Monday, April 1, 2013

Biển Đông : Phải chăng Trung Quốc ngày càng lấn lướt vì Mỹ "thụ động" ?


Biển Đông : Phải chăng Trung Quốc ngày càng lấn lướt vì Mỹ "thụ động" ?

Các tàu ngư chính và hải giám Trung Quốc hiện diện ở vùng biển Hoa Đông cũng như Biển Đông (REUTERS)
Các tàu ngư chính và hải giám Trung Quốc hiện diện ở vùng biển Hoa Đông cũng như Biển Đông (REUTERS)

Trọng Nghĩa
Trong những ngày qua, không ngày nào không thấy báo chí loan tin về các hoạt động của các tàu Hải quân, Hải tuần, hay Hải giám, Ngư chính của Trung Quốc tại Biển Đông. Những hành động của các đội tàu này càng lúc càng có vẻ coi thường các láng giềng, từ việc bắn cháy ca bin tàu đánh cá Việt Nam gần Hoàng Sa, cho đến việc kéo xuống vùng cực nam Biển Đông thị uy ngay trước một bãi san hô mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.

Một số nhà phân tích đã gắn liền các động thái quyết đoán mới của Trung Quốc với thái độ gần như là thụ động của Hoa Kỳ tại Biển Đông. Thực tế cần ghi nhận đầu tiên là tàu thuyền Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tung hoành tại Biển Đông như ở chỗ không người, và sẽ tăng gia hoạt động trong thời gian sắp tới.
Lưu Tứ Quý (Liu Cigui), tân lãnh đạo Cục Hải dương Quốc gia, cơ quan vừa được Trung Quốc thành lập, sát nhập ba lực lượng bán quân sự có hoạt động tại vùng Biển Đông là Hải quan, Hải giám và Ngư chính, đã không ngần ngại xác nhận với tờ Nhân dân Nhật báo vào hôm nay, 01/04/2013, là họ sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra thường xuyên tại tất cả các vùng biển chung quanh Trung Quốc, trong đó có Biển Đông, để bảo vệ « quyền lợi trên biển » của Trung Quốc.
Ví dụ cụ thể mà nhân vật này nêu ra là duy trì đảo Hoàng Nham ngoài Biển Đông dưới quyền kiểm soát thực tế của Trung Quốc. Đảo này chính là bãi Scarborough Shoal mà Philippines tuyên bố chủ quyền dưới tên gọi Panatag, đã bị tàu bán quân sự của Trung Quốc khống chế sau một cuộc đối đầu với hải quân Philippines từ tháng Tư năm 2012.
Trung Quốc ngày càng thúc đẩy chiến lược dùng các lực lượng mà họ ngụy trang dưới vỏ bọc dân sự để áp đặt quyền kiểm soát thực tế trên toàn bộ Biển Đông. Hành động mới nhất theo chiều hướng này là cho chiếc tàu Ngư Chính 312 vừa tu bổ xong xuống tuần tra tại vùng quần đảo Trường Sa. Báo chí Trung Quốc đã nhất loạt ca ngợi chiếc tàu « tuần tra ngư nghiệp » lớn nhất trong đội tàu Ngư chính, và không che giấu việc chiếc tàu này thực chất là một chiến hạm được biến thành tàu dân sự.
Song song với các đội tàu gọi là phi quân sự, Hải quân Trung Quốc không ngần ngại phô trương thanh thế, và mới đây đã hoàn tất một cuộc tập trận thứ hai từ đầu năm đến nay tại Biển Đông, lần này huy động đến tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, cũng được báo chí Trung Quốc phô trương là thuộc lớp tàu đổ bộ hiện đại nhất và lớn nhất của Trung Quốc.
Đội tàu chiến, chở theo lính thủy quân lục chiến, đã không ngần ngại kéo xuống tận vùng cực nam của Biển Đông để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên bãi san hô James Shoal mà Kuala Lumpur tuyên bố chủ quyền, chỉ cách bờ biển Malaysia 50 hải lý.
Đối với giới quan sát, động thái này rõ ràng là nhằm bắn đi tín hiệu cho thấy là chính quyền Trung Quốc quyết tâm đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, kể cả tại một vùng xa xôi như James Shoal.
Nhân cuộc tập trận này, báo chí Trung Quốc còn công bố hình ảnh Tư lệnh hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đích thân lên ủy lạo chiến sĩ trên đảo Subi Reef (tên Việt Nam là Đá Xu Bi) thuộc vùng Trường Sa mà họ chiếm đóng từ năm 1988 và gọi là Chử Bích Tiều, bên trên có xây nhiều nhiều cơ sở kiên cố.
Cho dù tàu thuyền Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động "diễu võ giương oai" như vậy, Hoa Kỳ trong thời gian qua đã giữ thái độ lặng lẽ khác thường. Điều đó đã khiến một số nhà phân tích tự hỏi là phải chăng chính thái độ thụ động của Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc hung hăng thêm.
Tờ báo Mỹ USA Today, số ghi ngày 27/03/2013 vừa qua đã trích dẫn nhiều nhà phân tích để cho rằng sở dĩ Bắc Kinh đã có những động thái bạo dạn như kể trên, đó chính là vì Mỹ đã không thấy có phản ứng gì.
Theo ghi nhận của ông Michael Auslin, chuyên gia về Đông Á thuộc viện American Enterprise, thì sự kiện Hải quân Trung Quốc dám kéo xuống vùng cực nam Biển Đông để thị uy, chứng tỏ là chính sách gọi là « xoay trục » qua châu Á của chính quyền Obama đã không mang lại kết quả nào cho các nước trong vùng, hàm ý là trong việc ngăn chặn tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Chuyên gia Auslin đã phê phán gay gắt thái độ thụ động của Hoa Kỳ : « Chúng ta đang mất uy tín trước các đồng minh và bạn bè bằng thái độ đứng bên ngoài của mình. Trung Quốc đã lý giải thái độ bất động của Mỹ như là một đèn xanh cho phép họ đi tiếp ».
Đối với ông Michael Auslin, Hoa Kỳ cần phải có phản ứng năng động hơn, chẳng hạn như gia tăng tần suất hoạt động trong vùng của các tàu chiến Mỹ, để cho Trung Quốc thấy là họ không thể tiếp tục "múa gậy vườn hoang".
Theo chuyên gia này, phản ứng đó cũng sẽ giúp cho các đồng minh của Mỹ trong vùng tự tin hơn vì thấy rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đương đầu với các thách thức do Trung Quốc đặt ra.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - HOA KỲ - PHÂN TÍCH - QUỐC TẾ - TRUNG QUỐC

No comments:

Post a Comment