Friday, December 20, 2013

Quan ngại gia tăng về nguy cơ Trung Quốc quân sự hóa không gian

Quan ngại gia tăng về nguy cơ Trung Quốc quân sự hóa không gian

Tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc đưa phi thuyền Hằng Nga lên mặt trăng, 02/12/2013.
Tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc đưa phi thuyền Hằng Nga lên mặt trăng, 02/12/2013.
REUTERS/China Daily

Trọng Nghĩa
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh càng lúc càng chứng tỏ năng lực trong lãnh vực chinh phục không gian. Dấu hiệu nổi bật nhất là sự kiện Trung Quốc vừa trở thành nước thứ ba trên thế giới thành công trong việc cho một chiếc xe thăm dò hạ cánh nhẹ nhàng xuống mặt trăng vào ngày 14/12/2013. Tuy nhiên, sự vươn lên của Bắc Kinh đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại về nguy cơ Trung Quốc quân sự hóa không gian khi có đủ năng lực.

Điều cần phải công nhận trước tiên là ngoài các thành công của mình trong lãnh vực chinh phục không gian, Bắc Kinh đang càng ngày càng trở thành một tác nhân quan trọng trong ngành phóng vệ tinh thương mại.
Vào hôm nay 20/12/2013 chẳng hạn, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Bolivia sẽ được một tên lửa Trung Quốc đưa lên quỹ đạo. Trước đây, Bắc Kinh cũng đã thành công trong việc đưa ba vệ tinh quan sát mặt đất của Brazil lên hoạt động trên không trung.
Đối với giới phân tích, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc không gian thực thụ, cho dù chưa sánh kịp với Mỹ hay là Nga, hai nước đầu đàn trong lãnh vực này.
Trong vùng Châu Á, nhiều quốc gia khác cũng đang phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của mình, từ Hàn Quốc, Ấn Độ, cho đến Nhật Bản, khiến cho một số nhà quan sát cho rằng công cuộc cạnh tranh riêng tại Châu Á trong địa hạt này sẽ rất gay gắt trong một vài năm tới đây.
Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia lo ngại là sự canh tranh đó không chỉ giới hạn trong các hoạt động thuần túy dân sự, thương mại, hay nghiên cứu khoa học, mà sẽ tràn qua lãnh vực quân sự.
Mối lo ngại này lại càng tăng trong bối cảnh Trung Quốc đã là nước đi đầu – hay nói đúng hơn là « đầu têu » trong mưu đồ quân sự hóa không gian. Ví dụ rõ ràng nhất là ngay từ năm 2007, Bắc Kinh đã thử nghiệm một loại vũ khí chống vệ tinh, dùng một phương tiện ngăn chặn phá hủy một trong những vệ tinh cũ của mình đang bay trong quỹ đạo.
Từ đó đến nay, dù không có thông tin nào được tiết lộ công khai, nhưng nhiều trang web chuyên môn đã cho rằng hồi tháng Năm vừa qua, Trung Quốc đã cho thử nghiệm một tên lửa đạn đạo mới có khả năng tấn công các vật thể bay trong không gian.
Sự vươn lên của Bắc Kinh trong địa hạt kể trên đã khiến Hoa Kỳ quan ngại. Theo ông John Logsdon, một chuyên gia Mỹ về không gian, đồng thời là cố vấn cho Cơ quan NASA, Mỹ « rất quan ngại về sức mạnh ngày càng tăng của kho vũ khí không gian của Trung Quốc, vốn có thể đe dọa hệ thống an ninh của Mỹ trong không gian ».
Nga, một cường quốc không gian khác cũng bắt đầu lo âu. Theo ông Marco Aliberti thuộc Viện Chính sách Vũ trụ Châu Âu tại Vienna, « Matxcơva bắt đầu thấy nơi Trung Quốc một mối đe dọa tiềm tàng (...) Còn đối với Hoa Kỳ, dường như là Trung Quốc đã thay vào chỗ của Liên Xô trước đây trong kế hoạch an ninh của Mỹ ».
Ấn Độ, nước vốn có quan hệ nhiều khi căng thẳng với láng giềng Trung Quốc; cũng không tránh khỏi quan ngại. Bà Rajeswari Pillai Rajagopalan, thuộc Quỹ Nghiên cứu ORF, một viện nghiên cứu độc lập tại Ấn Độ, xác định : « Mặc dù đã nhắc lại sự phản đối của mình đối với việc quân sự hóa không gian, Ấn Độ đã tính toán đến những tiến bộ về mặt vũ khí không gian nơi người láng giềng ».
Điều này giải thích vì sao Ấn Độ đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên của mình vào tháng Tám năm 2013.
TAGS: CHÂU Á - KHÔNG GIAN - PHÂN TÍCH - QUÂN SỰ - TRUNG QUỐC - VỆ TINH

No comments:

Post a Comment