Cải cách chính trị để giữ chủ quyền
Cập nhật: 08:27 GMT - thứ hai, 29 tháng 4, 2013
Hội thảo Quốc tế 'Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - khía cạnh lịch sử và pháp lý' vừa được tổ chức tại Quảng Ngãi hôm 27/4.
Hội thảo này có sự tham gia của khoảng 50 học giả, nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có những tên tuổi như Giáo sư Carlyle Thayer, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Giáo sư Renato Cruz DeCastro, ...
Chủ đề liên quan
Tiến sỹ Jonathan London từ trường City University of Hong Kong, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, cũng mang đến hội thảo một tham luận mà ông cùng soạn thảo với Tiến sỹ Vũ Quang Việt [ông Việt không có mặt trong hội thảo], trong đó hai ông đề cập tới nhu cầu cải cách chính trị để hỗ trợ vấn đề chủ quyền.
BBC đã hỏi chuyện Tiến sỹ London về hội thảo.
Tiến sỹ Jonathan London: Tôi đánh giá cao kết quả của hội thảo này. Trong hội thảo các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều bằng chứng rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa và đã thảo luận rất cụ thể về các đòi hỏi phi pháp và bất chính đáng của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Sự vắng mặt của các học giả Trung Quốc tại đây, theo tôi thì có cả mặt lợi và không có lợi, vì chúng ta không được nghe và thảo luận về các bằng chứng của TQ nhưng cũng tránh được các cãi cọ nảy sinh do lý luận tuyên truyền của các học giả của nước này.
Tôi đã nêu rõ trong hội thảo ba vấn đề: nhu cầu cần làm rõ các bằng chứng và lý luận về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo ở Biển Đông.
Thứ hai là quảng bá các bằng chứng đó cho thế giới thấy.
"Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để chọn con đường cải cách, đẩy mạnh cải cách chính trị để thu hút hậu thuẫn cho chủ quyền của mình ở Biển Đông."
Tiến sỹ Jonathan London
Thế nhưng thứ ba, cũng cần thấy rằng Trung Quốc là nước mạnh, có trong tay vũ khí hùng hậu và hung hăng trong tư cách một đế quốc. Nó dẫn tới câu hỏi Việt Nam phải làm gì.
Trung Quốc, như đã nói là một quốc gia lớn, mạnh, quan trọng... và cũng rất tự hào dân tộc. Người Trung Quốc không dễ gì chịu 'mất mặt' trước thế giới. Việt Nam do vậy phải tìm ra phương cách làm sao để vừa có cơ sở pháp lý vừa được Trung Quốc chấp nhận.
Một số nhà nghiên cứu, như bản thân tôi, cho rằng Việt Nam cần duy trì quan hệ hai bên cùng có lợi với Trung Quốc [ngay cả trong quá trình đấu tranh về chủ quyền].
BBC: Một phần tham luận được biết là gây tranh luận của ông có nhắc tới khuyến cáo chính trị trong vấn đề chủ quyền?
Tiến sỹ Jonathan London: Bài tham luận của tôi và Tiến sỹ Vũ Quang Việt có phần cuối cùng tập trung vào giải pháp trong vấn đề chủ quyền: làm gì và làm thế nào.
Tôi có nhắc lại tại hội thảo một câu nói của ai đó không rõ, rằng "theo Mỹ thì mất chế độ còn theo Trung Quốc thì mất nước".
Ngoài hai phương án trên, phương án thứ ba là thế nào? Quan điểm của chúng tôi là nếu Việt Nam muốn giành được sự ủng hộ của quốc tế thì nên đẩy mạnh cách cải cách về chính trị và nhân quyền.
Chừng nào Việt Nam còn bắt giữ, đàn áp, hạn chế tự do ngôn luận thì ít quốc gia nào trên thế giới ủng hộ Việt Nam. Nếu Việt Nam thay đổi theo chiều hướng cởi mở như vậy thì Việt Nam sẽ giành được sự ủng hộ của quốc tế, có thế mạnh trong vẫn đề chủ quyền.
BBC: Sau khi trình bày tham luận thì phản ứng của cử tọa như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Jonathan London: Có ba phản ứng. Một số học giả nước ngoài biết nhiều về Việt Nam thì cảnh báo: "Có muốn về Việt Nam nữa không?". Một số thuộc ban tổ chức thì nói rằng không nên tham luận như vậy và không nên đề cập vấn đề ngoài lề như vậy.
Nhưng cũng có người tới gặp tôi và cảm ơn vì đây là chủ đề quan trọng cần được nói tới.
Cả tôi và ông Vũ Quang Việt đều không thể hoàn toàn chắc chắn tất cả những điều chúng tôi đưa ra đều đúng 100% nhưng đóng góp của chúng tôi là để góp phần giúp Việt Nam giải quyết vấn đề chủ quyền.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để chọn con đường cải cách, đẩy mạnh cải cách chính trị để thu hút hậu thuẫn cho chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Tôi còn đề cập tới Kiến nghị 72 của các trí thức nhân sỹ về sửa đổi Hiến pháp trong phần trình bày của mình, đề nghị Nhà nước Việt Nam cân nhắc các đề xuất của Nhóm 72 để làm sao có một hệ thống hiệu quả, minh bạch hơn và có trách nhiệm hơn với các công dân của mình.
Tôi nghiên cứu về Việt Nam đã 20 năm nay. Sau 20 năm nghiên cứu sâu về Việt Nam, tôi thấy tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông thực ra có liên quan tới nền kinh tế-chính trị của Việt Nam.
No comments:
Post a Comment