Trí thức Việt Nam phản đối hộ chiếu in hình "lưỡi bò" của TQ
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2012-11-28
Hơn 140 trí thức Việt Nam tính đến ngày 27 tháng 11 đã ký tên vào Tuyên bố Phản đối Nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ chiếu công dân.
Cách làm 'thâm hiểm' của Trung Quốc
Danh sách của số trí thức Việt Nam đầu tiên ký vào tuyên bố vừa nêu gồm những vị nhân sĩ, giáo sư, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, các tu sĩ... Họ là những người đang sinh sống làm việc tại Việt Nam và cả ở nước ngoài.
Số trí thức Việt Nam có chung quan điểm cực lực phản đối hành động bị cho là khiêu khích của nhà cầm quyền Trung quốc khi cho phát hành hộ chiếu công dân có in hình lưỡi bò trên đó.
Theo các trí thức ký tên trong tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ chiếu công dân thì hành động đó của chính quyền Trung Quốc có tính toán kỹ lưỡng bấy lâu nay.
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học VN, nguyên thành viên Tổ tư vấn của thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ban nghiên cứu của thủ tướng Phan Văn Khải, một trong những người ký tên vào bản tuyên bố nhắc lại cơ sở của phản đối của những trí thức Việt Nam đối với hộ chiếu in hình lưỡi bò của Trung Quốc như sau:
Quan trọng hơn nữa là một loạt những bản đồ mà có thể nói cuộc chiến bản đồ nằm trong toàn bộ âm mưu của giới cầm quyền TQ. Cho nên việc in đường 'lưỡi bò' hoang tưởng trên hộ chiếu của nước này là một bước tiến mới trong tham vọng khống chế Biển ĐôngGiáo sư Tương Lai
Nghe đâu việc này đã có từ trước, lâu rồi và vừa rồi rộ lên và người ta mới thấy hóa ra đây mới là bộ mặt thật của giới cầm quyền Trung Quốc trong âm mưu muốn biến Biển Đông thành ao nhà riêng của họ. Thực ra âm mưu bành trướng này có từ rất lâu. Trong 50 năm qua họ liên tục có những bước đi thể hiện rõ ràng mục đích này: từ việc xâm chiếm các hòn đảo của các nước trong khu vực ( Việt Nam, Philippines...) ; đồng thời đưa ra những tuyên
bố trên mọi diễn đàn quốc tế.
Quan trọng hơn nữa là một loạt những bản đồ mà có thể nói cuộc chiến bản đồ nằm trong toàn bộ âm mưu của giới cầm quyền Trung Quốc. Cho nên việc in đường 'lưỡi bò' hoang tưởng trên hộ chiếu của công dân nước này là một bước tiến mới trong tham vọng khống chế Biển Đông. Nếu phân tích thì đây là một hành động cực kỳ nham hiểm không chỉ đối với Việt Nam mà cả các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế có chung quyền lợi trên Biển Đông.
Phân minh đúng sai, nói rõ cho dân
Một người nằm trong số 140 trí thức đầu tiên ký vào tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ hộ chiếu công dân, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người trước đây từng học tập tại Trung Quốc cho biết cần phải làm đúng nguyên tắc:
Ai đến Việt Nam cũng đều có lý do riêng của họ và chúng ta thông cảm đối với họ; nhưng nếu Nhà Nước của họ mà làm thủ tục không được chấp nhận, quan hệ ngoại giao không được đúng thì họ phải chịu thôi. Họ phải tự đấu tranh với chính quyền của họ.
Tôi hoan nghênh anh em công an ở một vài cửa khẩu đã bắt đầu thế rồi. Song nhóm ngày hôm nay như thế, nhóm ngày mai có được thế không? Điều đó liên quan đến chỉ huy, mà chỉ huy nghe lệnh của ai thì chúng ta biết rồi!kiến trúc sư Trần Thanh Vân
Người dân Trung Quốc hay bất cứ người nước nào đến đây cũng có lý do chính đáng. Đi chơi cũng là chính đáng- đi một ngày đàng học một sàng khôn, đi chơi cũng tốt, chúng ta hoan nghênh; nhưng nếu giấy tờ thủ tục ngoại giao không đúng thì ta phản đối. Phản đối tốt nhất là không chấp nhận, không làm. Đó là đúng đắn.
Trong tuyên bố, các trí thức cho biết họ ủng hộ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam khi tuyên bố việc làm đó của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan đến Biển Đông.
Giáo sư Tương Lai cho rằng cần phải nêu rõ những âm mưu của phía Trung Quốc cho mọi người dân được thấy :
Nếu như ai đó chỉ đặt lợi ích kinh tế ví dụ như lợi ích du lịch, lợi ích đầu tư đi trước thì sẽ chấp nhận điều này, mà khi chấp nhận điều này thì tức đã 'bập' vào kịch bản của Trung Quốc: công nhận hành động bành trướng và thủ đoạn xâm lược của Trung Quốc. Đây là một toan tính mà không thể không vạch trần trước dư luận quốc tế.
Trong nước, việc vạch trần điều này ra có ý nghĩa lớn lắm vì từ lâu về mặt Nhà nước hay nói đến '16 chữ vàng' và '4 tốt' trong mối quan hệ với Trung Quốc. Thậm chí còn tuyên bố vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề 'toàn cục' trong mối quan hệ Việt- Trung, rồi 'đừng để vấn đề Biển Đông làm ảnh hưởng mối quan hệ Việt- Trung'. Đó là những luận điệu không thể nào chấp nhận được vì đó là sự 'ru ngủ' trước hành động xâm lược thực sự của Trung Quốc.
Nếu như ai đó chỉ đặt lợi ích kinh tế ví dụ như lợi ích du lịch, lợi ích đầu tư đi trước thì sẽ chấp nhận điều này, mà khi chấp nhận điều này thì tức đã 'bập' vào kịch bản của Trung Quốc: công nhận hành động bành trướng và thủ đoạn xâm lược của TQ.Giáo sư Tương Lai
Cương quyết hơn
Đối với những động thái từ các cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện như công an ở một số cửa khẩu của Việt Nam không đóng dấu vào hộ chiếu có in hình 'lưỡi bò' của người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, kiến trúc sư Trần Thanh Vân vẫn còn nghi ngại và bà đòi hỏi cần phải quyết liệt hơn và phải làm đến cùng trong vấn đề này:
Thực sự mà nói tôi có hiểu một điều là nếu đụng độ mà chưa xảy ra, máu chưa đổ thì chưa thể thay đổi được. Ta làm việc gì đó mà chưa tích cực tức kéo dài quan hệ xấu, nuôi dưỡng quan hệ xấu. Nếu tích cực hơn, hôm nay có thể xấu nhưng ngày mai tốt lên. Đó mới là niềm hy vọng của mọi người.
Giáo sư Tương Lai nhắc lại những bài học lịch sử của Việt Nam trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc từ phương Bắc:
Từ thế kỷ thứ 13, đứng trước lực lượng quá chênh lệch- mấy chục vạn quân Nguyên kéo đến, ông cha ta đã dùng sức mạnh dân tộc qua Hội nghị Diên Hồng để phát động tinh thần quyết chiến bằng cách ghi trên hai cánh tay hai chữ 'Sát Thát'. Chính nhờ đó mới có ba lần đánh thắng quân Nguyên.
Thực sự mà nói tôi có hiểu một điều là nếu đụng độ mà chưa xảy ra, máu chưa đổ thì chưa thể thay đổi được. Ta làm việc gì đó mà chưa tích cực tức kéo dài quan hệ xấu, nuôi dưỡng quan hệ xấu. Nếu tích cực hơn, hôm nay có thể xấu nhưng ngày mai tốt lên.kiến trúc sư Trần Thanh Vân
Ngày nay âm mưu của Trung Quốc nham hiểm hơn; nhưng thế và lực của Việt Nam cũng khác trước rất nhiều. Đặc biệt bây giờ chúng ta có mối quan hệ với các nước ASEAN. ASEAN rất ngại âm mưu bành trướng của Trung Quốc sang Biển Đông xuống vùng Đông Nam Á. Mà Việt Nam là nước cận kề mà Trung Quốc xem như là khúc xương mắc ngang cuống họng không cho họ nuốt trôi vùng Đông Nam Á và Biển Đông.
Lợi ích của họ đối với Biển Đông có thể nói rất lớn, và họ đang muốn trở thành cường quốc về biển nữa, cho nên họ tăng cường lực lượng hải quân. Điều đó uy hiếp sự độc lập và phát triển của các nước Đông Nam Á cũng như của nhiều nước có mối quan hệ gắn bó với Châu Á- Thái Bình Dương từ Châu Âu, Châu Mỹ. Nếu nhà cầm quyền Việt Nam biết tranh thủ được lợi thế đó thì có thể nói có thể làm nhiều điều tốt hơn ông cha ta đã làm từ thế kỷ thứ 13.
Bản Tuyên bố Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ chiếu công dân mà các trí thức Việt Nam đưa ra được làm tại ba thành phố Hà Nội- Huế- Sài Gòn hồi ngày 25 tháng 11 năm 2012.
Theo dòng thời sự:
- Bản đồ trên hộ chiếu: cơ hội cho Việt Nam?
- Tranh chấp biển Đông căng thẳng tại Thượng đỉnh ASEAN
- ASEAN thảo luận về bất ổn Miến Điện và tranh chấp Biển Đông
- 10 nước ASEAN đồng lòng muốn TQ đàm phán về Biển Đông
- ASEAN thông qua bản Tuyên Bố Nhân Quyền
- Indonesia đề xuất lập “đường dây nóng” để ngăn chặn xung đột trên Biển Đông
- Biển Đông, nhân quyền - đề tài nóng tại Thượng đỉnh ASEAN 21
- Thượng đỉnh ASEAN nỗ lực hàn gắn rạn nứt Biển Đông
- Trung Quốc muốn trở thành cường quốc hàng hải
- Sự vô nghĩa của từ “hợp tác”
No comments:
Post a Comment