Chiến thuật "không đánh mà thắng" của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong một mặt trận không tiếng súng, Trung Quốc sẽ cố gắng để giành chiến thắng bằng các chiến thuật như chia rẽ các thành viên ASEAN, áp dụng đòn bẩy kinh tế, củng cố yêu sách pháp lý bằng cách triển khai tàu đánh cá, tàu nghiên cứu, tàu du lịch và các tàu hải giám
Ai cần đến hải quân? Trung Quốc triển khai tàu tuần du để khẳng định yêu sách Biển Đông
Năm 2012 với việc hạ thủy tàu Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của mình, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Với chiếc tàu của Nga được tân trang lại, các nhà quan sát dự đoán Trung Quốc sẽ tăng cường thực thi các yêu sách rộng lớn của mình tại Biển Đông, mặc dù muốn đưa Liêu Ninh vào hoạt động thực sự thì còn phải mất nhiều năm nữa.
Đầu tháng 4, Trung Quốc đã triển khai một hệ thống vũ khí có hiệu quả hơn nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình - đó là chiếc du thuyền chở hàng ngàn du khách. Việc triển khai một tàu du lịch cùng với vô số tàu khác để củng cố yêu sách của mình ở Biển Đông đã gợi ra những ý nghĩa mới về tuyên bố "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc.
Từ đầu những năm 1950, các tấm bản đồ Trung Quốc đã thể hiện một đường 9 đoạn kéo dài dọc đường bờ biển Trung Quốc và Đông Nam Á để đánh dấu sự kiểm soát chủ quyền của nước này. Nỗ lực làm rõ ý nghĩa đường chữ U có xu hướng bị lu mờ khi xuất hiện hàng loạt các tuyên bố mâu thuẫn và không rõ ràng. Thậm chí nếu Trung Quốc có ý định sử dụng đường chữ U làm biên giới chủ quyền thì chúng cũng chưa được xem xét một cách nghiêm túc. Tuy nhiên vào năm 2009, Trung Quốc đã đệ trình tấm bản đồ này lên Liên Hợp Quốc để khẳng định "chủ quyền không thể tranh cãi” của mình. Hành động này của Trung Quốc do đó đã chứng minh một điều rõ ràng rằng đường chữ U đã được các quan chức cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc nhìn nhận như một đường biên giới biển hợp pháp và có thể thực thi.
Hàng loạt vụ va chạm với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á liên quan đến tàu đánh bắt cá, tàu tuần tra và những tuyên bố công khai mạnh bạo của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vào tháng 7 năm 2010 khi Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Trung Quốc phản ứng bằng cách đẩy mạnh năng lực thực thi và triển khai hàng loạt các cơ quan chấp pháp trên biển của chính phủ như: Cục An toàn Hàng hải, Lực lượng Chấp pháp Ngư nghiệp, Cục Hải dương Quốc gia, và Hải giám Trung Quốc, đó là còn chưa kể đến Lực lượng Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an và các cơ quan hàng hải cấp tỉnh, đặc biệt là đảo Hải Nam - tất cả lực lượng này đều tách biệt với sự gia tăng nhanh chóng của hải quân và không quân Trung Quốc.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý, nhưng trong tương lai gần nó không phải là một vũ khí quân sự tác chiến .
|
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý, song trong tương lai gần nó chỉ có giá trị trong đào tạo quân sự chứ không phải như một vũ khí tác chiến. Cảnh sát biển với nhiều chức năng đa dạng của mình lại là một câu chuyện khác.
Sự phát triển của lực lượng này được các phóng viên của tờ báo The Los Angeles tại Bắc Kinh miêu tả khá rõ: Ví dụ như, từ năm 2000 quân đội Trung Quốc đã chuyển giao 11 tàu chiến cũ cho cơ quan Hải giám, vốn đã tự đóng 13 tàu riêng cho mình và có kế hoạch đóng thêm 36 tàu. Lực lượng Chấp pháp Ngư nghiệp gần đây đã tiếp quản một tàu chiến cũ được trang bị sàn đỗ trực thăng. Những chiếc tàu mới này luôn trong tình trạng hoạt động. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ ước tính rằng số lượng các cuộc tuần tra tầm xa của cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2008. Theo quan sát của một quan chức hải quân Mỹ được đăng trên tờ Times thì "Tàu hải giám của Trung Quốc chẳng có nhiệm vụ gì khác ngoài việc uy hiếp các quốc gia láng giềng phải chấp nhận các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc." Tàu của Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam, bắt giữ và đe dọa ngư dân của các quốc gia Đông Nam Á, quấy rối tàu hải quân Mỹ, và trong vụ Scarborough, Trung Quốc đã dựng một rào cản để thiết lập sự kiểm soát hoàn toàn của riêng mình. Tuy các tàu dân sự củaTrung Quốc không được trang bị vũ khí quân sự, nhưng việc thể hiện sức mạnh bằng vòi rồng và súng móc câu đã gây nên sự thất vọng và cảm giác bất lực của các quốc gia láng giềng đối với Trung Quốc.
Về mặt chiến lược, có thể Trung Quốc đã tự "bắn vào chân mình", nhưng ở cấp độ chiến thuật thì dường như không. Các nước Đông Nam Á không có đủ tiềm lực để chạy đua với Trung Quốc, cả trên biển lẫn trên không ở Biển Đông, về mặt quân sự cũng như các trang thiết bị bảo vệ bờ biển, khoảng cách về tiềm lực giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cứ lớn dần theo từng tháng. Nói một cách thẳng thắn, lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc có thể tùy ý gạt bỏ các nước Đông Nam Á sang một bên – ngoại trừ các tiền đồn quân sự Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ từ lâu đã tuyên bố không đứng về phía nào đối với các yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông mà chỉ nhấn mạnh hai nguyên tắc: duy trì các tuyến đường biển quốc tế trong khu vực được coi là "tài sản chung toàn cầu" và không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Lợi dụng lỗ hổng trong quan điểm trên của Mỹ, Trung Quốc đã sử dụng các lực lượng bảo vệ bờ biển phi vũ trang để thực thi yêu sách của mình.
Lợi dụng lỗ hổng trong quan điểm trên của Mỹ, Trung Quốc đã sử dụng các lực lượng bảo vệ bờ biển phi vũ trang để thực thi yêu sách của mình. |
Xem xét những gì đã xảy ra tại Scarborough, một đảo san hô mà Philippines đòi chủ quyền nằm gần về phía Philippines hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Cảnh sát biển Trung Quốc, mặc dù không có cơ sở để can thiệp, đã ngăn cản cảnh sát biển Philippines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm các loài được bảo vệ và sau đó dựng rào chắn để ngăn các ngư dân Philippines đi vào vùng biển truyền thống của họ - và việc này xảy ra ngay trước mắt Hải quân Mỹ. Bãi cạn Scarborough minh họa cho một chiến thuật ngày càng rõ nét của Trung Quốc: chiếm đoạt các bãi cạn dễ bị tấn công, thiếp lập sự hiện diện lâu dài và bảo vệ bằng các lực lượng phi quân sự. Về điểm này, rất ít người cho rằng Washington đã triển khai một đòn phản công hiệu quả, ngay cả về mặt nhận thức.
Yếu tố kinh tế đóng vai trò chủ chốt trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đông Nam Á. Cuối những năm 1990, Mỹ và Nhật Bản là đối tác kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á. Nhưng Trung Quốc đã thay thế cả hai để trở thành đối tác thương mại quan trọng đối với khu vực – trong khi chỉ số đầu tư vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Sự liên kết giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á không chỉ đơn thuần ở hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ và tiền bạc. Từ Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, Trung Quốc đã đàm phán một loạt các hiệp định kinh tế với khu vực này bao gồm một loạt các dự án cơ sở hạ tầng kết nối Đông Nam Á với phía nam Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ và mạng lưới sông đầy ấn tượng cùng với mạng lưới điện và các cảng – kết nối Đông Nam Á và Trung Quốc thành một đơn vị kinh tế tổng hợp. Không khó để hình dung cách thức mà các mối liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau này được sử dụng để tạo ảnh hưởng chiến lược và phá vỡ các mối quan hệ khác trong khu vực. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 2012 do Campuchia làm chủ tịch, căng thẳng phát sinh khi Philippines cho rằng thông cáo chung cần đề cập đến các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng Chủ tịch Campuchia đã từ chố, và cuộc họp kết thúc trong mâu thuẫn. Các quan chức Campuchia đã tiết lộ rằng họ phải hành động như thế để đáp lại yêu cầu từ Trung Quốc vì nếu Phnom Penh không tuân thủ sẽ phải chịu hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Thực tế, Bắc Kinh đã chứng minh khả năng phủ quyết bất kỳ quan điểm nào liên quan đến Biển Đông trong ASEAN.
Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ không dám bắn vào tàu chở du khách dân sự trong khu vực mà các quốc gia cho là thuộc lãnh thổ của mình |
Việc Trung Quốc đưa du thuyền du lịch vào vùng biển đang có tranh chấp đã đặt một thách thức khác lên khu vực. Sẽ không có một quốc gia láng giềng Đông Nam Á nào dám bắn vào tàu chở du khách dân sự trong khu vực mà họ cho là thuộc lãnh thổ của mình.
Có thể lập luận rằng quyết định vén bức màn về ý định lãnh thổ ở Biển Đông của Trung Quốc là một sai lầm chiến lược. Nó gióng lên hồi chuông báo động trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đối với các chính phủ có yêu sách trong khu vực Biển Đông như Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và thậm chí cả Indonesia. Nó cũng tạo nên chiến dịch "xoay trục" sang châu Á của Mỹ, trong đó có các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng rằng quân đội Mỹ sẽ tái triển khai tới châu Á và việc này sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm ngân sách. Các chính phủ tại Việt Nam, Philippines, Singapore và Indonesia đã có những động thái công khai để tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ. Một khu vực đã từng hòa dịu và hữu nghị với Trung Quốc hiện nay đang rất dễ bị kích động.
Tương lai chiến lược và phạm vi không gian biển của Đông Nam Á khó có thể dự đoán và biết trước được. Trung Quốc đã đưa ra yêu sách đầy kịch tính, thậm chí trắng trợn, trái với luật pháp quốc tế đối với lãnh thổ mà Trung Quốc chưa từng kiểm soát trước đó. Mặc dù về thực chất yêu sách của Trung Quốc có thể rất mơ hồ, nhưng Trung Quốc đã triển khai các chiến thuật và sự ảnh hưởng của mình để biến yêu sách đó thành thách thức chiến lược bậc nhất đối với khu vực và Mỹ.
Marvin Ott là một chuyên gia về chính sách công tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Woodrow Wilson và là Phó Giáo sư tại trường Đại học Johns Hopkins. Bài viết được đăng lần đầu trên Yale Global.
Nguyễn Huyền (dịch)
No comments:
Post a Comment