Wednesday, April 3, 2013

Chiến hạm TQ tới Đá Vành khăn


Chiến hạm TQ tới Đá Vành khăn

Cập nhật: 09:20 GMT - thứ tư, 3 tháng 4, 2013
Cơ sở của Trung Quốc tại Đá Vành khăn
Cơ sở của Trung Quốc tại Đá Vành khăn
Tàu đổ bộ của Trung Quốc đã tới Đá Vành khăn thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Đá Vành khăn (Mischief Reef) bị Trung Quốc chiếm hoàn toàn từ cuối những năm 1990 từ tay Philippines.
Thông tin trên mạng Sina của Trung Quốc cho hay hôm 27/3, một đội hình Chiến thuật của Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc, đã tới Đá Vành khăn nhằm "tăng cường tuần tra" tại vùng biển phụ cận.
Trung Quốc nói đây là "ngư trường truyền thống" của mình, trong khi ngư dân của các quốc gia láng giềng như Việt Nam hay Philippines cũng đánh bắt ở đây.
Chùm ảnh đăng trên mạng Sina cho thấy tàu hải quân Trung Quốc mang theo trực thăng tuần tra tại khu vực Đá Vành khăn, nơi Trung Quốc đã xây cơ sở khá kiên cố.
Bên cạnh một số nhà giàn rỉ sét từ nhiều năm trước, nay Trung Quốc có một trạm dịch vụ nhiều tầng, kèm hệ thống viễn thông vệ tinh, phát điện, và cả vườn trồng rau xanh.

'Ngày càng hung hăng'

Trước đó, tàu đổ bộ của hải quân Trung Quốc cũng đã tới tập trận và phô trương sức mạnh tại Bãi James (James Shoal), chỉ cách bờ biển của Malaysia có 80km.
Điều đáng nói là Bãi James nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800km và nằm bên ngoài đường "lưỡi bò".
Đội tàu chiến của Trung Quốc bao gồm bốn chiếc: tàu Hoành Thủy 572, tàu hộ vệ Lan Châu 170, Ngọc Lâm 569 và tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn 999. đã tập trận quy mô lớn một cách bất ngờ ngay cả với giới quan sát.
Không rõ Malaysia sẽ có phản ứng thế nào trước hành động này của phía Trung Quốc, nhưng thông điệp quân sự mạnh mẽ và hung hăng của Bắc Kinh không thể không khiến các nước trong khu vực quan ngại.
Tin mới nhất mà BBC nhận được, là hôm thứ Ba 2/4, trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, ông Kerry đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng Biển Đông.
Các hãng thông tấn đưa tin từ Washington D.C. rằng ông John Kerry đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở Biểh Đông và kêu gọi giải quyết các tranh chấp qua phân xử".
Sau cuộc gặp, ông del Rosario ra thông cáo cho hay ông Kerry đã ngỏ lời cam kết rằng Mỹ "luôn ủng hộ các nỗ lực của Philippines trong việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và theo pháp luật".
Hồi tháng 1/2013, Philippines thông báo với Trung Quốc về việc mang nước này ra tòa trọng tài quốc tế để phán xét các bất đồng về chủ quyền tại Biển Đông.
Việt Nam sau tuyên bố Philippines có quyền thực hiện những gì cần thiết một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

No comments:

Post a Comment