Thursday, June 27, 2013

Mỹ-Philippines tập trận gần bãi đá Scarborough

Mỹ-Philippines tập trận gần bãi đá Scarborough

Tàu ngầm Mỹ USS Olympia tại căn cứ Subic Freeport, cách Manila, Philippines 112,6km phía tây. Ảnh chụp ngày 08/10/2012.
Tàu ngầm Mỹ USS Olympia tại căn cứ Subic Freeport, cách Manila, Philippines 112,6km phía tây. Ảnh chụp ngày 08/10/2012.
REUTERS/Bullit Marquez/Pool/Files

Tú Anh
Chiến dịch tập trận chung và huấn luyện CARAT Mỹ-Philippines được khai diễn cạnh một điểm nóng trên biển Philippines hiện đang bị Trung Quốc tranh giành. Ba chiến hạm Mỹ, soái hạm cùng nhiều tầu tuần duyên Philippines và 1000 binh sĩ hai nước tham gia 6 ngày thao dượt chống khủng bố và an ninh hàng hải.

Theo AFP, cuộc tập trận hàng năm giữa hai đồng minh Hoa Kỳ và Philippines năm nay được tổ chức gần khu bãi đá Scarborough nơi mà Trung Quốc sử dụng lực lượng hải giám truy đuổi ngư dân Philippines và chiếm cứ luôn từ hơn một năm nay.
Một phát ngôn viên của Manila cho biết chiến dịch CARAT khai diễn vào hôm nay 27/06/2013 có mục đích tăng cường hợp tác giữa hai quân lực và phát triển tối đa khả năng chống khủng bố, bảo vệ an ninh trên biển.
Hải quân Mỹ đưa ba tàu chiến, trong đó có phi tiễn hạm USS Fitzgerald, trang bị tên lửa đối hải và đối không, vào vùng biển ở giữa Scarborough và đảo Luzon. Tuy nhiên, theo trung tá Gregoriy Fabic, phát ngôn viên hải quân Philippines, cuộc tập trận tập trung vào khả năng hành quân trên biển, chứ không nhằm mục đích chống Trung Quốc.
Cụ thể là binh sĩ Mỹ-Philippines thực tập ngăn chận hải thuyền của đối phương, tịch thu trang thiết bị đe dọa lực lượng đồng minh trên hải trình thuộc lãnh hải Philippines.
Hôm thứ Ba 25/06/2013, sứ quán Trung Quốc tại Manila ra thông cáo cảnh báo Hoa Kỳ và Philippines tránh hành động « gây thêm căng thẳng trong khu vực ».
Scarborough nằm cách Philippines 230 km và cách Hoa lục 1200 km.
Từ một tháng nay, hải quân Philippines theo dõi các hải thuyền Trung Quốc thường xuyên « đánh vòng» đảo đá ngầm Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Philippines kiểm soát.
Bắc Kinh tự cho có chủ quyền trên toàn biển Đông Nam Á kể cả vùng duyên hải sát cạnh các nước láng giềng nhỏ yếu hơn.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - HOA KỲ - MỸ - PHILIPPINES - QUÂN SỰ - QUỐC TẾ

Nhật Bản nhắc lại cam kết giúp Philippines bảo vệ biển đảo

Nhật Bản nhắc lại cam kết giúp Philippines bảo vệ biển đảo

Ngoại trưởng Nhật Bản Itsunori Onodera (T) và đồng nhiệm Philippines tại buổi họp báo chung, Manila, 27/06/2013
Ngoại trưởng Nhật Bản Itsunori Onodera (T) và đồng nhiệm Philippines tại buổi họp báo chung, Manila, 27/06/2013
REUTERS/Erik De Castro

Trọng Nghĩa
Trước các hành động ngày càng lấn lướt của Trung Quốc trong việc tranh giành biển đảo của các nước láng giềng, chính quyền Nhật Bản càng lúc càng tỏ rõ quyết tâm ngăn chặn. Ghé thăm Philippines – một nước Đông Nam Á đang là nạn nhân chủ chốt của các động thái chèn ép Bắc Kinh ngoài Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hôm nay 27/06/2013 đã không ngần ngại nhắc lại cam kết của Tokyo là sẽ cung cấp phương tiện cụ thể cho Manila để bảo vệ các « hải đảo xa xôi » của mình.

Trong một cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Philippines Voltaire Gazmin nhân dịp ông đến Manila để thảo luận về hợp tác song phương, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera xác nhận rằng Nhật Bản và Philippines đã bàn bạc về cả hai hồ sơ : Đòi hỏi chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, và tranh chấp lãnh thổ Nhật –Trung tại vùng Biển Hoa Đông.
Ông Onodera đã ghi nhận là Tokyo và Manila đang cùng chung cảnh ngộ là cần phải bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình : « Chúng tôi đang phải đối diện với một tình huống tương tự ở vùng Biển Hoa Đông. Phía Nhật Bản rất quan ngại trước khả năng tình hình ở Biển Đông có thể ảnh hưởng đến tình hình ở Biển Hoa Đông ».
Bối cảnh đó đã thúc đẩy hợp tác quốc phòng Tokyo-Manila. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, cho biết : « Chúng tôi đồng ý rằng sẽ phải đẩy xa hơn nữa công cuộc hợp tác song phương nhằm bảo vệ các hòn đảo xa xôi..., bảo vệ lãnh hải cũng như bảo vệ các lợi ích hàng hải ».
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã hoan nghênh đề nghị của Nhật Bản, muốn giúp đỡ quân đội Philippines đang rất thiếu phương tiện. Ông xác nhận : « Chúng tôi đã nhất trí tiếp tục hợp tác trong lãnh vực trao đổi thông tin, trao đổi công nghệ nhằm giúp đỡ lẫn nhau sao cho quan hệ quốc phòng của chúng tôi mạnh mẽ hơn ».
Cả hai Bộ trưởng không cho biết chi tiết về những gì mà Nhật Bản sẽ giúp cho Philippines trong lãnh vực quốc phòng, nhưng vào tháng hai vừa qua, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã cho biết là Manila hy vọng nhận được 10 chiếc tàu tuần tra mới của Nhật Bản trong vòng 18 tháng.
Theo tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun ngày 25/06 vừa qua, vấn đề cung cấp tàu tuần duyên có lẽ sẽ được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức loan báo trong một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Philippines Benigno Aquino vào tháng Bảy tới đây nhân một chuyến công du Đông Nam Á mới của ông Abe.
Một số nguồn thạo tin đã cho báo giới Nhật Bản biết là Thủ tướng Nhật Bản đã lên kế hoạch đi thăm Philippines, Malaysia và một số nước ASEAN khác vào cuối tháng Bảy, sau cuộc bầu cử Thượng viện.
Đây sẽ là lần thứ ba mà ông Shinzo Abe công du Đông Nam Á trong từ khi nhậm chức. Lần đầu tiên là vào tháng Giêng, ít lâu sau khi ông trở thành thủ tướng, với chuyến thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, và mới đây là chuyến công du Miến Điện hồi tháng Năm.
Theo các nhà phân tích, rõ ràng là Tokyo đang đẩy mạnh chính sách Đông Nam Á của mình bằng cách tăng cường quan hệ với các nước ASEAN. Mục tiêu chiến lược của ông Abe chính là hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc, đang càng lúc càng lớn lối cả tại Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông.
Vừa giúp đỡ các nước Đông Nam Á, mà cụ thể là Philippines về phương tiện, Tokyo vừa hậu thuẫn các nước bị Bắc Kinh lấn lướt trên bình diện chính trị ngoại giao theo hai hướng : ủng hộ việc nhanh chóng tiến tới một bộ quy tắc ứng xử ASEAN – Trung Quốc (COC), và kêu gọi các bên tranh chấp – và nhất là Trung Quốc – tôn trọng luật lệ quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.
Sự can dự tích cực của Nhật Bản vào vùng Đông Nam Á được cho là sẽ giúp Hoa Kỳ giảm bớt gánh nặng ngân sách trong việc triển khai chiến lược xoay trục qua Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp báo hôm nay tại Manila, hai Bộ trưởng Quốc phòng Nhật – Phi - Onodera và Gazmin đã không ngần ngại hoan nghênh việc Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - NHẬT BẢN - PHÂN TÍCH - PHILIPPINES - QUÂN SỰ - QUỐC PHÒNG - TRANH CHẤP

Tuesday, June 25, 2013

Chuyên gia Nhật chỉ trích dự án bauxite

Chuyên gia Nhật chỉ trích dự án bauxite

Cập nhật: 11:51 GMT - thứ ba, 25 tháng 6, 2013
Dự án bauxite
Dự án khai thác bauxite vẫn gặp phản đối tại Việt Nam
Một giáo sư người Nhật nghiên cứu thực địa về hai dự án bauxite Tây Nguyên nói dự án “thất bại, nhưng không có ai chịu trách nhiệm”.
Viết trên báo Nhật Asahi Shimbun hôm 25/6, Tiến sĩ Ari Nakano, từ Đại học Daito Bunka, cũng bày tỏ lo ngại về hiệu quả của các dự án điện hạt nhân mà Nga và Nhật đang làm tại tỉnh Ninh Thuận.
Bà lo ngại về sự thiếu minh bạch tại Việt Nam và kêu gọi chính phủ Nhật xem xét lại quan hệsong phương.
‘Thiếu thông tin’
Tác giả, một chuyên gia về chính trị, ngoại giao và nhân quyền Việt Nam, cho biết bà trực tiếp phỏng vấn các nông dân ở tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng, nơi đang khai thác bauxite.
“Không cư dân nào nhận được giải thích rõ ràng về các mỏ bauxite, việc xây dựng và mở rộng nhà máy alumina, hay kế hoạch thu hồi đất, đền bù.”
Bà nói mặc dù người dân đã khiếu nại về tác động môi trường, nhưng chính phủ không có “biện pháp đầy đủ nào”.
Một số công nhân cũng không được trả lương đầy đủ, tạo nên nghi ngờ về hứa hẹn của chính phủ rằng dự án đem lại việc làm cho cộng đồng.
Tác giả nhắc lại tin tức về sự chậm trễ trong việc xây nhà máy bauxite – nhôm Lâm Đồng và việc phải dừng cảng Kê Gà, ban đầu định dùng để vận chuyển sản phẩm.
Tiến sĩ Ari Nakano nói hồi đầu năm nay, bà tổ chức một hội nghị ở Hà Nội về tài nguyên, môi trường. Nhưng Bộ Công thương nhất quyết không cho đưa vấn đề bauxite vào nghị trình, cũng như không cho những người chỉ trích dự án có mặt.
“Dự án rõ ràng là một thất bại, nhưng không rõ ai phải chịu trách nhiệm,” tác giả viết.
Lo ngại hạt nhân
Nhắm tới các độc giả người Nhật, bà Ari Nakano nói các trí thức Việt Nam chỉ trích dự án bauxite cũng phản đối các dự án xây nhà máy điện hạt nhân mà Nga và Nhật đang làm ở tỉnh Ninh Thuận.
Kế hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 2 tại Ninh Thuận có sự hỗ trợ từ Nhật Bản
“Trong hơn 20 năm tôi quan sát nước này, xu hướng cố gắng che lấp các sự thật khó chịu của chính phủ Việt Nam về căn bản là không đổi.”
“Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, gói trong bầu không khí chính trị không có đủ thông tin và đàn áp tự do ngôn luận, chưa gì đã có các vấn đề nghiêm trọng trước khi chúng có thể tạo ra kết quả kinh tế hay công nghệ.”
“Nhật Bản nên hiểu tình hình ở Việt Nam và xem lại cách làm thế nào hợp tác với một đối tác như thế,” tác giả kêu gọi.
Năm nay Nhật Bản và Việt Nam đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao và chính giới Nhật Bản không giấu giếm mong muốn thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược.
Đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của chuyến công du nước ngoài.

Thêm về tin này

Biển Đông: Chọn đủ thẩm phán cho vụ Philippines kiện Trung Quốc

Biển Đông: Chọn đủ thẩm phán cho vụ Philippines kiện Trung Quốc

Quang cảnh một phiên xử tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển
Quang cảnh một phiên xử tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển
ITLOS

Trọng Nghĩa
Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đã chọn xong thẩm phán cuối cùng tham gia ủy ban đặc trách xem xét đơn kiện của Philippines về « đường lưỡi bò » của Bắc Kinh. Trong thư đề ngày 21/06/2013, Tòa án Liên Hiệp Quốc đã thông báo cho chính quyền Manila biết quyết định chọn thẩm phán Thomas Mensah, người Ghana, để bổ sung vào số 5 thành viên thuộc tòa án trọng tài.

Ông Mensah, nguyên là thẩm phán của Toà án Quốc tế về Luật Biển từ năm 1996 đến năm -2005, được đề cử thay thế thẩm phán Chris Pinto, người Sri Lanka. Ông này đã xin rút tên ra khỏi ủy ban trọng tài hồi tháng 05/2013, ít lâu sau khi được bổ nhiệm. Nguyên nhân khiến ông Pinto phải từ chức, đó là vì vợ ông là người Philippines.
Như vậy, Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc chuyên trách vụ kiện của Philippines bao gồm các ông Jean-Pierre Cot người Pháp, Alfred Soons người Hà Lan, Thomas Mensah, người Ghana, cùng với thẩm phán Đức Rudiger Wolfrum, được Philippines chọn làm đại diện cho Manila, và thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak đã được Chánh án ITLOS cử thay mặt Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện.
Với việc chọn xong các thẩm phán, các cuộc điều trần trong khuôn khổ vụ kiện có thể bắt đầu, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
TAGS: BIỂN TÂY PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - PHILIPPINES - TRUNG QUỐC

Hội thảo “Đoàn kết ASEAN và những thách thức tại Biển Đông”

Hội thảo “Đoàn kết ASEAN và những thách thức tại Biển Đông”

Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-06-21
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Bdong-4-305.jpg
Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Đoàn kết ASEAN và những thách thức biển tại khu vực Biển Đông và Châu Á - Thái bình Dương” diễn ra vào ngày 20 tháng 6 tại Bangkok, Thái Lan.
Courtesy VOV

Một hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra vào ngày 20 tháng 6 tại Bangkok, Thái Lan.
“Đoàn kết ASEAN và những thách thức biển tại khu vực Biển Đông và Châu Á - Thái bình Dương” là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Á châu của Ấn Độ - CASS - India phối hợp với Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Thái Lan tổ chức.
Cuộc hội thảo diễn ra trong một ngày vừa nói qui tụ chừng 100 người tham dự gồm đại diện một số đại sứ quán các nước ở Thái Lan, những người quan tâm, báo chí và sinh viên…
Số diễn giả gồm 16 vị là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia chính trị và quân sự từ các nước Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Kampuchia, Miến Điện, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc.
Có thể phân chia các vấn đề được những diễn giả trình bày ra các nhóm là quan điểm, chính sách  của các quốc gia trong khu vực đối với vấn đề Biển Đông; thứ hai là thực trạng diễn tiến tại Biển Đông lâu nay trở thành thách thức cho khu vực thế nào; thứ ba giải pháp giải quyết mà trọng tâm là sự đoàn kết của các nước trong khối ASEAN.
Các bài trình bày của những diễn giả đều xoay quanh những chủ điểm về Biển Đông, nhưng sao trong tên gọi của hội thảo lại có thêm Châu Á- Thái Bình Dương? Giám đốc CASS-India, ông Mahapatra, giải thích vì tình hình Biển Đông được đặt trong toàn cảnh của khu vực rộng lớn hơn là Châu Á- Thái Bình Dương.

Quan điểm các nước

Tiến sĩ Shrikant Paranjpe, giáo sư Khoa Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Pune, Ấn Độ cho biết việc New Dehli quan tâm đến Biển Đông nằm trong chiến lược hướng Đông của chính phủ nước ông. Tầm quan trọng của khu vực Biển đông đối với Ấn Độ được tiến sĩ Shrikant Paranjpe, trình bày.
Đối với Miến Điện, vấn đề Biển Đông được quan tâm vì theo quan chức chính phủ về hưu Nyunt Maung Shein  của nước này vào sang năm Miến Điện sẽ nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của Khối ASEAN nên cần phải giúp giải quyết tranh chấp lãnh hải giữa các nước thành viên trong khối. Theo ông này thì đây là một vấn đề  khó khăn, phức tạp.
Tiến sĩ Bouadam Sengkhamkhoutlavong từ Lào trình bày rằng nước ông là một quốc gia không có biển, nằm sâu trong đất liền; thế nhưng nay muốn liên kết với các quốc gia có biển láng giềng nên cần phải có hòa bình, ổn định trong khu vực như là điều kiện cần thiết cho phát triển.
Đài Loan là một trong những quốc gia đang chiếm giữ đảo Ba Bình tại Biển Đông; diễn giả từ đảo quốc này là Shawn Shaw-Fawn KAO, phó giáo sư Khoa Chính trị, Đại học Tunghai ở Đài Loan,  tham dự hội thảo, và lên tiếng cho rằng các quốc gia ASEAN cần cho đảo quốc này tham gia vào những tổ chức của nhóm nhằm có tiếng nói trong vấn đề Biển Đông.

Thực trạng Biển Đông

Bdong-1-250.jpg
Tiến sỹ Võ Xuân Vinh phát biểu tại hội thảo “Đoàn kết ASEAN và những thách thức biển tại khu vực Biển Đông và Châu Á - Thái bình Dương” diễn ra vào ngày 20 tháng 6 tại Bangkok, Thái Lan. Courtesy VOV.
Trong hầu hết những trình bày của các diễn giả tham gia hội thảo đều nói đến những hành động của Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt ở khu vực Biển Đông. Phân tích cho sự quyết liệt ngày càng gia tăng như thế Phó giáo sư tiến sĩ Chulacheeb Chinwano của Thái Lan nêu lên những thành tựu về mặt kinh tế của nước này và từ đó họ hiện đại hóa quân đội và tiến hành những hoạt động tại những vùng biển khác nhau như ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo ông này thì trước đây, Trung Quốc là một quốc gia tuân theo luật lệ của thế giới, nhưng trong tương lại họ muốn trở thành người làm luật.
Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, trưởng ban Nghiên cứu Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng trình bày lại những hoạt động bị cho là quyết liệt của Trung Quốc. Ông cho rằng chính sách nhất quán của Trung Quốc là dần dần độc chiếm Biển Đông.
Trước những trình bày về hoạt động mang tính quyết liệt của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông lâu nay của những diễn giả khác tại hội thảo, diễn giả Trung Quốc, bà Tô Hiểu Huy, phó giám đốc Ban Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Viện Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc, phản bác lại cho rằng Trung Quốc không hề hành động quyết liệt mà tất cả những việc làm của Trung Quốc chỉ là phản ứng đối với những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh hải nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc. Bà này nêu ra một loạt những cáo buộc mà chính quyền Bắc Kinh lặp đi lặp lại lâu nay. Bà nói rằng hình ảnh của Trung Quốc bị bóp méo, và gây chia rẽ trong khối ASEAN.

Vai trò ASEAN

Các diễn giả Thái Lan nhắc lại vai trò của nước này trong việc khởi xướng hình thành nên khối ASEAN, và giúp cho khối này có được sự đoàn kết trong một thời gian khá lâu; thế nhưng trong những năm gần đây, tranh chấp Biển Đông đang gây chia rẽ cho khối này.
Trong phát biểu mở đầu cuộc hội thảo, cựu bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, ông Kasit Piromya, nhắc lại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7 năm ngoái ở Phnom Penh. Lúc đó Kampuchia là chủ tịch luân phiên của ASEAN và đã không ra được thông cáo chung. Lý do cũng vì vấn đề Biển Đông.
Hoàng tử Norodom Sirivudh của Kampuchia cho rằng nước ông không hề ngả theo phe nào như cáo giác là vì nghe Trung Quốc mà cản trở vấn đề Biển Đông tại các hội nghị hồi năm ngoái ở thủ đô Phnom Penh của Kampuchia. Ông cho rằng, chính Tuyên bố Ứng xử của Các bên tại Biển Đông, DoC, từng được ký kết hồi năm 2002 ở nước ông.
Cựu bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, ông Kasit Pyromia cho rằng nếu Khối ASEAN không có sự đoàn kết trong giải quyết các vấn đề nóng như vấn đề Biển Đông hiện nay thì khối này mất đi vai trò của nó. Cũng theo ông sẽ không thể có giải quyết nhanh chóng cho tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông.
Có cử tọa nêu vấn đề đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc, thì bà Tô Hiểu Huy cho rằng ngay tại Trung Quốc cũng đang có bàn cải về đường này và Trung Quốc muốn có thời gian để nói chuyện song phương với từng bên liên quan về vấn đề đường chín đoạn. Diễn giả của Việt Nam, tiền sĩ Võ Xuân Vinh có yêu cầu bà này nêu ra những cơ sở pháp lý thì bà cho biết từ năm 1947, Trung Quốc có bản đồ với đường này, và cả mấy chục năm không thấy nước nào nói gì sao gần đây mới phản bác.
Diễn giả của Việt Nam không phản bác và tranh luận gì thêm nữa về những giải thích do bà Tô Hiểu Huy đưa ra.
Gia Minh tường trình từ Bangkok, Thái Lan.

Chủ tịch Trương Tấn Sang thỏa thuận gì với TQ?

Chủ tịch Trương Tấn Sang thỏa thuận gì với TQ?

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-06-21
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Del6225382-305
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 năm 2013.
AFP PHOTO

Khi Chủ tịch Trương Tấn Sang hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 19/6 thì cũng là lúc một cơn bão hình thành trên Biển Đông. Nhưng điều mà nhà lãnh đạo Việt Nam nhắm tới là hóa giải một cơn bão khác trong quan hệ với Trung Quốc đó là tranh chấp Biển Đông.

Mong muốn duy trì hòa bình

Trả lời Nam Nguyên vào tối 20/6/2013, Thạc sĩ Hoàng Việt chuyên gia về Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, những thỏa thuận mà hai phía Việt Trung đạt được, qua chuyến công du của Chủ tịch Trương Tấn Sang, là một tín hiệu cho thấy nỗ lực của cả hai bên trong việc cam kết duy trì hòa bình an ninh khu vực, trong đó có cả Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt nhắc lại sự kiện báo chí ngày 20/6 đưa ra việc hai bên thống nhất thỏa thuận khai thác chung về dầu khí trên Vịnh Bắc bộ, mà trước đây đã có hiệp định phân định. Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh:
“Theo tôi, đấy cũng là một tín hiệu đáp lại việc trước đây đại diện nhóm diều hâu Trung Quốc kêu gọi dùng biện pháp quân sự, tôi cho rằng cuộc gặp này cũng khẳng định một điều: lãnh đạo cả hai nước mong muốn duy trì hòa bình trên khu này trong đó có cả Biển Đông đặc biệt giữa hai quốc gia, đó cũng là điều đáng ghi nhận.
Theo tôi, đấy cũng là một tín hiệu đáp lại việc trước đây đại diện nhóm diều hâu Trung Quốc kêu gọi dùng biện pháp quân sự.
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Tuy nhiên tôi thiên về một ý khác, thông thường lãnh đạo Trung Quốc bao giờ cũng mềm mỏng nhẹ nhàng và bao giờ cũng đưa ra những bài phát biểu rất hòa bình, trong khi các lực lượng khác của họ lại luôn luôn có những hành động rất cứng rắn. Vấn đề quan trọng nhất theo tôi, không biết nhà lãnh đạo Việt Nam có thể  cùng bàn bạc với lãnh đạo Trung Quốc để cùng chỉ đạo và thống nhất từ trên xuống dưới của cả hai bên là phải tuân thủ những thỏa thuận đạt được, thì điều đó mới thực sự đem lại hiệu quả và duy trì hòa bình trên vùng Biển Đông.”
Trước sự chứng kiến của ông Trương Tấn Sang và ông Tập Cận Bình, hai phía Việt-Trung đã ký kết 10 văn kiện hợp tác nhiều mặt. Trong đó đáng chú nhất là mở rộng diện tích thỏa thuận trên Vịnh Bắc Bộ về thăm dò tìm kiếm các mỏ dầu khí.
Theo báo điện tử Chính phủ Việt Nam, thỏa thuận được ký kết với nội dung: mở rộng khu vực xác định từ 1541km2 lên thành 4076km2, bao gồm hai phần tương đương nhau từ mỗi bên; và tiếp tục gia hạn hiệu lực của Thỏa thuận thăm dò chung đến hết năm 2016.
Theo VietnamNet, ông Đỗ Văn Hậu Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam xác định thỏa thuận này không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Vì đây chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí. Theo cách giải thích của ông Đỗ Văn Hậu thì trong khu vực thỏa thuận mở rộng 4.076km2 trên vùng chồng lấn ở Vịnh Bắc Bộ, việc thăm dò và khai thác sẽ phải là hợp tác giữa hai Tổng công ty Dầu khí của hai quốc gia Việt-Trung.
000_Hkg8715319-250
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trong buổi hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20 tháng 6 năm 2013. AFP PHOTO.
Hai bên cũng thỏa thuận việc thiết lập đường dây nóng để giải quyết những va chạm trong hoạt động nghề cá trên Biển Đông. Ngoài ra Việt Nam cũng nhận được 2 khoản tín dụng ưu đãi từ phía Trung Quốc, khoản thứ nhất trị giá 320 triệu nhân dân tệ cho dự án hệ thống thông tin đường sắt và khoản thứ hai trị giá 45 triệu USD liên quan tới dự án nhà máy Đạm than Ninh Bình.
TS Sử học Nguyễn Nhã một nhà nghiên cứu Biển Đông hiện sống và làm việc tại Saigon nhận định:
“Mọi người đều biết rõ ý đồ Trung Quốc hiện nay như thế nào ở Biển Đông cũng như trên thế giới. Dĩ nhiên Việt Nam là một nước nhỏ và ở bên cạnh Trung Quốc. Tôi nghĩ những hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cũng như tất cả các hoạt động ngoại giao thì chắc chắn sẽ góp phần làm cho căng thẳng ngày càng giảm đi, nhưng trong thực tế chính trị là vấn đề rất phức tạp.”

Nói một đàng làm một nẻo?

Theo Saigon Tiếp Thị Online, chiều ngày 19/6 tại Bắc Kinh trước sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo Việt-Trung, đại diện Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ký thỏa thuận về việc ‘Thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá.’ Trong khi đó hãng tin Pháp AFP trích tờ Trung Quốc Nhật báo cho biết, với việc thiết lập đường dây nóng, hai phía Việt Nam và Trung Quốc sẽ thông báo cho nhau mọi hoạt động bắt giữ xử lý tàu cá và ngư dân của phía bên kia trong vòng 48 giờ.
Được yêu cầu đánh giá về thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về va chạm trong hoạt động nghề cá trên Biển Đông, Thạc sĩ luật quốc tế Hoàng Việt từ Saigon nhận định:
Khi mà mình có đường dây nóng, là một sự tích cực, nhưng việc chúng ta luôn luôn phải đối phó là nói một đàng làm một nẻo, thì cái đó quả thực là  thực tế sẽ có câu trả lời thôi.
-Tiến sĩ Nguyễn Nhã
“Trước mắt chúng ta ghi nhận thiện chí của cả hai bên Việt-Trung về việc này. Thông thường về phía ngư dân Việt Nam thì luôn luôn gặp khó khăn từ phía các lực lượng Trung Quốc và là lực lượng xuất phát của họ. Với việc thiết lập đường dây nóng này thì cũng là cách để lập một kênh để Việt Nam chính thức phản hồi và nó nhanh hơn. Và có lẽ nó giúp cho việc minh bạch hóa khi người lãnh đạo Trung Quốc hay đổ thừa rằng, do các địa phương làm và họ không kiểm soát hết. Tôi cho rằng đây chỉ là một tín hiệu thôi chứ còn khẳng định là nó có hiệu quả hay không thì chắc chúng ta phải chờ đợi.”
Cùng về vấn đề này, trả lời Nam Nguyên vào tối 20/6, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã từ Saigon nhận định:
“Khi tôi tham dự Hội thảo Biển Đông ở Quảng Ngãi, các học giả trong đó có cả học giả nước ngoài đã đi thăm tàu đánh cá của ngư dân bị bắn cháy, tàu của ông Bùi Văn Phải. Với việc thiết lập đường dây nóng thì thực tế những sự kiện xảy ra có thể không đến nỗi nặng nề như vậy, khi mà mình có đường dây nóng. Làm được là một sự tích cực, nhưng việc chúng ta luôn luôn phải đối phó là nói một đàng làm một nẻo, thì cái đó quả thực là  thực tế sẽ có câu trả lời thôi.”
Trung Quốc công bố chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông Việt Nam mà họ gọi là Nam Hải, dựa theo một bản đồ công bố trong những năm 1940. Việt Nam cũng công bố những bằng chứng lịch sử cho thấy mình có chủ quyền rõ rệt trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn dĩ bị Trung Quốc dùng vũ lực lấn chiếm trong thập niên 1970 và 1980. Biển Đông Việt Nam là đường vận chuyển hàng hải quan trọng và khu vực có trữ lượng dầu mỏ rất phong phú. Ngoài Trung Quốc và Việt Nam còn một số quốc gia khác cũng công bố chủ quyền một số đảo và bãi đá trên vùng biển Trường Sa.
Tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây rất căng thẳng sau rất nhiều vụ phía Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá bắt giam ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc. Hoặc những vụ tàu lạ đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam hay vụ tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Quảng Ngãi hồi tháng 3 vừa qua. Đó chỉ là những vụ việc liên quan đến ngư dân ở lãnh vực dầu khí phía Trung Quốc từng vài lần phá hủy cáp thăm dò địa chất đáy biển của phía Petro Vietnam. Sự lộng hành nước lớn của Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân Việt Nam, với hàng chục cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra trong thời gian qua. Nhưng chính quyền Việt Nam đã thẳng tay đàn áp bắt giữ những người tham gia biểu tình, sự kiện này càng làm cho lòng dân nghi ngờ mất tin tưởng vào Nhà nước.
Một ngày trước khi lên đường viếng thăm Trung Quốc, Chủ tịch Trương Tấn Sang trả lời báo chí rằng “Việc giải quyết vấn đề Biển Đông là hết sức hệ trọng vì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến tâm tư tình cảm thiêng liêng của dân tộc, của người dân.”
Các chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc cùng chung quan điểm là, Chủ tịch Trương Tấn Sang qua chuyến đi của ông có thể cho thấy các nổ lực làm giảm căng thẳng, nhưng làm thế nào để vừa khẳng định bang giao hòa bình, nhận viện trợ Trung Quốc lại muốn bảo vệ ngư dân trên biển, giải quyết đa phương về vấn đề Biển Đông, ít nhất là từ phía nam quần đảo Hoàng Sa đến khu vực Trường Sa, đây thực sự là một câu hỏi rất khó trả lời.

Đường dây nóng trên biển Việt – Trung vận hành ra sao?

Đường dây nóng trên biển Việt – Trung vận hành ra sao?

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-06-22
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
images1220898_tau_trung_quoc_tong_tau_ca_viet_nam_305.jpg
Tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90917 bị tàu Trung Quốc đâm thủng hồi chiều ngày 20 tháng 5 năm 2013.
Courtesy TTO

Việt Nam và Trung Quốc vừa thỏa thuận thiết lập‘đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển’. Liệu cơ chế này sẽ làm giảm thiểu các vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu cá, bức hại ngư dân Việt Nam trên biển Đông hay không?

Có bảo vệ người bị hại?

Tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam thường xuyên bị phía Trung Quốc bắt giữ, tấn công, trấn lột trên vùng biển Hoàng Sa, dù quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam và bị Trung Quốc lấn chiếm năm 1974.
Căng thẳng trên Biển Đông xuất phát từ tham vọng đại dương của Trung Quốc và việc áp đặt đường chủ quyền 9 đoạn, gọi là đường lưỡi bò phủ trùm khắp Biển Đông, nơi Việt Nam và nhiều nước khác thực tế đã công bố chủ quyền.
Nhân chuyến công du Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 19/6 vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận thiết lập đường dây nóng để giải quyết những va chạm xảy ra trên Biển Đông mà phía bị hại luôn là tàu cá và ngư dân Việt Nam.
Theo nội dung được Trung Quốc Nhật báo China Daily phổ biến thì với cơ chế mới này, hai phía Việt Nam và Trung Quốc sẽ thông báo cho nhau trong vòng 48 giờ mọi hoạt động bắt giữ xử lý tàu cá và ngư dân của phía bên kia.  Cơ chế đường dây nóng trên biển này được giao cho Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đảm trách.
Thiết lập đường dây nóng tức là hai bên trao đổi với nhau, thí dụ có những vấn đề gì vướng mắc trên biển thì có thể trao đổi trực tiếp để giải quyết. Tôi nghĩ việc này theo hướng rất tích cực.
-Ô Phạm Anh Tuấn
Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng trưởng Tổng Cục Thủy sản nhận định rằng, một khi cơ chế đường dây nóng đã vận hành thì hy vọng sẽ giải quyết nhanh chóng những vụ phía Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam, mà trong nhiều trường hợp kéo dài hàng tháng. Ông nói:
“Thiết lập đường dây nóng tức là hai bên trao đổi với nhau, thí dụ có những vấn đề gì vướng mắc trên biển, hoặc là hỗ trợ cứu nạn ngư dân gặp vấn đề gì mà bên nào thuận lợi trong việc hỗ trợ thì có thể trao đổi trực tiếp với nhau để giải quyết. Tôi nghĩ việc này theo hướng rất tích cực.”

Tác dụng hạn chế

Do vị trí địa lý, các tàu đánh cá xuất xứ Quảng Ngãi thường hoạt động ở các ngư trường gần Hoàng Sa và phụ cận nên đã bị phía Trung Quốc làm hại nhiều nhất so với cả nước. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi, trong năm 2009 phía Trung Quốc đã bắt giữ 33 tàu và 433 ngư dân xuất bến từ Quảng Ngãi. Trong đó có 4 tàu và 48 ngư dân bị giam giữ ở đảo Phú Lâm, 6 tàu và 32 ngư dân phải nộp phạt từ 50 ngàn đến 70 ngàn nhân dân tệ tương đương từ 172 triệu tới 240 triệu đồng để được thả về. Số còn lại phía Trung Quốc tịch thu toàn bộ tài sản, phương tiện, hải sản, nhiên liệu rồi đuổi ra khỏi Hoàng Sa.
000_Hkg8715319-250
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trong buổi hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20 tháng 6 năm 2013. AFP PHOTO.
Những số liệu trong hơn 3 năm qua thì chưa được công bố, nhưng gần đây nhất vào ngày 20/5/2013 một tàu cá Quảng Ngãi đã bị tàu sắt có vũ trang  của Trung Quốc trong đội hình 16 tàu, cố ý đâm thẳng vào tàu làm vỡ đuôi tàu, đe dọa tính mạng của 15 ngư dân trên tàu. Vụ việc xảy ra ở vùng biển chủ quyền Việt Nam chỉ cách đất liền Quảng Ngãi 130 hải lý. Trước đó vào ngày 20/3 một tàu cá xuất xứ Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin, trong lúc hoạt động đánh bắt cá bình thường ở ngư trường Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân.
Được biết tàu cá Quảng Ngãi 96382 khi gặp tàu Trung Quốc đã tự tránh xa nhưng tàu Trung Quốc cố ý đeo bám rượt đuổi khoảng 40 phút và khi lại gần đã nổ sung bắn cháy cabin tàu Quảng Ngãi.
Chúng tôi xin trích lời ông Phạm Quang Thạnh, Thuyền trưởng Tàu Quảng Ngãi 96382 nói với Đài ACTD:
“Sau khi xoay tròn vài vòng bắt đầu em cắt hướng đi về hướng Đông ra khỏi vùng biên. Nhưng lúc đó nó đứng sát em nó dùng súng bắn thẳng vào tàu em. Lúc đó em đã chạy vào cabin, em nghe bốn tiếng nổ và phát hiện tàu em đã bị cháy ở cabin, nó bị bốc lửa và cháy. Lúc đó em hô tất cả anh em thuyền viên múc nước biển để cứu lửa. Lửa cháy gần bốn bình gas đang nằm ngay trên cabin, em sợ bốn bình ga này phát nổ thì trong tàu không ai sống sót nên em mạo hiểm tính mạng tới ngay cabin để dập tắt ngọn lửa.”
Tôi cho rằng đây chỉ là một tín hiệu thôi chứ còn khẳng định là nó có hiệu quả hay không thì chắc chúng ta phải chờ đợi.
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Theo nội dung về việc “Thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển’mà  báo China Daily đưa tin thì hai bên báo cho nhau trong vòng 48 giờ, những vụ bắt giữ xử lý tàu cá và ngư dân của phía bên kia.  Như thế đường dây nóng sẽ có tác dụng rất hạn chế, không ngăn ngừa được những vụ tấn công như trường hợp tàu Quảng Ngãi bị bắn cháy.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM nhận định:
“Trước mắt chúng ta ghi nhận thiện chí của cả hai bên Việt-Trung về việc này. Thông thường về phía ngư dân Việt Nam thì luôn luôn gặp khó khăn từ phía các lực lượng Trung Quốc và là lực lượng xuất phát của họ. Với việc thiết lập đường dây nóng này thì cũng là cách để lập một kênh để Việt Nam chính thức phản hồi và nó nhanh hơn. Và có lẽ nó giúp cho việc minh bạch hóa khi người lãnh đạo Trung Quốc hay đổ thừa rằng, do các địa phương làm và họ không kiểm soát hết. Tôi cho rằng đây chỉ là một tín hiệu thôi chứ còn khẳng định là nó có hiệu quả hay không thì chắc chúng ta phải chờ đợi.”
Sự phẫn nộ của người dân Việt Nam đã lên đến đỉnh điểm từ đó phát sinh hàng chục cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Bắc Kinh không những lấn chiếm Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam, lại còn gia tăng hành động tấn công, bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam hoặc cản trở hoạt động đánh bắt thủy sản vốn là kế mưu sinh của người dân các tỉnh ven biển Việt Nam.
Người Việt Nam luôn cảnh giác những viên thuốc bọc đường từ Trung Quốc. Bắc Kinh sẵn sàng chi một ít viện trợ cho Việt Nam trong bối cảnh cán cân thương mại hai bên mất quân bình nghiêm trọng, Việt Nam nhập siêu với trung quốc hàng chục tỷ USD mỗi năm. Việc thiết lập đường dây nóng về va chạm hoạt động nghề cá trên biển Đông cần phải chờ thời gian mới đánh giá được hiệu quả. Nhưng như cảnh báo của Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã ở Saigon, cần đề phòng chuyện ‘nói một đàng làm một nẻo’.