Từ Hoàng Sa Tới Biển Đông
19/01/201700:00:00(Xem: 1287)
Bản tin RFA ghi rằng cách đây đúng 43 năm, ngày 19/1/1974, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị rơi vào tay Trung Quốc sau khi lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thất thủ trước đợt tấn công từ phía hải quân Trung Quốc.
Suốt một thời gian dài, trận hải chiến lịch sử đó không được nhà cầm quyền Hà Nội đề cập đến một cách chính thống. Trong mấy năm gần đây, một số nhân sĩ, trí thức và giới hoạt động trong nước công khai tưởng niệm tri ân 75 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải bỏ mình trong cuộc chiến giữ biển đảo của tổ quốc đó. Tuy nhiên hoạt động vinh danh những người lính anh dũng hy sinh vì lãnh thổ quốc gia như thế không những không được ủng hộ mà còn bị cản phá mạnh mẽ.
RFA ghi rằng vào ngày 14 tháng 1, nghệ sỹ Kim Chi công khai trên mạng xã hội Facebook thư ngỏ kêu gọi cả nước tham gia những hoạt động nhằm tưởng nhớ đến những anh hùng tử sĩ đã hi sinh mạng sống để bảo vệ đất nước qua ít nhất ba cuộc chiến gần nhất là hải chiến Hoàng Sa, cuộc chiến biên giới phía bắc và trận Gạc Ma.
Tại khu vực miền nam, sau đó không lâu cũng có thông báo thắp hương cho các tử sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974.
Trong khi đó, báo South China Morning Post từ Hong Kong hôm 19/1/2017 nêu câu hỏi ai cũng đang nghi vấn: Donald Trump sẽ tăng tốc cuộc đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc?
Bảo SCMP nói rằng hiện nay TQ đã chấp nhận chơi ván cờ quân sự hóa, vũ trang hóa các đảo nhân tạo, chiến binh hóa ngư dân... để sẽ chiếm gọn Biển Đông.
Vấn đề bây giờ là Donald Trump làm gì sau khi đăng quang Tổng Thống?
SCMP nhắc rằng Ngoaị Trưởng do Trump đề ra là đại gia ngành dầu hỏa Rex Tillerson -- vị này nói rằng phải chận bước TQ ở Biển Đông, và cam kết bảo vệ Nhật Bản nếu TQ tấn chiếm đảo Diaoyu Islands -- có tên Nhật là Senkakus -- trong vùng biển Nhật-Hoa tranh chấp.
Nhưng thấy rõ là Hà Nội đang lăng ba vi bộ...
Bản tin RFI ghi rằng trong khi viếng thăm Trung Quốc từ ngày 12 đến 15/01/2017, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được tiếp đón rất long trọng ở Bắc Kinh và đã hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình trong bầu không khí được mô tả là «thân tình, hữu nghị».
Theo thông cáo chung được công bố sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo hai nước cũng đã trao đổi «thẳng thắn và chân thành» về các vấn đề trên biển, đặc biệt là về tranh chấp Biển Đông, hồ sơ vẫn gây xáo trộn quan hệ giữa hai nước. Hai bên cam kết sẽ «kiểm soát tốt các bất đồng trên biển», không có hành động «làm phức tạp, mở rộng tranh chấp».
RFI ghi rằng một điểm đáng chú ý khác trong thông cáo chung nói trên, đó là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình đã đồng ý sẽ «thúc đẩy vững chắc» đàm phán phân định khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và «tích cực thúc đẩy» hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này.
RFI viêt rằng cho tới nay, Việt Nam vẫn được xem là quốc gia chống đối mạnh mẽ nhất sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tranh giành chủ quyền với Bắc Kinh ở Trường Sa và thường xuyên chỉ trích sự kiểm soát của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Năm 2014, vụ giàn khoan Hải Dương 981 đã khiến hai nước suýt đụng độ nhau trên biển.
Nhưng quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã được cải thiện. Trước ông Nguyễn Phú Trọng, vào tháng 09/2016, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Bắc Kinh và đã đồng ý với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là hai nước phải «kiểm soát tốt bất đồng trên biển».
Mọi chuyện bỗng nhiên khó hiểu...
Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ vừa trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên biển Đông.
Hợp đồng được ký hôm 13/1 trong khi ngoại trưởng John Kerry đang ở thăm Việt Nam và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đi thăm Trung Quốc. Theo truyền thông trong nước, tập đoàn PetroVietnam là đối tác ký kết hợp đồng với tập đoàn của Mỹ.
Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam Carl Thayer cho rằng động thái này của Việt Nam là một phần trong chiến lược cân bằng với các cường quốc lớn. Theo giáo sư của đại học New South Wales, Việt Nam gọi đây là chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa” các mối quan hệ với nước ngoài.
"Thực tế là Việt Nam biết rằng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Trung Quốc. Họ biết ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Việt Nam. Tôi được biết chuyến thăm này của ông Kerry đã bị hoãn nhiều lần nhưng cuối cùng cũng diễn ra. Và sau đó, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tới Việt Nam. Điểm đặc trưng của Việt Nam là luôn tìm cách cân bằng các cường quốc lớn."
Giáo sư Thayer nói Việt Nam cần có khí đốt và cũng cần có các mối quan hệ tốt với các cường quốc.
Ông Rex Tillerson, người được ông Donald Trump đề cử vào chức vụ ngoại trưởng, từng là giám đốc điều hành của ExxonMobil. Trong thời gian lãnh đạo công ty, ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối. Theo giáo sư Thayer, ông Tillerson có thể đã biết về việc Trung Quốc đe dọa các công ty Mỹ nếu tham gia khai thác dầu khí trên các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
VOA thêm:
“Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường Lưỡi Bò” 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.”
Lăng ba vi bộ được chăng?
Thực tế, không còn cách gì khác... Vì không lẽ gây chiến với TQ để đòi lại Hoàng Sa.
Nhưng phải cảnh giác, sau nhiều thập niên không chịu ciông khai đòi Hoàng sa, sẽ tới lúc tòa án quốc tế nói là trễ rồi nhé... Lúc đó, hết cách đòi lại Hoàng Sa.
Chờ đợi một kháng thư chính thức do Nguyễn Phú Trọng đưa ra cho Bắc Kinh... mà sao bây giờ vẫn im lặng.
No comments:
Post a Comment