Người phi công từng trải với đôi vai rộng say sưa nói về SU35, kiểu máy bay được ra mắt vào năm 2008 mà ông là phi công đầu tiên điều khiển. Vị cựu đại tá Không quân Nga kể lại: “Tôi làm việc với SU35 ngay từ đầu. Ngay từ những bản vẽ đầu tiên, tôi đã hợp tác với các kỹ sư của nhóm bay, với tư cách phi công đầu tiên bay thử nghiệm. Và như vậy tôi theo sự hình thành chiếc máy bay, và đã là người đầu tiên điều khiển vào ngày 19/02/2008, cũng như ba kiểu máy bay sau đó”.
Chiếc SU35 với mũi chúc về đằng trước, đôi cánh như xếp lại với hai bánh lái, có dáng thon nhưng đồ sộ, đặc thù của các chiến đấu cơ Nga. Hai động cơ phản lực siêu mạnh và tính năng động trên không đã giúp chiếc SU35 tung hoành trên bầu trời Paris, dưới cặp mắt thán phục của công chúng tham dự hội chợ.
Chiếc phi cơ tiêm kích hiện đại này được giới thiệu tại Bourget thuộc thế hệ 4++, mã số NATO là +Flanker Plus+, là một chiến đấu cơ đa năng nặng 17 tấn, có thể bay với vận tốc 2.500 km/giờ ở tầm cao và 1.400 km/giờ ở tầm thấp, với mức trần là 18.000 mét. Tốc độ cất cánh là 18.000 m/phút, bán kính hoạt động 3.500 km và có thể trải rộng ra 6.500 km nếu được tiếp liệu trên không.
SU35 còn là một công cụ chiến đấu đáng nể với số vũ khí trang bị bên trong, và năng lực vận tải quân sự lên đến 8 tấn cho 14 điểm vận chuyển. Hiện nay loại máy bay này chỉ mới được đơn vị tiêm kích Nga sử dụng. Không quân Nga đã đặt hàng 48 chiếc, và đã được chào hàng cho nhiều nước trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Mỗi lần SU35 bay biểu diễn đều là những giây phút độc đáo. Trong lần trình diễn đầu tiên trước quốc tế tại hội chợ Bourget, phi công lão luyện Serguei Bogdan đã thực hiện các xen nhào lộn đầy kịch tính, trong tiếng động đinh tai.
Ngay từ khi cất cánh, ông đã cho bay lên gần như thẳng đứng trước khi cho máy bay lộn nhiều vòng, đâm ngang dọc và bổ nhào trước cái nhìn sững sờ của khán giả. Cao điểm của màn trình diễn này là lúc người phi công cho máy bay đứng sững lại như bất động trên bầu trời, trước khi bay tiếp dưới sức đẩy của các động cơ phản lực. Rồi ông thả rơi phi cơ như một chiếc lá rụng, chiếc máy bay tự xoay quanh mình trước khi cất lên làm những vòng nhào lộn khác.
Serguei Bogdan cho biết, các thủ thuật trên không tiêu biểu cho những gì người ta chờ đợi nơi một máy bay tiêm kích, nhưng cho thấy khả năng xoay sở của phi cơtrong lúc đang bay. Ông giải thích: “Điều quan trọng trong màn biểu diễn này là nó chứng tỏ sự an toàn và ổn định của chiếc chiến đấu cơ. Bay ở tầm thấp để công chúng nhìn rõ được những màn trình diễn, nhưng cũng giúp các chuyên gia ước lượng được các khả năng của phi cơ, các phản ứng của nó trước các thủ thuật nhào lộn được áp đặt”.
Người phi công 51 tuổi, đã có 4.900 giờ bay trên 55 loại phi cơ khác nhau nhấn mạnh: “Điều này cũng rất quan trọng đối với phi công vì chiếc SU35 lấy lại tốc độ cũ rất nhanh, và góc tấn công của nó rất ổn định, dễ điều khiển cho dù đang ở trong tình thế nào. Đây là ưu điểm chủ yếu của chiến đấu cơ này”. Ông nói thêm: “Nhưng SU35 còn có các ưu điểm khác nữa, vì một chiếc máy bay cũng giống như một đứa trẻ, mà người ta giúp nó phát hiện ra các năng lực của mình khi cầm lấy tay, dẫn dắt đứa bé”.
No comments:
Post a Comment