Việt - Trung hy vọng cải thiện quan hệ
Cập nhật: 10:39 GMT - thứ sáu, 21 tháng 6, 2013
Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang phản ánh mong muốn cải thiện quan hệ gần gũi, nhưng phức tạp và thường dễ căng thẳng giữa hai nước, theo các nhà quan sát.
Tuyên bố chung đưa ra sau chuyến thăm nói hai nước tiếp tục kiên trì phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Chủ đề liên quan
Đón tiếp trọng thị
Báo Straits Times, Singapore, ghi nhận phía Trung Quốc đón tiếp Chủ tịch Sang với thái độ trọng thị qua nghi thức bắn 21 phát đại bác chào mừng, và dàn thiếu nhi hân hoan vẫy cờ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với ông Sang: “Trung Quốc coi trọng cao độ chuyến thăm của đồng chí, tin tưởng rằng chuyến thăm lần này sẽ tiếp thêm sức sống mới cho quan hệ Trung-Việt."
“Lễ nghi long trọng cho thấy ông Tập [Cận Bình] tán thành quan hệ nồng ấm hơn,” theo lời phân tích gia ở Singapore, Euan Graham.
Ông này cho rằng chuyến thăm lần đầu tiên của một lãnh đạo Việt Nam từ khi ông Tập lên chức Chủ tịch nước hồi tháng Ba cũng phản ánh nỗ lực hai phía muốn “cách ly những điểm căng thẳng”.
Đặc biệt trong những điểm căng thẳng này là vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Các vụ việc như tàu Trung Quốc bắn vào ngư dân Việt Nam, mà gần đây nhất xảy ra hồi tháng Năm, đã khích động các cuộc biểu tình tại Việt Nam.
Mới đây, kế hoạch du đấu của một đội bóng Anh, Arsenal, cũng gặp rắc rối khi Việt Nam yêu cầu phải đưa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào một clip quảng cáo.
Việt Nam còn làm Trung Quốc lo ngại khi nhích lại gần hơn với các nước như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Chuyên gia Việt Nam Carl Thayer nói: “Bắc Kinh nghi ngờ Việt Nam khuyến khích Mỹ làm thế cân bằng với Trung Quốc.”
“Việt Nam luôn nghi ngờ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam và những hành động của Trung Quốc thách thức đòi hỏi của Việt Nam trên Biển Đông.”
Cải thiện niềm tin
Vì vậy, cả hai nước muốn dùng chuyến thăm của ông Sang để cải thiện “niềm tin chiến lược” vốn ở mức thấp, theo nhà nghiên cứu Zhang Mingliang ở Đại học Tế Nam.
Nhưng giới phân tích nói hai nước làm thế vì những nguyên do khác nhau.
Việt Nam muốn có lợi ích kinh tế từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong khi kinh tế nội địa đang gặp khó khăn.
Tại Bắc Kinh, ông Trương Tấn Sang đã đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc.
Tuyên bố chung của hai bên nói “cố gắng hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỉ đôla Mỹ”.
Trung Quốc lại nhắm đến chủ yếu là lợi ích chính trị, theo lời Tiến sĩ Xu Liping ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
“Trung Quốc muốn chứng tỏ phương cách Việt – Trung giải quyết tranh chấp Nam Hải cũng là mô hình cho các nước khác,” ông nói.
"Trung Quốc muốn chứng tỏ phương cách Việt – Trung giải quyết tranh chấp Nam Hải cũng là mô hình cho các nước khác."
Tiến sĩ Xu Liping
Chủ tịch Tập Cận Bình nói với ông Sang rằng hai nước “cần phải kiên trì thúc đẩy đàm phán và hiệp thương hữu nghị song phương, không áp dụng bất cứ hành động nào có thể làm phức tạp và mở rộng tranh chấp”.
Ông Tập nói phải “đề phòng quốc tế hoá vấn đề Nam Hải”.
Cũng theo báo chí Trung Quốc, ông Tập nhấn mạnh hai nước phải “ xử lý thoả đáng bất đồng, không để con tàu quan hệ Trung-Việt đi chệch quỹ đạo đúng đắn”.
Đón tiếp ông Sang, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhắc lại "Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn có thể đưa những điểm chung và điểm bất đồng lên bàn đàm phán, tránh đơn phương áp dụng hành động làm leo thang và quốc tế hoá vấn đề Nam Hải".
Hôm 21/6, khi chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Sang kết thúc, tờ báo Trung Quốc Hoàn cầu Thời báo nhận định Việt Nam, Philippines và Nhật Bản là các nước có tranh chấp biển với Bắc Kinh.
“Nhưng Việt Nam có nền tảng chính trị vững chắc nhất cho đàm phán.”
“Nếu Trung Quốc và Việt Nam có thể kiềm chế tranh chấp ở mức độ kiểm soát được, thì chắc chắn sẽ có giải pháp hòa bình.”
Tờ này nhận định Việt Nam “sẽ không bao giờ thực sự trở nên quân cờ của Mỹ”.
“Khác với Philippines, thực thi đối đầu ngoại giao hoàn toàn với Trung Quốc, Việt Nam đang duy trì lập trường phát triển quan hệ thân thiện với Trung Quốc.”
Tờ này kết luận: “Trung Quốc cần tỉnh táo, kết hợp sức mạnh quốc gia và khôn ngoan ngoại giao để đánh thức Việt Nam.”
“Khi đó Trung Quốc sẽ có lợi thế ở Nam Hải và trong trò chơi của các đại cường," tờ báo Trung Quốc nói.
No comments:
Post a Comment