trung Quốc không hề tham khảo trước các nước láng giềng hoặc Hoa Kỳ. Điều này cho thấy Bắc Kinh quyết tâm tiến hành đơn phương các hoạt động vì lợi ích riêng của mình, đặc biệt trong vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Giới chuyên gia về Đông Nam Á rất quan tâm đến khả năng liệu Trung Quốc có lập một vùng phòng không tương tự tại Biển Đông hay không. Dường như đoán trước được câu hỏi này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) đã tuyên bố : « Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng nhận dạng phòng không khác, vào thời điểm thích hợp, sau khi hoàn tất các chuẩn bị cần thiết ».
Ba ngày sau khi tuyên bố lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh điều hàng không mẫu hạm Liêu Ninh xuống Biển Đông.
Trước các tín hiệu này, ASEAN vẫn không hề có phản ứng. Chỉ có ba hãng hàng không dân sự, trong đó có hai công ty thuộc khối ASEAN là Singapore Airlines và Thai Airways, hãng thứ ba là Qantas Airways của Úc đều cho biết sẽ tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc khi đi qua vùng phòng không.
Vài ngày sau, Ngoại trưởng Philippines lên tiếng cảnh báo là Trung Quốc có thể tìm cách kiểm soát không phận trên Biển Đông. Thông cáo chung của Thượng đỉnh kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật – ASEAN chỉ đề cập một cách gián tiếp đến hành động của Trung Quốc, rằng các bên « đồng ý tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo sự tự do bay trên bầu trời và an ninh hàng không dân sự, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ».
Theo nhà phân tích Dylan Loh Ming Hui, thuộc trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế Rajaratnam, đại học Nanyang Technological University, Singapore, thì có ba nguyên nhân giải thích phản ứng chậm trễ của ASEAN.
Trước tiên, dường như lãnh đạo các nước ASEAN muốn áp dụng chính sách « Chờ xem ». Có thể họ nghĩ rằng, tại sao lại chấp nhận rủi ro chọc tức Trung Quốc và làm cho tình hình thêm xấu đi, trong lúc những nước lớn hơn, có ảnh hưởng hơn lại không chủ trương đối đầu với Bắc Kinh.
Nguyên nhân thứ hai là một số nước trong ASEAN cho rằng vùng phòng không Trung Quốc tác động rất ít đến Hiệp hội – và như vậy, không có lý do gì để lo ngại – bởi vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông hoàn toàn khác với tranh chấp ở Biển Đông.
Nguyên nhân thứ ba là do cơ chế ra quyết định của ASEAN đòi hỏi phải có sự đồng thuận trong toàn khối. Do vậy, rất khó có được một câu trả lời chung, nhất là các nước thành viên có các quan điểm khác nhau về Trung Quốc.
Phản ứng chậm trễ của ASEAN làm cho Trung Quốc hiểu rằng việc lập vùng phòng không được chấp nhận và sẽ khuyến khích Bắc Kinh hành động tiếp ở những nơi khác. Nếu đã lập được vùng phòng không ở biển Hoa Đông, nơi mà tình hình căng thẳng hơn, quan hệ với Nhật Bản xấu hơn, thì có trở ngại gì mà không làm tiếp ở Biển Đông, nơi mà tình hình tương đối yên ổn hơn ?
Vả lại, cách hành xử của Trung Quốc ở biển Hoa Đông không khác gì so với tại Biển Đông, như điều động tàu hải giám, ngư chính, máy bay xâm nhập vào các vùng đang có tranh chấp.
Theo giới chuyên gia, ASEAN cần có tiếng nói chung, bày tỏ mối lo ngại và yêu cầu Trung Quốc cho biết có ý định lập vùng phòng không ở Biển Đông hay không. Nếu Bắc Kinh trả lời một cách mơ hồ, hoặc tiêu cực, thì ít ra, ASEAN có thời gian để thương lượng nội bộ, cùng nhau đưa ra kế hoạch đối phó chung.
ASEAN có một số cơ chế để giải quyết các tranh chấp, như Hiệp ước bất tương xâm 1976 mà Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều tham gia hay tuyên bố chung 2002 về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC, nhưng chưa đủ và không hiệu quả.
Nếu ASEAN không có tiếng nói và hành động chung, thể hiện tình đoàn kết nội bộ, thì ít có khả năng ngăn chặn được Trung Quốc tìm cách thống trị vùng trời Biển Đông và ở những nơi khác.
TAGS: ASEAN - BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

'Chính Mao đã quyết định đánh Hoàng Sa'

'Chính Mao đã quyết định đánh Hoàng Sa'

Cập nhật: 17:24 GMT - thứ bảy, 28 tháng 12, 2013
Áp phích Mao Trạch Đông
Mao là người chủ xướng cuộc tấn chiếm Hoàng Sa, theo nhà nghiên cứu VN.
Mao Trạch Đông là người 'quyết định' tấn chiếm Hoàng Sa từ tay của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chính quyền của ông Mao chưa bao giờ giúp đỡ Việt Nam 'bất vụ lợi', theo một nhà nghiên cứu từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC về di sản của Mao Trạch Đông trong quan hệ Trung - Việt trong dịp đánh dấu 120 năm sinh của ông Mao, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy từ Hà Nội cho rằng chính quyền Mao chưa bao giờ 'vô tư' giúp Việt Nam và luôn có 'mưu đồ' trên Biển Đông.
Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu giai đoạn từ 1993-1996 khẳng định Trung Quốc chỉ giúp Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh do thấy Việt Nam 'là một món hàng tốt' có lợi cho vị thế và bang giao quốc tế của Trung Quốc, có thể giúp ích cho Bắc Kinh trước nguy cơ của người Mỹ ở khu vực.
Về sự kiện Trung Quốc tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ông Dy nói:
"Việc đánh chiếm Hoàng Sa lần thứ hai ngày 17/1/1974, đánh chiếm một nửa Hoàng Sa của Việt Nam, nói thẳng là Mao Trạch Đông là người quyết định đánh,"
"Mao Trạch Đông là người quyết định đánh... Chu Ân Lai chính là người vạch ra kế hoạch, Diệp Kiếm Anh là người đôn đốc thi hành, và Đặng Tiểu Bình lúc đó mới được phục hồi ra cũng đi sang Cục Tác chiến của Trung Quốc để áp trận."
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
"Tôi có tài liệu, Chu Ân Lai chính là người vạch ra kế hoạch, Diệp Kiếm Anh là người đôn đốc thi hành và Đặng Tiểu Bình lúc đó mới được phục hồi ra cũng đi sang Cục Tác chiến của Trung Quốc để áp trận."
Nhà nghiên cứu nói quyết định này của Mao, cũng như các chính quyền kế thừa của ông về sau, phản ánh tính 'nhất quán' trong điều mà ông gọi là 'mưu đồ' của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Cái đó là âm mưu nhất quán của Trung Quốc trong vấn đề bành trướng, chiếm cứ trên đảo thôi, nó không có gì lạ cả," ông Dy nói.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cũng nói thêm hành động của Bắc Kinh chỉ có thể tiến hành được do có sự 'bật đèn xanh' và một thái độ được cho là 'không đứng đắn' của Washington mà khi đó đang là một đồng minh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn.
"Phải nói thẳng đây là một hành động không đứng đắn của người Mỹ...
"Thua mất mặt ở Việt Nam, họ xấu hổ, nên nhà cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ bật đèn xanh để cho Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam."

'Việt Nam là một món hàng'

Ông Dương Danh Dy nêu quan điểm cho rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với chính quyền cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến với người Pháp và người Mỹ là có tính toán.
Nhả nghiên cứu Trung Quốc này nói: "Trung Quốc từ xưa tới nay chưa bao giờ vô tư viện trợ Việt Nam như họ vẫn nói đâu, mà họ viện trợ cho Việt Nam đều nhằm mục đích trục lợi trên cái đó.
"Bắt đầu từ Hội nghị Geneve về Đông Dương, Trung Quốc thấy Việt Nam là một món hàng tốt, nhờ có Việt Nam mà Trung Quốc mới được mời đến tham dự Hội nghị Geneve năm 1954 về Đông Dương, với tư cách một nước lớn ở khu vực có liên quan...
Tàu hải quân Trung Quốc tấn công Hoàng Sa
Tàu hải quân Trung Quốc tham gia tấn công Hoàng Sa tháng 1/1974.
"Trong quá trình diễn biến của Hội nghị Geneve, Trung Quốc càng thấy rõ Việt Nam là món hàng có thể dùng nó để trao đổi với Anh, với Pháp, sau này cả với cả Mỹ, trong quan hệ."
Theo cựu quan chức ngoại giao này, Trung Quốc đã giúp Bắc Việt 'chống Mỹ' vì quan ngại miền Bắc Việt Nam rơi vào tay người Mỹ, thì Trung Quốc 'sẽ không được yên' và không thể làm được cuộc 'cách mạng văn hóa'.
Tuy nhiên, ông Dy cũng thừa nhận Việt Nam đã nhận được những sự giúp đỡ 'to lớn' và 'quan trọng' của Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh mà ông xem đó là sự 'nhường cơm, sẻ áo' của 'nhân dân Trung Quốc'.
Ông nói: "Xưa nay khẳng định đúng là nhân dân Trung Quốc nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ chúng tôi"
"Nhưng ban lãnh đạo Bắc Kinh đã lợi dụng những tình cảm đó của người dân Trung Quốc để dùng vào mục đích không cao đẹp tí nào cả."
Cuối cùng, đánh giá về việc chính Trung Quốc đợt này chỉ kỷ niệm sinh nhật Mao Trạch Đông 'có chừng mực', nhà nghiên cứu nhận định điều này là do phe không muốn 'đề cao' ông Mao một cách rầm rộ trong nội bộ Trung Quốc đang 'tạm thời thắng thế'.

Thêm về tin này

CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974

CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974

Cập nhật: 10:30 GMT - thứ hai, 30 tháng 12, 2013
Bốn mươi năm trước, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, đánh bật lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại đó và chiếm đóng quần đảo này từ đó.
Trận hải chiến kéo dài chưa tới hai ngày dẫn đến việc Trung Quốc chiếm trọn quyền kiểm soát quần đảo này.
̣Điện tín của CIA cũng theo dõi phản ứng từ Bắc Việt khi đó
Bị ràng buộc bởi Hiệp định Paris, Hạm đội 7 Mỹ nằm ngoài khơi Thái Bình Dương không can thiệp một chút gì vào cuộc chiến này cả, nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không quan tâm: Hồ sơ bạch hóa của CIA cho thấy họ theo dõi trận chiến và tường trình lên tổng thống Mỹ mỗi ngày.
Không phải tới năm 1973 Mỹ mới theo dõi tình hình Hoàng Sa.
Hầu hết những động thái trước đó của Trung Quốc liên quan đến quần đảo này đều được CIA ghi nhận, kể cả lời tuyên bố đường lưỡi bò 12 hải lý năm 1958.
Những thông tin này được tóm tắt trong bản Central Intelligence Bulletin (“CIB”), một bản tin tình báo hàng ngày của CIA nộp cho Tổng thống và các viên chức cao cấp.

Gia tăng hoạt động

Ngày 16 tháng 6 năm 1971, một bản CIB báo tin Bắc Kinh gia tăng hoạt động trong vùng quần đảo Hoàng Sa:
“Những đoàn công voa hải quân từ Yu-lin (Du Lâm) trên đảo Hải Nam hiện tới Hoàng Sa thường xuyên, nhất là Woody Island (đảo Phú Lâm), một trong những đảo lớn nhất trong nhóm. Bảo vệ đoàn tàu chủ yếu là tàu khu trục, là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.”
Bản CIB này cho biết Trung Quốc “đang xây một bến đậu, vét một con kênh, xây một cây cầu, và dựng nhiều tòa nhà mới trên đảo.”
Chiến hạm Nhật Tảo của VNCH đã tham gia bảo vệ Hoàng Sa
Bản CIB cũng khuyến cáo là trong tình trạng nhiều nước cùng tranh chủ quyền Hoàng Sa, những hoạt động xây cất này củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Hồ sơ CIA cũng nhận xét rằng Trung Quốc từ nhiều năm đã giữ một đài truyền thông và quan sát trên đảo Phú Lâm và ngư dân Trung Quốc dùng Hoàng Sa làm nơi trú ẩn và lấy tổ yến.
Tới tháng 1/1974, giao tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa.
Bản tin CIB đề ngày 18/1 (giờ Washington, tức 17/1 giờ Việt Nam) báo động là “Trung Quốc và Nam Việt Nam có thể đã giao tranh hôm 16/1 vì Trung Quốc chiếm đảo Robert Island (đảo Hữu Nhật).
Sài Gòn (ý nói CIA tại Sài Gòn) báo cáo là binh sĩ Nam Việt Nam bắn vào phía Trung Quốc khi những người này dựng lều và cắm cờ trên đảo. Phía Nam Việt Nam cũng cho rằng quân Trung Quốc đã đổ bộ xuống hai đảo nữa trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (còn gọi là Nguyệt Thiềm).”
Bản tin CIB nhận xét rằng trước trận giao tranh này, vụ đụng độ duy nhất trước đó là năm 1959 khi phía VNCH bắt một số ngư dân Trung Quốc trong nhóm đảo Lưỡi Liềm và vài ngày sau thả họ ra.
Đến hôm sau, bản tin CIB ngày 19/1 báo tin “lực lượng Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh trên một hòn đảo của Hoàng Sa, đươc cho biết là Duncan Island (đảo Quang Hòa). Bản tin này, với nhiều đoạn còn chưa được bạch hóa, đưa tin rằng có 74 thủy quân lục chiến Việt Nam đổ bộ lên đảo và “bị khoảng hai đại đội Trung Quốc bao vây.”
“Phía Nam Việt Nam báo tin có 3 thủy quân lục chiến bị giết và 2 bị thương, và hiện đã rút lực lượng ra khỏi đảo.”
Bản tin ngày 21/1, tóm tắt trận hải chiến, ghi nhận “quân đội Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh hôm qua (tính ra là ngày 19/1) trong ngày thứ nhì, với phía Trung Quốc chiếm trọn phần kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.”
Bản tin này, đi kèm một trang bản đồ Hoàng Sa, trích lời “phát ngôn viên Nam Việt Nam” cho biết:
"Một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam 'lúng túng' trước trận chiến Hoàng Sa"
“Phía Trung Quốc sau khi không kích vào sáng hôm qua thì tiếp theo với cuộc đổ bộ vào các đảo Pattle, MOney, và Robert (Hoàng Sa, Quảng Ảnh, Hữu Nhật). Các lực lượng hải và không quân của Sài Gòn đã được lệnh rút ra khỏi vùng này, và phía Nam Việt Nam đã bỏ lại quân đội trên đảo. Trong số người bị bỏ lại là một sĩ quan liên lạc người Mỹ, thuộc văn phòng tùy viên quốc phòng (DAO).”
Một số tài liệu khác cho thấy viên sĩ quan này khi đó đã giải ngũ, và trở thành một nhân viên dân sự của DAO tên là Gerald Kosh, sau đó có viết báo cáo chi tiết về trận chiến nộp cho Bộ binh Hoa Kỳ.
“Cho tới gần đây,” bản tin viết tiếp, “phía Nam Việt Nam chỉ duy trì sự hiện diện trên đảo Hoàng Sa. Sự xuất hiện của binh sĩ Sài Gòn trên các đảo lân cận có thể đã kích thích cho hoạt động quân sự của Bắc Kinh.”
Tới ngày 29/1, bản tin CIB cho biết Trung Quốc bắt đầu trả tù binh, khởi đầu với Gerald Kosh và năm quân nhân VNCH bị thương, sẽ được chuyển cho Hồng thập tự tại biên giới Hong Kong ngày 31/1.
CIA cũng quan tâm đến một chi tiết do một sĩ quan Việt Nam nói với phóng viên Washington Post, cho rằng vài ngày trước trận hải chiến, VNCH quan sát tàu chiến Liên Xô đi qua vùng biển này.
Bài báo này khiến CIA phải kiểm chứng lại, và trả lời trong một bức điện gửi từ trung tâm điều hành Operation Center của CIA đến phòng Situation Room của Nhà Trắng.
Bức điện tín đề ngày 23/1 bác bỏ chi tiết này và viết, “Không một chiếc tàu chiến Xô-viết nào đến gần quần đảo Hoàng Sa từ sau tháng 11 năm ngoái, dù có một tàu tuần dương, một tàu khu trục, và ba tàu ngầm đi băng qua biển Nam Hải (biển Đông) trên đường đến Ấn Độ Dương.

Liên Xô lo Trung Quốc

Hải quân Xô-viết tỏ ra đặc biệt không quan tâm đến vụ Hoàng Sa: Tàu Xô Viết neo ở biển Nam Hải để thu thập tình báo vẫn theo dõi căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Philippines, thay vì sự việc ở Hoàng Sa.”
Bản đồ Hoàng Sa của Hoa Kỳ ghi nhận hoạt động xây cất từ phía TQ
Trong khi CIA tường thuật là cả Việt Nam Cộng Hòa lẫn Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa, thì một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam “lúng túng” trước trận chiến này.
Bức điện tín trích báo chí Pháp cho hay “nguồn tin được phép nói” (authorized sources) của Hà Nội phát biểu rằng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ là một “nghĩa vụ thiêng liêng” của mọi quốc gia, nhưng ngược lại cũng cho rằng “những tranh chấp nhiều khi phức tạp đối với lãnh thổ và ranh giới giữa hai nước láng giềng cần được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng.”
Liên Xô, ngược lại, không ngại ngần dùng trận chiến này để bêu xấu Trung Quốc.
Bản tin CIB ngày 21/3/1974 cho rằng: “Bộ máy tuyên truyền của Moscow đã dùng sự kiện Hoàng Sa và việc Trung Quốc ủng hộ phiến quân ở Miến Điện để lợi dụng sự nghi ngại truyền thống của Nam và Đông Nam Á đối với Trung Quốc.”
Bản tin này cũng cho rằng “Moscow có thể cũng lo ngại rằng việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa là bằng chứng của một sự hiểu ngầm giữa Bắc Kinh và Washington về khu vực.”
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên ở California, Hoa Kỳ. BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài về chủ đề hải chiến Trường Sa và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Thêm về tin này

Saturday, December 28, 2013

Ý nghĩa vụ thanh trừng ở Bắc Hàn với TQ

Ý nghĩa vụ thanh trừng ở Bắc Hàn với TQ

Cập nhật: 09:43 GMT - thứ bảy, 28 tháng 12, 2013
Hình ảnh ông Jang Song-thaek
Hình ảnh ông Jang Song-thaek tại phiên tòa được phát trên vô tuyến Bắc Triều Tiên
Khi đài truyền hình nhà nước Bắc Hàn thông báo vụ thất sủng của ông Jang Song - thaek, chú rể dượng của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un, dường như Bộ Ngoại giao của Trung Quốc đã bị bất ngờ.
Là đồng minh thân cận nhất của Bắc Hàn nhưng Trung Quốc đã mất tới 40 tiếng đồng mới đưa ra tuyên bố đầu tiên sau tin tức này.
Tuyên bố này ngắn ngủi và không thực rõ ràng:
"Là láng giềng thân thiện, chúng tôi hy vọng được thấy ổn định quốc gia, phát triển kinh tế và người dân được sống trong hạnh phúc ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, "phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong một cuộc họp báo vào ngày 13/12, đề cập vụ hành quyết là thuộc về "công việc nội bộ" của Bắc Hàn.

'Ông Jang thất sủng'

Vào ngày 12/12, ông Jang, 67 tuổi, bị hành quyết sau khi nhận tội trước một Tòa án Quân sự. Truyền thông nhà nước Bắc Hàn mô tả ông "tồi tệ hơn một con chó", và cáo buộc ông đã "bán tháo tài nguyên" với giá rẻ và cho thuê đất, bao gồm các đặc khu kinh tế Rason trong 50 năm cho Trung Quốc.
"Vụ thanh trừng của ông Jang không liên quan gì đến tranh chấp quyền lực, mà là kết quả của một cuộc đụng độ quyền lợi về việc ai sẽ được hưởng lợi từ “các mặt hàng xuất khẩu sinh lợi nhất của Bắc Hàn"
The New York Times
Nhiều người tin rằng sự sụp đổ của ông Jang là hệ quả của một cuộc tranh giành quyền lực, và các tin tức ban đầu cho rằng ông Jang đã mưu đồ một cuộc đảo chính chống lại ông Kim Jong -un. Ông Kang Myong -do, con rể của cựu Thủ tướng Bắc Hàn Kang Song-San, người đã đào thoát tới Nam Hàn hồi tháng 5/1994, đồng ý với nhận định này.
"Vào tháng Mười, ông Jang Song - thaek đến gặp người anh cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un, là ông Kim Jong-nam, và đã giao cho ông này các khoản tiền để chi phí sinh hoạt," ông Kang nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình với kênh YTN News Channel của Hàn Quốc vào ngày 13/12," Kim Jong- un đã theo dõi ông Jang kể từ năm ngoái, và ông ta nghĩ rằng Jang đã cố gắng đưa Kim Jong-nam lên ngôi."
Lời giải thích phản ánh các lời lẽ cáo buộc về sự ‘xấu xa’ của nhà lãnh đạo 30 tuổi chống lại người chú của mình. Trong bản cáo trạng nảy lửa dài 2.700 từ, ông Jang bị buộc tội âm mưu làm đảo chính chống lại Kim Jong-un, và ông bị gọi là "kẻ phản bội của mọi thời đại," và "một con người cặn bã, hèn hạ."
"Tôi đã dàn dựng một cú đảo chính bằng cách sử dụng các sĩ quan quân đội có quan hệ gần gũi với tôi, hoặc bằng cách huy động lực lượng vũ trang dưới sự kiểm soát của những người thân tín của tôi," ông Jang được cho là đã thừa nhận như vậy trong phiên tòa.
Ông Jang Song-thaek
Ông Jang Song-thaek từng được Trung Quốc coi là có vai trò quan trọng trong kết nối bang giao Trung-Triều
Nhưng giải thích mới nhất từ chính phủ Hàn Quốc đối chọi lại giải thích nói trên. Ngày 23/12, ông Nam Jae-joon, Giám đốc cơ quan Tình báo Hàn Quốc nói với Quốc hội rằng vụ thanh trừng của ông Jang không liên quan gì đến tranh chấp quyền lực, mà là kết quả của một cuộc đụng độ quyền lợi về việc ai sẽ được hưởng lợi từ “các mặt hàng xuất khẩu sinh lợi nhất của Bắc Hàn là than, trai và cua," tờ The New York Times đưa tin.

‘Cái tát vào mặt’

"Trong mọi trường hợp, đây là điều gây lo ngại sâu sắc cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở CHDCND Triều Tiên," John Everard, cựu đại sứ Anh tại Bắc Hàn nói. Trong khi các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Bắc Hàn vẫn còn nghiêm khắc, Trung Quốc đã giao dịch với Bắc Hàn trong suốt nhiều năm.
Theo Cục xúc tiến Thương mại - Đầu tư của Hàn Quốc, 88% tổng kim ngạch ngoại thương của Bắc Hàn năm ngoái liên quan tới Trung Quốc. Trong số các thỏa thuận làm ăn, Trung Quốc nhập khẩu một lượng than và quặng sắt trị giá chừng 2,4 tỷ USD từ Bắc Hàn trong năm 2012. Trong hệ thống quan liêu và bí mật của Bắc Hàn, bây giờ chúng ta biết rằng Jang Song - thaek là người đứng sau các giao dịch.
Trong nhiều năm qua, ông Jang Song - thaek được Trung Quốc coi là hy vọng tốt nhất cho Bắc Hàn để khởi động các cải cách kinh tế dần dần, cùng loại với những cải cách mà bản thân Trung Quốc đã trải qua từ năm 1979. Bằng cách ủng hộ các cải cách kiểu Trung Quốc, cách thức này không chỉ có tác dụng ‘câu giờ' với Trung Quốc để tìm ra một giải pháp cho Bắc Hàn, mà cũng sẽ giúp Bắc Hàn duy trì sự ổn định. Trước khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, phương pháp này dường như đã có tác dụng.
"Cái chết của ông Jang đã cắt đứt một kênh giao tiếp giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng," ông Everard nói thêm. Hy vọng cải cách dần dần đã "không làm Kim Jong-un quan tâm"
John Everard, cựu Đại sứ Anh ở Bắc Hàn
Tại Thượng Hải vào năm 2001, cha của Kim Jong-un, ông Kim Jong-il đã được giới thiệu khi tới thăm thị trường chứng khoán Thượng Hải, thăm hệ thống tàu điện ngầm cũng như một khu công nghệ cao. Tin tức từ các kênh truyền thông khác nhau khi đó cho hay ông Kim Jong-il đã tỏ ra có "ấn tượng" về sự tiến bộ của Trung Quốc.
Dưới thời của Kim Jong-il, Bình Nhưỡng đã thất bại trong nỗ lực tái cơ cấu mô hình kinh tế. Những nỗ lực này bao gồm một cuộc cải cách bất thành về tiền tệ trong năm 2009, và một số dự án phát triển chung với Trung Quốc dọc theo đường biên giới chung. Bình Nhưỡng "dường như cố chứng tỏ các tác động của lệnh trừng phạt kinh tế của Nam Hàn có thể được cân bằng lại bởi sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc, " tờ nhật báo lớn của Hàn Quốc, The Chosun Ilbo viết trong chuyến thăm Trung Quốc của cố chủ tịch Kim vào năm 2011.
Ngay sau khi ông Kim Jong-il qua đời vào năm 2011, Jang Song - thaek và vợ của ông là bà Kim Kyong -hui nổi lên như những nhà lãnh đạo trên thực tế của Bắc Hàn. Vào thời điểm khi áp lực quốc tế đặt lên vai Bắc Kinh để gây ảnh hưởng tới Bắc Hàn, ông Jang là một phần biện minh cho vai trò của Bắc Kinh trong duy trì hiện trạng.
"Nhưng việc hành quyết ông Jang đã cắt đứt chuyện này", ông Everard nói. Trong bản cáo trạng của ông Jang, ông bị cáo buộc bán đất đai thuộc khu vực kinh tế và thương mại Rason cho "nước ngoài " với thời hạn năm thập niên, dường như đề cập đến Trung Quốc. "Cái chết của ông Jang đã cắt đứt một kênh giao tiếp giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng," ông Everard nói thêm. Hy vọng cải cách dần dần đã "không làm Kim Jong-un quan tâm", ông nói.
Ông Jang Song-thaek (phải) và ông Kim Jong-un
Có giả thuyết nói vụ thanh trừng ông Jang Song-thaek liên quan tranh giành nguồn lợi kinh tế
"Trung Quốc đã bị tổn thương nặng nề bởi Bình Nhưỡng. Địa vị của Trung Quốc ở CHDCND Triều Tiên bị xấu đi tệ hại; khả năng ảnh hưởng đến CHDCND Triều Tiên chỉ còn ở một mức độ rất thấp, và giới lãnh đạo Bắc Hàn cho thấy rõ ràng họ chẳng tôn trọng gì người mà Trung Quốc coi là bạn bè tại phiên tòa của chính quyền Kim Jong-un”, ông Everard nói, "Trung Quốc đã bị tát vào mặt."

‘Đồng hồ đếm ngược’

Nhưng một câu hỏi rộng hơn là trên tư cách đồng minh thân cận nhất của Bắc Hàn, Trung Quốc có thể làm được gì với ông Kim Jong-un?
Mặc dù Bắc Hàn là một vấn đề rất gây chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đã đang có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang dần thay đổi lập trường ở Bắc Hàn.
"Hãy cứ để Bắc Hàn 'tức giận’, chúng ta không thể ngồi đó nhìn và không làm gì chỉ vì chúng lo lắng hành động có thể ảnh hưởng đến quan hệ Trung- Triều", tờ báo tuyên truyền chính thức của nhà nước, Hoàn cầu Thời báo cảnh báo hôm 25/12.
"Họ cần phải làm cho Kim Jong- un hiểu rằng chính sách hiện tại của ông ta vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế sẽ thất bại. Bắc Hàn phải lựa chọn"
John Everard, cựu Đại sứ Anh tại Bắc Hàn
Mối thất vọng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh cũng được phản ánh trong hành vi biểu quyết của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Hai tuần sau khi ông Kim Jong-un ra lệnh cho một vụ thử hạt nhân thứ ba vào tháng Hai, Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận "mở rộng đáng kể" các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc về Bắc Hàn. Đó là một động thái hiếm hoi của Trung Quốc.
Nhưng điều này vẫn chưa được điều chuyển thành những thay đổi trong chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ông Nam nói với các nhà lập pháp Nam Hàn vào ngày 23/12 rằng Bắc Hàn có thể tung ra các hành động khiêu khích vũ trang chống lại Nam Hàn "vào khoảng tháng Giêng và tháng Ba" để tập hợp đoàn kết ở trong nước.
"Người Mỹ đôi khi nói rằng Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này bằng cách riêng của mình, tôi nghĩ rằng điều đó quá lạc quan", ông Everard nói và cho hay thêm rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc nên bắt đầu bàn thảo một kế hoạch nghiêm túc:
"Họ cần phải làm cho Kim Jong- un hiểu rằng chính sách hiện tại của ông ta vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế sẽ thất bại. Bắc Hàn phải lựa chọn."
"Nếu chúng ta có thể buộc ông ta phải lựa chọn, khi đó chúng tôi có thể thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân," ông Everard để xuất, "đồng hồ đang đếm ngược và chúng ta sắp hết thời gian. "

Thêm về tin này