Biển Đông: Ứng viên ngoại trưởng Mỹ “khai chiến” với Trung Quốc ?
Ông Rex Tillerson - người được Donald Trump chỉ định vào chức ngoại trưởng - trong phiên thẩm định của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, ngày 11/01/2017.REUTERS/Kevin Lamarque
Quả là không sai khi cho rằng trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ ngày hôm qua, 11/01/2017, người được đề cử làm ngoại trưởng tới đây của nước Mỹ, Rex Tillerson, đã « khai chiến với Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông ». Khi được hỏi về đối sách của ông trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển mà Bắc Kinh đòi hầu như toàn bộ chủ quyền, ông Tillerson đã không ngần ngại cho rằng cần phải cấm không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp tại Biển Đông.
Phát biểu trước một ủy ban của Thượng Viện Mỹ, người có rất nhiều khả năng làm ngoại trưởng tới đây của Hoa Kỳ nói rõ như sau : « Chúng ta sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết phải đình chỉ việc xây dựng các đảo, và thứ hai là không được phép tiếp cận những hòn đảo này ».
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hẳn lên khi cho bồi đắp 7 thực thể mà họ chiếm giữ trong vùng quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, bên trên có xây các cơ sở quân sự.
Đối với ông Tillerson, việc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông, cũng như việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Senkaku, dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, là những hành vi phi pháp vì đó là « xâm chiếm lãnh thổ hoặc giành quyền kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát những vùng lãnh thổ không thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp ».
Nhận xét của chuẩn ngoại trưởng Mỹ rất chính xác trong bối cảnh một tòa án quốc tế (Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye) – mà Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền – ngày 12/07/2016 đã phán quyết rằng yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Ông Tillerson không ngần ngại so sánh việc xây dựng các hòn đảo, rồi cho triển khai thiết bị quân sự trên đó, với hành vi của Nga xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraina.
Phải nói rằng đây là lần đầu tiên mà người được đề cử làm nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ lại bộc lộ một cách rõ ràng, công khai những suy nghĩ của ông về Biển Đông như vậy, một quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc.
Ông Tillerson tuy nhiên không nói là Hoa Kỳ có thể có những biện pháp cụ thể nào nhằm buộc Trung Quốc đình chỉ việc xây dựng đảo hay cấm không cho tiếp cận các đảo này, nhưng trong hơn một năm gần đây, Hải Quân Mỹ đã nhiều lần cho chiến hạm tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông.
Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ở Canberra (Úc) nhận xét : « Đây là một kiểu phát ngôn ngẫu hứng, giống như một tin ngắn tweeter, có nguy cơ đổ dầu vào lửa và có thể làm cho mọi sự xấu hẳn đi ».
Theo chuyên gia này, « trừ phi là động binh chống lại Trung Quốc, thì người Mỹ không có cách nào khác để ngăn cản Trung Quốc » xây dựng và tiếp cận các đảo họ nắm giữ trên Biển Đông.
Dẫu sao thì ý kiến người được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ cũng không khác với quan điểm hiếm hoi về Biển Đông từng được tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhắc lại gần đây, khi ông đả kích « các pháo đài » to lớn mà Trung Quốc cho xây dựng giữa Biển Đông.
Trước đó, vào tháng Ba 2016 khi còn vận động tranh cử, ông Trump từng chê trách chính quyền Obama mềm yếu trước các hành động xây pháo đài quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc. Theo ông Trump, Bắc Kinh đã ngang nhiên làm như vậy, vì họ « không có sự tôn trọng đối với tổng thống Mỹ và không có sự tôn trọng đối với nước Mỹ ».
Điểm đáng ghi nhận là vào chiều nay, 24 tiếng đồng hồ sau phát biểu kiên quyết của ông Tillerson, Trung Quốc vẫn giữ im lặng, trái với lệ thường là ăn miếng trả miếng ngay lập tức mỗi khi bị công kích.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment